Huyền thoại về các huyền thoại – Mario Kempes

Mario Alberto Kempes, tức El Matador, sinh ngày 15.7.1954 trong một gia đình trung lưu tại thị trấn Bell ở Cordoba, một tỉnh lẻ của Argentina…

Kempes ghi bàn thắng trong trận chung kết World Cup 1978. ảnh: tư liệu

Gáo nước lạnh đầu tiên

Mario Alberto Kempes, tức El Matador, sinh ngày 15.7.1954 trong một gia đình trung lưu tại thị trấn Bell ở Cordoba, một tỉnh lẻ của Argentina. Cha của Kempes, một người từng chơi bóng đá nghiệp dư thời còn trẻ, đã khuyến khích cậu con trai của mình đến với quả bóng năm cậu lên 9 tuổi.


Bảy năm sau đó, chàng trai 16 tuổi Mario Kempes đã dẫn đội bóng địa phương của cậu lọt vào vòng đấu giải vô địch cấp vùng của Argentina với tư cách là cầu thủ dội bom hàng đầu của đội. Ngay khi ấy, Mario Kempes đã quyết định rằng sự nghiệp của cả đời mình sẽ gắn liền với quả bóng tròn. Để có thể phát triển sự nghiệp, Kempes quyết định xin vào đá cho đội trẻ của Boca Juniors, một câu lạc bộ hàng đầu trong làng bóng đá Argentina. Các tuyển trạch viên của Boca Juniors quan sát chàng trai trẻ chơi bóng rồi… từ chối! Gáo nước lạnh đầu tiên dội vào nhiệt huyết của chàng trai trẻ Kempes.

Sự nghiệp bóng đá của Mario Kempes được biết đến một cách rộng rãi ở cấp độ… quốc gia trước khi ghi dấu ấn ở trình độ của câu lạc bộ. Đơn giản bởi vì khi còn là một chàng thanh niên chưa đến 18 tuổi, tài nghệ của Kempes đã được các huấn luyện viên ở đội tuyển U.18 Argentina nhận biết và thế là ngày 19.4.1972, Kempes đã có trận đấu đầu tiên trong màu áo tuyển quốc gia U.18 gặp tuyển U.18 của Bồ Đào Nha. Trận đấu diễn ra ở Cannes và Kempes đã ghi một bàn thắng, đóng góp vào chiến thắng 3-1 của đội tuyển U.18 Argentina.

Cầu thủ lê dương duy nhất trong đội tuyển quốc gia

Với thành tích ghi bàn đầy ấn tượng của Kempes ở Valencia nên không mấy ai ngạc nhiên khi Kempes được huấn luyện viên Cesar Luis Menotti gọi từ Valencia về đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho giải thế giới năm 1978 diễn ra ngay trên đất Argentina. Chỉ có duy nhất một người ngạc nhiên về quyết định này, đó là Mario Kempes! Bởi khi quyết định ra nước ngoài thi đấu ở Tây Ban Nha, dường như cơ may trở về tham gia đội tuyển quốc gia của Kempes bị thu hẹp lại còn rất nhỏ. Đó không phải do vấn đề về phong độ mà là “truyền thống” (!). Để đạt được mục tiêu đoạt cúp vàng thế giới, Menotti phải cân nhắc cực kỳ thận trọng. Trước khi vào giải, ông đã xây dựng được một bộ khung vững chắc cho đội tuyển với trục xương sống là thủ môn Ubaldo Filol, hậu vệ đội trưởng Daniel Passarella, tiền vệ nhỏ con, nhà đạo diễn trận đấu Osvaldo Ardiles, tiền đạo có tốc độ cực cao Leopoldo Luque, tất cả đều đang chơi cho các câu lạc bộ của Argentina. Vị trí mà Menotti còn phải cân nhắc chính là người chơi cặp cùng Luque trên hàng tiến công của đội tuyển. Maradona là một tài năng thực sự, nhưng anh ta mới 17 tuổi, khó có thể chịu nổi áp lực nặng nề ở một giải đấu khốc liệt như thế này. Cuối cùng Menotti đi đến quyết định mạo hiểm: loại bỏ Maradona, thay vào đó gọi cầu thủ đang chơi cho Valencia về. Trong đội hình 22 người của Menotti dự giải thế giới năm ấy, Mario Kempes là cầu thủ lê dương duy nhất!  

Kempes làm gì sau trận chung kết?

Ngay sau trận chung kết World Cup 1978, trong khi cả đất nước đang điên cuồng trong niềm sung sướng tột độ thì Kempes lại ra đi trong lặng lẽ. Sau bữa tiệc mừng, nơi mỗi cầu thủ được phép uống vài cốc rượu, hơn một nửa số cầu thủ, trong đó có Kempes, quay trở lại khu tập trung của đội tuyển để thu dọn quần áo. Kempes cất tấm huy chương vàng thế giới cùng với quần áo vào trong chiếc vali rồi lên xe quay trở lại Rosario, nơi có căn nhà của cha mẹ anh ở đó. Trong đội tuyển có hai cầu thủ khác cũng có nhà ở Rosario nên cả ba thay nhau lái chung một chiếc xe chạy suốt đêm về Rosario, cách Buenos Aires khoảng 300 km. Khi cả ba về tới nơi vào quãng 7 giờ sáng, thành phố rất yên tĩnh. Về tới nhà, cha mẹ của Kempes vẫn còn đang ngủ. Anh uống một cốc cà phê rồi cũng đi ngủ!

Gã lãng tử

Kempes trong màu áo Valencia

Rời khỏi River Plate sau một năm thi đấu cho đội này, năm 1982, Kempes một lần nữa quay trở lại Valencia và thi đấu cho đội này tới năm 1984. Nhưng như Kempes đã có lần tự nhận: “Tôi là một người digan”, có lẽ định mệnh đã định trước cho người hùng bóng đá Argentina số phận của một kẻ lãng tử!

Kể từ năm 1984, Kempes bắt đầu lưu lạc qua hàng loạt câu lạc bộ ở châu u, hầu hết đều vô danh. Từ 1984 đến 1986, Kempes chơi cho câu lạc bộ Hercules của Tây Ban Nha, sau đó chuyển sang Câu lạc bộ First Vienna (Áo, 1986-1987), Sankt-Polten (Áo, 1987-1990), Kremser (Áo, 1990-1992). Năm 1992, Kempes tuyên bố treo giày để bước vào sự nghiệp của một huấn luyện viên bóng đá.

Kempes quay trở lại Câu lạc bộ Valencia làm trợ lý cho huấn luyện viên Hector Nunez trong hai năm để tích lũy kinh nghiệm của một người cầm quân. Tới năm 1995, khi đã 41 tuổi, Kempes vẫn có một thời gian ngắn quay lại bóng đá với tư cách của một cầu thủ, chơi cho một câu lạc bộ của Chile có tên là Fernandez Vial, thi đấu 11 trận và ghi được 5 bàn thắng!

Sang năm 1996, cơ hội đầu tiên để trở thành một huấn luyện viên đến với Kempes khi anh nhận được lời mời làm huấn luyện viên cho một đội bóng của… Indonesia! Đây là đội bóng ở thủ đô Jakarta có tên là Pelita Jaya.

Được một thời gian ngắn, Kempes lại tiếp tục “xê dịch”, chuyển sang làm huấn luyện viên cho đội bóng SK Lushnja ở… Albania, cách thủ đô Tirana khoảng 45 dặm! Đội bóng do Kempes huấn luyện vào tới tận bán kết cúp quốc gia của Albania nhưng đúng lúc ấy thì nền kinh tế Albania sụp đổ. Cùng với người em trai của mình, năm 1996, Kempes chỉ kịp lên chuyến bay cuối cùng bay sang Roma trước khi các chuyến bay hoàn toàn bị cấm rời khỏi Albania.

Chặng dừng chân tiếp theo của Kempes là Venezuela, huấn luyện cho một đội bóng nhỏ có tên là Mineros de Guyana. Được một năm, tới 1997, Kempes lại ra đi, lần này sang Bolivia, huấn luyện viên cho Câu lạc bộ The Strongest (1999) ở thủ đô La Paz và đưa câu lạc bộ này tới vị trí vô địch trong giải vô địch quốc gia Bolivia.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, những năm tiếp theo, cứ mỗi năm Kempes lại đổi câu lạc bộ một lần, làm huấn luyện viên cho các câu lạc bộ như Independiente Petrolero (Bolivia, 2001), rồi sang Ý huấn luyện cho đội bóng chơi ở Serie  D là Casarano (2002), tới miền nam Tây Ban Nha làm huấn luyện viên cho một đội bóng chơi ở hạng ba là San Fernando (2002)…

(Theo TNO)