Tuyển bóng đá nữ Việt Nam kiệt sức vô địch SEA Games: Họ không cần thương hại
Xin hãy trân quý nỗ lực của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trên hành trình vô địch SEA Games 30, song đừng thương hại, xót xa vì thể thao chuyên nghiệp là vậy.
1. Chương Thị Kiều bước lên bục nhận huy chương vàng với cái chân trái rướm máu, quấn băng chằng chịt. Cô đã chiến đấu suốt 120 phút của trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30 với những vết thương cả mới và cũ. Đội trưởng Huỳnh Như đi không vững, phải nhờ đồng đội dìu lên nhận giải rồi lại cõng xuống. Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung chưa ăn mừng xong đã phải nằm sân nhăn nhó vì chuột rút…
Những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam đã cống hiến, chiến đấu quên mình để giành lấy vinh quang về cho Tổ quốc.
Chương Thị Kiều chân rướm máu, quấn băng chằng chịt.
“Tinh thần phụ nữ Việt Nam” là điều mà HLV Mai Đức Chung nhắc đến trước trận chung kết. Hôm qua các học trò của ông đánh bại Thái Lan đúng bằng sức mạnh của ý chí kiên cường. Chỉ có quyết tâm sắt đá mới giúp cho những đôi chân kiệt sức không gục ngã trước đối thủ.
Họ đã đốt đến những giọt mồ hôi cuối cùng để có được bàn thắng quý như vàng của Phạm Thị Hải Yến và giữ được thành quả đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu. Đó là tấm huy chương vàng hoàn toàn xứng đáng, một chiến thắng của tinh thần Việt Nam.
Tất nhiên, nỗ lực vượt khó đáng được cảm thông và khâm phục. Dẫu vậy, nếu chỉ nhắc đến yếu tố tinh thần trong chiến thắng của đội tuyển nữ Việt Nam trước Thái Lan thì không hợp lý, thậm chí còn hạ thấp phần nào chiến công của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Nhà vô địch SEA Games 30 giành chiến thắng trước tiên phải nhờ tới năng lực, trình độ chơi bóng.
Tuyển nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan ở hai trận chung kết khu vực cách nhau chỉ hơn ba tháng, giải vô địch Đông Nam Á và SEA Games, trong đó có một trận thắng ở ngay trên sân đối phương. Bại tướng của thầy trò HLV Mai Đức Chung là ai? Họ là một trong năm đại diện của châu Á tham dự World Cup hồi tháng Sáu năm nay.
2. Có một công thức phản ứng quen thuộc trong dư luận mỗi khi đội tuyển nữ Việt Nam giành được thành tích cao ở một giải quốc tế. Người hâm mộ ngất ngây chiến thắng, sau đó lật lại những câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của các nữ tuyển thủ. Chúng ta thường nhắc đến những trở ngại bị vượt qua để tôn vinh chiến thắng, bởi vẻ đẹp của thành công nằm ở hành trình chinh phục.
Xem cái cách Huỳnh Như và đồng đội đổ cả máu, mồ hôi và nước mắt trên sân ở một giải đấu mà điều kiện ăn ở, sân bãi còn nhiều thiếu thốn, ai mà không xót xa, thương cảm. Họ dù sao cũng là những cô gái chọn theo nghiệp quần đùi áo số. Có người xót thương các nữ cầu thủ mà bật ra suy nghĩ rằng nên chăng luật thi đấu cần thay đổi cho bớt khắc nghiệt hơn. Người khác lại kêu gọi sự đối xử công bằng từ các thành phần xã hội đối với bóng đá nữ…
Nhưng những quan điểm như vậy dễ biến sự đồng cảm thành thương hại.
Tuyển nữ Việt Nam kiên cường đánh bại Thái Lan, giành chức vô địch SEA Games 30
Đúng là bóng đá nữ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng có những khó khăn mà những người làm bóng đá và cả các nữ cầu thủ buộc phải chấp nhận như một phần của cuộc chơi, giống như tập võ thì phải biết chịu đòn vậy. Khắc phục những trở ngại đó chính là thành công. Thể thao chuyên nghiệp là như thế.
Nếu muốn bóng đá nữ được đối xử bình đẳng như bóng đá nam, hãy dành cho họ cái nhìn giống như vậy. Đó phải là câu chuyện của năng lực chuyên môn và thành tích. Những nhà tổ chức, các đơn vị tài trợ không phải vì thương hại cho hoàn cảnh của các cầu thủ để chi tiền vào bóng đá nữ. Thưởng cho thành tích, đầu tư vì năng lực, cuối cùng vẫn là hướng đến thành tích, rồi xa hơn là lợi ích thương mại, lấy bóng đá nuôi bóng đá.
Vì thế, hãy trân quý chứ đừng thương hại, xót xa vì thể thao chuyên nghiệp là vậy.
3. Thực tế, quan điểm bóng đá nữ Việt Nam ít được quan tâm thực ra chỉ đúng một phần. Nếu không được quan tâm, hệ thống giải quốc nội chẳng thể duy trì nhiều năm đến vậy dù chỉ có một nhà tài trợ gắn bó từ 2012 bằng sự cảm thông. Hai lứa trẻ U16, U19 quốc gia hằng ngày ăn tập ở VFF và tham dự giải châu Á trong năm nay. Đội tuyển nữ Việt Nam trước, trong và sau khi thi đấu đều được Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội biểu dương, khích lệ.
Chờ tuyển nữ Việt Nam tranh vé dự Olympic 2020.
Nhưng đối với dư luận, bóng đá nữ Việt Nam chỉ trở thành tâm điểm chú ý khi đội tuyển quốc gia thi đấu ở một trận chung kết giải quốc tế. Bằng chứng ư? Cứ nhìn lên những khán đài lác đác khán giả ở sân Thống Nhất, Phủ Lý và Nha Trang khi những địa điểm này tổ chức các trận đấu của mùa giải bóng đá nữ quốc gia.
Dư âm chiến công quả cảm của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ kéo dài trong bao lâu? Có lẽ chỉ hai ngày, trước khi toàn bộ sự hưng phấn được đổ dồn về trận chung kết của đội tuyển U22 Việt Nam. Đó cũng là điều bình thường, chẳng phải bất công vì bóng đá nam và nữ vốn không nằm trong cùng một hệ quy chiếu.
Tấm huy chương vàng SEA Games 30 mang nhiều ý nghĩa đối với đội tuyển nữ Việt Nam, cả chuyên môn lẫn tinh thần. Thầy trò HLV Mai Đức Chung vừa giành được thành công nối tiếp thành công thì đâu cần những ánh nhìn thương hại, những giọt nước mắt “khóc hộ”.
Hãy coi chức vô địch này như một lý do để tiếp tục dõi theo các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam ở chiến dịch lớn hơn sắp tới – vòng loại Thế vận hội 2020.
Nguồn: VTC News