Họp báo về bản quyền truyền hình World Cup 2006: "Bài học kinh nghiệm cho VTV"

Sáng 23-2, tại cuộc họp báo do VTV và FPT chủ trì này, việc VTC có được chia sẻ quyền phát sóng World Cup 2006 hay không vẫn còn là câu hỏi.

24/02/2006 00:00:00

Sáng 23-2, tại cuộc họp báo do VTV và FPT chủ trì này, việc VTC có được chia sẻ quyền phát sóng World Cup 2006 hay không vẫn còn là câu hỏi.

Phó tổng giám đốc VTV Trần Đăng Tuấn (giữa) đang trả lời các câu hỏi của báo giới – Ảnh TTXVN

Tại cuộc họp báo, phó TGĐ FPT Hoàng Minh Châu nói: “Trong việc trúng thầu mua bản quyền từ IN FRONT, ngoài lý do tài chính, FPT còn chứng minh được việc có khả năng triển khai ở VN”.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc “FPT chứng minh việc triển khai vấn đề bản quyền truyền hình ở VN như thế nào (dù tính chất kinh doanh bản quyền truyền hình ở VN khác hẳn các quốc gia khác)?”, ông Châu đáp: “Đối tác của FIFA không đánh giá cao các đài truyền hình trong việc mua bán bản quyền vì họ nghĩ rằng khi bản quyền về tay các đài truyền hình thì khả năng chia sẻ cho các đài khác là rất thấp.

Họ cũng đã kiểm tra các năng lực mua bán bản quyền của FPT (trong lĩnh vưc kinh doanh khác) để tránh việc FPT có thể bị lỗ hoặc phá sản sẽ ảnh hưởng đến việc trả lại bản quyền World Cup 2006. Sau khi có được câu trả lời cho những vấn đề đấy, họ mới chấp thuận bán cho FPT”.

VTV sẽ phát trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu của giải và các chương trình đồng hành cùng World Cup 2006 như: Toàn cảnh World Cup, Điểm nóng World Cup, Cuồng nhiệt cùng bóng đá, Các chương trình dự đoán, Bình luận trực tiếp trước và sau các trận đấu.

Lễ khai mạc World Cup và trận đấu giữa chủ nhà Đức và Costa Rica sẽ diễn ra vào 23g (giờ VN) ngày 9-6. Các trận đấu sau đó sẽ được phát trực tiếp trên VTV3 (VCTV3 tiếp sóng) vào các thời điểm 20g, 21g, 23g và 2g sáng hằng ngày. Những trận đấu cuối cùng ở vòng bảng diễn ra trùng giờ sẽ được phát sóng trên kênh VTV2.

Ông Châu nói thêm FPT đã xây dựng kế hoạch bán bản quyền cho các đơn vị có sóng truyền hình và “FPT chấp nhận mạo hiểm vì chúng tôi không có hệ thống phát sóng”.

Phó TGĐ VTV Trần Đăng Tuấn cũng thừa nhận: “VTV chấp nhận lời phê bình về việc không thắng thầu vì phán đoán không chính xác, thiếu thông tin. VTV cũng rất muốn mua và đã thành lập hội đồng 10 thành viên để tìm cách mua trong thế không muốn bắt tay với ai cả. Nhưng thực tế chúng tôi đã thua thầu. Đây được coi như bài học kinh nghiệm về cạnh tranh của chúng tôi”.

Về việc có tiếp tục chia sẻ bản quyền với truyền hình kỹ thuật số VTC hay không, ông Châu nói: “Các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để đàm phán trực tiếp. Thời gian đàm phán hợp đồng của chúng tôi với VTV và HTV cần 4-5 tháng. Do vậy, chúng tôi chưa định được ngày trả lời VTC”.

Ông Tuấn bổ sung: “Chưa ai hỏi tôi về việc VTV có phản đối không. Chúng tôi có quyền phản đối dù tôi chỉ là một trong số 10 thành viên ở VTV tham gia vụ mua bán này. Hội đồng chưa họp nên chúng tôi chưa quyết và cũng chưa có ai đề nghị chính thức với chúng tôi. Trong vụ kinh doanh này, chúng tôi cũng phải có phép tính kinh doanh của riêng mình”.

Ông cũng khẳng định bản hợp đồng này không ảnh hưởng đến các nguồn thu khác của VTV dù FPT được quyền bán quảng cáo đến sau World Cup.

Chúng tôi mua giá cao hay thấp?

Phản ứng đầu tiên của VTV và HTV với chào giá đầu tiên của FPT là không chấp nhận. FPT hỏi VTV có thể trả giá nào, VTV đã trả lời: VTV chỉ có thể trả giá (bằng tiền mặt) ở mức mà VTV đã đưa ra khi đấu thầu.

Trong trường hợp FPT không bán, chúng tôi buộc phải giải trình công khai với khán giả tại sao chúng tôi lỗi hẹn với họ trong World Cup 2006.

Tôi không giấu giếm (cho dù FPT có thể không vừa lòng) là trong một cuộc họp với lãnh đạo FPT, tôi đã nói những ý khá Smất mặn mất nhạt⬝ rằng: đây là ví dụ cho sự cạnh tranh của người trong nước có thể gây thiệt hại chung cho phía VN nói chung khi làm ăn với nước ngoài.

(Trả lời của ông Trần Đăng Tuấn trên báo VietNamNet ngày 23-2)

                      

Trông người lại nghĩ đến ta!

Trong khi dư luận ở VN còn đang ồn ào về cú ra tay bất ngờ của FPT trong việc giành được bản quyền World Cup 2006 thì tại Thái Lan, người thắng thầu là Công ty Dhospaak Communication đang hoan hỉ tổ chức họp báo về chương trình phát sóng World Cup 2006.

Dhospaak đã ký hợp đồng trị giá 7,5 triệu USD với IN FRONT để có được bản quyền của hai kỳ World Cup 2002 và 2006. Đây là cái giá mà theo ông Warawuth, giám đốc điều hành của Dhospaak, là: “Rất hời! Đồng thời tất cả mọi người đều có lời và cùng vui vẻ cả”.

Theo ông Warawuth, sáu đài truyền hình ở Thái Lan đã mua lại quyền phát sóng của Dhospaak bằng thời lượng quảng cáo.

Không chỉ ở Thái Lan, Dhospaak còn có bước đi ngoạn mục khi mua bản quyền phát sóng của các nước Myanmar, Lào và Campuchia với giá tổng cộng khoảng 500.000 euro và sau đó bán lại bản quyền cho đài truyền hình của các nước này.

Cũng xin nói thêm, FIFA, mà cụ thể là IN FRONT, áp dụng giá bán khác nhau cho các quốc gia theo các tiêu chuẩn đánh giá về: dân số, trình độ phát triển của nền kinh tế, sức mua của người dân, khả năng chi trả của các công ty quảng cáo cũng như tầm ảnh hưởng của bóng đá. Do tầm vóc và doanh số quảng cáo của Thái Lan vượt xa so với VN nên giá bản quyền phát sóng dành cho VN sẽ rẻ hơn nhiều so với Thái Lan.

Dhospaak tự tin mua bản quyền World Cup bởi công ty này thuộc quyền sở hữu của ông Charoen Sirivadhannabhakdi, nhà tỉ phú giàu bậc nhất Thái Lan và là người sáng lập Tập đoàn Beer Chang. Mới đây Beer Chang đã trả đến 3 triệu USD để tài trợ cho đội bóng Everton của Anh và tập đoàn này cũng là nhà tài trợ chính cho việc phát sóng World Cup ở Thái Lan.

Vì sao các công ty VN không làm được như Dhospaak trong việc mua quyền phát sóng và bán lại cho các đài truyền hình của các nước trong khu vực? Một câu hỏi đáng để suy nghĩ bởi nếu không cẩn thận, có thể trong tương lai các đài truyền hình VN sẽ phải mua lại bản quyền phát sóng từ những công ty nước ngoài.

Theo TTO