Một thời tung hoành sân cỏ: Thần mã Dương Văn Thà

Mỗi lần đi xem Cảng Sài Gòn (CSG) đá những năm sau 1975, hầu như người hâm mộ nào cũng thích phong cách chơi của Ba Thà. Ông lên xuống như con thoi, chạy không biết mệt dọc cánh phải và biệt danh Thần mã được nhiều người thừa nhận khi nói về tên tuổi một thời lẫy lừng này

Mỗi lần đi xem Cảng Sài Gòn (CSG) đá những năm sau 1975, hầu như người hâm mộ nào cũng thích phong cách chơi của Ba Thà. Ông lên xuống như con thoi, chạy không biết mệt dọc cánh phải và biệt danh Thần mã được nhiều người thừa nhận khi nói về tên tuổi một thời lẫy lừng này.

 

Ông Thà (thứ 3 từ trái sang) cùng các cựu tuyển thủ – Ảnh: Khả Hòa

Người giữ lửa cho CSG

Trong thế hệ đã gầy dựng nên tên tuổi của CSG sau ngày giải phóng như Tam Lang, Tư Lê, Xinh, Ngôn, Mười, Thăng… thì “tuổi thọ” cầu thủ của Dương Văn Thà là lâu nhất. Trong khi các đồng đội của mình kẻ trước người sau lần lượt giã từ vào những năm đầu thập niên 80 để nhường lại cho thế hệ Nguyễn Văn Thòn, Hồ Thủy, Phan Hữu Phát, Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Văn Hòa tiếp nối, thì ông vẫn là người trụ lại mãi đến năm 1986 sau khi CSG lên ngôi vô địch quốc gia, khi đó gần 40 tuổi mới chịu “về hưu”. Nhưng nghiệp bóng đá quá lớn đã kéo ông ở lại với CSG trong vai trò trợ lý HLV rồi HLV đội trẻ đến năm 2003 mới kết thúc. Một sự đóng góp quá lớn đã đưa tên tuổi ông gắn liền với CSG suốt gần 30 năm không thua gì ảnh hưởng của Tam Lang.

 

Ông Thà kể lại: “Tình yêu của tôi với CSG quá lớn. Dĩ nhiên cái tên CSG không là tất cả, không làm thay đổi lối chơi, cái hồn của đội bóng. Nhưng nó gắn với cả thời kỳ sung sức khát khao tuổi trẻ của tôi nên sau 1975, khi về chơi cho CSG, tôi luôn phấn đấu hết mình vì thương hiệu Cảng. Chính vì xác định như vậy nên tôi đã chơi bền bỉ, hết ngày này qua tháng nọ. Những lúc đã qua thời đỉnh cao, tôi vẫn luôn cố xỏ giày ra sân khi có thể. Đó là cách để động viên anh em thi đấu, truyền cho họ thêm nghị lực và cảm hứng từ đôi chân của mình”. Nhiều cầu thủ trẻ lúc đó rất hứng thú khi được chơi bên cạnh ông Thà bởi ông chạy liên tục, di chuyển không ngơi nghỉ và tuôn xuống cánh phải chuyền bóng rất hay cho đồng đội ghi bàn, nên họ gọi ông là “người giữ lửa” cho lối chơi của CSG.

 

Dương Văn Thà vẫn còn sung sức trong màu áo cựu tuyển thủ – Ảnh: Khả Hòa

Đá được nhiều vai

Hiếm có cầu thủ nào lại chơi được nhiều vai như ông Thà. Thể hình nhỏ chỉ thích hợp với các vị trí tiền vệ nhưng ông lại có thể chơi được cả hậu vệ phải và tiền đạo cánh. Với vị trí hậu vệ phải, ông Thà nhắc lại chi tiết chính HLV Weigang năm 1967 đã kéo ông về chơi để chống lại tiền đạo cao to của Úc. “Khi đó ông Weigang nói với tôi rằng ông tin tưởng ở tôi bởi không phải bất cứ cầu thủ nhỏ con nào cũng phòng ngự kém, ngược lại chính điều đó sẽ tạo nên sự nhanh nhẹn, khéo léo trong kèm cặp khiến tiền đạo của đối phương bất ngờ. Ban đầu tôi cũng lo vì nếu lỡ họ dùng bóng bổng thì “chết”. Nhưng đúng như ông Weigang tiên liệu, khi bị áp sát bởi những cầu thủ thấp bé ranh mãnh thì họ khó phát huy được những pha bật nhảy đón các đường chuyền cao. Nhờ vậy tôi tự tin hơn. Sau này chính ông Weigang cũng rất thành công khi nhiều lúc sử dụng một hậu vệ phải nhỏ con khác đá ở SEA Games 18 là Chí Bảo”.

 

Còn với vai trò tiền đạo phải, ông Thà nói: “Những năm đầu thập niên 70, sơ đồ 4-2-4 rất thịnh hành với cầu thủ đá góc phải có tốc độ bứt phá qua hậu vệ đối phương rồi rót bóng vào cho cặp trung phong dứt điểm. Nhờ lối chơi lăn xả và khả năng thoát xuống nhanh, tôi được HLV bố trí thử vào góc này và chơi được. Tôi trở thành hữu biên ổn định nhất lúc bấy giờ”. Lật lại những trang sử trước 1975 đúng là ông Thà đã rất thành công trong đội tuyển miền Nam khi đá vai này. Nhiều pha mở bóng của ông rất lợi hại cho cặp trung phong Võ Thành Sơn – Quang Đức Vĩnh ghi bàn hay sau này cho Tư Lê – Trần Văn Xinh dứt điểm. Dù vậy, ông Thà bùi ngùi nhắc lại một kỷ niệm mà đến giờ ông vẫn khó quên: “Năm 1974 tôi đá cánh phải cho đội tuyển miền Nam nhưng do chấn thương gãy tay giờ chót nên Nguyễn Văn Thắng thay thế tôi đá giải. Nào dè Thắng lại bất ngờ bị ngộ sát ngay sau khi đội giành ngôi vô địch khiến tôi hết sức bàng hoàng nên sau này tôi chỉ còn chơi tiền vệ và thi thoảng hậu vệ mà thôi”.

 

Dương Văn Thà sinh ngày 6.31947, 4 lần dự SEAP Games, từng giành HC bạc SEAP Games 1967 và 1973, hạng ba giải Merdeka 1967, đồng vô địch giải Petra Sukan 1971, á quân giải Cửu Long 1976, nhiều lần vô địch giải A1 TP.HCM, vô địch quốc gia cùng với CSG năm 1986, hiện thi đấu cho đội cựu tuyển thủ TP.HCM dự giải năm rồi ở Hải Phòng. Có vợ và 2 con gái, hiện đang sống ở đường Trần Văn Khánh, quận 7, (TP.HCM).

Chơi bóng cho đến khi không còn đá nổi

Sau 1975, cặp bài trùng Dương Văn Thà – Nguyễn Văn Mười đã tạo nên sức bật lớn ở tuyến giữa CSG qua lối đá hào hoa, điệu nghệ và hết sức mềm mại được nhiều người yêu thích. Đó cũng là lúc ông lấy vợ nhưng suýt chút nữa thì sự nghiệp của Thà tiêu tan. Một sự cố trong trận đấu giữa Hải Quan và CSG năm 1976 đã khiến Thà cùng với vài cầu thủ khác của 2 đội bị “treo giò vĩnh viễn”. May mắn cho ông khi chỉ một thời gian ngắn, án phạt được giảm sau những lá đơn cứu xét và Thà trở lại sân cỏ để làm lại từ đầu. Nhờ những cống hiến và quyết tâm rất lớn sau đó, ông được gọi vào đội tuyển đá giải quân đội năm 1979 rồi tham gia tuyển VN đi tập huấn ở Liên Xô năm 1980.

 

Tính cách của ông Thà rất bình dị, dễ gần. Khi làm trợ lý ông vẫn đều đặn làm việc như một con ong chăm chỉ, không nề hà việc khó, cũng không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Sự tận tụy đó đã giúp ông cùng với Lý Văn Thành (cựu thủ môn CSG) là 2 trợ lý trụ lâu nhất ở CSG. Khi CSG chuyển qua màu áo TMN-CSG, ông xin nghỉ vì cảm thấy không còn thích hợp với cách quản lý mới. Ông nói: “Tôi vẫn biết việc chuyển tên, ghép họ của một đội bóng là điều bình thường trong đời sống bóng đá VN. Nhưng nói thật cầu thủ CSG ai cũng xót xa lắm, giá mà lãnh đạo CSG cố gắng hơn một chút và các cấp có trách nhiệm quan tâm tốt hơn thì cái tên CSG có lẽ vẫn còn sống mãi chứ không đến nỗi lại thay đổi lần nữa như bây giờ”.

 

Giờ đây đều đặn mỗi tuần ông lại xách giày ra sân chơi cho đội cựu tuyển thủ TP.HCM. Ông tâm sự: “Bóng đá với tôi đã là máu thịt. Còn sức lực tôi vẫn sẽ chơi bóng cho đến khi không còn đá nổi”. 

Nguồn: Theo Thanh Niên