Chuyện "sao" Thái ở ta: Thành công và thất bại

Công bằng mà nói, sự lớn mạnh của V-League trong hơn nửa thập kỷ trở lại đây có sự đóng góp không nhỏ của… các ngôi sao người Thái, bắt đầu từ Kiatisak, Dusit và Tawan, trong màu áo HA.GL.

Công bằng mà nói, sự lớn mạnh của V-League trong hơn nửa thập kỷ trở lại đây có sự đóng góp không nhỏ của… các ngôi sao người Thái, bắt đầu từ Kiatisak, Dusit và Tawan, trong màu áo HA.GL.

“Thương hiệu Thái” đã và đang in dấu rất đậm trong sự phát triển của bóng đá Việt, song không phải bao giờ cuộc sống cũng toàn màu hồng với họ.

Trong bóng đá, môn thể thao mang nặng tính may rủi, vinh quang và tủi hổ rất gần nhau. Chỉ cần một chấn thương, có thể chấm dứt sự nghiệp của họ. Thành công và thất bại cũng cách nhau chỉ nửa bước chân mà thôi. Các cầu thủ và HLV Thái đã, đang và sẽ hành nghiệp tại VN, cũng không là ngoại lệ.

Thành công
HA.GL đã thăng hoa ngay trong mùa bóng đầu tiên đến với V-League 2003, cùng với những tên tuổi lớn nhất khu vực mà bóng đá Thái Lan đã sản sinh: Kiatisak, Dusit Chaslernman và Tawan Sripan. Tất nhiên, cả HLV lão làng Ajihan Songamsak. Khi “điệu” Zico Thái về phố núi năm 2002, nhiều người đã nghĩ Chủ tịch CLB HA.GL Đoàn Nguyên Đức là gã gàn, bởi chi một khoản lương khổng lồ cho Kiatisak (khởi điểm khoảng 7 ngàn USD/tháng), chỉ để đổi lấy suất thăng hạng chuyên nghiệp là không cần thiết.

Nhưng bầu Đức đã chứng minh mọi người đã nhầm, bởi ông từng khẳng định, kể từ khi ông đến với bóng đá, việc kinh doanh của thương hiệu gỗ Hoàng Anh đã tốt lên gấp 10 lần, thậm chí 20 lần. HA.GL tiếp tục các “thương vụ Thái” với Tawan, rồi Dusit và sau này là Sakda, Thonglao hay HLV Chatchai Paholpat.

Hầu hết những người làm chuyên môn ở VN đều khẳng định, sẽ chẳng bao giờ HA.GL hoặc bất kỳ một CLB VN nào có thể lặp lại lối chơi đẹp mắt và vô cùng hiệu quả như 2 mùa bóng 2003 và 2004 – thời điểm đội bóng của “bầu” Đức đoạt ngôi cao nhất VN. Suốt nửa thập kỷ, những người Thái ở HA.GL đã nếm đủ hương vị ngọt ngào, cả về danh vọng lẫn tiền bạc.

Chậm hơn lứa của Kiatisak, song những Nirut, Sarayoot, Issawa (chơi cho P.Bình Định) hay Niweat Siriwong (Ngân hàng Đông Á trước đây và TMN.CSG sau này) cũng đã tìm kiếm những thành công cho riêng mình. Ba mùa bóng ở CLB đất võ, Nirut cùng với các đồng đội Thái từng đưa “ngựa ô” Bình Định đoạt HCĐ ở V-League năm ngoái.

Còn với Niweat – cầu thủ 2 lần đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Thái Lan các năm 2001 và 2004 – đã từng nếm trải cả những ngọt ngào và vinh quang cùng với các đội bóng VN, kể từ năm 2004 – 2007, trước khi anh nói lời từ biệt cách đây vài tuần. Có thể nói, V-League chính là sân chơi thành công nhất trong sự nghiệp làm “lính lê dương” của cầu thủ Thái.

Thất bại
Ngoài những cái tên lẫy lừng có nguồn gốc xứ chùa vàng, từng nổi đình nổi đám trên dải đất hình chữ S, V-League không là thiên đường cho một bộ phận đáng kể cầu thủ Thái khác. Cựu tiền đạo HA.GL và Tiền Giang, Vimon Juncum là điển hình. Từng là vua phá lưới giải Thái – League mùa bóng 2004 với 15 bàn thắng cho CLB Osotspa, 6 lần lập công trong màu áo HA.GL ở V-League 2005, nhưng tiền đạo nhỏ con này vẫn không thể tìm được chỗ đứng tại đội bóng phố núi.

Anh trôi dạt xuống Tiền Giang năm ngoái, nhưng đứt gánh ngay cả khi V-League chưa bắt đầu. Mùa bóng này, Vimon quay lại, song rồi cũng phải ra đi trước giai đoạn 2, vì “không hợp”. Cùng với anh, các đồng đội tại CLB sông Tiền như Kriangsak và Panuwat cũng không trụ quá 8 tháng.

Cần để ý rằng, trước Vimon, Chaiman – cầu thủ từng đoạt danh hiệu xuất sắc nhất AFC Champions League 2003 – cũng từng phải ngụp lặn ở Ngân hàng Đông Á, mùa bóng ngay sau đó, để rồi nhanh chóng đào thoát.

Rồi Ekaphan Inthasen của Nam Định mùa trước, thủ môn ĐMN.SG Kitisak – người từng 10 năm liền trấn giữ khung thành tuyển Thái Lan, hay Sakda và có thể cả Thonglao của HA.GL hiện tại…, tất cả đều không phải hạng xoàng của làng túc cầu Thái Lan, nhưng rõ ràng, bóng đá đòi hỏi rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ chuyên môn. Hoặc đôi khi, chỉ vì họ không gặp thời.

Theo Laodong

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA