“Bóng đá thay đổi cuộc đời tôi”

Tuyển thủ Tuyết Dung đã nói như thế bởi bóng đá đưa cô ra khỏi làng quê nghèo khó đến nhiều nơi trên thế giới, giúp cô có tiền đỡ đần bố mẹ, nâng bước cô đến giảng đường đại học.

Tuyết Dung (trái) trong một buổi tập cùng đội tuyển VN tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF để chuẩn bị vòng loại thứ 3 Olympic 2016 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tết năm nay có lẽ là một trong những cái tết vui nhất của Tuyết Dung, khi trong hai năm liên tiếp cô giành một danh hiệu Quả bóng vàng (2014), một danh hiệu Quả bóng bạc (2015). Chỉ có năm ngày nghỉ, Dung nói cô không kịp về để ra đồng giúp mẹ cấy vụ lúa xuân nhưng đã chuẩn bị chu đáo bánh mứt kẹo, đồ trang trí nhà cửa cho cả gia đình.

Chơi bóng từ bãi….. tha ma

Dù rất nữ tính và có gương mặt xinh xắn, nhưng thật bất ngờ khi Tuyết Dung nói cô chưa từng có bạn trai vì quanh năm bận rộn hết đi tập luyện, thi đấu rồi lại đi học.

Sinh năm 1993 trong một gia đình thuần nông có đến bốn chị em ở xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, Tuyết Dung không có gì đặc biệt ngoài việc mê bóng đá từ lúc lên 10 tuổi. Là con gái thứ hai trong gia đình, ngoài giờ đi học Tuyết Dung đã sớm quen với việc đồng áng giúp đỡ bố mẹ. Những lúc rảnh, cô thường theo bọn con trai trong xóm ra bãi đất trống bên cạnh bãi tha ma trong làng để đá bóng. Là con gái nhưng mê đá bóng khiến bố mẹ cô không vui, họ thường xuyên khuyên con không nên đá bóng.

Khi SEA Games 2003 diễn ra ở VN, cơn “cuồng” bóng đá đã khiến Tuyết Dung hun đúc mơ ước phải trở thành cầu thủ. Cô kể: “Tôi nhớ mãi khi đó SEA Games diễn ra tại Hà Nội, các chị ở đội tuyển nữ VN đã chơi rất hay, nhất là chị Văn Thị Thanh. Tôi không bỏ sót trận nào của đội tuyển nữ VN và cả đội nam, vì thế bắt đầu mê chị Thanh và anh Văn Quyến. Vì lúc đó còn nhỏ nên tôi không biết ở quê tôi cũng có bóng đá nữ, có cầu thủ giỏi như chị Thanh. Năm 2006, khi tôi học lớp 8, bác tôi đọc được thông tin đội bóng đá nữ Hà Nam tuyển VĐV năng khiếu nên về thông báo cho bố mẹ đưa tôi đi thi tuyển. Tôi được HLV Hải Anh lựa chọn, được đưa xuống huyện Duy Tiên ăn ở tập trung với đội tuyển năng khiếu Hà Nam. Nhà nghèo quá nhưng thương con, bố mẹ tôi lúc đó cũng mua ít bánh kẹo mời hàng xóm đến nhà liên hoan vì tôi được tuyển đi đá bóng”.

Sau ba năm đào tạo, năm 2009 Tuyết Dung lúc ấy 16 tuổi đã được thi đấu giải trẻ của Hà Nam. Cũng trong năm này, cô được đôn lên đá ở đội hình 1 CLB Hà Nam tại Giải VĐQG nữ. Năm 2011, Tuyết Dung gây ấn tượng mạnh khi trở thành vua phá lưới Giải U-19 nữ quốc gia và đoạt luôn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải. Với vị trí tiền vệ cánh hoặc tiền vệ trung tâm, lối đá thông minh và khả năng chơi bóng bằng hai chân giúp Tuyết Dung nổi bật so với các cầu thủ khác. Đồng thời cô được gọi vào đội tuyển nữ VN và trở thành cái tên đóng góp rất nhiều cho bóng đá nữ VN ở SEA Games, Asiad, vòng loại Olympic đến nay.

Năm 2014, cô cùng CLB Hà Nam đoạt HCV Đại hội TDTT toàn quốc, HCB Giải VĐQG và nhận danh hiệu Quả bóng vàng. Năm 2015, Tuyết Dung tiếp tục gây ấn tượng mạnh ở đội tuyển cùng CLB Hà Nam và giành danh hiệu Quả bóng bạc. Hai bàn thắng vào lưới đội tuyển Malaysia tại vòng bảng Giải vô địch Đông Nam Á tháng 5-2015 với hai cú đá phạt góc bằng hai chân khác nhau đã khiến nhiều người phải bái phục tài năng của cô.

“Không có bóng đá, tôi đã làm công nhân”

Tuyết Dung chia sẻ: “Không có bóng đá, chắc chắn tôi cũng sẽ học xong phổ thông rồi làm nông hoặc làm công nhân như chị gái tôi. Dù bóng đá rất vất vả, không đem lại sự giàu có nhưng đã khiến cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn. Không giống với bố mẹ và các bạn cùng trang lứa, tôi đã được đi nhiều nơi trên thế giới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Singapore… Và giờ còn có cơ hội học đại học vì những thành tích trong bóng đá mang lại”.

Từ khi Tuyết Dung có thành tích, bố mẹ cô giờ chỉ cấy hơn một mẫu ruộng chứ không làm nhiều như trước. Bố cô còn mua thêm một chiếc máy xát gạo để đi xát thuê cho người trong làng. Những đồng tiền từ những tấm huy chương mà Tuyết Dung mang về đã giúp bố mẹ sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc và sống đỡ khổ hơn xưa.

“Năm 2013 cùng đội tuyển giành HCB SEA Games, khi đó tôi được thưởng 120 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời tôi được có nhiều tiền như vậy. Ra ngân hàng rút tiền, tôi rất run vì sợ… mất. Về đến nhà tôi mang ngay tiền cho bố mẹ giữ để bố mẹ mừng” – Dung xúc động nhớ lại.

Chuyên gia ghi bàn từ chấm phạt góc

Là sinh viên năm 2 khoa huấn luyện Trường đại học TDTT Từ Sơn, Tuyết Dung hi vọng sau này sẽ trở thành HLV hoặc cô giáo thể dục để hướng dẫn học trò chơi bóng. Dung bảo không có thành công nào đến từ sự dễ dàng hay may mắn, để có được thành quả như hôm nay cô đã phải đổ mồ hôi, nước mắt trên sân bóng. Nhiều buổi hết giờ tập các bạn đi về, cô vẫn nán lại sân tập nhuần nhuyễn các động tác mà HLV hướng dẫn.

“Vì những ngày tháng miệt mài đó nên tôi chơi tốt được cả hai chân. Những tình huống ghi bàn từ phạt góc trong bóng đá rất hiếm bởi muốn làm được thì lực đá phải mạnh, bóng đi xoáy cuộn khiến đối phương không phán đoán được đường bóng. Dù khó nhưng không ít lần tôi đã ghi bàn từ đá phạt góc ở cả CLB và đội tuyển. Kết quả đó là sự nỗ lực tập luyện cộng thêm yếu tố may mắn” – Dung nói.

Sau những bàn thắng bằng cú đá phạt góc, trên Facebook nhiều người hâm mộ còn lập Fanpage của Tuyết Dung để ủng hộ và đồng hành với Gà Kon – nickname của Dung. 23 tuổi, Dung bảo cô đang nỗ lực phấn đấu với hi vọng sẽ lần thứ hai nhận được danh hiệu Quả bóng vàng. Nhưng ít ai biết rằng dù là ngôi sao của bóng đá nữ VN, nhưng mỗi tháng Tuyết Dung chỉ nhận được 1,5 triệu đồng tiền lương từ CLB Hà Nam. Nỗi lo còn thường trực với cô khi ở Hà Nam, các VĐV không được mua bảo hiểm y tế nên sẽ không biết thế nào nếu chẳng may bị chấn thương

 

Tuyết Dung là trụ cột của tuyển nữ VN

HLV trưởng đội tuyển nữ VN Mai Đức Chung cho biết: “Với phong độ tốt, Tuyết Dung sẽ là trụ cột của đội tuyển nữ VN tại vòng loại thứ 3 Olympic Brazil 2016 diễn ra tại Nhật Bản vào ngày 29-2. Ở những trận đấu của tuyển nữ VN với các đối thủ có thể hình không quá cao to, tài ghi bàn từ các quả đá phạt góc của Tuyết Dung sẽ là vũ khí lợi hại của đội tuyển VN”.

Sau năm ngày nghỉ tết, đội tuyển nữ VN đã trở lại tập luyện từ ngày 11-2 (mùng 4 tết). Theo kế hoạch, đội tuyển nữ VN sẽ tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF đến ngày lên đường sang Nhật Bản. Vòng loại thứ 3 Olympic Brazil sẽ diễn ra từ ngày 29-2 đến 9-3 tại Nhật Bản. Đối thủ của tuyển VN là các đội Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Triều Tiên, Úc. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn tính điểm, hai đội đứng đầu bảng sẽ đại diện châu Á có mặt tại Olympic Brazil 2016.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM