Trung vệ Lê Phước Tứ: Lính quân khu phá “dớp”
Tiger Cup 2002, HLV Calisto đã phát hiện một Trịnh Xuân Thành chơi năng nổ ở vị trí hậu vệ phải. 6 năm sau, ông lại “lôi” Lê Phước Tứ ra từ cõi vô danh, biến cầu thủ này thành trụ cột của hàng thủ đội tuyển VN.
Bị đòn vì mê bóng đá
“Ngày đó, khoảnh đất trống hay miếng cỏ ven quốc lộ 14B, rồi sau này là sân bóng khu 4 (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam – PV) hay bất kỳ nơi nào có thể gọi là sân bóng đều in dấu chân của chúng tôi”, Tứ kể, “Mê chơi bóng đến mức muộn giờ học, rồi bỏ cả tiết học. Có lần, bố tôi bắt gặp, cầm roi mây đuổi tôi chạy vòng quanh sân. Chạy một hồi, bố mệt không đuổi nữa, sợ quá tôi trốn đến tối mịt mới dám về nhà, lục cơm nguội ăn”.
Phước Tứ và Minh Châu. Ảnh Bạch Dương (TN) |
“Lúc đó, chúng tôi đá bóng ở trong trường, rồi chơi bóng ở huyện, tỉnh, có mấy chú bên đội Đà Nẵng ưng ý, muốn tôi sang đó tập đội trẻ, nhưng bố mẹ không đồng ý. Tôi cũng tiếc, nhưng ý bố mẹ vậy, đành chịu”, Phước Tứ nhớ lại. Trong nhà không có một ai chơi thể thao chuyên nghiệp, chỉ có cờ-lê, mỏ-lết, xăng dầu và khói bụi ám đen ngôi nhà ven đường, cũng là tiệm sửa xe máy của ông Phước Ba – bố của Tứ.
Khi đó, ông chỉ mong “cái thằng lầm lì, ít nói, ham đá bóng hơn ham học” đi bộ đội để có môi trường rèn luyện thành người tử tế. Bởi vậy, dẫu không thực sự hài lòng, nhưng hai ông bà cũng đành chấp nhận khi hay tin cậu con trúng tuyển vào đội bóng đá trẻ Quân khu 5. Chẳng gì, ở đó vẫn là môi trường quân đội, vẫn có kỷ luật thép để rèn giũa cậu con.
18 tuổi, Tứ khoác lên mình chiếc áo lính. Dẫu không phải ra thao trường đổ mồ hôi với những bài tập quân sự, nhưng Phước Tứ hiểu rằng chơi bóng cũng có những quy luật khắc nghiệt. Chấp nhận, miễn là được đá bóng, Tứ không phàn nàn gì về kỷ luật khắt khe, những bài tập “nặng kinh hồn”. Ngay cả khi HLV bất ngờ “dí” anh về đá trung vệ chỉ vì có chiều cao, đánh đầu tốt, tranh cướp bóng quyết liệt, Tứ cũng lặng lẽ chấp nhận. Hai mùa thi đấu trong màu áo Quân khu 5, chàng trai 20 tuổi không khỏi ngỡ ngàng khi nhận quyết định triệu tập lên chơi bóng cho Thể Công.
Thể Công, đó không đơn giản chỉ là một đội bóng. Cái tên ấy là một phần biểu tượng của bóng đá VN, là nơi chuyên cung cấp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Thậm chí từng có thời điểm đội tuyển VN phải nghỉ tập vì 8 cầu thủ Thể Công… chưa kịp tập trung. Nhưng đó cũng là “cối xay” lính quân khu. Vũ Công Tuyền (Quân khu 3) cũng từng có lúc phải rời đội, về quê ôm vô-lăng, trước khi trở lại chơi bóng và được gọi vào tuyển VN dự Tiger Cup 2000.
Tô Văn An hay Nguyễn Hữu Thắng cũng chỉ đến khi trở về Quân khu 7 mới thực sự được nhìn nhận ở các cấp độ khác nhau. Trong một dàn cầu thủ được đào tạo bài bản, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, cơ hội nào cho Phước Tứ, “kỹ thuật cứng như củi” mà đá thì “khùng khùng”?
Một năm tập luyện. Một lần xin về vì chán nản và… lạnh. Năm 2007, hợp cùng với Tuấn “Hòa Bình” thành bộ đôi trung vệ vững chắc của Thể Công. Năm 2008, trong màu áo tuyển VN, hợp với Như Thành tạo thành lá chắn thép vững chắc trước khung thành của Hồng Sơn. Sự nghiệp của Phước Tứ ngày càng thênh thang.
“Đen thấy mồ”!
Đó là nhận xét của Tứ khi nhớ lại quãng thời gian đầu lên tuyển và thi đấu. Đá với Indonesia, Tứ là người dẫn tới tình huống phạm lỗi với đối phương trong vòng cấm. Sang đất Trung Quốc đá với đội Olympic của nước bạn, cũng lại là Tứ bị Tài Em che lấp tầm nhìn, đánh đầu căng vào… lưới nhà. Cúp bóng đá quốc tế tại TP.HCM, tuyển VN thua tan tác, cũng có “dấu ấn” của Tứ trong một vài bàn thua. Rồi tuyển VN đá phạt 11m luân lưu thua Singapore trong trận giao hữu trước AFF Cup, cú đá hỏng duy nhất lại thuộc về… Tứ. Chưa hết, sau cú đánh đầu phản lưới nhà làm tung lưới Hồng Sơn trong trận bán kết lượt đi với Singapore, Tứ đã ôm đầu nằm vật xuống sân trong sự bàng hoàng của 40 ngàn khán giả.
Phước Tứ (trái). Ảnh TTVH |
“Tôi cũng như nhiều đồng đội khác đều cho rằng các trận đấu với Singapore căng thẳng hơn khi gặp Thái Lan. Singapore có những cầu thủ cao to, thể lực cực “sung”, lại chơi bóng bổng. Họ cứ nhồi bóng vào khu cấm địa làm mình ná thở! Lúc đánh đầu vào lưới nhà, tôi thật sự bàng hoàng, lúc đó không còn cảm giác gì nữa, cũng chẳng nghe thấy ai nói gì, chỉ lặng người nhìn bóng nằm gọn trong lưới. Tôi nằm vật ra sân, tức đến phát khóc. Đến lúc Hồng Sơn ra đập đập vào vai, tay chỉ chỉ, rồi nói gì đó, tôi mới nhổm lên nhìn mới biết trọng tài không công nhận bàn thắng. Hú vía!”, Tứ nói.
Vận đen của Tứ từng có lúc khiến báo chí sốt ruột với cách dùng người của HLV Calisto, khi ông tiếp tục đặt niềm tin ở trung vệ Thể Công trận này qua trận khác. Thế nhưng, tới vòng bảng AFF Cup 2008, ông Calisto lại “ém” Tứ trên băng ghế dự bị, để rồi anh bất ngờ xuất hiện trong đội hình chính thức và bắt chết Agu Casmir của Singapore. Hình ảnh Phước Tứ băng cắt bóng trong chân đối phương, nhảy cao đánh đầu, đeo bám dai dẳng khiến các CĐV Thể Công không khỏi nhớ tới một Như Thuần thời đỉnh cao. Có lẽ, sau chiến thắng của đội tuyển VN tại AFF Cup 2008, vận đen đã chính thức chia tay chàng trung vệ mới 24 tuổi.
Niềm tự hào đất Quảng
Năm 2005, người dân đất Quảng vui biết mấy khi một cầu thủ con cưng tỏa sáng tại SEA Games, rồi chết điếng khi hay tin cầu thủ này dính vụ tiêu cực bán độ. Khi đó, Phước Tứ vẫn đang lặng lẽ, cần mẫn tập luyện từng đường bóng cùng các đồng đội trẻ Thể Công. Giờ đây, một ngày đầu năm 2009, về với phố Hoài, sông Thu Bồn con nước lững lờ trôi, đường chùa Cầu mưa buồn giăng ngập lối, Phước Tứ đã trở thành một niềm tự hào mới của người dân nơi đây. Bà con hàng xóm đến chật ngôi nhà nhỏ ven quốc lộ 14B, hỉ hả kể lại tâm trạng khi xem đội tuyển thi đấu tại AFF Cup. Tứ ngồi, cười tủm tỉm mỗi khi nghe mọi người nhắc lại chuyện anh đánh đầu tung lưới nhà, lúc vịn vai bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền nhảy lò cò bước ra sân trong nỗi lo lắng của HLV Calisto và người hâm mộ ở trận chung kết lượt về với Thái Lan…
Cuối năm 2004, Tứ ra thủ đô trong một ngày rét cắt da cắt thịt, với tâm trạng bâng khuâng, lo lắng, không biết tương lai ra sao. Lần này, trở ra Hà Nội, anh sẽ bắt đầu một chặng đường mới, cùng đồng đội và HLV hướng tới những giải đấu mới thành công hơn. Chắc chắn, anh chàng xứ Quảng sẽ là người phá “dớp” lính quân khu không thể thành danh tại Thể Công.