20 năm Quả bóng vàng Việt Nam – những dấu ấn: Luôn có bất ngờ

Ngay cả Quả bóng vàng châu Âu hay FIFA sau này đều có những kỳ bầu chọn mà chưa cần công bố, người ta cũng có thể dự đoán được chủ nhân. Tuy nhiên, trong lịch sử 18 lần trao giải QBV Việt Nam, có khá nhiều cuộc đổi ngôi giờ chót với nhiều lý do khá thú vị.

Bất ngờ đã từng xảy ra ở kỳ trao giải đầu tiên khi “nguồn cảm hứng” của giải thưởng là tiền đạo Trần Minh Chiến lại không tên trong tốp 3, và chi tiết này lại tái hiện ở năm 2000, kỳ giải mà tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn đã thực hiện pha “nước rút” ngoạn mục để qua mặt Lê Huỳnh Đức.
 
Ở kỳ bầu chọn năm đó, tại Tiger Cup 2000 đội tuyển Việt Nam chỉ đứng hạng 4. Tại thời điểm bầu chọn, Nguyễn Hồng Sơn gần như không có “cửa” để đoạt danh hiệu cao nhất khi đội Thể Công suýt nữa rớt hạng, trong khi đội Công an TPHCM của Lê Huỳnh Đức là á quân quốc gia.
 
Thế nhưng, đúng vào lúc phiếu bầu được phát ra thì Hồng Sơn lại được tham gia trong thành phần đội tuyển quốc gia dự vòng loại World Cup 2002 tại Saudi Arabia cùng với các cầu thủ U.23. Dù đội tuyển chơi không thành công nhưng cá nhân Hồng Sơn lại nổi bật với 3 bàn thắng và chính điều này đã ảnh hưởng đến những quyết định bầu chọn. Kết quả là Hồng Sơn đăng quang QBV 2000 ngay lúc anh còn đang trên máy bay từ Saudi Arabia trở về.
 
Thủ môn Dương Hồng Sơn và tiền đạo Nguyễn Thị Ngọc Châm đoạt giải Quả bóng vàng nam, nữ năm 2008. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
 
Rồi như lần trao giải năm 1999, BTC đã có một quyết định hết sức táo bạo là sẽ thực hiện kiểm phiếu ngay đêm Gala trao giải, một sự kiện có tính chất “vô tiền khoáng hậu” bởi sự phức tạp và rủi ro. Có tổng cộng 7 đợt công bố điểm được thông báo trực tiếp xen kẽ chương trình nghệ thuật trao giải, tạo nên một cuộc đua cực kỳ hấp dẫn và hồi hộp từ đầu đến cuối. Đến lượt công bố thứ 5, Lê Huỳnh Đức vẫn dẫn đầu một cách rõ ràng và Trần Công Minh vẫn còn xếp thứ 3 về điểm số.
 
Đến lượt thứ 6, hậu vệ Đồng Tháp vươn lên đứng thứ 2 và chiến thắng sát nút ở lượt công bố cuối cùng với điểm số 156 so với 128 của Lê Huỳnh Đức. Đây cũng chính là tỷ lệ chiến thắng sít sao nhất trong lịch sử giải thưởng khi QBV chỉ hơn QBB có 18% số điểm ,trong khi tỷ lệ trung bình của giải thưởng là 43%. Vì lý do này mà sau lần đó, BTC không thể mạo hiểm kiểm phiếu trực tiếp vì một sai sót vô tình có thể làm lệch kết quả bất kỳ lúc nào. 
 
Kịch tính cũng từng xảy ra liên tiếp trong 2 kỳ bầu chọn 2006, 2007. Đấy là thời kỳ hưng thịnh của CLB GĐT.LA, nhưng “nhạc trưởng” Nguyễn Minh Phương 2 lần phải ngậm ngùi nhìn Lê Công Vinh nâng cao QBV, bất chấp đội SLNA của Công Vinh chơi không tốt. Tuy nhiên, những bàn thắng trong màu áo tuyển quốc gia đã giúp tiền đạo xứ Nghệ đăng quang dù Minh Phương xứng đáng có một danh hiệu trong 2 lần trao giải đó.
 
Kịch tính nhất của lịch sử QBV là kỳ bầu chọn năm 2008, thời điểm mà đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup. Với bàn thắng quý hơn vàng, Lê Công Vinh trở thành người hùng trong chiến dịch vinh quang ấy, nhưng cuối cùng, người đăng quang lại là thủ thành Dương Hồng Sơn với một số điểm vượt trội không ngờ so với người về nhì là Vũ Như Thành (331 so với 234).
 
Ngoài những cuộc đua hấp dẫn ấy thì các năm mà đội tuyển quốc gia gặp khó khăn, quá trình bầu chọn cũng bị “liên lụy”. Ví dụ như sau sự cố tiêu cực tại SEA Games 2005, việc Phan Văn Tài Em đăng quang “bị cho” là chưa thuyết phục khi một loạt ngôi sao khác “dính chàm”. Tuy nhiên, đó cũng là kỳ trao giải đánh dấu yếu tố đạo đức ở vào vị trí đầu tiên trong các tiêu chí bầu chọn, tạo ra những chuẩn mực mới cho các kỳ bầu chọn sau này.
 
Hoặc như ở kỳ trao giải 2011, Kesley Huỳnh với tư cách là cầu thủ nhập tịch đầu tiên được đưa vào danh sách đề cử đã tranh đua đến giờ chót với Phạm Thành Lương. Đây cũng là kỳ trao giải mà có đến 2 người trong tốp 3 được tôn vinh dù đang thi đấu ở giải hạng nhất.
 
Với bề dày bất ngờ đó, chắc chắn cuộc đua trong năm 2014 cũng sẽ hấp dẫn và kịch tính không kém khi đang có quá nhiều ứng viên cho danh hiệu QBV nam.
Nguồn: SGGP