Vovinam mở cánh cửa SEA Games

Xuất phát từ ý tưởng đưa các môn thể thao “made in Vietnam” ra sân chơi quốc tế, sau đá cầu, giờ tới lượt Vovinam mở ra cánh cửa vào SEA Games

Xuất phát từ ý tưởng đưa các môn thể thao “made in Vietnam” ra sân chơi quốc tế, sau đá cầu, giờ tới lượt Vovinam mở ra cánh cửa vào SEA Games.


Sau môn đá cầu xuất hiện tại SEA Games 22, tám năm sau Việt Nam mới đưa được môn thể thao thứ hai đậm dấu ấn Việt vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao khu vực. Trong bối cảnh quốc gia nào cũng muốn các môn thể thao dân tộc của mình là môn thi đấu chính thức, việc đưa vovinam vượt qua các môn võ khác như muay Thái, võ gậy Philippines vào SEA Games 26 là một thành tích được Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đánh giá là “đáng tự hào”.

Các VĐV thể hiện đòn thế đẹp mắt của vovinam. Ảnh: Hồng Long.

Các VĐV thể hiện đòn thế đẹp mắt của vovinam. 

Sau những năm tháng Việt Nam miệt mài tìm hiểu các môn võ thuật thể thao quốc tế và du nhập, phát triển ở Việt Nam như judo, karatedo, taekwondo, wushu, pencak silat, muay Thái, võ gậy, kempo, tarung dejarat, việc tới lượt các quốc gia quan tâm và đầu tư lại vovinam đánh dấu một sự chuyển biến tích cực trong việc quảng bá Việt Nam ra thế giới thông qua thể thao.

Con đường đưa vovinam từ một trong đại gia đình nhiều môn võ thuật cổ truyền giàu tinh hoa của Việt Nam thành môn thể thao quốc tế bắt đầu từ hai sự kiện: sự xuất hiện ý tưởng muốn đưa một môn võ của người Việt sánh ngang pencak silat của người Indonesia, muay của người Thái… trên đấu trường thể thao quốc tế và Việt Nam chuẩn bị đăng cai Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ ba năm 2009.

Vovinam được chọn bởi cách đây năm năm, phong trào tập luyện môn võ này đã phát triển trên 35 quốc gia trên thế giới với số lượng hàng trăm ngàn môn sinh, trong đó đông đảo nhất là ở Pháp (quy tụ nhiều võ sinh người Việt và Pháp đẳng cấp cao), Tây Ban Nha (gần 100 CLB)… Hàng năm, rất nhiều người trong số này về tham gia tập luyện, thi đấu, thi lên đai tại Việt Nam. Các quốc gia có phong trào vovinam phát triển và có Liên đoàn vovinam quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Rumani, Australia, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Đức, Marốc… đều tổ chức giải vovinam thường niên. Riêng khu vực châu Âu đã nhiều năm liền tổ chức giải vô địch vovinam châu lục.

Đây là tiền đề quan trọng để tiến hành tập hợp những người yêu mến vovinam cùng lập ra hệ thống các Liên đoàn trong nước và thế giới, đủ điều kiện đưa vovinam vào các Đại hội thể thao lớn.

Được ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á trong nhà Việt Nam ủng hộ, một kế hoạch chạy đua với thời gian được tiến hành. Trong năm 2008, Liên đoàn vovinam Việt Nam và Liên đoàn vovinam thế giới đã được thành lập. Một đoàn võ sỹ biểu diễn đã được bố trí theo chân lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam tham dự các phiên họp của Hội đồng Olympic châu Á và sau này là Hội đồng SEA Games để trực tiếp biểu diễn bên lề các phiên họp, thu hút ấn tượng của đại diện các quốc gia tới dự, tăng hiểu biết của họ về vovinam.

Tranh thủ giờ nghỉ của các đại biểu dự họp, trong khuôn viên chương trình giới thiệu, quảng bá về thể thao Việt Nam, đội biểu diễn này đã thi đấu các bài quyền hấp dẫn của Vovinam và được nhiều người, trong đó có Phó chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á Ali Abadi (người Iran) đặc biệt thích thú – người sau này luôn ủng hộ việc phát triển vovinam ở châu Á. Những ‘sạp hàng” giới thiệu thể thao Việt Nam và Vovinam đã xuất hiện ở nhiều nơi và tạo ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế.

Kết quả là vovinam có mặt ở Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ ba và có màn ra mắt thể thao châu Á thành công.

Trở thành môn thể thao chính thức trong hệ thống thi đấu của Hội đồng thể thao châu Á, vovinam đã có một tư thế đường hoàng, ngang bằng với các môn võ thể thao của các quốc gia khác.

Nhờ đó, khi Việt Nam đề xuất với chủ nhà Indonesia về việc đưa vovinam vào SEA Games 26 đã nhận được sự ủng hộ.

Môn Vovinam sẽ được tổ chức từ ngày 14 – 16/10 tại Jakarta với 14 bộ huy chương (10 nội dung quyền và bốn hạng cân đối kháng). Ban đầu có bốn quốc gia đăng ký tham dự là Lào, Việt Nam, Campuchia và Indonesia. Mới đây tới lượt Myanmar cũng quyết định cử VĐV tranh tài, nâng số nước dự vovinam ở SEA Games lên con số năm. Nhưng số nước tập luyện vovinam ở Đông Nam Á đã là tám.

Hiện Liên đoàn vovinam thế giới đang vận động để vovinam tiếp tục có mặt tại SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013. Hệ thống các liên đoàn vovinam quốc tế cũng đang nhanh chóng hình thành: sau năm 2008 thành lập liên đoàn thế giới, năm 2009 thành lập liên đoàn châu Á, năm 2010 thành lập Liên đoàn châu Âu, Liên đoàn Đông Nam Á và Ban vận động thành lập Liên đoàn châu Phi. 

Do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo tại Hà Nội vào năm 1938, vovinam phù hợp với thể chất người Việt Nam, là sự kết hợp giữa võ và vật dân tộc cùng với tinh hoa của nhiều môn võ khác. Trải qua gần 70 năm phát triển, Vovinam Việt Võ đạo đã phát triển rộng khắp thế giới và được yêu chuộng bởi tính khoa học, nét đặc thù của một môn phái võ thuật kế thừa được những tinh hoa của võ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với tính hiện đại.