Chân sút xuất sắc của Hải Phòng: Ngọc Thanh – đen và đỏ

Chàng trai 26 tuổi, người Sài Gòn sau bốn năm ở đất cảng đã đổi giọng Bắc đặc sệt nhưng cái kiểu nói rất thẳng và rất thật thì không thể thay đổi được…

Chàng trai 26 tuổi, người Sài Gòn sau bốn năm ở đất cảng đã đổi giọng Bắc đặc sệt nhưng cái kiểu nói rất thẳng và rất thật thì không thể thay đổi được…

Nguyễn Ngọc Thanh hóm hỉnh: “Em ăn cơm, uống nước ở Hải Phòng nhiều quá rồi nên giọng đổi theo luôn đấy anh à! Nhưng chắc chắn là sau khi hết sức chơi bóng đá đỉnh cao, em sẽ trở về lại Sài Gòn làm ông chủ… quán cà phê”.

Bỏ đại học theo bóng đá

Một buổi chiều năm 2000, HLV Nguyễn Thanh Long rong ruổi các sân bóng phong trào tìm quân cho đội Thành Long. Ông chợt thấy thằng bé đen đen, dong dỏng, mảnh mai mà chơi bóng cho phường 19, Tân Bình như cháy hết mình trên sân Cây Sộp. Ông xin về luôn. Anh sinh viên năm nhất ngành quản trị kinh doanh, Đại học Công nghệ TP.HCM về Trung tâm Thành Long được ban huấn luyện đặc cách cho chơi bóng một buổi, đi học một buổi.

Một năm sau, thời HLV Đạt Hùng còn huấn luyện, Công an TP.HCM đá giao hữu với Thành Long hai trận. Ông đã để ý đến chân sút mảnh mai tên Ngọc Thanh. Mấy ngày sau, ông Hùng tìm đến xin Thanh “đen” về. Thằng bé mừng rơn, bởi ao ước khoác chung màu áo với Huỳnh Đức, Liêm Thanh, Hoàng Hùng, Gonzalez, David Serene… đâu phải dễ. “Hồi ấy, em đã học xong đại cương nhưng mê đá bóng quá!” – Thanh “đen” kể. “Mà hình như cái nghiệp quần đùi áo số nó vận vào em rồi. Em nói thật, khi về Công an TP.HCM, em chỉ mơ ước làm dự bị thôi chứ sao cạnh tranh nổi với các anh” – Ngọc Thanh nhớ lại. Khi ấy, Thanh băn khoăn giữa sự nghiệp bóng đá với tương lai cử nhân kinh tế. Về hỏi ý kiến gia đình, mẹ Thanh lẫy: “Con lớn rồi, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, con ạ! Khôn con nhờ, khờ ráng chịu”. Ông bố trung tá quân đội trầm ngâm không nói gì, hai đứa em Thanh “đen” thì nhỏ quá… Đến lúc vác ba lô lên đội, bố Thanh chỉ khuyên con trai cả: “Vào sống tập thể rồi, con đối nhân xử thế sao cho phải phép. Nghèo cho sạch, rách cho thơm con nhé!”.

Thanh “đen” bỏ đại học theo nghiệp bóng đá với hành trang là những lời dặn dò như hờn dỗi của mẹ, như rút ruột của bố và đôi mắt tròn xoe ngơ ngác của hai đứa em…

Thanh “đen” người Sài Gòn giờ đã thành danh ở đất cảng. Ảnh: NGUYÊN HUY

Lời nói thật không mất lòng

Năm 2004, HLV Nguyễn Thành Vinh về nắm Ngân hàng Đông Á sau khi đội sắp rã đám vì nghi án quyền lực đen. Mới lên đội lớn chưa đầy năm, giờ phải làm lại, Ngọc Thanh hoang mang lắm. Càng buồn hơn nữa khi HLV Letard gọi Thanh “đen” lên dự tuyển U-23, chưa đá trận nào đã đau cổ chân, phải chia tay đội. Hỏi Thanh “đen” có hình dung ra quyền lực đen có… màu gì không và từng bao giờ nghe lời đề nghị khiếm nhã nào chưa, chân sút này tròn mắt: “Em nhỏ tuổi thật nhưng dám thề với anh là nếu ai mua chuộc bán độ, em mắng vào mặt đấy!”.

Nhưng hồi ấy Ngân hàng Đông Á thay đổi nhiều quá và sự cải cách của tân HLV trưởng với dàn cầu thủ Sông Lam Nghệ An dần đẩy Ngọc Thanh lên ghế dự bị. Thanh “đen” không nản, cứ miệt mài khổ luyện mà vẫn không thể thay đổi quan niệm của thầy Vinh. Nhưng nếu bỏ đội về nhà thì ăn nói làm sao với bố mẹ đây…

Một hôm, thầy Vinh gọi riêng Ngọc Thanh lên phòng rồi nói rất thật: “Cháu không phù hợp ý đồ chiến thuật của chú. Ngay bây giờ, cháu có thể lựa chọn cho mình một đội bóng mới, chú sẵn sàng giúp cháu”. Thanh “đen” thoáng buồn nhưng trấn tĩnh lại ngay: “Cảm ơn chú, cho con suy nghĩ thêm”.

Suốt mấy đêm khó ngủ, Ngọc Thanh xin về Hải Phòng mà không dám nói lên suy nghĩ táo bạo ấy với gia đình. “Ngồi ngẫm nghĩ lại, em mới thấy mình liều lĩnh thật. Mấy đội bóng gần nhà như Bình Dương, Cần Thơ mời, em lắc đầu. Không phải vì sợ, thật sự em muốn tìm quên và muốn làm mới mình ở một nơi xa rất xa” – Thanh “đen” bùi ngùi. “Em không hề buồn chú Vinh đã không sử dụng mình, ngược lại rất quý chú vì những lời nói thẳng thắn và xem học trò như bạn bè mới chia sẻ thế. Chính lời nói thật ấy giúp em lớn hơn và bản thân luôn tự nhủ phải nỗ lực chứng tỏ cho mọi người biết Thanh “đen” có thể đá bóng tốt”.

Thanh “đen” đã trở thành người Hải Phòng như thế nào?

Thêm một lần nữa, bố mẹ Thanh “đen” phải ngỡ ngàng vì quyết định về Hải Phòng của đứa con trai lớn. Bốn năm biền biệt, cô em gái giờ đã thành giáo viên dạy sử, đứa em trai út học lớp tám nghe giọng Bắc của anh trai như người ở xa lâu lắm rồi.

Những ngày đầu về đất cảng, Thanh “đen” chẳng quen ai, chỉ biết mỗi tiếng Tô Đức Cường cỡ tuổi như mình đã nổi đình nổi đám. Ngày tập còn ríu rít với anh em, đêm về một mình ở nơi đóng quân, Thanh “đen” buồn lắm. Đồng đội ai cũng về nhà ở Hải Phòng, mỗi Ngọc Thanh làm bạn với mấy đĩa nhạc, vài tờ báo thể thao giết thời gian. Ra đường chỉ biết uống cà phê, còn chiêu “tán gái” Thanh “đen” tự thú là “kém nhất nước”. Tôi trêu: “Có tính làm rể Hải Phòng luôn không?”. Ngọc Thanh giật mình rồi cười giả lả: “Em cưa cẩm mãi mà chưa đổ. Cô ấy người Hải Phòng, chắc chưa biết gì đâu, nhỡ không thành em xấu hổ lắm…”.

Nhưng cái gật đầu gắn bó với Hải Phòng đến 2010 thì không phải do “người ấy”. Thanh kể: “Trận play-off với Huế năm 2006, em chính là tội đồ của bóng đá Hải Phòng. Em còn nhớ rất rõ mình đá hỏng quả thứ ba, anh Trường Giang sút hỏng quả cuối cùng. Hải Phòng rớt hạng, trời đất trước mắt em như đổ sụp. Suốt cả năm sau, em vẫn còn nguyên cảm giác ngại ngùng và nỗi ám ảnh tội đồ như thế. Ra đường, nhiều người nhìn mình bằng ánh mắt rất lạ lẫm và đầy nghi ngờ”.

Thế là hết mùa 2007, Thanh “đen” xin gia hạn hợp đồng thêm ba năm nữa chỉ để trả món nợ sân cỏ sau cú sút hỏng penalty và mối ân tình của những nhà làm bóng đá lẫn giới hâm mộ Hải Phòng.

“Nhờ trời thương, nửa giai đoạn mùa này Thanh “đen” đang “đỏ” anh ạ. Em đã lấy lại lòng tin và tình yêu thương của bóng đá đất Cảng rồi!”. Chân sút người Sài Gòn hứa hẹn: “Đá năm trận giai đoạn hai nữa, em phải cố gắng chơi tốt hơn, may ra kiếm một suất lên đội tuyển quốc gia. Em rất biết ơn Hải Phòng đã tin tưởng và nuôi dưỡng em cho đến ngày hôm nay. Giờ em chỉ biết cống hiến cho bóng đá đất cảng, chơi hết sức và tích lũy vốn rồi giải nghệ luôn, về lại Sài Gòn làm ông chủ quán cà phê cũng vui, anh nhỉ!”.

Nguồn: Pháp luật TPCHM

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA