Quyền HLV trưởng ĐTBĐ nữ VN Ngô Lê Bằng: SKhông sợ áp lực mà chỉ lo mọi người không hiểu đúng về mình⬝
LĐBĐVN vừa có quyết định phân công ông Ngô Lê Bằng, nguyên trợ lý HLV đội tuyển nam tại AFF Cup làm quyền HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ VN thay cho ông Trần Ngọc Thái Tuấn. Rất vui vẻ và…
LĐBĐVN vừa có quyết định phân công ông Ngô Lê Bằng, nguyên trợ lý HLV đội tuyển nam tại AFF Cup làm quyền HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ VN thay cho ông Trần Ngọc Thái Tuấn. Rất vui vẻ và chân thành, ông Bằng đã dành cho Thanh Niên cuộc trao đổi.
* Ông nhận được tin làm quyền HLV trưởng đội nữ khi nào?
– Thú thật là tôi chỉ mới biết điều này từ một quan chức LĐBĐVN và nghe anh (tức PV – TN) cho biết. Trong tay tôi chưa có quyết định cũng như chưa có một thông báo nào liên quan đến vấn đề này. Nhưng chuyện được phân công làm đội nữ thì tôi đã nghe phong thanh từ vài ngày trước. Bên Phòng các đội tuyển có trao đổi với tôi và tôi nói thẳng nếu LĐBĐVN tin tưởng thì tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
* Từ việc làm trợ lý ngôn ngữ ở đội nam sang đảm trách đội nữ có gì khác nhau với ông?
– Tôi nghĩ là về cơ bản sẽ không có khác biệt nào lớn. Kiến thức bóng đá và việc vận dụng như thế nào cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh VN ở cả 2 đội thì như nhau. Ngay cả bóng đá hiện đại giờ đây các cầu thủ nữ chạy nhanh, thực hiện các động tác kỹ thuật cũng đều hết sức tinh tế không thua gì cầu thủ nam. Tuy nhiên đội nữ VN có một đặc thù khác với đội nam, đó là phải chú trọng đến vấn đề tâm sinh lý để làm sao cho mỗi VĐV khi ra sân phát huy hết tất cả những thế mạnh của mình.
* Ý ông là…
– Huấn luyện đội nữ không chỉ ở trên sân mà còn phải dành nhiều thời gian để trao đổi, động viên họ ở bên ngoài, phải tìm hiểu tâm tư tình cảm cũng như những diễn biến về mặt thể trạng từng ngày, từng giờ, phải gần gũi và xem cầu thủ nữ như những người em thân thiết trong gia đình, đôi khi phải biết kiệm lời vì cầu thủ nữ rất dễ tự ái, bồng bột… Nói chung tôi là người dễ thích nghi với hoàn cảnh và có sự ủng hộ của các tuyển thủ nữ khi tôi từng được tăng cường hồi ở ASIAD và cùng đội sang Thái Lan dự vòng sơ loại Olympic mới đây, nên tôi tin là tôi sẽ làm được điều này.
* Theo ông, nắm đội nữ có những thuận lợi và khó khăn gì trong thời điểm này?
– Thuận lợi lớn nhất của tôi là đã có thời gian huấn luyện từ các đội U đến đội tuyển nam nên chuyển sang đội nữ không có trở ngại gì lớn. Hơn nữa, tôi được hậu thuẫn từ lãnh đạo LĐBĐVN và các đàn anh đi trước nên tôi tin là mình sẽ “đứng được”. Tất nhiên nếu sau này vì xu thế chung, LĐ muốn có HLV ngoại để đảm bảo chuyên môn tốt hơn thì tôi cũng sẵn sàng theo sự phân công mới. Còn khó khăn, thú thật tôi là người không sợ áp lực, nhưng điều mà tôi lo nhất là người ta không hiểu mình. Bởi trước đây tôi từng nghe nói nắm đội nữ hay làm trợ lý HLV cho đội nam thực chất chỉ là “ăn theo”, đi đây đi đó để được chia suất chia phần. Cá nhân tôi cho rằng đó là suy nghĩ không đúng. Tôi đến với bóng đá trước hết vì lòng đam mê, sau nữa là mong muốn góp phần làm điều gì đó có ích cho bóng đá nước nhà. Tôi mong rằng mọi người nên đánh giá đúng về công việc của chúng tôi.
* Tại vòng sơ loại Olympic vừa rồi, chúng ta đã thua Thái Lan. Theo ông liệu chúng ta sẽ làm gì để lấy lại vị trí trước họ?
– Có lẽ danh hiệu 3 lần vô địch SEA Games cộng với những gì mà chúng ta thu hoạch được trong nhiều năm qua khiến cho bóng đá nữ VN có phần ngủ quên trên chiến thắng. Ngay chiến thắng trước Đài Loan ở giải Đông Nam Á năm rồi cũng làm chúng ta đánh giá chưa hết về đối thủ dẫn đến việc bị thua lại tại ASIAD. Thế nên trận thua Thái Lan đã khiến mọi người thức tỉnh. Thực sự là chúng ta đã có phần chậm chân khi người Thái đã bắt đầu tiến bộ rất nhanh. Họ chơi với đấu pháp hiện đại hơn, con người di chuyển và càn lướt mạnh mẽ hơn, phương pháp huấn luyện cũng đi đúng hướng hơn. Tôi nghĩ rằng, dứt khoát chúng ta cần phải thay đổi lại cách chơi, phải vận dụng những mô hình tiên tiến trên thế giới để thi đấu một cách chặt chẽ, tự tin. Tất nhiên tôi cần phải có thời gian.
* Chúng ta sẽ gặp lại Thái Lan ở vòng loại thứ 2 Olympic, đồng thời phải đấu 6 trận với Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông mật độ mỗi tháng một hoặc hai trận. Vậy ông sẽ làm thế nào để đội nữ kịp thích nghi?
– Xu thế của thế giới bây giờ là tập trung đội tuyển ngắn ngày theo từng đợt từng giai đoạn. Đội Olympic hiện nay đang theo chu kỳ này, vì thế với lịch thi đấu đã ấn định của đội nữ thì chúng ta không có ngoại lệ như trước đây là tập trung dài ngày. Hơn nữa từ 22.6 đến tháng 8 là giải vô địch nữ quốc gia, cũng cần phải đảm bảo quyền lợi cho các CLB nên cũng không thể duy trì liên tục đội tuyển trong thời gian này. Thế nên vào 18.3 tới khi tập trung chuẩn bị cho trận ngày 7.4 với Nhật Bản, chúng tôi sẽ phải quán triệt yêu cầu này đến toàn đội để từng tuyển thủ ý thức được trách nhiệm, đồng thời phải tự thay đổi mình để thích nghi với điều kiện mới. Chúng tôi sẽ tăng cường giáo dục tư tưởng cho cầu thủ, sao cho mỗi lần tập trung, đội nữ sẽ có một diện mạo mới, thể lực được đảm bảo và tinh thần ra sân luôn ở trạng thái hưng phấn nhất. Mục tiêu chính của chúng ta vẫn là bảo vệ ngôi vô địch SEA Games nên dù các giải đấu khác vẫn phải tích cực tham gia để rèn luyện bản lĩnh và có thêm kinh nghiệm thì điều cốt lõi vẫn phải làm sao “điểm rơi” đúng vào tháng 12!
(Theo Thanh Niên)