Thất bại mua bóng đá Huế, Lilama 10 “cưa cẩm” SLNA

Thương thảo với Huế không xong, Công ty cổ phần Lilama 10 chuyển hướng ra xứ Nghệ. Sẽ chẳng lạ nếu như thời gian tới xứ Nghệ sẽ lại sôi lên.

Thương thảo với Huế không xong, Công ty cổ phần Lilama 10 chuyển hướng ra xứ Nghệ. Sẽ chẳng lạ nếu như thời gian tới xứ Nghệ sẽ lại sôi lên.

Huế vỡ mộng “lấy chồng”
Chủ đề chuyển giao đội bóng luôn nóng bỏng ở Cố đô. Đầu mùa giải năm ngoái, Huế cũng sôi lên khi bầu Hiển xách cặp ra thương lượng chuyện mua đứt Huế. Điệp vụ không thành, Huế trở về nguyên bản cũ.
Năm nay, đến lượt Lilama 10 “cưa cẩm” Huế. Đã có những cuộc đàm phán giữa lãnh đạo tỉnh và phía Lilama 10. Rốt cuộc, Huế vẫn chưa dám quyết do đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm.
Bóng đá dù mang tính giải trí nhưng chạm đến đất đai ở Huế, tính địa phương đậm đặc của người dân cố đô, thì không phải dễ quyết như Đà Nẵng, hay một số địa phương khác. Những quyết sách có tính lịch sử luôn gây trăn trở với không riêng gì với người dân Huế.
Do đó, họ chưa dám gả đứa con bóng đá cho Lilama 10 là điều dễ hiểu. Huế “hẹn” với đối tác cho họ thêm 1 năm suy nghĩ.
 
Huế vẫn chưa được chuyển giao trong mùa giải tới
Chiều thứ Bảy tuần trước, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo về phương hướng phát triển bóng đá Huế. Thông điệp được đưa ra: sẽ không có cuộc chuyển giao nào hết. Đoàn bóng đá Huế lo tập trung chuẩn bị mùa giải 2009. Dự buổi họp còn có hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định dù không chuyển giao, nhưng ngân sách của đội bóng sẽ bằng hoặc tăng hơn năm cũ. Theo đó, Sở tài chính triển khai kế hoạch “tìm tiền” để đội bóng hoạt động, thông qua kế hoạch tài chính của đoàn bóng đá.
Được biết, đoàn bóng đá sẽ được rót xuống khoảng 15 tỷ. Trong đó, phía Công ty bia Huế sẽ tăng số tiền tài trợ từ 6 tỷ lên khoảng 10 tỷ trong năm 2009.
Phi vụ chuyển giao không thành công dĩ nhiên gây hụt hẫng của không ít người, nhất là phía cầu thủ.
SLNA “ưng ý” Lilama 10?
Theo thông tin chúng tôi nắm được, đại diện Lilama 10 và CLB SLNA đã thương thảo với nhau. Quyền lợi giữa hai bên đã được đặt ra, trước khi trình và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Một trong các chi tiết đáng quan tâm, nếu cuộc chuyển giao hoàn tất, Lilama sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm thể thao tầm cỡ Đông Nam Á.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra phương án huy động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay góp vốn với cơ chế: mỗi dự án đầu tư trên địa bàn Nghệ An sẽ góp vốn vào Công ty CP bóng đá Sông Lam, tương ứng với khoảng 5% tổng số vốn của CLB.
UBND tỉnh Nghệ An sẽ cam kết bảo lãnh phần vốn đầu tư của doanh nghiệp vào SLNA. Nếu doanh nghiệp cần rút vốn, tỉnh sẽ đứng ra trả lại đầy đủ. Một số doanh nghiệp lớn như: Công ty TCDK, Tập đoàn Windows, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Công ty viễn thông Vinaphone tỏ ra ủng hộ. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất phương án trên là khi thành lập Công ty Cổ phần bóng đá có trụ vững hay không? Trong khi, việc chuyển giao hẳn cho Lilama 10 sẽ đỡ rủi ro hơn nếu xét trong bối cảnh hiện nay.
Hy vọng, nếu chọn phương án chuyển giao hẳn cho doanh nghiệp nào đó thì bóng đá xứ Nghệ sẽ tìm được “tấm chồng” xứng đáng. Và trong quá trình thương lượng (không riêng gì với Lilama 10), sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình chuẩn bị, cũng như tư tưởng của các thành viên trong đội bóng.

Nguồn: Theo TTVH

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA