Một thời tung hoành sân cỏ: Vua phá lưới Đặng "cóc"

Trong những chân sút một thời huy hoàng của bóng đá VN, cái tên Lê Văn Đặng được nhiều người nhắc đến bởi ông chính là cầu thủ “dội bom số 1” của giải vô địch quốc gia đầu tiên.

Trong những chân sút một thời huy hoàng của bóng đá VN, cái tên Lê Văn Đặng được nhiều người nhắc đến bởi ông chính là cầu thủ “dội bom số 1” của giải vô địch quốc gia đầu tiên.
“Nghi án” 10 hay 11

Chính Lê Văn Đặng những lúc khề khà cùng cánh bạn già cũng không dám chắc hồi năm 1980, khi giải vô địch quốc gia (VĐQG) lần đầu tiên được tổ chức, ông đã ghi 10 hay 11 bàn thắng để giành danh hiệu vua phá lưới của giải năm đó.

Đội CAHN một thời (Lê Văn Đặng – hàng đứng, thứ 3 từ phải qua)

Hỏi chính những người thống kê tư liệu lịch sử ở LĐBĐ Việt Nam, lần nào người viết cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Ngay đến “cụ” Ngô Xuân Quýnh lúc đương thời, vốn được xem là “cuốn sử sống” của bóng đá Việt Nam, cũng chịu “tắc” về “nghi án” này. Người quen biết Đặng “cóc” cũng chỉ nhớ mang máng là anh ghi bàn đầu tiên của giải năm đó, trong trận Công an Hà Nội (CAHN) thắng CSG với tỷ số 4-0. Sở dĩ nhớ được chi tiết đó cũng là vì trận đấu diễn ra đúng vào ngày 3.2, một ngày rét đậm ở miền Bắc, khiến các cầu thủ phương Nam chân run lẩy bẩy – lo chống rét hơn là đỡ các đợt tấn công của đối phương. 

Bàn thắng cuối cùng của giải, tình cờ thay, cũng lại do Lê Văn Đặng thực hiện từ một quả đánh đầu rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 trong trận gặp Tổng cục Đường sắt (ở vòng chung kết của giải). Năm đó CAHN chỉ về nhì, nhưng Lê Văn Đặng lại giành danh hiệu Vua phá lưới. Năm 1984, CAHN giành chức VĐQG sau trận thắng CLB Quân đội. Chiến thắng ngọt ngào ấy khiến người hâm mộ đội bóng này về sau vẫn tự hào nhắc đi nhắc lại, như lúc họ chiến thắng Công an Hải Phòng, giúp Thể Công giành chức vô địch toàn miền Bắc 10 năm về trước. Nói như ông Huy Hinh, cựu tiền vệ đội Thanh niên Hà Nội (TNHN) – “con dao pha” của bóng đá Hà Nội thì: “Hiếm có người cách nhau 15 năm mới giành 2 chức vô địch như Lê Văn Đặng, và cũng chỉ có Đặng “cóc” mới có cơ hội chơi bóng cùng Hùng “xồm” và Hiển “coóc” mà vẫn ghi dấu ấn riêng”. 

Lê Văn Đặng sinh năm 1947, từng giành 2 chức vô địch miền Bắc với CAHN năm 1969 và VĐQG năm 1984, á quân giải VĐQG năm 1980, hạng ba giải VĐQG năm 1981; đoạt danh hiệu vua phá lưới và là cầu thủ xuất sắc năm 1980, từng tham gia đội tuyển thanh niên rồi tuyển miền Bắc những năm 1969-1975, có mặt trong tuyển VN thi đấu tại Liên Xô năm 1980, nổi tiếng với những cú sút chân trái cực mạnh.

Bây giờ, mỗi khi ra sân, xử lý những pha bóng trước cầu môn, dù không còn những pha đi bóng tốc độ thuở nào, nhưng độ khéo léo và chất “quái” trong mỗi đường chuyền, cú sút của ông vẫn còn dáng dấp của một “sát thủ” thuở nào. Đặng “cóc” không thích so sánh mình với bất kỳ ai, cũng như bị đem ra gán ghép với người nào. Ông cho rằng, bản thân mỗi cầu thủ đều mang nét riêng khi chơi bóng, ngay cả khi ai đó cầu kỳ học những “chước” riêng của người khác, thì trong đó cũng có dấu ấn cá nhân, không thể trộn lẫn.

Cho đến giờ, khán giả những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước vẫn nhớ những cú đi bóng thần tốc dọc biên của Lê Văn Đặng rồi bất ngờ khựng lại, ngoặt người lao tiếp và tung ra những cú dứt điểm “sấm sét” chính xác khiến nhiều hàng thủ phải bối rối, nể phục. Biệt danh Đặng “cóc” cũng từ đó mà ra do lối chơi của ông như cóc nhảy.


Sự nghiệp thăng trầm

19 tuổi, Lê Văn Đặng có mặt trong đội hình TNHN với một lớp cầu thủ trẻ trung, đồng đều, thi đấu giải vô địch toàn miền Bắc (tương đương giải A1 sau này).

Đó là những ngày tháng bom đạn dữ dội trên toàn miền Bắc, các trận đấu không thể diễn ra ở Hà Nội, mà phải tổ chức ở Vân Đình (Hà Tây cũ). Đặng “cóc” cùng Hùng “xồm”, Chi “tơ” hay còn gọi là Chi “đen” (Đỗ Văn Chi) hợp thành chiếc đinh ba trên hàng công của TNHN, sánh cùng các phiên hiệu lớn khác của miền Bắc, như XMHP, Tổng cục Đường sắt, CAHN, Thể Công…

Cuối 1968, đầu 1969, khi đang tập huấn ở Hungary, Đặng “cóc” nhận tin dữ: TNHN giải thể. Băn khoăn về tương lai không biết về đâu, tiền đạo trẻ vẫn cắn răng tập luyện đều đặn, không để tinh thần xao nhãng, cho đến khi biết tin CAHN “xin” 5 người (Điệp, Đặng, Quang, Hai, Học). Họ nhanh chóng hòa mình với lớp cầu thủ CAHN cũ đưa đội lên ngôi vô địch ngay năm sau.

Về CAHN, Đặng “cóc” lại hợp cùng Hiển “coóc” thành cặp “song sát”. Ở đó, Lê Văn Đặng một lần nữa chấp nhận làm nền cho đàn anh thăng hoa trong mỗi trận đấu. Sau này, dù đã thành danh ở CAHN, nhưng mỗi lần nhắc đến TNHN, Lê Văn Đặng vẫn nói bằng cái giọng không khỏi tự hào. Bóng đá Hà Nội xưa không thiếu anh tài, quái kiệt. Hồi đó nói tới bóng đá Hà Nội, người ta không thể không nhắc đến “ngũ tử Hà thành”, gồm Ba Đẻn (Thế Anh), Phú “mèo” (Duy Phú), Cầu “điên” (Viết Cầu) – những cầu thủ về sau đều thành danh tại Thể Công, Chi “cố” và Đặng “cóc”.

Sau này, vào đội tuyển Thanh niên Việt Nam (1969 – 1971), thi đấu với các đội bóng đến từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên hay hai lần thi đấu với đội tuyển Cuba (tại Việt Nam năm 1970 và sang Cuba năm 1971), trận nào Đặng “cóc” cũng chơi rất hay, luôn rời sân với chiếc áo sũng mồ hôi. So với nhiều danh thủ cùng thời, tuổi thọ sân cỏ của Lê Văn Đặng cũng rất cao khi mãi đến năm 1986, ông mới “về hưu” ở tuổi 39.

“Lẽ ra tôi đã chia tay trong vinh quang năm 1984. Nhưng do tình hình đội khi đó lực lượng còn mỏng nên phải nán lại hỗ trợ. 2 năm sau đó, CAHN thi đấu không thật tốt. Năm 1985 đúng ra vào bán kết sau trận thắng CLB Quân đội 4-1 tại sân Thống Nhất xếp thứ nhì bảng giai đoạn 2 thì do sự cố Quân khu Thủ đô thua đá phản trước CSG trên sân Sông Bé khiến cả CSG lẫn Hải quan (bằng điểm với CLB Quân đội và CAHN) phải đứng sau, nên bảng này không đội nào được đá tiếp, tạo điều kiện cho CN Hà Nam Ninh và Sở Công nghiệp đá chung kết. Còn năm 1986, CAHN chỉ về thứ 4 trong bảng sau CSG, CA TP.HCM và QNĐN nên bị loại. Tôi chuyển sang làm HLV đội bóng đá nữ Quảng Ninh và đội U.17 quốc gia”, ông Đặng kể lại.

TNHN những năm đầu thế kỷ 21 tưởng như sẽ trở lại với làng bóng đá Việt Nam. Khi đó, ông Hoàng Vĩnh Giang (nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội), ông Sỹ Hưng (nguyên Tổng giám đốc Vietnam Airlines) cũng có nhiều dự định, ấp ủ xây dựng lại một phiên hiệu bóng đá, tiêu biểu cho bộ mặt bóng đá thủ đô. Lê Văn Đặng khi ấy cũng nhiều lần trực tiếp và gián tiếp đóng góp ý kiến về vấn đề xây dựng lực lượng và đào tạo cầu thủ.

TNHN vào thời điểm 2001 có 25 cầu thủ (2 thủ môn) với 85% cầu thủ có xuất thân ở Hà Nội. Đây là lực lượng được sáp nhập từ lứa U.16 và U.18, có lựa chọn tốt về thể hình, thể lực (cao trên 1,7m), được cử đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Tiếc thay, dự định nhiều tham vọng ấy “nửa chừng đứt gánh”. Đặng “cóc” đành trở về tìm vui cùng trái bóng tròn bên những người bạn già thuở nào.

 

Nguồn: Theo Thanh Niên