Trưởng đoàn TTVN: STinh thần, ý chí khởi đầu thắng lợi⬝

Đánh giá toàn cục về Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23, Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho rằng tinh thần quyết tâm của các VĐV Việt Nam là yếu tố nổi bật nhất, khởi đầu cho thành công của TTVN tại…

Đánh giá toàn cục về Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23, Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho rằng tinh thần quyết tâm của các VĐV Việt Nam là yếu tố nổi bật nhất, khởi đầu cho thành công của TTVN tại Đại hội này.

PV: Thưa ông Nguyễn Hồng Minh, với tư cách là trưởng đoàn TTVN, xin ông cho biết đánh giá chung về Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 23?

Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh

Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh: Có thể nhận định một cách tổng quát rằng Đoàn TTVN đã đi trúng tiến trình, đúng kế hoạch dự kiến, và cũng có thể báo cáo với Chính phủ và nhân dân rằng Đoàn đã hoàn thành được lời hứa của mình trong buổi lễ xuất quân, với kết quả cuối cùng là 71 HCV, 68 HCB và 89 HCĐ.

Theo ông, yếu tố nổi bật nhất mà các VĐV Việt Nam đã thể hiện tại SEA Games này là gì?


– Theo tôi, yếu tố nổi bật nhất là toàn Đoàn TTVN có tinh thần quyết tâm rất cao trong hầu hết tất cả các cuộc thi đấu. Có thể nói trên một đấu trường, tôi dùng chữ Shỗn độn⬝ do công tác tổ chức kém và có những bức xúc trong công tác tổ chức trọng tài, nhưng các HLV, VĐV của chúng ta đã hết sức nỗ lực để cố gắng bảo vệ thành tích của mình. Tôi xin đơn cử một vài ví dụ:

Đó là Đỗ Thị Bông, VĐV chạy 800m nữ đã phá kỷ lục SEA Games tồn tại hơn 20 năm qua. Cuối chặng thi đấu 800m nữ Bông đã bị chấn thương, nhưng hôm sau vẫn làm thêm nhiệm vụ chạy 1.500m nữ để hỗ trợ Trương Thanh Hằng. Mới bắt đầu vào đợt chạy Bông đã thấy đau, mặc dù suốt cả đêm trước đã được xoa bóp hồi phục, và dù càng chạy càng đau nhưng trong 100m cuối cùng, Bông đã nỗ lực vượt lên trên VĐV Myanmar để về thứ nhì. Sau đó, Bông đã bị đau đớn trong hơn 3h đồng hồ. Tinh thần đó là gì nếu không phải là ý chí quyết chiến quyết thắng.

Hay là sự nỗ lực rất lớn của Nguyễn Thị Hòa ở nội dung chạy Marathon. Chúng ta thấy những con đường của thủ đô Manila đông nghẹt xe và người và khói bụi, nhưng vóc dáng nhỏ bé của cô đã bị hoà lẫn trong dòng người ấy. Đáng tiếc là trong viêc xác định thành tích, Hoà đã không được hưởng thành tích của mình là chiếc HCB.

Tôi phải nói rằng có một sự bất công trong việc xác định thành tích của Hoà. Vì rằng người ta đã cho các VĐV nam nữ xuất phát cách nhau 10 phút, và đương nhiên như vậy sau một quãng đường ngắn, các VĐV Marathon nam và nữ sẽ chạy hoà vào với nhau. Và như thế sẽ có lúc người ta sẽ chạy song hành với nhau. Vì lý do đó mà phạt và tước đi tấm huy chương của Hoà là không hợp lý.

Tôi xin thông báo rằng trong cuộc họp Trưởng đoàn sáng nay, những người làm công tác trọng tài hôm đó đã không dám đối mặt để trả lời những câu hỏi về mặt luật lệ khi chúng ta nêu lên rằng về công tác tổ chức không ai bố trí cho các VĐN Marathon nam và nữ lại chỉ chạy cách nhau 10 phút như vậy, và lại trên cùng một chặng đường.

Vậy, những thành công về chuyên môn là gì?

– Chúng ta cần phải nói đến những thành tích xuất sắc của điền kinh với 8 HCV và còn có thể đạt hơn; thành tích của ĐT pencak silat với 7 HCV, của karatedo (5 HCV), TDDC (5 HCV), vật (6 HCV), và ngày hôm nay nữa, ĐT cờ Vua của chúng ta trong một trận đấu dai dẳng suốt từ ngày đầu cho tới ngày cuối cùng của SEA Games đã giành được 8 HCV ở cả 8 nội dung thi đấu, hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ.


Còn phải kể tới ĐT wushu với 7 HCV, mặc dù như tôi nói là đã có sự ấn định và phân chia, nhưng các VĐV chúng ta đã cố gắng để vượt qua.

Bên cạnh đó, thắng lợi của ĐT arnis (võ gậy) khi chúng ta tiến hành thi đấu có 7 nội dung, nhưng Việt Nam đã giành được tới 3 HCV. Đây là thành tích ngoài sự mong muốn của chúng ta và cả nước chủ nhà. Philippines đã giúp đỡ chúng ta và họ cũng chỉ có thể nghĩ rằng chúng ta sẽ chỉ lấy được 1 chiếc thôi.

Đấy là chưa kể nếu như đồng đội nam được chấm điểm công bằng hơn nữa thì chúng ta còn có thể lấy thêm HCV. Arnis là môn võ của Philippines, chúng ta đã ủng hộ các bạn trong việc tham gia và tố chức, nhưng riêng đối với tôi, tôi cũng phải ngỡ ngàng trước sự kỳ diệu của cổ tay VĐV chúng ta. Điều ấy quả thật là tôi không nghĩ đến. Không ngờ rằng các VĐV võ gậy chúng ta lại có thể khéo léo đến thế.

Đó là những thành công, còn về những hạn chế thì sao, thưa ông?

– Bên cạnh việc hoàn thành được nhiệm vụ đã đề ra, phải thấy thấy rằng cũng có một số ĐT rất xuất sắc và họ đã giành được nhiều huy chương để bù lại những thất bại của các đội khác trong quá trình nỗ lực phấn đấu. Và cho dù mỗi đội chỉ mất đi 1 HCV hoặc 2, 3 HCV thì theo tính toán của tôi, chúng tôi đã mất đi 10 đến 12 HCV.

Nếu như chúng ta nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn và cố gắng hơn thì chúng ta có thể giành được trên 10 HCV nữa. Trước lúc lên đường, tôi từng nhiều lần nói rằng tối thiểu chúng ta phải có 60 HCV và tối đa nỗ lực là 80 HCV. Tức là chúng ta vẫn có khả năng cạnh tranh cao hơn nữa.

Vậy, nguyên nhân của việc này là gì?

– Một là chúng ta chưa thích ứng được với những điều kiện khó khăn. Các ĐT thi đấu phân tán ở nhiều nơi, rất khó chỉ đạo. Mặc dù lãnh đạo đoàn đã nghĩ ra nhiều biện pháp, đặc biệt là thông tin và liên lạc nhưng không đủ cán bộ để có thể chỉ đạo toàn diện ở các nơi. Có những địa điểm rất xa, nằm trong căn cứ quân sự của bạn, rất ít người đến, thông tin thì không gọi được vì mất sóng liên lạc.

Cũng có những khó khăn do thích ứng với dụng cụ và phương tiện thi đấu. Ví dụ nội dung đua thuyền truyền thống 10 người, BTC nói rằng không có thuyền nên phải ngồi vào chiếc thuyền dành cho 22 người. Điều đó không một BTC nào nghĩ ra. Còn ĐT xe đạp trong quá trình thi đấu phải hành tiến chung với các phương tiện giao thông công cộng trên chặng đường dài từ 90km tới 170km. Giữa HLV và VĐV không hề có phương tiện giao thông để liên lạc bộ đàm với nhau, và đặc biệt là trong công tác trọng tài thì chúng ta không đủ xe cộ để hỗ trợ thông tin cho VĐV và nắm được diễn biến trên đường.

Rồi chương trình thi đấu luôn luôn thay đổi, chương trình chính thức luôn bị xác định lại rất muộn. Chúng tôi đã mất nhiều công sức để soạn thảo một tập tài liệu gửi cho phóng viên Việt Nam về chương trình thi đấu, nhưng sau đó người ta lại thay đổi từng ngày. Và thậm chí có những ĐT như silat đang ngồi xem trên khán đài vì chương trình của mình tưởng như là ngày mai, thì người ta lại gọi thi đấu luôn. Hầu hết các môn chúng tôi tổng hợp lại được đều là chương trình thi đấu không ổn định.

Tất cả những điều đó làm chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều hành.

Đấy là những khó khăn khách quan, còn về mặt chủ quan thì sao, thưa ông?

– Một số ĐT khác về công tác đánh giá đối thủ cũng cần phải rút kinh nghiệm. Tôi lấy ví dụ như môn vật, đây là môn đánh giá đối thủ chưa sát với thực tế. ĐT vật của chúng ta thi đấu ở SEA Games 22 thắng như chẻ tre, không ai có thể địch nổi cả, nhưng 2 năm sau rõ ràng Thái Lan có tiến bộ, và nữ Philippines cũng vậy.

Sự tiến bộ này không khiến đối thủ thắng được ta, nhưng nó lại làm cho cuộc đấu trở nên ngang ngửa và đối phương ngăn cản bước tiến của ta. Trong tình huống ngang ngửa như vậy, các trọng tài không fair-play có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương giành chiến thắng. Điều đó đã diễn ra ở SEA Games 23 này. Nếu VĐV chúng ta giành thắng lợi tuyệt đối như Mẫn Bá Xuân thì có lẽ không gì cản trở được chiến thắng. Nhưng trong thể thao muốn thắng tuyệt đối thì khoảng cách về trình độ phải khác nhau rất nhiều.

Một số khác thì thi đấu không thành công do theo dõi, tính toán và ấn định quá trình tiến triển của thành tích chưa được chặt chẽ. Tôi lấy ví dụ như ĐT bắn súng. Chỉ tiêu của bắn súng là 5 đến 6 HCV, nhưng các VĐV của chúng ta chỉ giành được có 3 HCV thôi. Theo tôi nghĩ, bắn súng là ĐT “thất bát” nhiều nhất ở SEA Games 23, vì bắn súng là ưu thế của chúng ta.

Rồi đua thuyền chúng ta cũng chưa hình dung hết được sự tiến bộ của các VĐV bạn. Những cuộc đấu ở gần đây chúng ta luôn chiếm ưu thế, căn cứ vào những cuộc đấu của giải Đông Nam Á, của các giải giao hữu mở rộng mà có thể nghĩ chúng ta mạnh thì đó là điều phải tính toán lại. Một số môn khác thì vấp phải cách đánh giá và tổ chức chưa tốt của trọng tài. Chẳng hạn như TDDC, sport aerobic hay dance sport.

Trong những nguyên nhân chủ quan về phía chúng ta dẫn tới việc để mất HCV thì tập trung nhiều vào việc thu thập thông tin và đánh giá về đối thủ. Đó là vấn đề rất quan trọng. Bơi lội mặc dù có thành tích hết sức xuất sắc của Nguyễn Hữu Việt, nhưng các VĐV khác lại không thành công. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi chúng ta không lấy được chiếc HCĐ nào. Theo đánh giá của tôi, nguyên nhân của sự không thành công này là việc thiếu thông tin về đối thủ và sự nỗ lực để vượt qua cái mình đã có không thực hiện được.

Tổng hợp những mặt thiếu sót ấy lại sẽ khiến chúng ta mất khoảng 10 tới 12 HCV. Nếu như không có những ĐT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như điền kinh, cờ Vua và một số môn khác thì rất có thể chúng ta đã không bù lại được số huy chương đã mất ấy.

Sau những thành công và mất mát như thế, theo ông bài học TTVN rút ra được sau SEA Games này là gì?

– Chúng ta thấy rằng cần phải tính toán lại, cần phải có những BHL, những nhà chuyên môn đi sát hơn với công việc chuyên môn.

Về công tác quản lý và xây dựng chương trình thể thao thì tôi vẫn muốn nói rất nhiều lần rằng sau SEA Games 22, chúng ta đã có sự tiến bộ. Đó là chúng ta cố gắng chuyên nghiệp hoá. Tôi đã từng nói với tất cả các bạn rằng trong số 530 VĐV chúng ta đưa đi, thì phải có tới 450 người đã được dự báo về thành tích, và kết quả cuối cùng là rất chuẩn xác.

Chúng ta có nhiều môn tiến bộ, chẳng hạn như boxing, có 14 bộ huy chương, nhưng đã có 8 bộ thuộc về chủ nhà và 6 bộ của Thái Lan. Nhưng từ 6 HCĐ ở SEA Games lần trước, bây giờ chúng ta đã giành được 3 HCB và 4 HCĐ.

Còn thắng lợi của điền kinh cho thấy chúng ta đã xác định nội dung và đối thủ đều rất chính xác. TDDC cũng như vậy.

Sau SEA Games 23, hướng phát triển của TTVN là gì, thưa ông?
– Chúng ta muốn đua tranh với những nước có nền thể thao mạnh như Thái Lan thì phải có tính chuyên nghiệp ca trong việc đào tạo và huấn luyện VĐV. Nghĩa là chúng ta phải tập trung cao độ hơn cho những VĐV xuất sắc. Một mặt nữa, chúng ta có thể thua họ, chúng ta tham gia 33 môn với 359 nội dung, nhưng chúng ta đạt được thành tích tương đương với một số nước thi 36, 37 hoặc thậm chí 41 môn. Điều đó cho thấy TTVN cần phải tiếp tục mở rộng nội dung thi đấu. Vì nếu không, chúng ta sẽ không có điều kiện để giành thêm huy chương.

Nguyễn Trọng Cường tiếp bước người anh Nguyễn Văn Hùng để mang vinh quang về cho tổ quốc

Trong số 33 môn thể thao mà chúng ta tham dự ở SEA Games 23, chuyên nghiệp cao độ thì có khoảng 26 môn, 7 môn còn lại thì ở mức độ nào đó. Nhờ có sự chuyên nghiệp ấy mà chúng ta đã giành được số lượng huy chương theo dự định. Nhưng nếu chúng ta mở rộng số môn thi thì sẽ có thể lấy thêm huy chương.
~ đây tôi muốn nhắc tới tên ông Hoàng Vĩnh Giang, người đã có công lao phát triển một số môn thể thao mới như canoeing, rowing, kiếm, bắn đĩa bay, arnis. Phải thừa nhận rằng nếu như không có những môn này thì chúng ta đã mất đi một số lượng huy chương đáng kể.
Nhiệm vụ thứ 3 là cần phải tăng cường hơn nữa cho nhiệm vụ hậu cần chăm sóc VĐV. Lần này chúng ta đã sử dụng một đội ngũ bác sỹ hùng hậu, kể cả những nhà lãnh đạo về mặt y học như Viện trưởng, Viện phó, để chạy chữa cho VĐV rất hiệu quả. Nhưng nếu như tất cả những vấn đề về thuốc men và chạy chữa ấy lẽ ra được sớm hơn từ đầu năm chứ không phải từ tháng 10 thì chắc chắn nó sẽ còn tốt hơn nữa. Chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này.

Riêng về điền kinh, bơi lội và thể dục thì sao, thưa ông?

– Đây là 3 môn thể thao xuất hiện sớm nhất và lâu đời nhất trong lịch sử Olympic nói riêng và thể thao nói chung. Điền kinh có 45 bộ huy chương, bơi lội có 38 bộ huy chương và TDDC là 12 bộ huy chương, trong đó số bộ huy chương của bơi lội sẽ còn nhiều hơn nữa sau khi cự ly 50m được đưa vào chương trình thi đấu.

Chúng ta đã cố gắng phát triển mạnh hơn nữa những môn này ở Việt Nam, nhưng theo nhận định của tôi, bắt đầu từ 2001, khi chúng ta cải tổ toàn bộ chương trình tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện thì điền kinh đã gặt hái thành công. Bơi lội thì chúng ta đã kiên nhẫn từ nâm 1997 tới nay, trải qua nhiều cải cách về huấn luyện, thi đấu nhưng chưa có hiệu quả, thành tích của Nguyễn Hữu Việt vừa rồi rất quan trọng, vì nó sẽ góp phần cổ vũ tinh thần của những người làm thể thao nói riêng và bơi lội nói chung.

Nhưng toàn bộ ĐT bơi lội Việt Nam, trừ HCV của Nguyễn Hữu Việt, đã không thành công. Những VĐV còn lại chưa thi được bằng chính thành tích của họ ở giải VĐQG. Vì thế, ĐT bơi lội tiếp tục còn là một vấn đề cần tiếp tục xem xét.

Về TDDC, trước đây chúng ta gặp khó khăn nhất là không có phương tiện, nhưng 2 năm trước đây, để chuẩn bị cho SEA Games ở Việt Nam, chúng ta đã có 2 bộ dụng cụ hiện đại, giống như với tiêu chuẩn quốc tế. Tôi cho rằng với việc giành được 5/12 HCV, thành tích của TDDC lần này là lớn nhất.

Bài học rút ra được từ trường hợp của Nguyễn Hữu Việt và TDDC là tập trung cao độ cho những VĐV có khả năng. Việc Trương Minh Sang, Nguyễn Minh Tuấn, Phạm Phước Hưng, Đỗ Thị Ngân Thương giành được HCV đơn môn là kết quả của quá trình xác định từ 4 năm trước đây, rằng họ chỉ có thể giành được HCV ở những nội dung đơn môn như thế. Chính vì thế, việc xác định đúng để đào tạo là nhiệm vụ hết sức cần thiết.

Bơi và TDDC vẫn là dấu hỏi cần phải giải đáp trong từ 5 đến 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt cải tiến công tác huấn luyện, mà cụ thể là nâng cao trình độ cho các HLV. Hai nữa là phải cập nhật những phương pháp huấn luyện hiện đại, đặc biệt là bơi. Điền kinh đã chuyên môn hoá sâu về phương pháp huấn luyện, TDDC đã cải thiện được nhiều, nhưng bơi lội thì vẫn không có thay đổi lớn.

Sau SEA Games thì ASIAD sẽ là đấu trường quan trọng nhất sắp tới của TTVN. Vậy hướng chuẩn bị của chúng ta ra sao?

– Kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD 2006 đã được tiến hành song song với SEA Games 23 từ 2 năm trước. Chúng tôi dự kiến sẽ tham dự từ 18 tới 20 môn tại ASIAD, trong đó sẽ có khoảng 14 tới 16 môn có khả năng giành huy chương, từ HCĐ trở lên. Mục tiêu của chúng ta là giành từ 6 tới 8 HCV.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu này ở một số môn thể thao. Ngay sau khi SEA Games kết thúc, trong khi các VĐV khác được phép về địa phương tập duy trì chờ Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra tại TP.HCM vào năm sau, thì các VĐV chuẩn bị cho ASIAD chỉ được nghỉ 1 tuần, và sau đó sẽ tập trung trở lại vào ngày 14/12. Lực lượng VĐV này có khoảng 280 người. Chúng ta hy vọng ở thể hình, cử tạ, karate, taekwondo, billiard, wushu, kiếm, đua thuyền, vật nữ, boxing nữ.

-Xin cảm ơn và chúc ông cùng TTVN sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

(Theo Thethaovietnamnet)