Bóng đá Việt Nam và những ngoại binh: Cuộc chiến vì thương hiệu

Khi bóng đá Việt Nam chuyển mình lên chuyên nghiệp, kéo theo đó là những đổi thay tích cực và đáng để kỳ vọng. Nhiều đội bóng đã “bứt” ra khỏi cơ chế Nhà nước trợ cấp kinh phí hoàn toàn của trước kia, để tìm cho mình con đường xã hội hóa riêng, để nâng các hoạt động của mình lên mức chuyên nghiệp nhất có thể.

Khi bóng đá Việt Nam chuyển mình lên chuyên nghiệp, kéo theo đó là những đổi thay tích cực và đáng để kỳ vọng. Nhiều đội bóng đã “bứt” ra khỏi cơ chế Nhà nước trợ cấp kinh phí hoàn toàn của trước kia, để tìm cho mình con đường xã hội hóa riêng, để nâng các hoạt động của mình lên mức chuyên nghiệp nhất có thể.

Có ngoại binh = có thương hiệu

Gần 9 mùa giải trôi qua, ít nhiều các đội bóng đã xây dựng được cho mình một thương hiệu rõ rệt như Hoàng Anh Gia Lai, Becamex Bình Dương, Đồng Tâm Long An, SHB Đà Nẵng… Và trong cuộc chạy đua xây dựng thương hiệu, đánh bóng tên tuổi của các đội bóng, vấn đề sử dụng ngoại binh là cách mà nhiều “ông bầu” coi là nhanh và hữu hiệu nhất. Chính điều này đã tạo điều kiện cho làn sóng ngoại binh từ châu Phi, châu Âu, Nam Mỹ du nhập vào làng bóng đá Việt Nam ngày càng đa sắc màu…

Sự kiện gây chấn động bóng đá Việt Nam hồi đầu năm 2002: Ngôi sao số 1 Đông Nam Á Kiatisak gia nhập đội bóng Hoàng Anh Gia Lai.

Điển hình nhất là sự kiện ngôi sao bóng đá Đông Nam Á Kiatisak Semanuang (Thái Lan) gia nhập đội bóng Hoàng Anh Gia Lai hồi đầu năm 2002. Đấy là sự kiện gây chấn động làng bóng đá Việt Nam đang bắt đầu những bước chập chững theo con đường chuyên nghiệp.

Cùng với mức lương “khủng” lên tới 10.000 USD/tháng, “Zico Thái Lan” Kiatisak còn được cấp nhà, cấp xe và được tạo mọi điều kiện tốt nhất, chỉ giúp “ông bầu” Đoàn Nguyên Đức một việc duy nhất: xây dựng thương hiệu và hình ảnh cho đội bóng phố núi ở sân chơi trong nước.

Và rõ ràng, vụ đầu tư của “bầu” Đức đã thành công vượt quá sự mong đợi: CLB Hoàng Anh Gia Lai từ chỗ chẳng ai biết tiếng, trở thành cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong suốt thời gian dài. Kiatisak trở thành hình mẫu cả về cách sống, cách chơi bóng chuyên nghiệp đối với các đồng đội ở phố núi và đối với nhiều cầu thủ của các đội bóng khác nữa.

Tiền vệ Lee Nguyễn (CLB Hoàng Anh – Gia Lai) từng gây sốc đầu mùa bóng 2009 khi ký hợp đồng với HAGL sau khi chia tay PSV Eindhovein (Hà Lan).

Đầu mùa bóng 2009, “bầu” Đức lại gây sốc khi ký hợp đồng với cầu thủ Mỹ gốc Việt Lee Nguyễn, đồng thời coi đó như cách đánh bóng lại hình ảnh đang sa sút của Hoàng Anh Gia Lai. Sự quan tâm của dư luận và người hâm mộ với bóng đá phố núi lại được hâm nóng trở lại giống như thời của Kiatisak.

Bài học của Hoàng Anh Gia Lai đã “mở đường” cho các CLB chuyên nghiệp khác học tập. Đồng Tâm Long An xây dựng thương hiệu với những cái tên đến từ Brazil như Fabio Santos, Antonio Carlos và rõ nhất là nhờ vào danh tiếng của HLV người Bồ Đào Nha Henrique Calisto. Trong khi đó, Becamex Bình Dương trông cậy vào Kesley Alves, Philani; Đà Nẵng có Almeida; SLNA có Achilefu; Hải Phòng có Leandro…

Cuộc đua đánh bóng thương hiệu


Bên cạnh mục đích tận dụng khả năng chuyên môn của các ngoại binh tài năng này để làm giàu cho lối chơi, các đội bóng cũng nhờ vậy đã khuếch trương được hình ảnh của mình. Và rõ ràng dù không nói ra, nhưng những người am tường đều hiểu rằng cuộc chạy đua “ngầm” về ngoại binh giữa các đội bóng luôn diễn ra quyết liệt.

Thậm chí, các giải đấu cấp thấp hơn như hạng nhất và hạng nhì cũng lao vào chạy đua thuê ngoại binh, vừa để phục vụ mục tiêu thăng hạng, vừa để tạo tiếng vang với dư luận. Lâu dần, trào lưu sử dụng ngoại binh trở thành điều bình thường trong làng bóng đá Việt Nam, nhưng trên thực tế, tính tiện ích của nó trong cuộc đánh bóng tên tuổi của các đội bóng không hề giảm sút.

Tiền đạo Anlonio Carlos (9, Đồng Tâm – Long An) góp công lớn cho CLB ĐT.LA vô địch V-League 2 năm liên tiếp 2005 và 2006. Ảnh: H.HÙNG – N.NHÂN

Chẳng hạn mới đây thôi, CLB Xi măng Hải Phòng gây sốc làng bóng đá Việt Nam với “phi vụ” đưa cựu ngôi sao tuyển Brazil Denilson về đất cảng. Dù cầu thủ này mới chỉ chơi 1 trận và ghi 1 bàn thắng cho đội bóng Hải Phòng, nhưng tác động của sự kiện này đến đời sống bóng đá nơi đây và đối với cả nền bóng đá Việt Nam là rất lớn. V-League ít nhất đã gây tiếng vang ở đấu trường quốc tế khi đưa về một ngôi sao đẳng cấp thế giới như Denilson.

Nếu xét trên góc độ kinh tế, rõ ràng, những cầu thủ ngoại chất lượng cao kể trên đã góp phần lớn trong nỗ lực đánh bóng thương hiệu cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá. Thực tế đã chỉ ra rằng chưa “ông bầu” nào kiếm được tiền hay làm giàu nhờ vào chuyện đầu tư cho bóng đá. Nhưng chính bóng đá đã mang về cho họ rất nhiều cái lợi. Ai cũng biết “bầu” Đức gắn liền với thương hiệu Gỗ Hoàng Anh, “bầu” Thắng thành công với Gạch Đồng Tâm, Bình Dương thuộc về Becamex, Đà Nẵng nằm trong sự kiểm soát của “bầu” Hiển…

Nguồn: Theo SGGP

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA