Phó chủ tịch LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) Dương Vũ Lâm: “Các đội bóng mạnh đá không hay vẫn thắng ở World Cup 2014”

Các đại gia chật vật vượt qua vòng 1/8 World Cup. Dù vậy, với vị phó chủ tịch (PCT) AFF Dương Vũ Lâm, ông có cái nhìn khác về vòng đấu vừa nêu, cũng như về năng lực thực sự của các đội chiếu trên.

Khác biệt về mặt con người

Có vẻ như các đội được đánh giá là ứng cử viên vô địch vượt qua vòng 1/8 quá vất vả thưa ông?

Theo tôi đó là điều bình thường. Trước hết, là cách tiếp cận trận đấu của 2 bên. Với các đội mạnh, họ buộc phải thắng, với các đội chiếu dưới, họ thắng cũng được, không thắng cũng chẳng phải là thảm họa, nên họ hầu như không có áp lực. Thậm chí, với các đội cửa dưới khi gặp các đội mạnh, họ cũng không nhất thiết phải đá tấn công, cứ tập trung đông người trước khung thành, sau đó phản công khi đối phương dâng lên cao. 

Mà phàm đá phản công luôn dễ hơn đá tấn công, xây mới khó còn phá thì dễ. Ở đây, phải hiểu các đội mạnh như Đức, Brazil hay Argentina là những người đi xây, nên họ gặp khó khăn hơn các đối thủ của họ cũng là bình thường. Không thể phủ nhận các đội chiếu dưới đã chơi hay. Nhưng một khi đã đá hay hơn chính mình lúc bình thường mà vẫn thua, rõ ràng anh vẫn là đội bóng nhỏ. Ngược lại, với các đội bóng lớn, họ có thể đá không hay, nhưng ngay cả khi không hay họ vẫn có thể chiến thắng.

Khác biệt lớn giữa Thụy Sĩ và Argentina theo ông Dương Vũ Lâm, đó là ở vị trí của Messi
Khác biệt lớn giữa Thụy Sĩ và Argentina theo ông Dương Vũ Lâm, đó là ở vị trí của Messi

Cụ thể các đội chiếu dưới đã làm những gì để phá lối chơi của các đội chiếu trên?

Phong tỏa đường vào cầu môn, phong tỏa các ngôi sao của các đội bóng lớn. Một đội chiếu dưới chắc chắn không thể vô địch, nhưng họ đủ sức phá lối chơi của những nhà vô địch hoặc các ứng cử viên vô địch. Một đội như Thụy Sĩ có thể không có cầu thủ nào có thể đá được như Messi, nhưng họ có nhiều cầu thủ sẵn sàng phá lối chơi của Messi.

Dù vậy, như tôi đã nói, các đội bóng lớn vượt qua giai đoạn này bằng bản lĩnh và bằng những ngôi sao có khả năng giải quyết trận đấu, như Messi đã hạ Thụy Sĩ, hay Brazil vượt qua Chi Lê. Đừng cho rằng thắng bằng đá luân lưu là may mắn, đấy cũng là bản lĩnh và kỹ thuật sút phạt đền nữa đấy! 

Khác biệt lớn giữa Thụy Sĩ và Argentina theo ông Dương Vũ Lâm, đó là ở vị trí của Messi
Ông Dương Vũ Lâm (giữa) vẫn đánh giá cao các đại gia, dù họ vất vả vượt qua vòng 1/8

Thời tiết không quyết định đến thắng – bại

Người ta từng lo rằng thời tiết ở Brazil có thể ảnh hưởng đến thể lực của các đội châu Âu, dường như không hẳn vậy, thưa ông?

Có ảnh hưởng, nhưng chỉ là một phần nhỏ thôi. Chênh lệch múi giờ cũng ảnh hưởng. Brazil các các nước châu Âu nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí là nửa ngày với một số nước về múi giờ. Điều này có thể làm thay đổi nhịp sinh học của các cầu thủ, khi cần phải thức thì họ lại buồn ngủ và ngược lại. 

Nhưng đến vòng 1/8 thì dường như các đội châu Âu đã quen. Các đội bóng bây giờ đều có đội ngũ chuyên gia y tế làm nhiệm vụ giúp các cầu thủ thích nghi nhanh nhất và tích cực nhất với nhịp sinh học mới, nên họ đã khắc phục được. Đặc biệt là với Đức, Pháp hay Hà Lan, đấy là những đất nước rất văn minh và y học phát triển, nên đội ngũ chuyên viên y tế của họ đã giúp cho các cầu thủ khỏe đến mức nào có lẽ chúng ta đều thấy.

Thậm chí, các đội châu Âu ở vòng 1/8 còn khỏe hơn cả các đội châu Mỹ hay châu Phi?

Khỏe hay không thì cứ nhìn vào thực tế sân cỏ: Hà Lan thắng ngược Mexico ở những phút cuối, Đức thắng Algeria trong hiệp phụ, Bỉ cũng vượt qua Mỹ trong hiệp phụ, Pháp thắng Nigeria trong những phút cuối. Ngay cả Hy Lạp cũng gỡ hòa trước Costa Rica ở phút bù giờ. Không có nền thể lực tốt, người ta không thể bền bĩ đến vậy, không thể ghi bàn ở những thời điểm ấy.

Do đó, tôi cho rằng chuyện người ta nói thời tiết ở Brazil khiến các đội bóng châu Âu thua thiệt về mặt thể lực so với các đội châu Mỹ hay châu Phi là không chính xác. Nói cho cùng, chuyên môn mới là yếu tố quyết định đến chuyện thắng hay thua, các yếu tố khác chỉ là phần phụ.

Trong số các cặp đấu tứ kết, ông thích nhất cặp đấu nào?

Cặp đấu giữa 1 đại diện châu Âu và 1 đại diện Nam Mỹ (Bỉ – Argentina). Đấy là sự đối đầu giữa 2 trường phái, giữa một bên là tính kỷ luật và sự lớp lang của người châu Âu, với bên kia là kỹ thuật, sự tinh quái, thậm chí ma mãnh của người Nam Mỹ.

Xin cám ơn ông!

 

Nguồn: Dân Trí