Bầu Hiển: Bóng đá cho tôi nhiều hạnh phúc

Năm năm ngắn ngủi đã qua, hai đội bóng của bầu Hiển đã bốn lần chạm tay vào vòng nguyệt quế tại V.League. Mừng danh hiệu vô địch của Hà Nội T&T ở mùa này, “cổ động viên đặc biệt” của họ, ông bầu Đỗ Quang Hiển, có cái nhìn tổng quát về bóng đá Việt Nam mùa thứ 13 lên chuyên nghiệp.

Ông Đỗ Quang Hiển nâng cúp mừng danh hiệu vô địch của Hà Nội T&T

* Cảm giác của ông ra sao khi chứng kiến Hà Nội T&T vô địch trước một vòng đấu?

– Trước giờ bóng lăn ở sân Tân An, tôi tin tưởng huấn luyện viên Phan Thanh Hùng và cầu thủ Hà Nội T&T sẽ lên ngôi vô địch. Có quá nhiều lợi thế để Hà Nội T&T bước lên ngôi vô địch ở vòng cuối cùng. Đến khi đội bóng có chiến thắng để đăng quang mùa này, tôi vui và hạnh phúc lắm. Cảm xúc lẫn lận, tràn ngập trong tâm trí dù đời tôi đã đón nhận nhiều niềm vui trong bóng đá lẫn kinh doanh. Chỉ khác là thành công trong lĩnh vực thể thao là con đường dài, nhiều chông gai. Điều đáng tự hào là Hà Nội T&T đã lên ngôi vô địch thuyết phục, xứng đáng nếu nhìn vào các đối thủ còn lại.

* Nhưng danh hiệu vô địch có dính vết xước không nhỏ từ sự kiện Xuân Thành Sài Gòn bất ngờ bỏ giải trước hai vòng đấu, trong khi bầu Thụy xem ông là thần tượng trong giới ông bầu?

– Đối với suy nghĩ của riêng tôi, bóng đá là một thú vui, tình yêu đặc biệt. Tôi đến với bóng đá bằng đam mê, cảm xúc nghiêm túc chứ không hề vụ lợi điều gì. Khi đã làm bóng đá là gắn bó lâu dài, chung thủy một lòng một dạ. Đấy là lời nói thật lòng chứ không hề khách sáo hay suy nghĩ, đắn đo về việc gì khi đã bước chân vào giới thể thao.

Còn cá nhân bầu Thụy, tôi nhiều lần tiếp xúc, đàm đạo về cuộc sống, bóng đá lẫn kinh doanh. Chuyện Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải nửa chừng hẳn ban tổ chức, khán giả lẫn chính bầu Thủy cũng không mong muốn. Đôi khi do suy nghĩ bất đồng, anh Thụy bỏ bóng đá, nhưng không có nghĩa từ bỏ hoàn toàn. Bóng đá cũng như tình yêu, đôi khi giận hờn, chia ly nhưng rồi cũng quay trở lại với nhau. Không thể suy nghĩ thiển cận là bỏ là bỏ hẳn, bởi tình yêu bóng đá như thứ ma lực vô cùng khó dứt ra.

* V.League 2013 chưa trọn vẹn khi vấn đề trọng tài hay Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải khiến giải đấu diễn ra chưa thực sự hoản hảo về mặt tổ chức?

– Tất nhiên người hâm mộ có thể đặt câu hỏi về những vấn đề kể trên. Và vấn đề ấy cần trách nhiệm từ người quản lý cũng như các cơ quan liên quan để tìm kiếm bằng chứng. Nhưng tôi vui vì V.League 2013 tìm được một nhà vô địch xứng đáng nhất dù sự cố Xuân Thành Sài Gòn làm ảnh hưởng. Từ người hâm mộ lẫn giới chuyên môn thừa nhận Hà Nội T&T vô địch xứng đáng, không có gì bàn cãi. 

Đội bóng thể hiện sự vượt trội từ chuyên môn, lối đá đến quyết tâm. Cộng các trận đấu mùa này hấp dẫn, chất lượng kéo khán giả đến sân đông hơn hẳn. Muốn nói giải đấu thành công phải nhờ số lượng khán giả đến sân ít hay nhiều. Qua số liệu thống kê từ khán giả, tôi nghĩ V.League 2013 làm hài lòng người hâm mộ lẫn nhà tài trợ, người làm bóng đá, dù còn vài vấn đề gây tranh cãi.

* Thời buổi bóng đá sa sút, hiếm ông bầu bóng đá nào cũng sắt son, bền bỉ theo nghiệp như ông?

– Tôi không còn là ông bầu bóng đá như xưa mà đơn thuần là một cổ động viên nhiệt thành, yêu bóng đá không ngừng nghỉ. Tình yêu trong bóng đá hay cuộc sống đều giống nhau và phải sống hết mình vì tình yêu ấy. Nhiều người cứ nói tôi quá giàu có, đam mê mới theo bóng đá kiên trì, bền bỉ như thế. Đâu có ai biết rằng tôi cũng hy sinh nhiều thứ, nén nỗi buồn trong lòng. Không phải lúc nào chuyện làm ăn cũng suôn sẻ, may mắn, nhưng tôi cũng nén chuyện buồn sang một bên khi bước vào sân cỏ. Bóng đá mang lại nhiều niềm vui, xúc cảm khi trở lại bàn làm kinh tế, nên tôi không bao giờ mất đi niềm vui, sự thoải mái khi vào sân cỏ cả.

* Cá nhân ông nghĩ sao về hiện tượng dọa bỏ giải đang lan rộng ở sân cỏ nước nhà?

– Khi có bức xúc, bất mãn, những tuyên bố, lời nói như thế có thể xuất hiện. Điều quan trọng là vai trò quản lý bóng đá của người làm công tác tổ chức từ VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) đến VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị tổ chức V.League) ra sao. Đặc biệt, cấp quản lý phải lường trước mọi điều xấu nhất có thể xảy ra. Phải có phương án dự phòng, xử lý với bất cứ tình huống xấu nhất. Cá nhân tôi nghĩ VFF phải gần gũi, quan tâm hơn đến suy nghĩ, khó khăn từ cấp câu lạc bộ. VFF tồn tại, phát triển hay không cũng như sự phát triển đi lên từ chính những đội bóng dự giải chuyên nghiệp. Không gần gũi, hiểu được vấn đề từ cấp cơ sở, VFF khó có cái nhìn tổng quát để thay đổi bức tranh bóng đá Việt Nam sau đó.

* Có cảm tưởng bức tranh bóng đá Việt Nam ngày càng xuống cấp, dù đã đầu tư tiền triệu USD?

– Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đều cần chính sách xã hội hóa để phát triển. Đấy là chính sách phù hợp, khôn khéo từ mặt quản lý nhà nước để phát huy sức mạnh từ người dân lẫn doanh nghiệp. Có xã hội hóa tốt, hiệu quả cũng nhờ VFF hỗ trợ các đội bóng về thể chế, tài chính lẫn cách thức hoạt động. Dùng kênh phương tiện truyền thông, báo chí để xây dựng hình ảnh, nâng cao khả năng quảng bá cũng là vấn đề quan trọng. 

Nhất là lãnh đạo địa phương nơi có đội bóng cũng quan tâm, ủng hộ và theo sát tình hình thì đội bóng mới tồn tại được. Đó là mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, cùng có lợi để nâng cao hiệu quả. Muốn bóng đá Việt Nam đi lên cũng phải nhờ sự tự vận động từ VFF chứ không thể trông chờ một ai khác. Có thống nhất các mối quan hệ, phát triển từ bóng đá trẻ, bóng đá Việt Nam mới hy vọng đi lên, phát triển bền vững được.

* Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện!  

Nguồn: vff.org.vn

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA