Vận động đăng cai Euro 2012 vào chặng nước rút

UEFA sẽ công bố nước chủ nhà của Euro 2012. Hiện tại, 2 nước cùng vận động đăng cai là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã bị loại ở ngay vòng bầu chọn đầu tiên nên trong vòng bỏ phiếu kín thứ nhất sẽ còn 3 ứng cử viên: Italia; Croatia – Hungary…

Ngày 18/4 tới đây tại Cardiff, xứ Wales, UEFA sẽ công bố nước chủ nhà của Euro 2012. Hiện tại, 2 nước cùng vận động đăng cai là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã bị loại ở ngay vòng bầu chọn đầu tiên nên trong vòng bỏ phiếu kín thứ nhất sẽ còn 3 ứng cử viên: Italia; Croatia – Hungary và Ba Lan – Ukraine. Nhưng có lẽ đó sẽ chỉ là cuộc cạnh tranh riêng giữa Italia với Ba lan và Ukraine mà thôi.

Italia: Kinh nghiệm quyết định thắng bại?
Trong lịch sử, Italia từng là chủ nhà của 2 kỳ Euro, đó là vào những năm 1968 và 1980. Không chỉ thế, họ cũng đã từng được tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 1990 nên có thể nói kinh nghiệm tổ chức chính là một trong những lợi thế của đất nước vùng Địa Trung Hải.
Mặt khác, một trong những bất lợi của những đối thủ cạnh tranh với Italia chính là về cơ sở hạ tầng. Nói gì thì nói, với một nền bóng đá phát triển hơn hẳn so với các quốc gia Đông u, những SVĐ tại Italia rõ ràng chất lượng hơn hẳn những SVĐ của những CLB ít tên tuổi của Ukraine, Ba Lan, Croatia hay Hungary dù cho sau vụ scandal bạo lực Catania, tại Italia chỉ có 4 SVĐ đủ an toàn về mặt an ninh.
Kinh nghiệm tổ chức giúp Italia có lợi thế nhưng tình hình an ninh không đảm bảo tại đây trong thời gian quan đã khiến họ bị mất điểm
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Italia gặp không ít những khó khăn trong cuộc vận động đăng cai Euro 2012 của mình.
Thứ nhất đó là hình ảnh về một nền bóng đá tràn ngập bạo lực. Còn nhớ cách đây hơn một tháng, scandal bạo lực Catania đã cướp đi sinh mạng của một cảnh sát trong một vụ đụng độ với CĐV. Sau vụ việc này, Serie A đã phải hoãn một tuần. Các SVĐ bị thanh tra về an ninh và người ta thấy giật mình khi chỉ có 4 SVĐ đủ tiêu chuẩn.
Những hình ảnh vốn không mấy thiện cảm của các CĐV Italia lại tiếp tục bị bôi nhọ khi mới đây CĐV của Roma liên tiếp tấn công các CĐV Manchester (ở cả Italia và ngay cả trên đất Anh). Chắc chắn hình ảnh những cảnh sát cầm dùi cui đàn áp một cách bạo lực trên khán đài sân Olimpico là một vết nhơ trong cuộc vận động đăng cai Euro 2012 của người Italia.
Thứ 2 đó là chủ trương của chủ tịch UEFA, Michel Platini, người luôn “bênh vực” những nền bóng đá đang hoặc chậm phát triển. Chính tuyên bố bênh vực những nền bóng đá ít tên tuổi, giảm bớt số đội của các nền bóng đá lớn như Anh, Italia và Tây Ban Nha tại Champions League hồi tranh cử chức chủ tịch UEFA đã giúp cho Platini nhận được rất nhiều phiếu ủng hộ từ đại diện các nền bóng đá nhược tiểu. Và giờ đây chính là thời khắc để Platini thực hiện lời hứa của mình.
Ba Lan – Ukraine: Món lợi về kinh tế sẽ chiến thắng?
Tuy nhiên xét ở khía cạnh kinh tế thì nước nào có một thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết mới là ứng cử viên số 1. Về điểm này thì chính Ba Lan và Ukraine mới là ứng cử viên số 1. Có rất nhiều, rất nhiều lý do chỉ ra rằng, để đạt được những lợi ích kinh tế thì tốt nhất thì UEFA nên trao quyền tổ chức Euro 2012 cho Ba Lan và Ukraine.
Bộ trưởng thể thao của Ukraine, Victor Korzh cho biết Ba Lan và Ukraine là nơi có nơi tập trung nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài. Vì thế, nếu như Ba Lan và Ukraine giành quyền đăng cai Euro 2012 thì số tiền đầu tư mà các thương nhân nước ngoài đổ vào sẽ là khoảng 7 tỉ USD.
Ba Lan và Ukraine sẽ hưởng lợi rất nhiều từ Euro 2012 nếu họ chính thức trở thành những nước chủ nhà của sự kiện thể thao đặc biệt này
Andrzej Placzynski, lãnh đạo cao cấp của chi nhánh Sport five tại Ba Lan cho hay: Hiện tại UEFA đã kiếm được những khoản tiền khổng lồ từ việc bán bản quyền truyền hình ở Tây u. Nếu như Euro 2012 được tổ chức ở Ba Lan và Ukraine thì điều này đồng nghĩa với việc UEFA sẽ được thu thêm những khoản lợi nhuận khổng lồ từ thị trường 85 triệu dân của 2 nước. Còn về lâu dài, những CLB bóng đá của Ba Lan và Ukraine vì thế có điều kiện phát triển hơn qua đó được chơi thường xuyên ở những giải đấu lớn và số tiền nhận được từ bản quyền truyền hình trận đấu cũng tăng dần.
Một lý do khác mà Andrzej Placzynski tin rằng, dù đơn thuần mang tính thương mại nhưng sẽ giúp cho Euro 2012 sẽ được tổ chức ở Đông u. Đó là hiện nay, Adidas, BenQ, Carlsberg, Castrol, Coca-Cola, Continental, Kia, Hyundai, JVC, Master Card, McDonald là những tập đoàn kinh tế có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất định đối với UEFA. Thị trường ở Ba Lan và Ukraine chính là một thị trường hết sức tiềm năng với dân số lên tới 85 triệu người, nhiều hơn hẳn so với 14 triệu người của Hungary và Croatia.
Hungary – Croatia: Kiên trì thôi là chưa đủ
Có thể nói đây chính là ứng cử viên được đánh giá là… lót đường vì xét trên mọi khía cạnh, Hungary và Croatia không có một mặt nào sánh được với 2 ứng cử viên còn lại ngoài sự… kiên trì. Trước đây chính Hungary đã từng thất bại trong lần vận động đăng cai Euro 2004 và Euro 2008. Có vẻ phũ phàng nhưng để tổ chức một sự kiện tầm cỡ như Euro 2012 thì chỉ sự kiên trì thôi là chưa đủ.
Không được như Italia, Hungary và Croatia chưa có kinh nghiệm tổ chức bất cứ một sự kiện bóng đá lớn nào. Hệ thống cơ sở hạ tầng càng không thể so bì với đất nước vùng Địa Trung Hải cũng như Ba Lan và Ukraine.
Croatia và Hungary đang tỏ ta yếu thế nhất trên đường đua
Về lĩnh vực kinh tế, thị trường Hungary và Croatia thực sự không mấy hấp dẫn các tập đoàn kinh tế lớn khi số dân của 2 nước chỉ vỏn vẹn 14 triệu người, kém xa con số 85 triệu dân của Ba Lan và Ukraine.
Ngoài ra, một lý do nữa khiến cho Hungary khó có thể giành được quyền đăng cái Euro 2012 đó là mối quan tâm của người dân tới sự kiện thể thao đặt biệt quan trọng này là quá thấp, chỉ khoảng 60% dân số. Trong khi đó số người quan tâm ở Ba Lan và Ukraine là 90%. Đây là một trong những điều quan trọng ảnh hưởng tới kết quả bỏ phiếu.
 
Theo Thethao.vtc.vn