Trái bóng gắn chíp đã lăn

Trái bóng gắn chíp điện tử chính thức được đưa vào sử dụng tại giải VĐTG U17 diễn ra ở Peru khai mạc ngày 16-9.

Trái bóng gắn chíp điện tử chính thức được đưa vào sử dụng tại giải VĐTG U17 diễn ra ở Peru khai mạc ngày 16-9. Trái bóng này được nhiều người hy vọng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt của bóng đá trong tương lai, cụ thể là hạn chế được những quyết định sai lầm đáng tiếc từ các trọng tài. 

Xuất phát từ những tranh cãi không ngừng xung quanh việc bàn thắng đã thực sự được ghi hay chưa khi trái bóng rơi xuống rồi lại nhanh chóng bật ra ngoài cầu môn, các nhà chuyên môn cho rằng, việc sử dụng bóng có gắn chíp báo hiệu là cần thiết. Trong nhiều trường hợp, việc trái bóng rơi vào phần bên trong hay bên ngoài vạch vôi trước khi nhanh chóng nảy ra ngoài thực sự là khó phân biệt, nhất là vì các trọng tài không được phép tham khảo băng quay chậm hay bất cứ sự hỗ trợ nào ngoài mắt nhìn của vị trợ lý đứng tại góc sân. Mà vị trợ lý này cũng chỉ là con người xương thịt, vẫn có thể lầm lẫn.

Theo mô tả của Guenter Pfau, Giám đốc đối ngoại của Adidas, thì công nghệ mới không có gì phức tạp. Trên trái bóng thông thường, người ta sẽ gắn một con chíp điện tử có kích cỡ khoảng 15mm. Khi bóng lăn qua đường biên ngang, bộ phận cảm ứng được gắn trên đường này sẽ phát tín hiệu về 12 ăngten gắn ở các góc sân. Những tín hiệu này sẽ được truyền tiếp về một computer trước khi tới với bộ phận nhận tín hiệu cuối cùng gắn trên đồng hồ mà trọng tài đeo ở tay độ 1-2 giây sau đó. Tín hiệu này có âm thanh nhỏ tới mức gần như người ta không nghe thấy được và trọng tài sẽ không phải bận tâm tới nó, trừ phi trọng tài này còn băn khoăn về quyết định công nhận bàn thắng.

Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, người luôn không tán thành việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ trong bóng đá, nói rằng, công nghệ mới được áp dụng tại giải đấu ở Peru lần này nếu thành công thì trái bóng gắn chíp sẽ được phép sử dụng ở World Cup mùa hè năm sau. Trong buổi lễ ra mắt trái bóng mới tại Thủ đô Lima của Peru hôm đầu tuần, Tổng thư ký FIFA Urs Linsi cũng đã khẳng định với phóng viên hãng Reuters, “công nghệ đường biên” – công nghệ sử dụng trái bóng chíp – chỉ là một công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế cho mắt nhìn và kinh nghiệm của các trọng tài. “Trọng tài sẽ là người chịu trách nhiệm quyết định. Ông ấy là vua trên sân cỏ và không có gì thay đổi được điều đó”, ông Linsi nói.

Giải VĐTG U17 năm nay thu hút 16 đội từ các quốc gia Trung Quốc, Qatar, CHDCND Triều Tiên, Ghana, Gambia, Bờ Biển Ngà, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Mỹ, Mexico, Brazil, Uruguay, Australia, Costa Rica và chủ nhà Peru tham dự. Giải sẽ kết thúc vào ngày 2-10. Sau thời điểm đó, chúng ta sẽ biết được, công nghệ mới có tác dụng như thế nào và nó có thể được sử dụng ở world Cup năm sau hay không.

(Thethaovietnam.com)