Confed Cup 2009: Nam Phi khởi đầu thất vọng, Tây Ban Nha thắng lớn

Chủ nhà Nam Phi gây thất vọng khi bị Iraq thủ hòa không bàn thắng trong trận mở màn Confederations Cup tối Chủ nhật (14/6). Ngược lại, Tây Ban Nha khẳng định vị thế ƯCV hàng đầu cho ngôi vô địch bằng chiến thắng “5 sao” trước New Zealand.

Trước sự chứng kiến của tổng thống Jacob Zuma, chủ tịch FIFA Joseph Blatter cùng đám đông người hâm mộ tỏ ra rất kì vọng, Nam Phi đã chiếm ưu thế nhưng hầu hết thời gian không tạo được cơ hội ăn bàn thực sự nên đành chấp nhận chia điểm với đối thủ bị đánh giá thấp hơn.

Nam Phi (phải) không thể sút thủng lưới Iraq – Ảnh: Reuters

Pha bóng nguy hiểm nhất và cũng đáng tiếc nhất mà Nam Phi tạo được là khi trận đấu chỉ còn chừng 5 phút. Cú đánh đầu của Kagisho Dikgacoi tưởng sẽ đưa bóng vào lưới sau khi thủ môn Mohamed Kassid phán đoán sai một quả tạt, nhưng không may bóng lại tình cờ đập chân Bernd Parker chệch hướng ra ngoài.

Ít phút trước đó, Kassid đã từ chối một cú sút của Parker và một pha dứt điểm từ xa của cầu thủ dự bị Katlego Mashego. Thembinkosi Fanteni cũng phung phí một cơ hội mang về chiến thắng cho Nam Phi với cú đánh đầu vọt xà từ quả phạt góc.

Trước khi gây sức ép ở cuối trận, Nam Phi ít khi uy hiếp được hàng thủ chắc chắn của Iraq. Tình huống đáng kể duy nhất trong hiệp một thuộc về Macbeth Sibaya ở phút 14 với cú dứt điểm bị thủ môn cản phá bằng đầu ngón tay.

Sau giờ nghỉ giữa hiệp, Bafana Bafana chơi khẩn trương hơn song không thể chuyển hóa ưu thế thành bàn thắng.

Trận hòa không như mong đợi này khiến mục tiêu giành vé vào vòng sau của Nam Phi trở nên khó khăn hơn.

Đội hình thi đấu:

Nam Phi: 16-Itumeleng Khune; 3-Tsepo Masilela, 4-Aaron Mokoena, 14-Matthew Booth, 2-Siboniso Gaxa; 12-Teko Modise, 13-Kagisho Dikgacoi, 5-Benson Mhlongo, 6-MacBeth Sibaya; 17-Bernard Parker (10-Steven Pienaar 85), 18-Thembinkosi Fanteni (21-Katlego Mashego 78)

Iraq: 12-Mohamed Kassid; 3-Basem Abbas, 15-Ali Hussein Rehema, 4-Fareed Majeed, 2-Mohamed Ali Kareem, 14-Salam Shaker; 13-Karrar Jassim (11-Hawar Mulaa Mohammed 74), 5-Nashat Akram, 18-Mahdi Kareem (6-Salih Sadir 88); 7-Emad Mohammed (17-Alaa Abdul Zahra 76), 10-Younis Mahmoud

“Bò tót” quá mạnh

Trận đấu sau đó ít giờ giữa Tây Ban Nha và New Zealand lại diễn ra theo kịch bản hoàn toàn khác. ĐKVĐ châu Âu chứng minh khoảng cách thực lực quá chênh lệch với đối thủ đến từ châu Đại dương qua việc dễ dàng giành chiến thắng 5-0.

Torres và Villa cùng nhau lập công – Ảnh: AP

Mọi ánh mắt đổ dồn vào Fernando Torres, cầu thủ được yêu thích nhất của “La Furia Roja”, và anh đã không làm người hâm mộ thất vọng khi chỉ cần 11 phút để thiết lập cú hat-trick. Giữa hiệp một, tiền vệ Cecs Fabregas mang về bàn thứ tư và David Villa là người ấn định thắng lợi đậm đà đầu hiệp hai.

Tây Ban Nha chẳng tỏ ra yếu đi chút nào dù vắng Andres Iniesta và Marcos Senna do chấn thương bởi hai cầu thủ thay thế là Albert Riera và Fabregas đã chơi quá tốt. Trận đấu diễn ra một chiều ngay sau hồi còi khai cuộc và cánh trái là nơi phát động hầu hết các đợt tấn công của Tây Ban Nha.

Hàng thủ yếu kém của New Zealand nhanh chóng bị khoan thủng ngay phút thứ 6 bởi tài săn bàn nhạy cảm của Torres. Từ gần mép vòng cấm địa, “El Nino” nhận bóng từ Fabregas liền cứa lòng chân phải đưa bóng xoáy qua tầm với của thủ môn, bay vào góc cao hết sức đẹp mắt.

Bàn thắng sớm tạo hưng phấn cho các chàng trai tới từ châu Âu thực hiện những pha phối hợp như “thêu hoa dệt gấm” theo phong cách Barcelona thường thể hiện. Cách biệt được gia tăng chính từ một tình huống như thế.

Riera đột phá rồi đẩy bóng xuống góc trái để Villa căng ngang vào trong. Torres chỉ việc chạm chân đưa bóng nhẹ nhàng vào lưới nâng tỉ số thành 2-0 ở phút 14.

Cú hat-trick chóng vánh của tiền đạo đang khoác áo Liverpool được hoàn tất ở phút 17. Torres trình diễn khả năng dứt điểm đa dạng với cú đánh đầu chuẩn xác sau quả tạt như đặt của Joan Capdevila bên cánh trái.

Riera (18) đã có một trận đấu hay – Ảnh: Getty

New Zealand hoàn toàn sụp đổ trước sức mạnh của đối thủ. “All Whites” chỉ biết lo phòng ngự một cách lóng ngóng và việc họ tiếp tục thủng lưới là điều dễ hiểu. Không lâu sau khi Riera bị thủ môn từ chối cú đá nửa nảy đẹp mắt từ ngoài vòng cấm, anh đã có pha phối hợp ăn ý cùng Capdevila dẫn đến cơ hội ngon ăn để cho Fabregas lập công ở phút 24.

Lúc này, Tây Ban Nha chủ động giảm bớt nhịp độ nên New Zealand mới bắt đầu có cơ hội tổ chức những pha lên bóng. Tuy nhiên, họ không đủ sắc xảo để gây sức ép lên cầu môn đối thủ. Trận đấu cũng vì thế mà kém phần hấp dẫn đi nhiều.

Ngay sau giờ giải lao chừng 3 phút, lưới của New Zealand lại rung lên và lần này, Vua phá lưới Euro 2008 đã điền tên vào danh sách lập công.

Dẫu vậy, công lớn thuộc về Torres khi anh đột phá kỹ thuật bên hành lang trái rồi căng ngang vào vòng cấm, trung vệ Andrew Boyens phá bóng hụt rất vô duyên khiến nhiệm vụ của Villa chỉ là đệm bóng vào khung thành trống trải.

Thời gian còn lại rất nhiều song Tây Ban Nha tận dụng tiến hành thử nghiệm lực lượng dự bị. Hơn nữa, các cầu thủ cũng không còn động lực cố gắng nên trận đấu trôi qua chậm chạp cho đến lúc trọng tài thổi hồi còi mãn cuộc.

Đội hình thi đấu:

Tây Ban Nha: 1-Iker Casillas (captain); 15-Sergio Ramos (19-Alvaro Arbeloa 54), 2-Raul Albiol, 5-Carles Puyol, 11-Joan Capdevila; 10-Cesc Fabregas, 8-Xavi (20-Santi Cazorla 54), 14-Xabi Alonso, 18-Albert Riera; 7-David Villa, 9-Fernando Torres (21-David Silva 70).

New Zealand: 12-Glen Moss; 17-Dave Mulligan, 18-Andy Boyens, 6-Ivan Vicelich, 3-Tony Lochhead; 15-Jeremy Brockie (14-Jeremy Christie 28), 7-Simon Elliott, 8-Tim Brown (captain), 11-Leo Bertos; 9-Shane Smeltz (16-Chris James 76), 10-Chris Killen (21-Kris Bright 85).

Bảng A
Vị tríĐộiVòngThắngHòaBạiHiệu sốĐiểm
1Tây Ban Nha11005-03
2Nam Phi10100-01
3Iraq10100-01
4New Zealand10010-50

Nguồn: Theo VNN