Hơn 90% pha xử lý của trọng tài tại World Cup là chính xác
Đó là đánh giá chung của giới trọng tài Việt Nam. Theo họ, vẫn còn sai sót, nhưng "Vua áo đen" ở World Cup 2006 có trình độ tốt. Họ nắm rõ tốc độ, tâm lý cầu thủ, diễn biến để kiểm soát trận đấu.
Đó là đánh giá chung của giới trọng tài Việt Nam. Theo họ, vẫn còn sai sót, nhưng “Vua áo đen” ở World Cup 2006 có trình độ tốt. Họ nắm rõ tốc độ, tâm lý cầu thủ, diễn biến để kiểm soát trận đấu. Cả những trọng tài châu Á cũng có trình độ cân bằng với đồng nghiệp đến từ châu u, châu Mỹ.
Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi |
Sau lượt trận đầu tiên của vòng đấu bảng, giải vô địch bóng đá thế giới năm nay đã mang lại cho người hâm mộ nhiều bàn thắng đẹp và mang ý nghĩa đảo ngược cục diện. Đặc biệt năm nay, FIFA cam kết sẽ có nhiều bàn thắng hơn những pha phạm lỗi thô bạo khi yêu cầu trọng tài kiên quyết hơn. Thực tế, hàng loạt thẻ vàng đã không ngần ngại được rút ra dành cho những lỗi: câu giờ, phạm lỗi thô bạo (cả từ phía trước), tiểu xảo,…
Chủ tịch Hội đồng trọng tài Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mùi đánh giá: “Trước khi giải đấu khởi tranh, FIFA đã khuyến cáo tất cả các đội bóng tham dự giải nên hạn chế đến mức tối đa các tình huống phạm lỗi. Do vậy, nhiều trọng tài đã không ngần ngại rút thẻ vàng cảnh cáo những lỗi mà trước đây như mọi người vẫn tưởng là không đáng nhận thẻ. Theo tôi, từ sự kiên quyết này đã dẫn đến sự sáng tạo của các cầu thủ để có những bàn thắng đẹp. Cầu thủ bình tĩnh, tự do phô diễn trình độ của mình khi biết chắc người cầm cân nảy mực sẽ không cho phép các cú chuồi bóng triệt hạ mình xảy ra trên sân. Những bàn thắng đẹp mắt của Philips Lahm (Đức), Kaka (Brazil), Rosicky (Czech) có được do hậu vệ đối thủ không dám cản phá họ quyết liệt vì rất dễ bị phạt trực tiếp”.
Ủy viên Hội đồng trọng tài Việt Nam, ông Bùi Như Đức cũng đồng quan điểm như vậy. Ông Đức nói: “Tuy còn một ít sai lầm như trọng tài Esam Abd El Fatah (Ai cập) đã phạm phải trong trận Australia thắng Nhật Bản 3-1. Nhưng nhìn chung, tất cả các trọng tài đều đã hoàn tất công việc của mình tốt đẹp. Kết quả này đến từ sự chuẩn bị chu đáo ở công tác tuyển chọn (kinh nghiệm, thể lực, ngoại ngữ,…), công nghệ cao (dùng tai nghe) đã giúp họ kiểm soát hoàn toàn mọi hành động của 22 cầu thủ trên sân”.
Pha phạm lỗi không bị phạt của Takahara (xanh) với thủ môn Schwarzer của Australia. Ảnh: AP |
Ông Đức cũng nhận xét: “Cả các trọng tài đến từ châu Á như: Shamsul Maidin (Singapore), Toru Kamikawa (Nhật Bản), Coffi Codjia (Benin) cũng có trình độ cân bằng với đồng nghiệp đến từ những châu lục khác. Đây cũng là một mục tiêu giúp những trọng tài giỏi của Việt Nam hướng đến. Biết đâu ở vòng chung kết World Cup trong tương lai gần, một cái tên Việt Nam nào đó được xướng lên điều khiển một trận đấu chất lượng cao giữa anh tài châu u và Nam Mỹ”.
Trọng tài Dương Mạnh Hùng, người thời gian gần đây nổi lên như tấm gương chống tiêu cực, cũng theo dõi rất sát hoạt động của đồng nghiệp quốc tế ở Đức. Ông nói: “Việc xuất hiện trọng tài thứ 5 luôn trong tư thế sẵn sàng thay thế giúp 4 trọng tài còn lại rất yên tâm vào công việc của mình. Theo tôi nghĩ, kỷ lục 17 thẻ đỏ, 257 thẻ vàng ở World Cup 2002 có lẽ sẽ bị phá phân nửa. Trong đó, số thẻ vàng rút ra thường xuyên sẽ làm nguội bớt những cái đầu nóng để hạn chế thẻ đỏ. Trong các lượt đấu vừa qua, hơn 90% pha xử lý của trọng tài là chính xác. Họ tập trung vào công việc của mình nhờ một nền tảng tâm lý, thể lực vững vàng”.
(Theo VNE)