Một thời tung hoành sân cỏ: Lạ lùng Minh nhí

Giới hâm mộ bóng đá những năm 1980 không ai không biết Nguyễn Hoàng Minh (tức Minh nhí) với những cú lừa bóng lắt léo và những đường chuyền như đặt cho đồng đội…

Giới hâm mộ bóng đá những năm 1980 không ai không biết Nguyễn Hoàng Minh (tức Minh nhí) với những cú lừa bóng lắt léo và những đường chuyền như đặt cho đồng đội…

 

Minh nhí đột phá giữa 2 hậu vệ Tổng cục Đường sắt

Kiện tướng không ngai

Cuối năm 1977, đội bóng Xa Cảng miền Tây thuộc Sở Giao thông vận tải là một tập thể trẻ trung, thi đấu rất “máu lửa” ở giải hạng B TP.HCM. Trong đội hình khi đó có nhiều cầu thủ hay như Hứa Hiền Triết, Hoa Đình Dũng và Minh nhí. Từ Đồng Tháp lặn lội lên TP.HCM tìm cơ hội chơi bóng, Minh nhí đã sớm tỏa sáng trong vai trò tiền vệ tấn công, một vị trí rất phù hợp với các cầu thủ nhỏ con mà khi đó Minh xem Đỗ Thới Vinh, Võ Bá Hùng hay Dương Văn Thà là những thần tượng của mình. Ngay sau đó vào năm 1979, đội Hải Quan trong xu thế trẻ hóa đã đưa Minh và nhiều cầu thủ khác về. Ông nhớ lại: “Hồi đó được khoác áo Hải Quan vinh dự lắm, cảm giác bước vào sân Thống Nhất lần đầu tiên sướng làm sao, thậm chí đêm trước còn hồi hộp không ngủ được. Khi được sắp đá chính bên cạnh các tên tuổi lớn như Hồ Thanh Cang, Lê Văn Sang (Sang tiều), Lê Kim Thanh (Bình lùn), Khánh Hùng…, tôi tự hào vô cùng”.

 

Mùa bóng đầu tiên chơi cho Hải Quan, Minh nhanh chóng tạo được lòng tin cho đồng đội qua kỹ thuật điều khiển bóng rất nhạy và những cú đảo người tốc độ khiến cho đối thủ mới thoạt nhìn đã bị Minh bẻ người vượt qua. Theo Minh: “Cái đó do năng khiếu và cũng vì tôi nhỏ con, chỉ cao có 1m57 nên xoay trở lẹ, động tác xử lý nhanh, gọn gàng”. Nhờ phẩm chất nổi trội đó, Minh được đẩy lên đá góc mặt và người xem đã vô cùng thích thú khi chứng kiến những pha lừa bóng rất dẻo và rất tốc độ sát biên của ông. Cho đến nay, pha đi bóng dẫn đến bàn thắng trong trận chung kết A1 TP.HCM giữa Hải Quan với Sở Công nghiệp năm 1980 vẫn là một ký ức đẹp của Minh nhí: “Lúc đó tỷ số là 1-1. Hứa Hiền Triết ghi bàn cho Hải Quan và trung phong Võ Thành Sơn gỡ hòa cho Sở Công nghiệp. Thế trận đang rất giằng co. Khoảng giữa hiệp 2, tôi từ biên phải di chuyển thật nhanh sang trái sát khán đài A đón đường chuyền của đồng đội. Lúc đó hậu vệ Trần Lương ập vào, tôi lắc người vượt qua. Kế đến trung vệ Võ Văn Biển bọc phía sau cũng lao tới, tôi lại làm tiếp một động tác nhá đánh lừa. Đến chốt chặn thứ 3 là hậu vệ Nguyễn Văn Em, tôi tiếp tục đảo người đi qua nốt. Thủ môn Minh Lý từ trong phóng ra và tôi lại xoay trở nhanh đánh lừa rồi tung cú sút vào góc hẹp. Lúc đó tôi sướng như phát điên, đầu óc lùng bùng như không nghe thấy những tiếng reo hò vang dậy trên khắp khán đài. Đến giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn lâng lâng”.

 

Dù vô địch TP.HCM nhưng Hải Quan lại chỉ về hạng ba năm đó ở giải vô địch quốc gia (sau Tổng cục Đường sắt và Công an Hà Nội). Nhưng vinh dự cho Minh là với tiêu chuẩn đội hạng ba chỉ có 1 kiện tướng quốc gia, ông đã được đồng đội bầu nhận danh hiệu này và trở thành kiện tướng bóng đá đầu tiên của TP.HCM. Tên tuổi của Minh sáng rực lúc đó và liên tiếp ở các giải VĐQG sau đó, ông luôn là nỗi ám ảnh của các hậu vệ trái với biệt tài đi bóng như chỗ không người. Dù vậy Minh vẫn được coi là kiện tướng không ngai vì suốt 10 năm gắn bó với Hải Quan (ông chia tay năm 1989), chưa lần nào ông có vinh dự bước lên bục cao nhất ở một giải đấu cấp quốc gia.

 

Không lên tuyển, không xuất ngoại

Lẽ ra Minh nhí phải có chân trong đội tuyển VN những năm 1980 nhưng giai đoạn đó bóng đá VN chưa thực sự hội nhập với quốc tế nên ông không có cơ hội tham dự các giải lớn như bây giờ mà chỉ thi đấu trong màu áo đội tuyển TP.HCM và đội tuyển quân đội VN dự SKDA. Chính vì vậy, Minh đã không một lần được mặc áo đội tuyển quốc gia và cũng chưa hề được ra nước ngoài thi đấu. Ông hồi tưởng: “Tôi vào tuyển TP.HCM năm 1980 sau khi anh Nguyễn Thành Công của Xi măng Hà Tiên nghỉ. Tôi chiếm giữ luôn vị trí góc mặt một thời gian dài. Đến năm 1984, tôi được tăng cường cho Quân đội 1 thi đấu SKDA và có dịp đối đầu với tuyển thủ Liên Xô Khidiatulin trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng). Hôm đó trời mưa, nghe đọc diễn văn mất 20 phút nên khi vào đá chúng tôi lạnh run và bị cóng không đá được, thua đến 0-3. Sau đó vào Quy Nhơn thua tiếp Ba Lan 0-4, rồi vào Nha Trang cũng lại thua nốt Cuba 0-1. Nhưng được cái thi đấu với các cầu thủ nước ngoài nên cả đội hăng lắm, càng đá càng học hỏi được nhiều và tiến bộ hơn. Chính nhờ vậy mà sau này khi đá với các đội như Bông lúa, Giangirit, Bulgaria, Angola… chúng tôi tự tin hơn nhiều và đã có không ít kết quả rất đáng tự hào”.

 

Một kỷ niệm khác mà Minh nhí và toàn đội Hải Quan không bao giờ quên, đó là lần buộc phải ở lại Hà Nội hơn một tháng để chờ thi đấu trận chung kết giải vô địch quốc gia với CLB Quân đội. Minh kể: “Năm 1983, Hải Quan thi đấu rất tưng bừng và được ra sân Hàng Đẫy đá trận chung kết. Nhưng khi đó, BTC lại không xác định được thời gian đá chung kết do phải chờ… đội CLB Quân đội! Thế là chúng tôi phải nằm chờ đến nỗi nhiều cầu thủ trong đội nhớ nhà quá xin về nhưng không được giải quyết. Hết ngày này qua ngày nọ, chúng tôi vừa tập vừa ngóng tin khiến cả đội bị ức chế, buồn bực không chịu nổi”.

 

Một sự cố khác cho đến giờ Minh nhí vẫn còn ám ảnh là lần bị đối thủ… hất bay ra đường piste cả mấy mét trong trận Hải Quan gặp Cảng Hải Phòng năm 1984. “Hồi đó các đội phía Bắc đá dùng sức nhiều và hay đeo người rất sát. Nhiều lúc buộc phải va chạm mới có bóng nên khi bị Nam “kính con” áp sát, tôi đã cố vượt qua sát đường biên dọc. Nào dè đối thủ đã bay cả thân người hất tôi té lăn mấy vòng đau điếng, mấy ngày sau còn rêm người”, Minh nhớ lại.

 

Rời bóng đá đỉnh cao gần 20 năm, hiện Minh nhí đang làm ở Công ty An Đô và vẫn đều đặn ra sân chơi cho cựu tuyển thủ TP.HCM. Trong trận đấu giữa thế hệ vàng VN với cựu danh thủ Pháp năm rồi, Minh nhí dù lớn tuổi nhất trên sân nhưng vẫn chạy khỏe và mỗi lần chạm bóng vẫn gây được hứng thú cho người xem. Ông mơ ước: “Tôi vẫn còn nặng nợ với với bóng đá và mong muốn được học lớp HLV bằng C, có thêm kiến thức dẫn dắt và đào tạo lớp trẻ tốt hơn trong tương lai”.

 

Nguyễn Hoàng Minh sinh ngày 1.2.1958 tại Đồng Tháp, chơi cho các đội Xa Cảng miền Tây, Hải Quan; nhiều lần vô địch A1 TP.HCM, á quân giải VĐQG năm 1983, hạng ba giải VĐQG năm 1980 và 1986; cầu thủ xuất sắc nhất giải các danh thủ ở Hải Phòng.

Nguồn: Báo Thanh niên