20 năm giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam: Những điều chưa có tiền lệ

Không phải lúc nào kết quả của giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) cũng nhận được sự đồng thuận cao nhất, bởi ý kiến của các nhà chuyên môn chưa hẳn đã cùng cách đánh giá với giới hâm mộ hay chính các cầu thủ.

Nếu chỉ xét đơn thuần về chuyên môn, có lẽ Phạm Thành Lương sẽ không thể đoạt QBV. Một cầu thủ đang chơi ở giải hạng nhất hoặc vừa cùng đội bóng rớt hạng thì thật khó có thể là cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng, bởi theo lý thuyết, cầu thủ tốt nhất thì thường chơi ở đội bóng mạnh nhất.
 
Tiền vệ tài hoa Nguyễn Minh Phương đoạt Quả bóng vàng năm 2010. 
 
Đây chính là điều đặc biệt của giải thưởng QBV Việt Nam. Có lẽ điều đặc biệt ấy xuất phát từ thành phần bầu chọn khá đa dạng của giải thưởng này khi các chuyên gia, HLV cùng bầu chọn với những người viết báo. Yếu tố chuyên môn được đặt ngang với những tiêu chí cống hiến, đạo đức. Có nhiều ý kiến nhưng rõ ràng, tính toàn diện của giải thưởng QBV đã được thể hiện.
 
Còn nhớ hồi năm 2005, danh hiệu QBV của Phan Văn Tài Em cũng gây nhiều tranh cãi, bởi nhiều người tin rằng nếu không có vụ án tiêu cực tại SEA Games thì Tài Em sẽ không có cửa, nhưng sự thật là từ đó đến nay, Tài Em hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu của mình. Có lẽ đấy mới là điều quan trọng nhất.
 
Tiền vệ được xem là một trong những tài hoa lớn nhất của bóng đá Việt Nam, Nguyễn Minh Phương, từng 2 lần ngậm ngùi về nhì ở 2 kỳ trao giải liên tiếp các năm 2006, 2007 rất đáng tiếc. Đấy là những năm mà Minh Phương tỏa sáng trong màu áo Gạch Đồng Tâm Long An và được giới chuyên môn đánh giá là cầu thủ số 1 của V-League. Chẳng ai nghĩ là Minh Phương lại có cơ hội nâng cao danh hiệu, nhưng rốt cuộc anh cũng đã có cú “phục thù” ngọt ngào khi đăng quang ở kỳ giải 2010, ngay thời điểm anh tuyên bố từ giã đội tuyển quốc gia sau 8 năm cống hiến. Chính Minh Phương đã tạo ra kỷ lục về sự chênh lệch lớn nhất giữa QBV và QBB khi anh có 387 điểm so với 132 điểm của Phạm Thành Lương (hơn đến 66%).
 
Trong lịch sử bầu chọn, năm 2001 là thời điểm mà những người tham gia bầu chọn đã toát mồ hôi khi đi tìm ứng viên xứng đáng nhất. Năm đó, lần đầu tiên SEA Games trở thành sân chơi của đội tuyển U.23 và cũng lần đầu ấy, bóng đá Việt Nam không vào được tốp 4 đội mạnh nhất khu vực. QBV năm đó được trao cho một thủ môn: Võ Văn Hạnh.
 
Cũng từ sự khó khăn trong việc tìm ứng cử viên ấy là khởi nguồn ý tưởng trao giải cho cầu thủ nữ. Trong danh sách bầu chọn QBV vốn chỉ danh cho nam, xuất hiện tiền đạo Lưu Ngọc Mai và cô được vinh danh với danh hiệu Quả bóng đồng. Đấy là năm đánh dấu cột mốc bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên đoạt HCV SEA Games. Sau sự kiện này, năm 2002, giải thưởng QBV dành cho nữ được đưa vào chương trình bầu chọn với chỉ một danh hiệu cao nhất và đến năm 2003, hoàn thiện với 3 danh hiệu như nội dung dành cho nam.

Nguồn: SGGP