MU lên đỉnh Champions League sau loạt 'đấu súng' nghẹt thở

Hai bàn thắng cùng các cơ hội ngon ăn được chia đều cho MU và Chelsea trong cuộc chiến trên đỉnh châu Âu,…

Hai bàn thắng cùng các cơ hội ngon ăn được chia đều cho MU và Chelsea trong cuộc chiến trên đỉnh châu Âu, tối qua. Nhưng, chút may mắn như lệ thường vẫn thuộc về “Quỷ đỏ”, giúp họ đăng quang C1/Champions League lần thứ 3, với chiến thắng 6-5 sau loạt penalty căng thẳng.

Chung kết

MU – CHELSEA 1-1
(Ronaldo 26′ – Lampard 45′)
(MU thắng 6-5 penalty, lần thứ 3 vô địch C1/Champions League)

Ngày 23/9/2007, Chelsea đến làm khách của MU tại vòng 7 giải Ngoại hạng Anh. Trời Old Trafford hôm đó mưa gió. Đại gia thành London phải ra về tay trắng với thất bại 0-2 ê chề. Đó là trận đầu tiên của Avram Grant trên cương vị HLV trưởng của Chelsea, thay Jose Mourinho. Sau tiếng còi mãn cuộc hôm ấy, trong cơn mưa chiều, nhà cầm quân người Israel không tài nào giấu được nỗi buồn đọng trên khóe mắt, bần thần nhìn về chốn xa xăm vô định.

Hôm qua, 21/5/2008, Chelsea gặp lại MU, trong trận chung kết Champions League. Khác với lần kể trên, đây là trận cầm quân cuối cùng của Avram Grant trong mùa giải 2007-2008 và cuộc chiến không diễn ra ở Old Trafford, mà cách đó hơn 2.000 km, tại sân Luzhniki (Moscow, Nga). Nhưng, hôm qua trời lại mưa, khi hai đội bước vào hiệp phụ thứ nhất (sau tỷ số hòa 1-1 ở hai hiệp chính). Và nỗi buồn, một lần nữa, lại chực trào trong đáy mắt Avram Grant.

Chelsea của ông thất bại sau loạt penalty. Avram Grant vậy là không thể trở thành người Israel đầu tiên giành Champions League.Giấc mộng bá chủ châu Âu một lần nữa tan tành trước mắt người Chelsea, dù đã trèo được đến bậu cửa vinh quang. Họ cũng chẳng thể phá được lời nguyền kéo dài suốt 10 năm qua ở Champions League – nơi các đội bóng lần đầu góp mặt trong trận chung kết toàn thua. Và, Roman Abramovich lại thêm một lần ôm vào lòng nỗi hận, như khi chứng kiến Terry và Anelka sút hỏng phạt đền, với đội bóng ông dày công đầu tư từ năm 2003.

Nhiều người Chelsea đã khóc. Nhìn rõ nhất là những giọt nước mắt ân hận của John Terry, chính anh là người làm lỡ cơ hội ngàn vàng của “The Blues” khi sút hỏng trong loạt penalty thứ năm quyết định. Nhưng, hơn tất cả, phải kể đến những giọt nước mắt đau đớn và tiếc nuối của Frank Lampard, Michael Ballack hay bất cứ người Chelsea nào khác, dù giọt đắng đôi khi không đổ ra ngoài mà chảy ngược vào trong lòng. “The Blues” thua nhưng không cam tâm.

Họ đã có một trận đấu tuyệt vời, đáng để tự hào và đáng được ngợi khen. Ngay cả khi không tạo được thế trận tốt như MU trong hiệp một, ngay cả khi để Ronaldo phá lưới mở tỷ số, đội bóng của Avram Grant ít nhất vẫn giữ được phong cách chơi lạnh lùng vốn có. Để rồi Lampard trong một cơ hội hiếm hoi tìm được bàn san bằng tỷ số 1-1. Để rồi họ bỗng chơi bốc và hay hơn trong phần lớn thời gian còn lại, kể cả hai hiệp phụ. Và nếu cột dọc hay xà ngang không đứng về phía MU, Drogba rồi sau đó là Lampard hoàn toàn có thể mang về chiến thắng cho binh đoàn áo xanh.

MU lên ngôi xứng đáng, khép lại một mùa giải thành công với cú đúp Champions League và Premier League.

Trong bóng đá, khi người nọ ở tận cùng nỗi đau cũng đồng nghĩa với việc người kia ở trên đỉnh cao sung sướng. Nhiều người MU cũng đã khóc. Đó là Ronaldo, nức nở úp mặt trên thảm cỏ Luzhniki ướt sũng nước mưa, vì cú đá 11 mét hỏng ăn của anh vẫn không thể cản bước MU đăng quang. Đó là Van der Saar, Alex Ferguson hay bất cứ người MU nào khác. Nhưng tất nhiên, đó là những giọt nước mắt vui, nước mắt của hạnh phúc và tự hào không thể kìm nén.

Cũng dễ hiểu thôi. Chức vô địch Champions League lần này có quá nhiều ý nghĩa với “Quỷ đỏ”. Nó đến với họ đúng vào dịp tưởng niệm 50 năm thảm họa Munich (vụ nổ máy bay làm chết 23 người, trong đó có 8 ngôi sao của MU), đến đúng vào thời điểm mà 40 năm trước một thế hệ “Quỷ đỏ” tài hoa khác cũng lên được đỉnh châu Âu. Nhưng, xuất sắc hơn các bậc tiền bối, MU thời hiện đại đăng quang trong tư thế là kẻ bất bại. Ở vòng ngoài, chơi 12 trận, họ thắng đến 9 và chỉ hòa ba lần, dù đối thủ có lúc là những ông lớn ở châu Âu như Lyon, Roma hay Barca.

Với cá nhân Ryan Giggs, không hạnh phúc sao được khi đây là trận đấu anh lập kỷ lục 759 lần khoác áo MU. Với Paul Scholes, không sung sướng sao được khi sau 9 năm chờ đợi (từ ngày ngồi ngoài trận ngược dòng thắng Bayern), anh vậy là cũng được chơi ở chung kết của giải đấu cấp CLB danh giá nhất thế giới. Rồi cả Cristiano Ronaldo nữa, chức vô địch lần này sẽ là vật bảo chứng bằng vàng cho anh trong cuộc đua đến các danh hiệu cá nhân cao quý. Và, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Alex Ferguson. Với danh hiệu đỉnh cao hôm qua, ông trở thành HLV thứ 16 giành chức vô địch châu Âu nhiều hơn một lần, đồng thời cũng là HLV lớn tuổi thứ hai đăng quang tại giải này, sau Raymond Goethals (giúp Marseille vô địch năm 1993 khi đã sống qua 71 tuổi xuân).  

Đến với diễn biến chính của trận đấu, chơi không quá tiêu cực nhưng sự bùng nổ từ MU hay tính đột biến được chờ đợi ở Chelsea không xảy đến trong quãng thời gian đầu trận, dù họ đều tung ra sân ngay từ đầu những con bài chiến lược hạng nhất. Điểm đáng kể mà đôi bên thể hiện được chính là phương cách tấn công đều khá giống nhau, tô đậm thêm cho cái nghĩa “trận chung kết toàn Anh” hôm qua. Đó là món đặc sản lật cánh đánh đầu truyền thống của xứ sương mù. Với sự xuất hiện của Malouda bên trái và Joe Cole bên phải, Chelsea đôi ba lần cũng khiến hàng thủ MU phải ở vào thế phòng bị.

Tuy nhiên, nhờ sự cơ động và sáng tạo – đặc biệt là của Ronaldo bên sườn trái và Hargreaves bên mé còn lại – “Quỷ đỏ” dần chiếm được thế chủ động trong những đợt hãm thành. Thời lượng kiểm soát bóng của MU đầu trận có lúc lên đến trên 60%, và một khi đội bóng của Alex Ferguson tạo được thế tấn công lấn lướt nguyên bản vốn có, họ tất nhiên trở nên vô cùng nguy hiểm. Và chỉ trong một thoáng giây như thế, phút 26, tỷ số được mở cho đội nhập cuộc hay hơn

Từ pha phối hợp với Scholes bên cánh trái, Wes Brown khéo léo kéo bóng vào trong rồi tung ra đường chuyền hiểm hóc cho Ronaldo bật cao đánh đầu trong tư thế khá thoải mái – được tận hưởng từ lỗi kèm người không chặt của hàng thủ áo xanh, mà đáng trách nhất là Michael Essien (đá vị trí hậu vệ phải của Chelsea trận này và có nhiệm vụ “bắt chết” Ronaldo). Trong nỗi bất lực, thủ thành Petr Cech chỉ còn biết đứng nhìn bóng bay vào lưới. Đây là pha làm bàn thứ 42 của Ronaldo cho MU mùa này, nhưng mới chỉ là bàn thắng đầu tiên anh ghi vào lưới Chelsea trong 12 cuộc đối đầu với kình địch áo xanh.

Tối qua là lần thứ ba Champions Leageu chứng kiến hai đội bóng của cùng quốc gia tranh tài trong trận chung kết. Nhưng đây là trận đấu hay nhất, so với Real -Valencia (năm 2000); và AC Milan – Juve (2003).

Bàn mở tỷ số của “Vua phá lưới” Ngoại hạng mùa 2007-2008 như thắp thêm lửa cho trận chung kết. Chelsea dính bàn thua nhưng không mất tinh thần, thậm chí điều đó còn vô tình thúc họ dồn lên cao hơn. Phút 33, Lampard lật cánh cho Drogba đánh đầu trả ngược lên. Ballack không thể dứt điểm nhưng pha tỳ đè khôn ngoan của thủ quân đội Đức khiến Rio Ferdinand lóng ngóng suýt đánh đầu phản lưới, nếu không có Van der Saar kịp trổ tài cứu nguy. Ngay sau đó, MU đáp trả bằng pha lên bóng cực nhanh của Rooney. Nếu cú bay người đánh đầu của Tevez hay ngay sau đó là pha “nã đạn” của Carrick không bị Petr Cech chặn lại, tỷ số có lẽ đã khác cho MU.

Phút 43, Rooney thêm một lần lên bóng nhanh để đáp trả một pha tấn công khác của Chelsea. Từ chân tiền đạo tuyển Anh, bóng qua tấm lá chắn Carvalho rồi tìm đến Tevez đang băng vào phía trong, cú soài người của tiền đạo Argentina thiếu khoảng nửa bước chân để có thể làm tung lưới Petr Cech.

Khi mà hiệp một đang đi vào những giây chính thức cuối cùng, khi mà MU – với thế trận lấn lướt như thế – tưởng như có thể tạm rời sân với tỷ số 1-0 thì bất ngờ xảy đến. Có bóng từ một pha phá lên không tốt của một cầu thủ áo đỏ, Chelsea phản công nhanh. Michael Essien từ xa dứt điểm hơi thiếu lực nhưng vô tình đưa bóng đập trúng người Nemanja Vidic, làm Van der Saar hố đà khi băng ra. Lampard bất thần ập vào dứt điểm khéo léo qua tầm tay của thủ thành người Hà Lan, quân bình tỷ số 1-1 cho Chelsea.

Và như lần lập công trong trận thắng Liverpool 3-2 ở bán kết lượt về, Lampard lại giơ tay lên trời ăn mừng bàn thắng. Món quà ấy anh muốn dành tặng người mẹ quá cố, mới mất vì bệnh viêm phổi vài tuần trước. Ở khía cạnh thực tế, món quà ấy còn được chia cho cả các đồng đội của anh nữa, giúp họ chơi đĩnh đạc, nuột nà và bốc lửa hơn lên trông thấy trong phần lớn thời gian hiệp hai. Đỉnh điểm của thế trận vượt trội mà Chelsea có được ấy chính là pha dứt điểm của Drogba từ ngoài cấm địa phút 78. Bóng qua mọi rào chắn của hàng thủ áo đỏ và tầm với của thủ thành Van der Saar nhưng đập trúng cột dọc phải văng ra ngoài.

MU trong khi đó tỏ ra bế tắc, đến mức đôi khi phải sử dụng đến tiểu xảo để kìm hãm sức vóc mỗi lúc một lớn của Chelsea, thể hiện qua các pha phạm lỗi kín của Tevez đối với Makelele hay tình huống Evra đánh cùi chỏ vào mặt Joe Cole. Thế trận tương tự kéo dài sang cả hai hiệp phụ. Cơn mưa bất chợt lúc này chẳng thể giúp MU “trơn tru” hơn trong lối chơi, đồng thời cũng không làm Chelsea bớt nhiệt. Ngay phút thứ 4, “The Blues” thậm chí suýt có bàn nhân đôi cách biệt sau pha xoay người dứt điểm khéo léo của Lampard trong cấm địa. Nếu không có xà ngang, mành lưới của MU hẳn đã phải tung lên vì Van der Saar trong pha bóng này hoàn toàn không thể kiểm soát được tình thế.

Mãi cho đến phút 11 của hiệp phụ, đội bóng áo đỏ mới có được pha hãm thành đáng kể đầu tiên. Từ pha xuyên phá xuất thần của Evra, cơ hội tìm đến Giggs. Khung thành Chelsea lúc đó đã bỏ trống, do Petr Cech chưa kịp định thần sau pha lao ra cản phá pha đi bóng của Evra. Cú dứt điểm của tiền vệ lão tướng bên phía MU dẫu vậy lại không qua được đầu của Terry kịp lui về “hộ giá”. Đó cũng chính là pha bóng ngon ăn cuối cùng của trận đấu tối qua.

Trong hiệp phụ thứ hai, tình huống đáng kể nhất chính là chiếc thẻ đỏ trực tiếp dành cho Drogba. Trong lúc tranh cãi, chân sút của Chelsea tỏ ra thiếu kiềm chế, tát nhẹ vào mặt Vidic. Trên khán đài, ông chủ Abramovich tức tối đập tay xuống mặt bàn, nhưng từng đó cũng không thể giúp ông trút hết nỗi buồn bực khi chứng kiến đội nhà “cân não” trên chấm 11 mét.

Nếu John Terry thực hiện thành công quả đá 11 mét, mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn với Chelsea.

Trong hai loạt sút luân lưu đầu tiên, Tevez và Carrick (của “Quỷ đỏ”), Ballack và Belletti (của “The Blues”) đều thành công. Đến loạt sút thứ ba, Ronaldo không thắng được Petr Cech, trong khi Lampard hoàn thành nhiệm vụ. Vận hội vậy là thuộc về Chelsea. Bản lĩnh của một nhà tài phiệt sừng sỏ như không đủ giúp Abramovich nén cơn hồi hộp. Ông cúi gằm mặt nửa không dám chứng kiến Hargreaves thực hiện loạt sút thứ tư, nửa muốn nguyện cầu điều gì đó. Nhưng sự diệu kỳ không đến. Tiền vệ của MU thực hiện thành công.

Đến loạt sút thứ năm quyết định, Nani đánh bại được Petr Cech. Nhưng nếu Terry thành công, Chelsea vẫn nghiễm nhiên vô địch (do trước đó Ashley Cole cũng hoàn thành nhiệm vụ). Tuy nhiên, cơn mưa tai hại làm mặt sân trơn và thủ quân áo xanh trượt chân trong bước dậm cuối cùng trước khi sút, đưa bóng ra ngoài dù Van der Saar đã đổ sai hướng, báo hiệu nỗi buồn chực trào đến với người Chelsea.

Anderson rồi Giggs sau đó lần lượt thực hiện thành công cho MU, còn bên phía đội bóng áo xanh lại chỉ mình Kalou làm được điều tương tự. Người Chelsea còn lại – Anelka – không thắng được Van der Saar. Và nỗi đau từ sâu thẳm chợt trào dâng trong nước mắt người Chelsea. Ngay cạnh họ, những tiếng cười từ các ngôi sao áo đỏ vang lên ăm ắp. Các cầu thủ MU mang Cup chạy khắp sân, ăn mừng tập thể, theo nhóm và cá nhân, trước sự “săn đuổi” của đông đảo phóng viên ảnh.

Đội hình thi đấu:

MU: Van der Sar, Brown (Anderson, 120′), Ferdinand, Vidic, Evra, Hargreaves, Scholes (Giggs, 87′), Carrick, Ronaldo, Tevez, Rooney (Nani, 101′).

Dự bị không được sử dụng: Kuszczak, O’Shea, Fletcher, Silvestre.

Bàn thắng: Ronaldo 26′.

Chelsea: Cech, Essien, Carvalho, Terry, Ashley Cole, Ballack, Makelele (Belletti, 120′), Lampard, Joe Cole (Anelka, 99′), Drogba, Malouda (Kalou, 92′).

Dự bị không được sử dụng: Cudicini, Shevchenko, Obi, Alex.

Thẻ đỏ: Drogba (116′).

Bàn thắng: Lampard 45′.

Nguồn: Vnexpress