Huyền thoại về các huyền thoại – Franz Beckenbauer
Những người sống cùng với Beckenbauer kể lại rằng tài năng bóng đá của cậu bé quê vùng Bavarian phát lộ từ khá sớm.
Franz Beckenbauer nâng chiếc cúp vô địch thế giới năm 1974 |
Cái tát trên sân bóng và ngã rẽ của số phận
Nhưng ở vào lứa tuổi thiếu niên khi ấy thì Beckenbauer vẫn còn là một chú bé suốt ngày đuổi theo trái bóng. Những người sống cùng với Beckenbauer kể lại rằng tài năng bóng đá của cậu bé quê vùng Bavarian phát lộ từ khá sớm.
Đúng vào cái năm 1954 đáng nhớ ấy, khi mới lên 9 tuổi, Franz Beckenbauer đã được nhận vào đội thiếu niên của câu lạc bộ bóng đá nhỏ có tên là SC Munich 1906. Tham gia thi đấu trong các giải trẻ của thiếu nhi rồi sau đó là thanh niên, chàng thanh niên Beckenbauer dần được tôi luyện bản lĩnh trận mạc qua từng trận đấu. Ước mơ lớn nhất của Beckenbauer khi ấy là được gia nhập đội bóng TSV Munich 1860. Mang biệt danh Những con sư tử, đây là một trong hai câu lạc bộ bóng đá lớn của vùng Bavarian – câu lạc bộ kia là Bayern Munich.
Thế nhưng trong một trận đấu giữa đội của Beckenbauer với đội trẻ TSV Munich 1860, một sự cố đã xảy ra. Trong một pha va chạm nảy lửa giữa cầu thủ hai bên, một cầu thủ của TSV Munich 1860 đã giáng cho Beckenbauer một cái bạt tai nảy đom đóm mắt! Thế là năm 1958, khi 14 tuổi, thay vì đội bóng mơ ước TSV Munich 1860, Beckenbauer lại xin vào chơi cho đội bóng thiếu niên của Bayern Munich, một cừu thù cùng thành phố của TSV Munich 1860!
Đôi khi số phận vẫn thường đưa người ta đi theo những ngã rẽ không ngờ như thế. Đó có lẽ là một quyết định may mắn cho Bayern Munich và cho cả Beckenbauer.
Từ nhân viên bảo hiểm đến đội tuyển quốc gia
Bóng đá ở Đức (đây là Tây Đức) sau chiến tranh gặp phải vô vàn khó khăn, mà trở ngại lớn nhất là chưa có một giải nhà nghề thực thụ để các đội bóng thi đấu. Việc theo đuổi cái nghề đá bóng quả thật là một điều mạo hiểm lớn đối với những chàng trai ôm ấp mộng trở thành cầu thủ. Chính vì thế mà gia đình Beckenbauer hoàn toàn không muốn cậu con trai của mình đi theo cái nghiệp “quần đùi áo số”. Mặc dù bố của Beckenbauer, một nhân viên bưu điện, và anh trai cũng đã có thời chơi bóng đá, thế nhưng gia đình muốn Beckenbauer có một nghề nghiệp ổn định hơn, đó là lĩnh vực bảo hiểm. Bởi vậy nên chàng trai Beckenbauer trẻ tuổi trở thành một nhân viên giám sát bán hàng của một công ty bảo hiểm Tây Đức.
Có lẽ nếu cứ tiếp tục công việc của mình thì hẳn là Beckenbauer sau này sẽ trở thành một nhân viên xuất chúng hãng bảo hiểm Alianz của Đức! Cuộc đời của Beckenbauer sẽ trôi đi một cách nhàm chán và vô vị trong vai trò của một công chức nếu như không có những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống bóng đá Tây Đức lúc đó. Tháng 2.1964, lần đầu tiên giải bóng đá nhà nghề hạng nhất – Bundesliga – của Tây Đức khởi tranh. Bayern Munich vẫn còn nhớ tới chàng trai có biệt tài ghi bàn trong đội hình trẻ của câu lạc bộ và quyết định gọi Beckenbauer trở lại. Niềm đam mê bóng đá cùng sân cỏ chợt bùng dậy trong Beckenbauer. Vậy là Beckenbauer quyết định từ giã cái chân công chức của hãng bảo hiểm, thay vào đó là những trận đấu bóng. Beckenbauer chính thức bước vào cuộc đời của một cầu thủ nhà nghề với việc ký hợp đồng đá cho Bayern Munich, khi ấy vẫn còn chơi tại giải vô địch cấp vùng (tương đương với hạng hai) ở Tây Đức.
Thi đấu với cánh tay bị băng
Trận bán kết giữa hai đội tuyển Ý và Tây Đức ở Mexico 70 là một trong những trận đấu kinh điển và giàu kịch tính bậc nhất ở các vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới. Roberto Boninsegna đưa Ý dẫn trước 1-0 bằng cú sút ở ngay phút thứ 7 của trận đấu. Với lối chơi phòng thủ bậc thầy của người Ý, có vẻ như chừng đó cũng đã đủ để đưa đội tuyển thiên thanh vào đến trận chung kết. Những đợt tiến công của Đức gặp phải hàng thủ rắn chắc của Ý đều bị đánh bật ra khỏi khu vực 16m50. Đúng vào phút 90 của trận đấu, bằng một cú sút cầu may, Karl-Heinz Schnellinger đã gỡ hòa 1-1, đưa hai đội vào hai hiệp phụ có thể gọi là kỳ lạ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Tuy nhiên, khi vừa mới bắt đầu bước vào hiệp phụ thứ nhất thì trong một pha va chạm trên sân, Beckenbauer bị trật khớp vai phải. Thông thường, trong những trường hợp như thế thì việc cầu thủ phải rời sân thi đấu là điều khó tránh khỏi để tránh những tác hại sau này cho người cầu thủ. Đức đã hết quyền thay người và trận đấu có một ý nghĩa quá quan trọng nên Beckenbauer cương quyết không chịu rời sân. Anh yêu cầu các bác sĩ bó chặt bên tay phải bị thương của mình ép sát vào thân người, vừa để tránh gây nguy hiểm cho các cầu thủ đối phương khi tranh bóng, vừa để chạy cho dễ dàng. Thế là hơn 70.000 khán giả có mặt trên sân vận động Azteca hôm ấy cùng hàng triệu người ngồi trước màn ảnh truyền hình đã lặng người chứng kiến một Beckenbauer đầy quả cảm, một bên tay bó sát vào người, vẫn di chuyển hầu như không biết mệt mỏi, lăn xả vào chặn đứng những đường bóng tiến công của các chân sút Ý nổi danh như Mazzola (sau đó Rivera vào thay), Riva, Boninsegna, đồng thời tích cực phát động tấn công từ hàng thủ của đội tuyển Tây Đức.
Beckenbauer luôn là thế, điển hình cho tính cách Đức trên sân cỏ: lỳ lợm, tỉnh táo, không bao giờ chịu đầu hàng trước khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu. Sau này, khi được hỏi vì sao có thể chơi với một chấn thương nặng đến thế, Beckenbauer trả lời: “Làm sao tôi có thể rời bỏ đội tuyển được?”.
(Theo TNO)