Bóng đá nữ Việt Nam và giấc mơ World Cup: Cơ hội ngàn năm có một

Một hội thảo chuyên đề dành riêng cho bóng đá nữ được tổ chức vào ngày 10/1/2014 để xin ý kiến chuyên gia, lập nên một kế hoạch hoàn hảo nhất cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong chiến dịch giành quyền tham dự World Cup  2015. Nói như quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì bóng đá nữ Việt Nam đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một.

Nếu FIFA không tăng số vé dự World Cup bóng đá nữ cho khu vực châu Á lên thành 5 và nếu CHDCND Triều Tiên không bị cấm thi đấu quốc tế thì có lẽ, World Cup đã và sẽ vẫn là giấc mơ xa vời của bóng đá Việt Nam.

Giấc mơ có thật

Theo quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), tại World Cup 2015 tổ chức ở Canada, khu vực châu Á sẽ có 5 suất tham dự. 5 suất này được xác định sau khi kết thúc VCK Asian Cup, giải đấu sẽ được tổ chức tại TP.HCM trong tháng 5 năm 2014. Mặc dù ở thời điểm này, trái bóng VCK Asian Cup vẫn chưa lăn nhưng vẫn có thể xác định, 4 trong số 5 suất dự World Cup 2015 đầu tiên của khu vực châu Á khó lọt khỏi tay Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là những nền bóng đá nữ hàng đầu châu lục và tạo một khoảng cách trình độ tương đối lớn so với phần còn lại. Suất dự World Cup còn lại được nhận diện là nằm trong tầm tranh chấp của 3 đội bóng hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam và Myanmar.

Để xác định suất cuối cùng của khu vực châu Á đến Canada năm 2015, một trận đấu play –off giữa đội đứng thứ 3 hai bảng đấu VCK Asian Cup 2014 sẽ được tổ chức. Và đội tuyển Việt Nam đang nhắm đến vị trí này cùng suất dự World Cup thứ 5. Muốn thế, thầy trò HLV Trần Vân Phát trước tiên phải đứng thứ 3 bảng A VCK Asian Cup 2014 để từ đó đấu trận play-off với đội thứ 3 ở bảng đấu còn lại. 
Tại bảng A VCK Asian Cup 2014, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nằm chung bảng đấu với Nhật Bản, Australia, Jordan. Nhật Bản và Australia thì quá mạnh và trình độ hơn hẳn một bậc nên đội tuyển Việt Nam tập trung “giải quyết” đối thủ Jordan để đảm bảo điều kiện cần là đứng thứ 3 bảng A, từ đó có cơ hội tranh vé dự World Cup với Thái Lan hoặc Myanmar, những đội có 99% khả năng đứng thứ 3 bảng B.
Bước đệm từ SEA Games 27.

Trong trận chung kết môn bóng đá nữ SEA Games 27, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã để thua kỳ phùng địch thủ Thái Lan 1-2, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games. Ngôi hậu ở khu vực Đông Nam Á đã không còn thuộc quyền sở hữu của các cô gái Việt Nam mà được chuyển giao cho Thái Lan. Thất bại là điều đáng tiếc nhưng cơ hội để các cầu thủ nữ Việt Nam lấy lại những gì đã mất vẫn còn đang ở phía trước.

Ai cũng hiểu, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar chính là 3 đội bóng đang nhắm đến suất dự World Cup thứ 5 dành cho khu vực châu Á. Kết quả thi đấu tại SEA Games đã phản ánh phần nào năng lực thực tế, khả năng chinh phục mục tiêu của 3 đội bóng này. Về lý thuyết, Thái Lan đang tạm thời bứt lên trong cuộc đua đến World Cup 2015 giữa 3 đội với tấm HCV SEA Games. Thế nhưng, cơ hội dành cho Việt Nam hay Myanmar vẫn còn vẹn nguyên ở phía trước với khúc cua quyết định, chính là VCK Asian Cup được tổ chức tại Việt Nam sau đây 5 tháng nữa.

Dù thua Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 27 nhưng với lợi thế sân nhà tại VCK Asian Cup 2014, cơ hội của đội tuyển Việt Nam không phải là ít. Bản thân thủ môn Kiều Trinh sau trận chung kết SEA Games tại Myanmar vừa qua dù tiếc nuối nhưng vẫn thay các đồng đội thể hiện quyết tâm sẽ đòi món nợ trước người Thái tại TP.HCM trong tháng 5 tới.

Quyết tâm của các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là có. BHL đội tuyển và Thường trực VFF cũng quyết tâm thực hiện chiến dịch này mà nói như Chủ tịch Lê Hùng Dũng thì đây là cơ hội ngàn năm có một. Nhưng không chỉ riêng bóng đá nữ Việt Nam nhận thấy cơ hội này mà các đối thủ cạnh tranh chính là Myanmar và Thái Lan cũng thế. Đội tuyển Việt Nam muốn thì hai đội tuyển Thái Lan và Myanmar còn muốn hơn thế. Sau SEA Games 27, giờ là thời điểm cuộc đua tam mã giành vé dự World Cup bắt đầu, cả Việt Nam, Thái Lan , lẫn Myanmar đều không muốn xuất phát muộn hay chậm chân ở đích đến.

Dồn toàn lực cho bóng đá nữ

Không bảo vệ được chức vô địch tại SEA Games, chỉ giành HCB nhưng các thành viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vẫn được thưởng lớn. Ngoài 1,5 tỷ đồng cho tấm HCB như mức treo thưởng của VFF, HLV Trần Vân Phát và các học trò còn được bổ sung 1,5 tỷ khác từ quỹ treo thưởng của đội U23 Việt Nam chuyển sang. Chưa hết, nhà tài trợ BIDV cũng thưởng cho đội thêm 300 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở mức thưởng nóng, một số nhà tài trợ còn hứa hẹn sẽ tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong thời gian tới với hợp đồng có thời hạn 2 năm. Cùng với cam kết tài trợ của nhà tài trợ dinh dưỡng Nutifood trong chiến dịch 6 tỷ đồng đến World Cup 2015, rõ ràng bóng đá nữ Việt Nam đang nhận được sự hậu thuẫn lớn về tài chính từ nhiều phía.

Trong cuộc trao đổi với báo chí sau cuộc họp Thường trực VFF hôm 24/12/2013, quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định  sẽ không thiếu tiền cho bóng đá nữ. Nhưng cũng chính lời ông Dũng, mình có tiền thì người ta cũng có tiền. Ý ông Dũng muốn nói đến ở đây chính là các đối thủ Thái Lan và Myanmar. 

Giống như Việt Nam, bóng đá nữ Thái Lan và bóng đá nữ Myanmar đã nhận thấy cơ hội không thể tuyệt vời hơn để được góp mặt trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Chính vì thế, Liên đoàn bóng đá Thái Lan và Liên đoàn bóng đá Myanmar đã và đang không tiếc đầu tư công sức và tiền bạc để củng cố, xây dựng sức mạnh cho đội tuyển bóng đá nữ của nước mình. Mới đây, sau khi giành HCV SEA Games 27, các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan được Liên đoàn bóng đá nước này thưởng 5 triệu bath (tương đương 3 tỷ 238 triệu đồng). Nếu như Myanmar thuê HLV người Nhật Bản về dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ thì Thái Lan ngoài việc đầu tư tiền bạc còn giới thiệu được 2 tuyển thủ sang thi đấu tại giải VĐQG nữ của Nhật Bản.

Với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, chỉ mình nỗ lực của VFF thôi thì chưa đủ mà còn cần sự cộng hưởng từ các nguồn lực xã hội hóa. Chỉ có đầy đủ nhân tài, vật lực thì đội tuyển Việt Nam mới tràn đầy cơ hội biến giấc mơ World Cup thành sự thật trong năm 2014.
 

VCK Asian Cup 2014 

Bảng A: Nhật Bản, Australia, Jordan, Việt Nam.

Bảng B: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar. 

Thời gian: 14 đến 25/5/2014 tại TP.HCM và Bình Dương.

 
Nguồn: TTVH

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM