Thủ môn Tô Vĩnh Lợi: Cầu môn thăm thẳm

Tôi ngồi với Lợi, sau một buổi tập ngay khuôn viên sân Quy Nhơn mới đây. Ngồi và lắng nghe những tiếng lòng của anh thủ môn có bị số phận đánh đu khá cay nghiệt. Lợi đã bình tâm hơn, nhưng chưa hẳn những vết thương lòng đã thực sự lành.

Tôi ngồi với Lợi, sau một buổi tập ngay khuôn viên sân Quy Nhơn mới đây. Ngồi và lắng nghe những tiếng lòng của anh thủ môn có bị số phận đánh đu khá cay nghiệt. Lợi đã bình tâm hơn, nhưng chưa hẳn những vết thương lòng đã thực sự lành.


Người đặc biệt

Lợi là người đặc biệt ở bóng đá Bình Định. Đến nay, thủ môn gốc An Nhơn (Bình Định) vẫn đi vào lịch sử giới quần đùi áo số đất Võ với những sự đặc biệt của mình. Ông HLV Dương Ngọc Hùng mừng như bắt được vàng khi thấy cậu nhóc 13 tuổi Tô Vĩnh Lợi phát tiết tư chất của một thủ môn giỏi, ở giải học sinh cấp 2 năm 1998. Ngay lập tức, họ Dương phi xe ra An Nhơn thương lượng với gia đình kéo cho bằng được chú nhóc về.


Chỉ hơn một năm sau, Tô Vĩnh Lợi được đặc cách lên thẳng đội 1 tập với các đàn anh Văn Cường, Minh Quang. Đấy là điều chưa có trong tiền lệ của các thế hệ thủ môn đất Võ trước đó.


Trường chuyên Quốc Học Bình Định thời điểm đó nổi tiếng chất lượng, thế mà chú nhóc thủ môn Bình Định suốt ngày đánh vật với trái bóng, vẫn thi đỗ. Lợi học đều các môn, 3 năm PTTH đều đoạt loại giỏi. Hiền lành và chịu khó tập luyện đến kỳ lạ. Nhớ thời đó một lần vào Quy Nhơn công tác, được một sếp Sở TDTT Bình Định cũ kéo ra sân rồi chỉ tay khoe : “có thằng nhóc này hay lắm. Bắt bóng giỏi, học cũng siêu, lại hiền như Bụt. Tương lai của bóng đá Bình Định đấy”. Đấy là Tô Vĩnh Lợi!

 

Tô Vĩnh Lợi sống trên vinh quang thì ít mà chịu lời cay nghiệt là nhiều


“Em là cầu thủ duy nhất có thể trao đổi tiếng Anh thoải mái với thầy A.Riedl lần tập trung cho chiến dịch SEA Games 24. Có thể vì thế nên thầy hiểu và kiên nhẫn với em hơn
” – Tô Vĩnh Lợi trầm ngâm. Quả thật vậy, không chỉ riêng ông A.Riedl, dư luận cũng rất chia sẻ, kiên nhẫn với những lỗi nghiêm trọng của Lợi. Vậy mà…


Bi kịch

Lợi và Trần Đức Cường của SHB.Đà Nẵng rất thân nhau. Đến giờ phút này cũng vậy. Thi thoảng có chuyện vui buồn, hai anh chàng lại điện thoại chia sẻ nhau. Lợi cười nói rằng cậu thường chọc đùa bạn sao hai đứa mình giống như Tom& Jerry. “Đấy là cách nói để chỉ số phận hai đứa có nhiều điểm giống nhau thôi. Còn khi tập trung lẫn ngoài đời, tụi em không bao giờ đấu đá nhau”.


Đúng vậy. Đức Cường và Tô Vĩnh Lợi luôn được các chuyên gia đánh giá rất cao về tài năng. Tuy nhiên, điểm yếu nhất cản trở đến sự nghiệp của họ, đấy là tâm lý thi đấu thất thường. Họ có thể cản phá những pha bóng cực khó, nhưng lại không ít lần có những pha xuất tướng vô cùng ngớ ngẩn. Còn gì trớ trêu hơn khi cuộc rượt đuổi làm thủ thành số 1 ở SEA Games 24 của hai chàng “ Tom & Jery” cũng đầy kịch tính, đều nhuốm màu xám. Cường luôn xếp sau bạn. Dù phạm sai lầm để Thái Lan ghi 2 bàn thắng gỡ hoà chỉ trong vòng 4 phút tại Agribank Cup 2006 (Thái Lan ẵm mắt Cúp vô địch lần đó), nhưng sang tham dự ASIAD 2006 Vĩnh Lợi vẫn được A.Riedl cho bắt chính. Ngay trận ra quân gặp Bahrain (thua 1-2), Lợi đã lặp lại dớp ở bàn thua thứ nhất. Tiếp đó là trận thua Hàn Quốc 0-2, phong độ của thủ thành cũng không cải thiện, ông A.Riedl mới tung Đức Cường vào cuộc đối đầu với Bangladesh. Cường “ xô” đổ bạn từ đó. Bước vào SEA Games 24, sau trận thắng Malaysia, thủ thành Đà Nẵng làm mọi người chết giấc trong trận thua Singapore. Thế là cậu mất suất về tay Lợi trận thắng Lào 2-1. Bước vào bán kết tiếp Myanmar, khi tỷ số đang hoà 0-0 thì phút bù giờ cuối cùng Lợi phạm lỗi gây phạt đền. “Mặc dù đã có chút kinh nghiệm đường đầu khi phạm sai lầm, nhưng khoảnh khắc đó mới thật sự kinh khủng nhất đời em. Tiêu rồi Lợi ơi!. Em chỉ biết lẩm nhẩm như thế rồi bước vào bắt quả phạt định mệnh đó. Ai ngờ đỡ được, như có thần thánh phù hộ vậy”.


Thực ra, chẳng có thần thánh nào cứu được Lợi cả, nếu như không có năng lực thực sự. Ngay loạt đá luân lưu thứ 2, cậu đã đỡ được một quả đó thôi. Tiếc rằng sau đó Vũ Phong, Xuân Hợp, Long Giang đều thực hiện hỏng. Sau đận SEA Games đó trở về, trong màu áo Bình Định, Tô Vĩnh Lợi đã có rất nhiều pha cứu thua cho đội nhà từ chấm phạt đền.


– Nếu nêu ra một nguyên nhân lớn nhất khiến mình hay mắc sai lầm ngớ ngẩn như thế, Lợi sẽ nói sao? “Kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Em không có được điều kiện như nhiều thủ môn khác”. Lợi nói ngay. “Mùa giải 2005, phải đến lượt về, em mới được bắt chính. V-League 2006, và 2007 khi về lại Bình Định thì thường xuyên dự bị. Em không được ra sân thường xuyên như Đức Cường. Do đó, đi bắt giải lớn trạng thái vô cùng”.


“ Nhiều người thân bảo em sống quá nội tâm, nên khổ. Tính tình hiền lành, làm thầy giáo thì hợp hơn”.


Vẫn mơ ngày lên Tuyển

Tô Vĩnh Lợi bảo phải vất vả lắm mới quên những ký ức khủng khiếp như vậy. Cũng phải thôi, 21 tuổi và tâm tính hiền lành như Lợi, lần đầu lên Tuyển để rồi liên tiếp gặp nạn thì những chấn thương tâm lý khó lành hơn những thủ thành khác. Tô Vĩnh Lợi đã phải sống những ngày u ám nhất, mà lẽ ra một người trẻ tuổi như anh không phải gặm nhấm. Thực tế những sai sót của Lợi đã hằn quá sâu trong lòng mọi người, nên việc anh lấy lại hình ảnh mình khó khăn rất nhiều. “Em mà theo đường học hành, đâu phải nhận buồn đau như vậy”.


Lợi vẫn phấn đấu và hy vọng một ngày sẽ trở lại Tuyển, ở tâm thế khác. Còn hiện tại, anh bảo chỉ biết dồn tất cả tâm lực vào mục tiêu cùng Bình Định thăng hạng.


Thủ môn luôn là kẻ cô đơn, quả bóng vàng Võ Văn Hạnh đã từng chua chát như vậy. Chính vì cô đơn và áp lực luôn đè nặng nên trông họ rất khác người thường, nói gì dân bóng banh. Thế nên, khoảng cách giữa hai cột cầu môn dù chỉ là 7,32m, chiều cao 2,44m nhưng nó thăm thẳm, sẵn sàng nhấn chìm sự nghiệp những ai không thực tài và bản lĩnh.


24 tuổi, tương lai đang trong tay Lợi khi anh đã là thủ thành số 1 của đội bóng đất Võ, vốn khét tiếng là lò thủ môn.

Nguồn: Theo TT&VH

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA