Các CLB Việt Nam khảo sát K-League: Đi tìm bí quyết… làm giàu

Trong chuyến sang Hàn Quốc để khảo sát và nghiên cứu về K-League sắp tới, đại diện lãnh đạo VPF và các CLB Việt Nam không chỉ quan tâm đến mô hình vận hành của các giải đấu mà còn rất muốn tìm hiểu về quy trình quảng bá thương hiệu, thu hút tài trợ của các CLB Hàn Quốc.

Không chỉ là bậc thầy trong quảng bá thương hiệu và thu hút tài trợ, FC Seoul còn đang thăng hoa tại K-League Classic

Ai cũng biết, các CLB xứ kim chi là bậc thầy trên lĩnh vực này, trong khi không ít CLB Việt Nam còn mơ hồ về chuyện “làm thương hiệu”.

ĐIỆN ẢNH, ÂM NHẠC & BÓNG ĐÁ
Từ những năm cuối thế kỷ 20, ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc đã phát triển rực rỡ, được cả thế giới ngưỡng mộ nhờ 2 “mũi nhọn” chủ lực là điện ảnh và âm nhạc. Người Hàn Quốc cho thấy họ là bậc thầy của công nghệ “lăng-xê” khi liên tục giới thiệu hết ngôi sao này tới ngôi sao khác thông qua những bộ phim tâm lý xã hội hay các ban nhạc có phong cách na ná nhau nhưng vẫn khiến người hâm mộ trên khắp thế giới điên đảo. Bóng đá được người Hàn Quốc kết nạp vào “đội hình” của ngành công nghiệp giải trí của nước này muộn hơn, nhưng cũng được hưởng lợi từ những bí quyết làm hình ảnh, quảng bá thương hiệu và vận động tài trợ đã trở thành sách giáo khoa của ngành giải trí nước này.

Giải VĐQG Hàn Quốc (K-League Classic) có quy mô khá khiêm tốn với chỉ 12 CLB góp mặt nhưng khi được qua bàn tay của những “chuyên gia PR”, rồi cộng thêm nỗ lực… làm giàu của các CLB thì giải đấu này được cả châu Á nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Để có được hình ảnh đẹp long lanh, K-League Classic đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về cơ sở vật chất, sân bãi và buộc các CLB phải tuân thủ tuyệt đối. Các cầu thủ Hàn Quốc bên cạnh việc phải đánh vật với những chế độ tập luyện hà khắc để có nền tảng chuyên môn đủ sức phục vụ khán giả thì cũng được đào tạo kĩ lưỡng về cách xây dựng hình ảnh, tiếp xúc với NHM, phát ngôn trước báo chí… không khác gì so với các diễn viên, ca sỹ nổi danh của nước này.

LÀM GIÀU VÀ LÀM NHƯ THẾ NÀO?
Các CLB Việt Nam đều muốn làm ăn phát đạt, sân đầy ắp biển quảng cáo, hợp đồng tài trợ ký… mỏi tay. Nhưng đặt ra cái đích như vậy là một chuyện, còn đi được đến đích thì không phải cứ… nói là được. Vì thế, chuyến khảo sát tại Hàn Quốc sắp tới chính là nỗ lực để VPF giúp các CLB được gợi mở những hướng “làm giàu” thông qua việc tận mắt thấy bóng đá Hàn Quốc làm những “thủ thuật” gì để khuếch trương hình ảnh, đánh bóng thương hiệu để kiếm được bộn tiền.

Nếu việc biến bóng đá trở thành ngành công nghiệp giải trí ở Hàn Quốc giống như quá trình xây một căn nhà thì các CLB Việt Nam trong vai trò là những “thợ xây học nghề”, cần phải tận dụng chuyến khảo sát sắp tới để nắm được các quy trình xây nhà. Có hiểu được các quy trình ấy thì mới có sự đúc rút, vận dụng những điều phù hợp khi tiến hành “làm nhà” tại V-League.

Sau khi đã trải nghiệm mô hình làm bóng đá của Nhật Bản cách đây 1 năm, VPF đang rất hy vọng chuyến đi tương tự ở Hàn Quốc sắp tới sẽ giúp các CLB có thêm những kiến thức bổ ích để chung tay xây dựng V-League với những sắc màu quyến rũ hơn.

Cầu thủ, diễn viên, ca sỹ… đẹp như nhau
Điều này đã từng được NHM Việt Nam tận mắt chứng kiến hồi năm 2011 khi cựu danh thủ Park Ji-sung thành lập đội bóng gồm cả cầu thủ, ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc để tới thi đấu từ thiện tại TP.HCM. Nhìn vào đội bóng ấy, nếu không được giới thiệu thì khó phân biệt nổi ai là cầu thủ chuyên nghiệp, ai là diễn viên, ai là ca sỹ bởi bề ngoài của họ đều đẹp như nhau, giống như được “sản xuất hàng loạt”.
Nguồn: bongdaplus.vn

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA