HLV Mai Đức Chung: Người làm thay đổi BĐ nữ VN

Xin được nói ngay, tựa đề bài viết này được trích từ một trong số những nhận xét, đánh giá của cựu tuyển thủ QG Nguyễn Thúy Nga về người thầy của mình.

Xin được nói ngay, tựa đề bài viết này được trích từ một trong số những nhận xét, đánh giá của cựu tuyển thủ QG Nguyễn Thúy Nga về người thầy của mình.

Người lính tiên phong

Là hậu vệ cánh phải nổi tiếng một thời của đội nữ Hà Nội và đội tuyển quốc gia, Nguyễn Thúy Nga hiện đang là chuyên viên làm việc trực tiếp tại ban bóng đá nữ thuộc LĐBĐVN, đồng thời cũng là trợ lý HLV của đội tuyển bóng đá nữ QG vào thời điểm hiện tại. Khi nói về HLV Mai Đức Chung, Thuý Nga đã không giấu nổi lòng kính trọng, sự nể phục của mình.

Thuý Nga cho biết: “Khi lên làm HLV trưởng của đội tuyển, chú Chung có hai yêu cầu đặt ra với các cầu thủ, đó là mạnh mẽ khi vào sân còn nữ tính lúc ngoài đời. Về cả chuyên môn lẫn tác phong trong huấn luyện và sinh hoạt, mình thấy chú Chung là một HLV tốt”.

Chính từ yêu cầu này của HLV Mai Đức Chung mà ở đội tuyển bóng đá nữ QG không còn những chuyện bất đồng, khúc mắc như trước, mà chị em cầu thủ mỗi khi lên đội tuyển đều đoàn kết một lòng, nỗ lực tập luyện và thi đấu nhằm phục vụ tốt nhất cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, dấu ấn mà HLV Mai Đức Chung để lại ở đội tuyển bóng đá nữ QG không chỉ có thế. Không ai khác mà chính ông Chung là người đã đặt nền móng cho những thành công sau này của bóng đá nữ Việt Nam tại đấu trường khu vực, bắt đầu từ chức vô địch giải bóng đá nữ quốc tế tiền SEA Games năm 1997.

Khi ấy, đội tuyển Việt Nam của thế hệ những Kim Hồng, Nguyễn Khoa Diệu Sinh, Hồng Phúc, Hiền Lương, Ngọc Mai⬦ đã gây bất ngờ khi lần lượt vượt qua các đối thủ như Thái Lan, Myanmar và Malaysia để lên ngôi vô địch. Sau khi không thể vươn tới tấm huy chương vàng SEA Games 19 năm 1997, liền sau đó là kỳ SEA Games 20 năm 1999 mà bóng đá nữ không được nước chủ nhà Indonesia đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội, bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua một khoảng lặng và HLV Mai Đức Chung cũng kết thúc chu kỳ huấn luyện đầu tiên của mình tại đội tuyển.

Và chuyên gia đóng thế

Việc HLV người Anh, Steve Darby được mời về làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia và cùng các học trò chiếm lấy ngôi đầu tại SEA Games 21 năm 2001 cũng là một thành công, nhưng ít ai biết được đa phần trong số cầu thủ trụ cột làm nên chiến tích vẻ vang đó cho bóng đá nữ Việt Nam lại là lứa cầu thủ do một tay HLV Mai Đức Chung rèn giũa.

Để rồi sau khi ông thầy người Anh Darby ra đi cùng hàng loạt những bất đồng nảy sinh xung quanh việc phân chia tiền thưởng từ SEA Games 21, một lần nữa, HLV Mai Đức Chung lại là người được lãnh đạo LĐBĐ VN tin cậy thuyết phục ông trở lại trên cương vị người thuyền trưởng của đội tuyển bóng đá nữ QG chuẩn bị cho mục tiêu bảo vệ tấm huy chương vàng tại SEA Games 22, giải đấu được tổ chức trên sân nhà.

Chu kỳ thứ hai của HLV Mai Đức Chung tại đội tuyển bóng đá nữ QG được chính thức bắt đầu vào tháng 4 năm 2003, và sóng gió, sức ép cũng nổi lên từ đây. Tại giải bóng đá nữ quốc tế Tiền SEA Games, tranh Cup Báo Thể thao Việt Nam năm 2003, sau bước khởi đầu không thuận lợi, đội tuyển nữ Việt Nam chịu sức ép rất lớn khi đứng trước nguy cơ không giành được chức vô địch giải đấu này.

Việc báo chí đã đăng tải một số thông tin về việc LĐBĐ VN có ý định thay thế HLV Mai Đức Chung càng khiến sức ép dồn lên vai ông và các học trò là cực lớn. Thế nhưng, cứ từng bước, từng bước, HLV Mai Đức Chung và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách tưởng chừng như không thể đó để đăng quang ngôi vô địch sau trận chung kết thắng Myanmar 2-1 trên sân vận động Lạch Tray (Hải Phòng).

Một trong hai cầu thủ ghi bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam ở trận đấu gặp Myanmar khi đó chính là tiền vệ Văn Thị Thanh, người sau này đã được nhận danh hiệu Qủa bóng vàng Việt Nam. Chính Thanh là người đã được HLV Mai Đức Chung mạnh dạn thử nghiệm cho đá ở vị trí tiền vệ trái từ giải bóng đá nữ Tiền SEA Games 23 năm 2003, dù cô là người thuận chân phải.

Khi đã đứng trên đỉnh vinh quang, gặt hái được một số thành công nhất định, HLV Mai Đức Chung đã từng muốn rút lui vào hậu trường nhưng rồi với trách nhiệm của một HLV có tâm huyết, ông vẫn ở lại để dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lên ngôi vô địch SEA Games lần thứ ba liên tiếp (năm 2005 tại Philippines) trước khi chính thức nhường lại vị trí cho người trợ lý Trần Ngọc Thái Tuấn.

Không chỉ có công phát hiện, đào tạo ra nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá nữ nước nhà, HLV Mai Đức Chung còn là người tạo ra bước đột phá về mặt chiến thuật ở đội tuyển khi hướng các cầu thủ thích ứng để rồi chơi thành công với chiến thuật 4-3-1-2 thay vì 5-3-2 như trước. Lối chơi này vẫn được HLV Trần Ngọc Thái Tuấn áp dụng cho đến hết giai đoạn nhà cầm quân này tại vị tại đội tuyển.

Theo VNN

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM