Dự án cổ phần hóa Sông Lam: Cần 100 tỉ !

Mặc dù việc tiến hành cổ phần hoá SLNA dự kiến thực hiện trong năm 2008 khó thành, phải lùi sang năm 2009, nhưng họ đã tìm ra được hướng đi.

Mặc dù việc tiến hành cổ phần hoá SLNA dự kiến thực hiện trong năm 2008 khó thành, phải lùi sang năm 2009, nhưng họ đã tìm ra được hướng đi.

Được biết, sau khi nhà tài trợ chính TCDK xin rút, đến nay tổng số tiền mà các doanh nghiệp cam kết tài trợ cho SLNA trong mùa bóng 2009, cộng với việc huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau cũng đã được khoảng 15 tỉ đồng. Như vậy vấn đề kinh phí cho mùa giải mới không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên về lâu dài SLNA cần có một hướng đi ổn định và việc tiến hành cổ phần hoá là cách tốt nhất. Đó cũng là ý kiến của ông Hoàng Xuân Lương, Phó Bí thư thường trực tỉnh Nghệ An.
Ông Lương cho biết điều kiện để thực hiện: “Muốn cổ phần hóa thì phải có số vốn ban đầu khoảng 100 tỉ đồng. UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra phương án huy động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay góp vốn với cơ chế: mỗi dự án đầu tư trên địa bàn Nghệ An sẽ góp vốn vào Công ty CP bóng đá Sông Lam, tương ứng với khoảng 5% tổng số vốn của CLB. UBND tỉnh Nghệ An sẽ cam kết bảo lãnh phần vốn đầu tư của doanh nghiệp vào SLNA. Nếu trong trường hợp doanh nghiệp cần rút vốn, UBND tỉnh sẽ đứng ra trả lại đầy đủ”.
 
 Sông Lam cũng sẽ xây dựng cơ chế chuyển nhượng
để đội bóng kiếm được tiền từ bán cầu thủ
 
Cũng vẫn ông Lương cho hay, phương án này đã được rất nhiều doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Công ty TCDK, Tập đoàn Windows, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Công ty viễn thông Vinaphone…, nên rất khả thi.
Nhưng ông cũng chỉ ra những thách thức: “Vấn đề quan trọng nhất là sau khi chuyển đổi thì SLNA sẽ hoạt động như thế nào cho có hiệu quả? 100 tỉ đồng không phải là số tiền để cho CLB chi tiêu dần dần, mà phải dùng số vốn ban đầu đó để xoay vòng kinh doanh sao cho có lãi. Muốn vậy đòi hỏi CLB phải có một đội ngũ lãnh đạo giỏi, có đầu óc kinh doanh tốt. Những người làm công tác chuyên môn thì chỉ lo việc chuyên môn bóng đá, nếu làm không tốt thì sẽ bị sa thải chứ không thể có chuyện lẫn lộn như lâu nay được. Sau khi cổ phần hoá thì bộ máy lãnh đạo CLB sẽ do Hội đồng quản trị của Công ty quyết định”.
Do việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu sang Công ty cổ phần còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực bóng đá lại có những đặc thù riêng nên UBND tỉnh Nghệ An đã xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Trong tuần này, một tổ công tác của Văn phòng Chính phủ sẽ về làm việc với Nghệ An về việc cổ phần hoá CLB bóng đá SLNA.

Nguồn: Theo Thể thao Văn hoá

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA