Đồng hành cùng ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2016: Viết cho Công Vinh, viết cho phút bù giờ của sự nghiệp

“Sự thăng hoa tuyệt vời, phút cuối cùng và lưới của Kosin đã rung lên. Còn điều gì ngọt ngào hơn khi chiến thắng đến từ những giây cuối cùng của trận đấu. Đây, đây là đỉnh cao, đỉnh cao của ĐTVN tại giải lần này…”.

Đã 8 năm trôi qua, cảm xúc của người viết vẫn còn vẹn nguyên mỗi khi xem lại những “thước phim” lịch sử ấy. Trải qua bao thăng trầm trong ngần ấy năm, Công Vinh vẫn sừng sững đứng đó, anh là chứng nhân của lịch sử, là sự chuyển giao từ quá khứ đến hiện tại và tiếp nối tương lai. Bàn thắng đến từ những phút bù giờ trong trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008 đã đưa sự nghiệp của Công Vinh lên một tầm cao mới. Ấn tượng từ phút bù giờ ấy, người viết liên tưởng đến những “phút bù giờ” khác trong sự nghiệp của cầu thủ này.

Ảnh sưu tầm (internet)

3 phút bù giờ định mệnh!

Phút bù giờ là khoảng thời gian mà trọng tài sẽ cộng thêm để bù đắp cho thời gian mất đi trong các tình huống dừng bóng hoặc bóng ra ngoài sân. Tưởng chừng như số phận đã được an bài trong 90 phút thi đấu chính thức, nhưng bằng sự nỗ lực và cả yếu tố may mắn, cục diện trận đấu có thể thay đổi trong tích tắc. Và sự nghiệp của Công Vinh cũng như thế, mỗi giai đoạn có những “phút bù giờ” chợt đến (dù vô tình hay hữu ý) và Công Vinh đã tận dụng một cách triệt để những cơ hội ấy, biến sự nghiệp của mình theo những ngã rẽ tích cực.

Quay ngược thời gian năm 2003, lúc này Công Vinh là một cầu thủ trẻ và lẽ ra anh đã được CLB chủ quản cho Thừa Thiên Huế mượn. Tuy nhiên đúng vào phút chót, do một cầu thủ bị chấn thương nên Vinh được giữ lại để cùng SLNA tham dự JVC Cup. Lần đầu tiên khoác áo đội một thi đấu ở một giải chính thức, Công Vinh đã chứng tỏ được khả năng của mình, anh chơi xuất sắc và được HLV Alfred Riedl triệu tập tham dự SEA Games 22 tổ chức ở Mỹ Đình. Mặc dù lúc này anh là sự lựa chọn sau Văn Quyến (kể cả Phan Thanh Bình) nhưng đây có thể coi là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Công Vinh, bởi từ đó trở đi, trong mọi giải đấu lớn nhỏ, BĐVN có thể thiếu Văn Quyến chứ không bao giờ thiếu Công Vinh. Có thể nói, phút bù giờ thứ nhất chưa đem lại một điều gì đó lớn lao nhưng nó vô cùng quan trọng và tạo tiền đề sau này cho sự nghiệp của anh.

Như một sự sắp đặt, con đường sự nghiệp của Công Vinh trở nên thênh thang hơn bao giờ hết sau vụ đại án Bacolod 2005. Heraclitus – một nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng với luận điểm “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Tất cả mọi sự vật và hiện tượng luôn luôn biến đổi và phát triển không ngừng, cũng như dòng sông kia, nước luôn luôn vận động chảy trôi không bao giờ đứng lại. Văn Quyến vướng vòng lao lý và khi trở lại, những gì người ta nhắc đến anh chỉ là sự tiếc nuối, sự hoài niệm về một “thằng béo” với chiếc áo số 10 từng làm dậy sóng biết bao con tim yêu bóng đá đẹp. Sau một thời gian dài núp bóng đồng hương, Công Vinh “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Nhưng rồi, thành công của anh lại gắn liền với mệnh đề “nếu…thì”. Nếu như Văn Quyến không dính phốt thì chắc gì Công Vinh nổi bật như ngày hôm nay? Nếu như không có một bài học nhãn tiền của Văn Quyến, liệu rằng Công Vinh không đi vào vết xe đổ? Không ai dám chắc. Người ta dè bỉu, chỉ trích, không thừa nhận Công Vinh là do anh sắm vai “kẻ ăn hôi vĩ đại” hay họ ghen tị với những thành công anh đạt được? Cũng chẳng có câu trả lời thỏa đáng. Theo quan điểm cá nhân người viết, sự thành công của Công Vinh được tạo nên từ hai yếu tố: tài năng và thiên thời. Nếu như Vinh không lao động cật lực, không có sự học hỏi, cầu tiến, đam mê với nghề cháy bỏng thì may mắn không thể song hành với anh suốt hơn 10 năm qua. Bóng đá như một phần của cuộc đời, trong đó yếu tố thời thế chỉ góp phần đem đến thành công, chưa đủ để quyết định sự thành bại. Phút bù giờ thứ hai như một món quà của thượng đế, Công Vinh bước ra ánh sáng, trở thành niềm hy vọng số một trên hàng công ĐTVN.

28/12/2008 sẽ mãi là một ngày khắc sâu trong tâm khảm những người yêu bóng đá nước nhà. Cú lắc đầu của Công Vinh ở những giây cuối cùng đã đem về chức vô địch ĐNA lần đầu tiên trong lịch sử BĐVN. Cả dân tộc vỡ òa sung sướng, cả nước có một đêm không ngủ. Và tất nhiên, Công Vinh ghi tên mình vào thời khắc lịch sử ấy. Kể từ đây, sự nghiệp của anh bước sang trang mới, anh đã có mọi thứ từ tiền tài, địa vị cho đến vợ đẹp, con xinh… Phút bù giờ thứ ba là đỉnh cao trong sự nghiệp của Công Vinh, đưa anh tớinhững nấc thang của danh vọng.

Ảnh sưu tầm (internet)

Lần cuối cho một cuộc tình!?

AFF Cup 2016 là giải đấu cuối cùng NHM được nhìn thấy Công Vinh trong màu áo đội tuyển. Một cuộc tình kéo dài hơn 10 năm với biết bao thăng trầm sẽ phải dừng lại. Một cuộc tình đã cho Công Vinh quá nhiều thứ và giờ là lúc anh cháy hết mình cho một lần cuối. Người viết chợt nhớ đến nhạc sĩ Dương Thụ với những ca từ da diết “Cho em một ngày, một ngày thôi…Một ngày đôi chân, đôi chân không mệt mỏi”.Quy luật thời gian là thế, gánh nặng tuổi tác đã hằn lên những bước chạy của anh.Công Vinh đang bước vào những phút bù giờ của sự nghiệp và hơn ai hết, anh hiểu mình cần phải làm những gì? Ghi bàn đi Vinh ơi, đó là mệnh lệnh! Sẽ là một cái kết thật trọn vẹn nếu như những ngày cuối tháng 12 đại kỳ Việt Nam tung bay trong trận chung kết và người đội trưởng giương cao chức vô địch.

Nếu được ví như một nốt nhạc thì Công Vinh sẽ là nốt trầm xao xuyến, êm đềm nhưng dai dẳng lòng người. Chỉ là một nốt trầm kín đáo, khiêm nhường trong bản hòa ca êm ái chứ không phải là một nốt thánh thót, nổi trội. Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại có ý nghĩa lớn lao là đem lại niềm hân hoan cho những con người đam mê bóng đá cuồng nhiệt, đem lại lòng tự tôn dân tộc cho mỗi người con mang trong mình dòng máu lạc hồng đang chảy cuồn cuộn trong huyết quản.Với Công Vinh, nói “xin lỗi” không bao giờ là điều khó khăn nhất, mà phải là “tạm biệt”…

TÁC GIẢ: NGUYỄN MINH QUỐC

ĐỊA CHỈ: PHƯỜNG 10 – QUẬN TÂN BÌNH – TP HỒ CHÍ MINH

>>>THỂ LỆ CUỘC THI “ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐTVN TẠI AFF SUZUKI CUP 2016”