Bóng đá nam “mở hàng” cho SEA Games 27
Theo như lịch thi đấu các môn của SEA Games 27 vừa được Đại hội đồng thể thao Đông Nam Á và nước chủ nhà Myanmar công bố, bóng đá nam sẽ là môn thi đấu đầu tiên của Đông Nam Á vận hội 2013
SEA Games 27 sẽ được khai mạc vào ngày 11/12, nhưng từ ngày 1/12, môn bóng đá nam đã vào cuộc. Đấy cũng là môn thi đấu đầu tiên của SEA Games năm nay.
Các trận bóng đá nam diễn ra trên sân Thuwunna và Zayar Thiri. Riêng trận chung kết bóng đá nam diễn ra ở sân Zayar Theikdi, nằm trong khu liên hợp thể thao quốc gia Myanmar mới được xây dựng. Đây cũng là sân chính của đại hội, nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và các cuộc tranh tài trong môn điền kinh. Tất cả các trận bóng đá nữ được tổ chức ở sân Mandalay.
2 ngày sau khi bóng đá nam khởi tranh, đến lượt Chinlone, một môn mới được đưa vào chương trình thi đấu, nhập cuộc. Một số môn khác cũng bắt đầu khởi tranh khá sớm so với ngày khai mạc, đó là bóng nước (ngày 4/12), Wushu (ngày 5), bóng đá nữ, boxing (ngày 6), bóng rổ, vật (ngày 7), futsal, Pencak Silat (ngày 8), cầu lông, bắn súng, cưỡi ngựa nghệ thuật, Canoeing, Sepaktakraw (ngày 9), bơi, Petanque (ngày 10).
Thậm chí, có một số môn có chương trình thi đấu kết thúc trước khi ngày khai mạc diễn ra, và VĐV của các môn này có thể sẽ phải về nước mà không được dự lễ khai mạc, đó là môn bóng nước (kết thúc ngày 9/12) và môn Wushu (kết thúc vào ngày 10/12). Riêng môn cờ sẽ khởi tranh đúng vào ngày khai mạc SEA Games 27 là 11/12. Cờ cũng là môn duy nhất thi đấu trong ngày diễn ra lễ khai mạc.
Tại SEA Games 27, môn có nhiều bộ huy chương nhất như thường lệ vẫn là điền kinh 46 bộ huy chương. Trong số 46 bộ huy chương của điền kinh, có 42 bộ cho các nội dung trên đường chạy và hố nhảy, 2 bộ trong nội dung marathon nam, nữ và 2 bộ cho nội dung đi bộ nam, nữ.
Với 41 bộ huy chương các loại, nhóm các môn thể thao dưới nước đứng thứ 2 về số lượng huy chương được trao, gồm 32 cho môn bơi, 8 cho các nội dung nhảy cầu và 1 cho môn bóng nước.
Đứng thứ 3 trong danh sách nhiều huy chương được trao là môn Wushu (23 bộ). Vật và Taekwondo đồng hạng tư với 21 bộ. Những môn có nhiều huy chương khác phải kể đến Vovinam, Kempo, Judo, cờ (18 bộ cho mỗi môn), Karatedo, đua thuyền truyền thống (17), Canoeing (16), Pencak Silat (15), Muay, boxing (14), xe đạp, thuyền buồm (13), bắn súng, Billiards & Snooker (12), Petanque, cử tạ (11), Sepaktakraw, bắn cung (10)…
Trong số này, ngoại trừ môn đua thuyền buồm và Sepaktakraw khá mới mẻ, hầu hết những môn có nhiều bộ huy chương vừa nêu đều là các môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, nên khả năng cạnh tranh huy chương của chúng ta rất đáng kể.
Không khó để hình dung kịch bản thi đấu và gặt hái huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 27 trên đất Myanmar như thế này, trong những ngày đầu, các HCV của chúng ta chủ yếu tập trung vào các môn võ như Wushu, Pencak Silat. Sau đó, niềm hy vọng sẽ dần được dịch chuyển sang bắn súng, rồi đến Petanque.
Đến khi điền kinh và bơi lội vào cuộc, sau ngày khai mạc, 2 môn này tiếp tục là mỏ vàng cho chúng ta, bởi hiện thể thao Việt Nam ngoài thế mạnh ở môn điền kinh như từng thể hiện ở các kỳ SEA Games gần nhất, còn phát triển môn bơi khá tốt, với hàng loạt kình ngư sáng giá như Quý Phước, Ánh Viên, Kim Tuyến…
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua các môn thế mạnh khác như Muay, Vovinam, cờ, Kempo, Karatedo, Taekwondo, cử tạ, Billiards & Snooker.
Nhìn qua chương trình thi đấu và số lượng các bộ huy chương của từng môn tại SEA Games 27, có thể thấy là lượng HCV của đoàn thể thao Việt Nam sẽ được rải đều từ những ngày đầu cho đến những ngày cuối của đại hội.
SEA Games 27 gồm tất cả 33 môn thi đấu, với 460 bộ huy chương. Đại hội sẽ bắt đầu chương trình thi đấu từ ngày 1 và kéo dài đến hết ngày 22/12. Môn kết thúc chậm nhất sẽ là Sepaktakraw, môn này kết thúc đúng ngày bế mạc 22/12.