Tiền vệ Đức Dương: “Trái tim” của đội bóng thành Nam

Ngay trên sân Thiên Trường, cởi bỏ chiếc áo đấu số 23 đẫm mồ hôi, lau khuôn mặt đen nhẻm vì nắng gió tập luyện và thi đấu, Đức Dương nở nụ cười thật tươi khi HLV Nguyễn Thế Cường cùng ông Đỗ Thanh Xuân và Nguyễn Hưng Thái tiến đến bắt tay và ôm chặt anh. Chiến thắng 2-0 của GM.M.NĐ được ghi bằng 2 pha dứt điểm, chân trái và chân phải của Đức Dương.

 

Đức Dương (trái) chơi xuất sắc trong trận Nam Định gặp CLB TP.HCM – Ảnh: M.H

Từ sau trận thua 2-3 định mệnh trước QK4, Dương bị tái phát đau đầu gối. Đi khám, bác sĩ xác định “đứt dây chằng chéo phải mổ ngay, nếu muốn cứu vãn sự nghiệp”. Lúc đó, BHL và lãnh đạo CLB đồng ý ngay với phương án đưa Đức Dương sang phẫu thuật tại Thái Lan. Nhưng ca phẫu thuật cuối cùng lại được tiến hành thành công ở trong nước. Người xấu miệng “chốt”: “Thằng đó không được đi Thái Lan mổ vì cuối năm nay hết hạn hợp đồng rồi, dại gì Nam Định bỏ tiền cho một đứa không còn giá trị sử dụng”.

 

Cùng thời điểm Dương vắng mặt trên sân cỏ, GM.M.NĐ “trượt dốc không phanh”. Đỉnh điểm là trận thua 1-5 ngay trên sân Thiên Trường trước HA.GL, dẫn tới sự ra đi của HLV Nguyễn Ngọc Hảo. Cường “cổ” lên thay thế. Vị HLV rất được lòng các cầu thủ này hiểu rõ ý nghĩa và vai trò của Dương đối với đội bóng, nên luôn dành cho số 23 những lời “động viên có cánh”. Đáp lại ân tình ấy, nửa cuối của lượt về, Đức Dương tái xuất sân cỏ, và lập tức thể hiện khả năng điều phối nhịp độ trận đấu cho đội bóng, san sẻ gánh nặng tổ chức trận đấu cho Trọng Lộc. “Không có Dương, đúng là đội bóng “chết nửa người”.

 

Mấy trận gần đây, cậu ấy trở lại, hàng tiền vệ của Nam Định chơi khởi sắc hơn hẳn”, GĐĐH Nguyễn Hưng Thái hớn hở nói. Trong khi đó, HLV Nguyễn Thế Cường khẳng định: “Ngay cả khi Amaobi không bị chấn thương, đủ thể lực thi đấu, chúng tôi vẫn bố trí Đức Dương đá ngay từ đầu trên hàng công chứ không phải ở hàng tiền vệ. Bởi Dương có khả năng chơi đa năng, vừa có thể tổ chức trận đấu, vừa dứt điểm tốt”.

 

“Phong độ của tôi vẫn thế, trước cũng như sau khi chấn thương. Thực ra, rất dễ khi chơi trong đội bóng này, bởi chúng tôi (Trọng Lộc, Xuân Phú, Ngọc Lung) đã chơi cùng nhau rất nhiều năm, nên có thể hiểu từng bước chạy hay hướng di chuyển”, Đức Dương nói khi được hỏi về cảm giác sau khi ghi 2 bàn thắng cho đội bóng quê nhà.

 

Trung vệ Đại Đồng

Nhà nghèo, nghiệp cầu thủ từng gặp nhiều trắc trở, Đồng chỉ mong muốn có một sự nghiệp bình yên…

 

Mấy ai “khổ” như Đồng

Nói chuyện đá bóng thuở cơ hàn của Đồng, ai biết anh cũng thấy tội nghiệp. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo ở Quảng Xương (Thanh Hoá), tài năng của Đồng sớm được phát lộ, khi cậu bé “sáng tập bóng, chiều về chăn trâu” liên tục góp mặt trong đội hình các lứa năng khiếu của Thanh Hóa.

 

Nhà nghèo, mọi sinh hoạt của Đồng trong thời kì ăn, tập ở các đội trẻ anh đều phải tự lo liệu. Mức trợ cấp ít ỏi dành cho một cầu thủ trẻ, Đồng cũng chỉ dám chi tiêu dè sẻn để nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp sau này. Lên tập trung đội U17, vì thương Đồng, HLV Lê Đình Chính rất tận tình bồi dưỡng thêm. Đồng ngày càng tiến bộ. Sự nghiệp của chàng cầu thủ “bước xuống từ lưng trâu” tưởng cứ thế sẽ bằng phẳng phát triển. Nhưng rồi, một chấn thương nặng đã khiến chàng hậu vệ trẻ bị loại khỏi đội tuyển U17. Đồng dằn lòng trở về nhà dưỡng thương.

 

Một năm “bó gối” ngồi nhà, Đồng thậm chí không được tiếp tục tập luyện cùng đội trẻ Thanh Hóa. Cả tương lai gần như đóng sập. Những thông tin về chàng hậu vệ triển vọng của bóng đá VN, cùng lứa với những Thanh Bình, Tiến Thành… tưởng chừng sẽ sớm trôi vào quên lãng. Nhưng từ sâu thẳm trong tâm tưởng, khát vọng trở lại cùng bóng đá vẫn nung nấu “ngay cả trong những giấc mơ”. Đồng lại quyết tâm, một mình lẳng lặng “nhảy tàu” vào TP HCM tìm đường lập nghiệp.

 

Chỉ có vài trăm ngàn đồng trong túi, những ngày đầu ở TP HCM vô cùng gian khổ. Lang thang mãi, Đồng được một vài người bạn khuyên “thôi bỏ bóng đá đi làm việc khác”. Đồng quyết không nghe, bởi nếu thế, anh đã không mạo hiểm bỏ quê vào tận thành phố xa xôi này. Vậy là lại “chạy tìm cửa”, may sao, vẫn còn nhớ được số điện thoại của thầy Lê Đình Chính. Đồng được giới thiệu vào Trung tâm Thành Long và tập luyện. Nỗ lực vượt bậc thể hiện mình, Đại Đồng bắt đầu được chú ý sau VCK U21 năm 2004, trước khi chính thức cụ thể hóa giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, với bản hợp đồng chuyển nhượng về TMN.CSG thi đấu.

Đại Đồng (nằm) vẫn đang nỗ lực hết mình để giữ vị trí chính thức trong đội hình T&T Hà Nội. Ảnh: Minh Hoàng

Hành trình lận đận

Mùa giải 2007 (ở tuổi 19), Đại Đồng được coi là một trong vài trung vệ trẻ triển vọng của bóng đá VN. Anh được HLV Riedl quan tâm, gọi lên tập trung đội tuyển Olympic vài lần. Nhưng rồi, khúc mắc giữa anh và CLB lại bùng nổ.

 

Ở TMN.CSG, Đại Đồng là cầu thủ có nhiều đóng góp, liên tục đá chính. Tuy nhiên, mức lương anh đều đặn lĩnh chỉ tròm trèm 5 triệu đồng/tháng. Đồng thích sự sòng phẳng nên đã vài lần đề nghị tăng lương nhưng không thành. Quan hệ giữa anh và lãnh đạo đội ngày một trở nên căng thẳng. Bước vào V-League 2008, Đồng lại bị “bắn” lên ghế dự bị.

 

Chàng trung vệ trẻ quyết định phải ra đi. Anh vẫn mang ơn TMN.CSG, nơi đã cho anh cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng anh vẫn thấy đau, khi chia tay: “Chẳng thấy lãnh đạo đội đến động viên một tiếng. Lương cũng không được tính đủ, dù ngày tôi lên đường ra T&T Hà Nội chỉ còn một tuần nữa là hết tháng”.

 

Gạt sang một bên những ẩn ức trong lòng, Đại Đồng ra Thủ đô và nhanh chóng chiếm vị trí chính thức ở trung tâm hàng thủ bên cạnh đàn anh Như Thuần. Anh góp công lớn giúp đội nhà lập chiến công lịch sử 3 mùa thăng 3 hạng. Lương của Đại Đồng, cũng tăng gấp 3 so với thời thi đấu cho TMN.CSG (15 triệu đồng/tháng). Khoản tiền lớn này, Đồng giữ chi tiêu một phần. Nhưng phần lớn, anh dành ra gửi về cho mẹ để trang trải việc nhà cửa.

 

Khát vọng… bình yên

Hợp đồng giữa Đại Đồng và T&T Hà Nội còn thời hạn đến hết mùa giải 2011. Cùng đại diện bóng đá Thủ đô, Đồng cũng gặp nhiều thời khắc khó khăn. Quãng thời gian đầu mùa giải 2009, Đồng chấn thương và sa sút phong độ. Đã  thế, lại đánh bạn cùng băng ghế dự bị. Một vài CLB lại đánh tiếng muốn chuyển nhượng Đại Đồng. Đây đó, cũng xuất hiện thông tin T&T Hà Nội có thể đẩy trung vệ này ra đi, dưới dạng cho mượn.

 

May mắn, sự nghiệp của Đại Đồng đã không bị rẽ ngang theo “dấu lặng buồn” một lần nữa. Biến cố lớn ở T&T Hà Nội, khi bầu Hiển sa thải HLV Triệu Quang Hà, bỗng dưng lại trở thành “bước ngoặt” cứu vãn sự nghiệp xuống dốc của Đại Đồng. Hữu Thắng đến tiếp quản T&T Hà Nội. Đồng “đen” lập tức được tạo cơ hội và anh đã nỗ lực hết mình để nắm bắt cơ hội ấy.

 

8 vòng đấu đã qua của lượt về V-League 2008, T&T Hà Nội thắng 6, hòa 1 và chỉ thua duy nhất 1 trận. Hàng công của đội được ca ngợi rất nhiều. Nhưng khi được hỏi, HLV Hữu Thắng vẫn khẳng định: “Tuyến phòng ngự chính là sức bật lớn của T&T Hà Nội”. Trong đó, Đại Đồng luôn là nhân tố được xếp đá chính, chơi ổn định.

 

Đại Đồng bảo: “Tôi chỉ mong những ngày tháng đẹp đẽ này kéo dài mãi. T&T Hà Nội giành kết quả tốt, tôi được đá chính, làm công việc thầm lặng của một trung vệ, cống hiến sức mình cho thành công toàn đội”. Hỏi “Có mơ trở lại đội tuyển không?”, Đồng chỉ cười. Khát khao được khoác lên mình tấm áo ĐTVN cầu thủ nào chẳng muốn. Nhưng với Đại Đồng, khát vọng duy trì một sự nghiệp yên bình (sau quá nhiều biến cố trải qua) cũng là mục tiêu thật không dễ chút nào.

 

Phan Văn Giàu – Người “cận vệ già” ở đất Long An

Phàm là cầu thủ thì ở cái tuổi 34, người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sổ hưu. Vậy mà ở đất Tân An có một “cận vệ già” đang thách thức thời gian, lẫn tuổi tác… Anh là Phan Văn Giàu.

Đi lên từ bóng đá “ruộng”

Âu cũng là duyên số, lúc cậu em Tài Em bước chân vào ăn ở tập trung ở lò năng khiếu tỉnh thì ông anh còn quần ống cao, ống thấp, mải mê quần thảo với đám bạn trên những mảnh ruộng khô. Nói không quá, lúc ấy, trong đầu của Giàu chưa bao giờ lóe lên ý nghĩ theo nghiệp bóng banh, đơn giản cứ nhìn Giàu tiếp quả bóng chẳng khác gì một anh lực điền chơi bóng

Nhưng ở đất Long An những năm đầu 80, cứ chơi, mê và biết đá bóng là có thể được những tuyển trạch viên nhòm ngó. Phan Văn Giàu cũng được liệt vào dạng “ngọc thô”: Năm 1983, anh làm cú “tam cấp” từ cầu thủ cấp xã, huyện, rồi nhảy lên tỉnh ở lứa U19.

Phan Văn Giàu chỉ bắt đầu mới bộc lộ tiềm năng khi được ông thầy Klaus Efbighausen (CHLB Đức), lúc đấy dẫn đắt đội trẻ đồng bằng sông Cửu Long, huấn luyện. 2 năm thăng tiến không ngừng, ở độ tuổi 21, Phan Văn Giàu được bốc lên đội 1 chơi VCK giải hạng Nhì tại Hà Tĩnh (1996). Còn nhớ như in cảnh Giàu đã khóc như một đứa trẻ ở buổi chiều mưa nặng hạt biến sân Hà Tĩnh thành ruộng. Trong trận bán kết hôm ấy, Long An đã vượt lên dẫn 2- 0. Song sau 2 quả đá phạt góc bằng má ngoài thành bàn “kinh điển” của Văn Sỹ (người đang dẫn dắt V.Ninh Bình hiện tại), phải đợi đến phút chót đội của Giàu mới thắng lại được 3-2.

 

Văn Giàu thực sự là 1 biểu tượng sống tại ĐT.LA.

 
Sớm vào nghề, nhưng Văn Giàu vẫn bị chê là người yếu kém về kỹ thuật chơi bóng, thậm chí có người gọi anh là đá như “cầu thủ huyện”. Chính vì thế mà anh lao luyện tập, tập chính rồi tập thêm, cần cù như một cậu bé ngày 2 buổi cắp sách tới trường. Phan Văn Giàu bảo: “Mình đá bóng từ ruộng lên, lại không được trời phú cho tố chất gì đặc biệt; muốn ăn lương chuyên nghiệp thì chỉ còn cách là chăm chỉ trên sân tập để bù lại khiếm khuyết… ” .

Khoảng thời gian mà Phan Văn Giàu cảm thấy mình hoàn thiện nhất là lúc ông Calisto nắm ĐT.LA. “Lúc thầy “Tô” ở Long An, tôi thường xuyên nán lại để tập thêm, được thầy chỉ cho nhiều chiêu, nhiều kĩ năng cơ bản, tôi thấy mình hoàn thiện kỹ thuật, tự tin và bản lĩnh hẳn. Nói chung, trong khoảng thời gian này tôi không ngán tiền đạo nào, dù là Tây cũng như ta …” Giàu tự tin nói.

Người Mohican cuối cùng

Thế hệ “vỡ hoang” cho bóng đá Long An, giờ chỉ còn lại một mình Phan Văn Giàu là trụ vững. 13 năm theo nghiệp quần đùi áo số, Giàu có trong tay bộ sưu tập mơ ước: 2 chức vô địch năm 2005 và 2006 và 3 danh hiệu á quân (2003, 2007, 2008). Điều đáng tự hào nhất với Giàu đó là trong những năm tháng còn gắn bó với đất Long An, dù trong đội hình này có đầy rẫy những ngôi sao, nhưng Giàu vẫn được ông thầy người Bồ đặt trọn niềm tin trao cho chiếc băng đội trưởng. Văn Giàu không phải là mẫu trung vệ quá to cao (anh chỉ cao 1m73), nhưng khả năng cần cù, đeo bám phán đoán tình huống thì anh không thua kém bất kỳ trung vệ nội nào ở V-League.

Thoáng chốc đã bước qua tuổi 34, cái tuổi người ta nghĩ đến chuyện làm sổ hưu. Vậy mà Văn Giàu ra sân và lao vào tập như ở tuổi đôi mươi. Mùa này số lần ra sân của anh đã thưa dần, vì “cái tuổi nó đuổi xuân đi” và những chấn thương hành hạ không dứt. Ở lượt đấu vừa qua “Gạch” đè bẹp Thanh Hoá 5-1. Văn Giàu là một trong số những “kép chính” và chứng tỏ được vai trò thủ lĩnh của mình.

Khổ luyện trên sân, sống cần mẫn và ít để lại thị phi ngoài đời, Phan Văn Giàu còn là một người cầu tiến, là số ít cầu thủ chuyên nghiệp còn ngang dọc trên sàn diễn V-League mà đang có trong tay 2 tấm bằng HLV C và B do AFC cấp.

Và hình như người “Mohican cuối cùng” vẫn chưa thấy chồn chân mỏi gối ở tuổi “tam thập tứ”. Văn Giàu như đang thách thức cả thời gian, lẫn tuổi tác để trở thành một biểu tượng ở đất Tân An; cũng giống như những “cận vệ già” Costacurta hay Paolo Maldini trọn đời với thành Milan…

“Kèo” trái Đặng Ngọc Tùng

Cho dù mới thất bại trước Thể Công nhưng nếu nhìn lại từ đầu giai đoạn 2 đến nay thì CLB TP.HCM đã có những khởi sắc. Những điểm số mà CLB TP.HCM có được trong những trận đấu gần đây trước SHB.Đà Nẵng, SLNA và B.Bình Dương đã thổi bùng lên hi vọng trụ hạng cho CLB TP.HCM khi còn trong tay một trận chưa đấu. Trong những thành quả đó, người ta thấy dấu ấn đậm nét của những Mario, Jackson, John Wole, Ngũ Chí Thắng nhưng có một sự đóng góp rất thầm lặng đó là Đặng Ngọc Tùng, khi tiền vệ này đã có 5 đường kiến tạo thành bàn trong số 9 bàn thắng mà TP.HCM ghi được trong 5 trận vừa qua.

 

Cầu thủ Đặng Ngọc Tùng – số 11

Đến mảnh đất Định Quán, Đồng Nai, nơi có những hòn đá tảng chồng lên nhau mà thiên nhiên đã khéo sắp đặt đến kỳ lạ, hỏi cầu thủ Đặng Ngọc Tùng thì ai cũng biết. Sinh năm 1989, là con thứ 4 trong một gia đình có 5 anh em, ai cũng đá bóng rất khéo nhưng riêng Ngọc Tùng là thành danh với nghiệp cầu thủ.

 

Hai lần đến với mảnh đất quê Tùng cho những trận đá phủi, người viết đã bắt gặp những cầu thủ chơi bóng rất hay, chân trái rất quái, trên người khoác chiếc áo đấu của Tùng, cứ ngỡ là Ngọc Tùng của CLB TP.HCM nhưng không, hỏi ra đó là những người anh và em của Tùng.

 

Con đường đến với bóng đá đỉnh cao của Tùng cũng gặp rất nhiều chông gai, trắc trở. Năm 17 tuổi, Ngọc Tùng lọt vào mắt những nhà tuyển trạch của U.18 Đồng Nai. Tùng mừng lắm, khăn gói lên tỉnh, được một thời gian thì Tùng bị ”dính phốt” và bị các thầy loại vì “dám rủ rê và dẫn những đàn em lứa U tuyến dưới đi chơi đêm”.

 

Ngỡ rằng giấc mơ của đời cầu thủ Đặng Ngọc Tùng đã tan vỡ cho đến khi Tùng đến TT Thành Long để thử vận và trúng tuyển vào lứa U.20 của HLV Trần Công Minh. Với cái dáng gầy nhom, không mạnh về thể lực và tốc độ nhưng bù lại Tùng có cái que trái rất khéo, quái và lối chơi bóng kỹ thuật, thông minh. Rồi sau đó lứa trẻ của Thành Long này giải tán, cùng với Kim Long, Dương Văn Tiến, Tùng được may mắn về TMN.CSG lúc Đặng Trần Chỉnh còn làm HLV trưởng. Nhưng những phẩm chất của Ngọc Tùng được phát huy từ khi HLV Lư Đình Tuấn lên nắm đội, từng nổi tiếng cũng ở vị trí tiền vệ cánh trái này nên thầy Tuấn “nhím” đã truyền đạt cho Tùng rất nhiều từ cách che chắn, xoay xở đến cách vượt qua đối thủ, cùng những cú đá phạt, những cú tạt bóng với quỹ đạo bay khó chịu, tất cả đều xuất phát từ cái “kèo” trái đã làm nên thương hiệu Ngọc Tùng hôm nay.

 

Bóng đá và gia đình là những gì quý giá mà Tùng đang có hôm nay. Mỗi trận Tùng thi đấu, gia đình anh tận Định Quán, Đồng Nai thường thuê 1 xe 15 chỗ lên TP.HCM xem. Đó thật sự là một niềm động viên an ủi, cổ vũ lớn lao cho Tùng. Trận TP.HCM thắng QK4 1-0, Tùng kể: “Tan trận em ra gặp mẹ và anh, vừa ra mẹ liền đưa điện thoại cho em và nói “ba mày chửi mày nè, nghe đi!” vì số là những phút cuối trận đó Tùng có những cơ hội ngon ăn nhưng đều bỏ lỡ”.

 

Đã là trụ cột của đội bóng thành phố mang tên Bác trong 2 năm qua, vị trí tiền vệ trái là suất ưu tiên số 1 cho Ngọc Tùng. Trẻ tuổi, tài năng, lành tính, ham học hỏi và cầu tiến, Đặng Ngọc Tùng đã, đang và sẽ là niềm hi vọng của bóng đá TP.HCM và BĐVN. Một cơ hội cho Tùng ở đấu trường SEA Games sắp tới cũng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của anh.

Phong Hòa và bản năng được đánh thức

Hữu Thắng bị chấn thương, Công Minh không đạt phong độ cao. Lima ít được ra sân vì quy định giới hạn số ngoại binh. HLV Mai Đức Chung buộc phải nghĩ đến những giải pháp mới.

 

Đầu tiên ông tiến hành thử nghiệm Vũ Phong ở vị trí tiền vệ trung tâm. Tuy nhiên, thử nghiệm bất thành bởi Phong chơi không hay bằng khi đá ở cánh. Trong trận gặp Kedah, vị trí tiền vệ trung tâm còn được trao cho Chí Công.

Cầu thủ Châu Phong Hòa – Ảnh: CTV

 

Tuy nhiên, dường như thử nghiệm thứ ba của HLV Mai Đức Chung là hậu vệ Châu Phong Hòa là một quyết định hợp lý nhất trong 2 trận gần đây. Trận gặp TPHCM, chính Phong Hòa là người chuyền bóng cho Anh Đức ghi bàn thứ hai cho B.BD.

 

Ở trận đấu gặp ĐT.LA, Phong Hòa đã chơi trọn vẹn cả trận trong vai trò tiền vệ trung tâm cùng Trường Giang. Anh đã có ít nhất 3 đường chuyền thể hiện nhãn quan chiến thuật rất tốt cho các tiền đạo. Thể hình, sức mạnh, tranh chấp của Phong Hòa tốt hơn Vũ Phong nên anh cũng tạo sự an tâm hơn khi đá ở vị trí này.

 

Ngoài ra cũng phải nói đến việc Phong Hòa không bị lạ lẫm khi chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Cầu thủ gốc Đồng Tháp từng chơi tiền đạo, tiền vệ tấn công trong suốt một thời gian dài trước khi được kéo về đá hậu vệ trái. Sự đa năng của Hòa là điều mà nhiều HLV phải tính đến. Việc bố trí Phong Hòa chơi tiền vệ trung tâm đã đánh thức bản năng chơi tấn công mà cầu thủ này đã từng có suốt một thời gian dài trước đây.

Vũ Phong: “Người không phổi”

Đoạt được bóng từ ngoài vòng 16m50 của đội nhà, Vũ Phong bắt đầu mở tốc độ như 1 VĐV cự ly 100m, hướng thẳng về phía khung thành đối phương. Và chỉ sau 15 giây, trái bóng đã nằm gọn trong lưới của Khoa Điển, sau khi tiền vệ đeo áo số 6 của B.Bình Dương loại nốt 2 chốt chặn cuối cùng, để rồi tung cước.

 

Phong không có tốc độ xuất phát nhanh như đồng đội Công Vinh trên tuyển hay Elenildo trong màu áo XM.HP, nhưng kỹ năng tăng tốc ở những mét cuối thì gần như vô đối. Cảm giác như khi ấy, Phong luôn chỉ chạy nhón bằng 10 đầu ngón chân, với thân hình như muốn đổ rạp về đằng trước, bằng với góc 60 độ.

 

Cần nhớ rằng, tốc độ với bóng hoàn toàn khác với tốc độ của 1 VĐV điền kinh thông thường. Nó đòi hỏi cầu thủ phải có bộ khung (lườn) cực dẻo để giữ thăng bằng, đôi chân thoăn thoắt, ma thuật và khéo léo như 10 đầu ngón tay của 1 nhân viên đánh văn bản để kiểm soát bóng. Những kỹ năng ấy, cộng thêm sức mạnh để chiến thắng trong những tình huống mặt đối mặt, giúp Vũ Phong trở thành một trong những cầu thủ chạy cánh hay nhất V-League, cũng như trên bình diện ĐTQG.

 

Cú bay người lái bóng bằng đầu, mở tỷ số trong trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 ở Rajamangala, của Vũ Phong, cũng cần phải có cái lườn và cái cổ rất dẻo. Trong làng bóng đá Việt Nam, không có nhiều cầu thủ làm được như thế. Đó là điều chắc chắn.

Vũ Phong (6), điểm sáng hiếm hoi mùa này của Bình Dương. Ảnh: V.V

Chiều qua, trên sân Gò Đậu, Vũ Phong đã khiến tất cả phải ngạc nhiên, với màn solo tuyệt vời và 1 bàn thắng thuộc hàng đẹp nhất trong lịch sử V-League đã ra đời. Từ khâu mở đầu, đến đoạn kết thúc, đều hoàn hảo! Vũ Phong đã biến Trung Tuấn, Ngọc Bảo và thêm cả thủ thành Khoa Điển trở nên thừa thãi. Có lẽ, sự xuất hiện của những cái tên vừa nhắc, chỉ làm tôn tạo vẻ đẹp cho bàn thắng của Phong. Trước đó vài ngày, trận đấu ở Hải Phòng, 3 cú phạt góc của Phong, cũng là 3 đường chuyền quyết định đem lại chiến thắng áp đảo 3 – 0 cho nhà vô địch Việt Nam. Thật kỳ diệu!

 

Phải thừa nhận rằng, xem Phong chơi bóng rất thích. Khi xuất phát ở hành lang cánh, Vũ Phong dễ dàng loại bỏ một vài cầu thủ đối phương, như lấy đồ trong túi. Hạn chế lớn nhất của Vũ Phong, theo cái nhìn chủ quan của HLV Lê Thụy Hải, đó là độ chuẩn xác trong những đường tạt cánh. Nhưng bù lại, Phong sở hữu cái chân phải rất ngoan, để bất cứ lúc nào cũng có thể quăng mu hay xiết lòng, khiến thủ thành đối phương phải đứng như trời trồng, nhìn bóng bay vào lưới.

 

Bàn thắng vào lưới Malaysia ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2008 là một minh chứng. Có bóng chếch về phía trái theo hướng tấn công, Phong bất ngờ ngoặt vào trong và găm thẳng trái bóng vào góc gần. Và ở pha làm bàn thứ 2, ấn định chiến thắng 3 – 2 cho ĐTVN, dù có sự giúp sức ít nhiều của may mắn, thì cũng không phủ nhận cú sút đầy uy lực của Vũ Phong, từ khoảng cách phải đến hơn 75m. Nếu chỉ có một cái cổ chân yếu, trụ không vững trong điều kiện trời mưa sân trơn, thì việc bấm quả bóng dài 30m, cũng là quá khó rồi!

 

Vũ Phong ở mùa này, được xem như biểu tượng chiến đấu hiếm hoi còn sót lại, trong đội hình B.BD tại V-League. Trận đấu với Thể Công ở vòng 16, Phong được HLV Mai Đức Chung sắp đá giữa sân, nhưng cảm giác như chỗ nào cũng có số 6. Phong chạy khắp sân, thu hồi bóng, phát động tấn công và kiêm luôn nhiệm vụ săn bàn, nhưng B.BD vẫn cứ phơi áo, khi đồng đội chơi như ngủ gật. Người ta thấy thương cho cầu thủ quê Vĩnh Long. Nhưng biết làm sao được, cứ vào sân, là Phong lại say trái bóng như người nhậu say mồi. Hôm qua, khi trận đấu đã kết thúc hàng giờ, Phong thậm chí không còn nhớ tên 2 cầu thủ phòng ngự cuối cùng mà anh lừa qua, trước khi ghi bàn nữa là!

 

Tin mới
Trong khi Công Vinh, Văn Quyến chấn thương, Việt Thắng chưa có nổi một bàn thắng, Quang Hải mãi tới vòng 6 mới “khai hỏa” thì ở xứ Thanh, Hoàng Đình Tùng, cầu thủ chỉ cao 1m66, chưa bao giờ được xem là…

<!–

    –>

    Ghi 4 bàn thắng, Samson Kayode chính là cầu thủ tạo ấn tượng đậm nhất ở vòng 5 PetroVietnam Gas V-League 2010.

    <!–

      –>

      Ngay trận đấu trên sân nhà đầu mùa giải năm nay, cầu thủ mang áo số 17- Lương Văn Được Em đã làm cho cầu trường sân Cao Lãnh thêm sôi động hơn …

      <!–

        –>

        Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo ở Quảng Xương (Thanh Hoá), tài năng của Đồng sớm được phát lộ, khi cậu bé “sáng tập bóng,…

        <!–

          –>

          Phàm là cầu thủ thì ở cái tuổi 34, người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sổ hưu. Vậy mà ở đất Tân An có một “cận vệ già” đang thách thức thời gian,…

          <!–

            –>

            Đến mảnh đất Định Quán, Đồng Nai, nơi có những hòn đá tảng chồng…

            <!–

              –>

              Hữu Thắng bị chấn thương, Công Minh không đạt phong độ cao. Lima ít được ra sân vì quy…

              <!–

                –>

                Đoạt được bóng từ ngoài vòng 16m50 của đội nhà, Vũ Phong bắt đầu mở tốc độ như 1 VĐV cự ly 100m, hướng thẳng về phía khung thành đối phương. Và…

                <!–

                  –>

                   1  2  3  4  5      

                  Tin xem nhiều

                  Không quá khi cho rằng, Trọng Hoàng là cầu thủ có màn ra quân ấn tượng nhất trong số các cầu thủ tên tuổi ở V-League. HLV Lê Thụy Hải cũng có thể xoa tay mãn nguyện khi niềm tin của ông đã được đặt đúng chỗ, bởi không ai khác ngoài tiền vệ này ở B.BD có thể đảm nhiệm một cách hiệu quả nhất vai trò hộ công phía sau Abass. 

                  Tuấn Anh, Xuân Trường giờ đã thi đấu đỉnh cao và đã gia nhập hàng ngũ những tiền vệ tổ chức được chờ đợi nhất V-League, bên cạnh những Văn Quyết, Tấn Tài. Vai trò của những cầu thủ này hiện rất quan trọng đối với những đội bóng mà họ đang đầu quân.

                  CLB Anyang FC (Hàn Quốc) đã gửi lời đề nghị tới Hà Nội T&T nhằm muốn sở hữu chữ ký của tiền vệ Phạm Thành Lương.

                  Phút 20 ở trận Than Quảng Ninh – Thanh Hóa trên sân Cẩm Phả, ông Đinh Cao Nghĩa tung Mạc Hồng Quân vào sân thay Nguyễn Hải Huy vừa dính chấn thương. Tuyển thủ Olympic Việt Nam xuất hiện và chơi trám vào đúng vị trí người đồng đội để lại: tiền vệ trung tâm.

                  Chiều qua, dù Patrick Da Silva ghi bàn giúp Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 trước chủ nhà Than.QN, nhưng trung vệ Danny van Bakel mới là người nhận được nhiều lời khen ngợi nhất sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.

                  Theo nghiệp bóng đá không chỉ là sở thích, đam mê đơn thuần mà với Đỗ Hùng Dũng, đó cũng là cách tiền vệ trẻ này đền đáp lại ước nguyện, niềm tin của người mẹ dành cho cậu con trai.

                  ® Ghi rõ nguồn vff.org.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ từ website này.

                  Liên hệ với chúng tôi: Trưởng ban biên tập: Nguyễn Thu Hà. Phó ban biên tập: Hà Nhật Đoàn.

                  Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới, VFF không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.

                  Địa chỉ: Đường Lê Quang Đạo – Phường Phú Đô – Q. Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội. Điện thoại: +84.4.22425998 Fax: +84.4.38233119.

                  © Bản quyền thuộc về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Số giấy phép: 184/GP-BC, cấp ngày: 06/10/2005

                  Coppyright@2005-2015 Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam
                  Phát triển bởi: Thiết kế website

                  Nguồn: Theo Thanh niên

                  NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA