Một thời tung hoành sân cỏ: "Gừng già" Nguyễn Văn Dũng

Không người hâm mộ bóng đá nào thập niên 80 – 90 lại không biết tên tuổi Nguyễn Văn Dũng, người đoạt danh hiệu Vua phá lưới đến 4 mùa bóng và là tiền đạo lừng danh một thời của Công nghiệp Hà Nam Ninh và Dệt Nam Định.

Không người hâm mộ bóng đá nào thập niên 80 – 90 lại không biết tên tuổi Nguyễn Văn Dũng, người đoạt danh hiệu Vua phá lưới đến 4 mùa bóng và là tiền đạo lừng danh một thời của Công nghiệp Hà Nam Ninh và Dệt Nam Định.

 

Nguyễn Văn Dũng (hàng ngồi thứ 2 từ phải sang) trong trận chung kết Tiger Cup 1998 – Ảnh: L.T

35 tuổi vẫn lên tuyển

Năm 1998, Việt Nam là chủ nhà tổ chức Tiger Cup. “Cửa” giành cúp vô địch của đội tuyển bóng đá Việt Nam rất “sáng” do Thái Lan không mang sang đội hình mạnh nhất. Khi đó, Thạch Bảo Khanh của CLB Quân đội đang nổi lên như một ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam. Nhưng, HLV Alfred Riedl lại chọn Nguyễn Văn Dũng với tiêu chí: “Anh ấy là vua phá lưới của giải vô địch quốc gia (17 bàn), tôi không thể không đưa vua phá lưới vào đội tuyển thi đấu”. Cho đến sau này, tiếp xúc với HLV người Áo, ông vẫn bảo vệ quan điểm của mình, cũng như đặt trọn niềm tin vào Dũng “già”. Còn người trong cuộc thì sao?

 

“Tôi đủ khả năng về thể lực và chuyên môn để vào đội tuyển VN khi đó” – Nguyễn Văn Dũng tự tin nói – “Lên tuyển, tôi “nuốt” đủ khối lượng như các cầu thủ trẻ, dù đã 35 tuổi. Như vậy đủ hiểu, thể lực của mình vẫn đảm bảo. Đến giờ, tôi vẫn tâm đắc tiêu chí chọn người của HLV Riedl: hiệu quả là yếu tố quyết định, chứ không phải danh tiếng. Bây giờ là HLV đào tạo cầu thủ trẻ, mình càng nghiệm thấy điều đó chính xác. Là người xem bóng đá ai cũng thích một trận cầu sôi nổi, cống hiến; là một cầu thủ, ai cũng thích thể hiện tài năng; là một HLV, người ta quan tâm trước tiên đến kết quả, hiệu quả quyết định tất thảy. Với tôi gừng càng già càng cay”.

 

Dũng “già” tự tin. Alfred Riedl trông cậy. Nhưng ở tuổi 35, Nguyễn Văn Dũng hiểu rằng, thời kỳ đỉnh cao của mình đã lùi vào quá khứ. Ở đội tuyển, anh chỉ là “siêu dự bị” cho bộ đôi Huỳnh Đức – Văn Sỹ Hùng. Cũng bởi thế, anh tự hào khi được đá 64 phút trong trận chung kết Tiger Cup 1998 với đội tuyển Singapore (dù trước đó chỉ được vào sân 12 phút cuối trận hòa 0-0 với Malaysia).

 

Vua phá lưới lười… chạy

Bốn lần giành danh hiệu Vua phá lưới nhưng Dũng “già” chưa bao giờ tự nhận mình là người chịu… chạy trên sân. “Nói về sức bền, tôi không xếp đó là điểm mạnh của mình. Bảo tôi đua sức với hậu vệ đối phương thì chịu, nhưng bảo mình cầm bóng đột phá, hoặc chọn vị trí, tìm kiếm cơ hội dứt điểm, thì chẳng có hậu vệ nào ngăn cản được. Điểm mạnh của tôi chính là khu vực 16m50. Và đó cũng là cự ly tôi bứt phá tốt nhất. Cân nặng của tôi tròm trèm 65 kg, cao 1m75, làm sao đủ khả năng tì đè hậu vệ đối phương. Chính vì vậy, tôi lựa chọn cách chơi chọn vị trí và tập cảm giác bóng. Khả năng qua người của tôi không phải xuất sắc, nhưng kiểm soát bóng tốt, chính vì thế, bóng đã vào chân, hậu vệ khỏi phải lấy”, anh nói.

 

 

Nguyễn Văn Dũng sinh ngày 23.11.1963. Thành tích: Vô địch A1 toàn quốc năm 1985 cùng Công nghiệp Hà Nam Ninh; 4 lần đoạt giải vua phá lưới năm 1984, 1985 (cùng 15 bàn), 1986 (cùng 12 bàn với Trần Minh Huy của Hải quan), 1998 (17 bàn); ghi cả 3 bàn thắng cho đội tuyển VN tại SEA Games 16 (2 bàn trong trận hòa Philippines 2-2 và bàn duy nhất trong trận thua Malaysia 1-2); á quân Tiger Cup 98; vô địch giải U.21 Báo Thanh Niên 2004. Hiện tại đang huấn luyện U.17, U.15 Ninh Bình.

 

Dũng nhớ lại: “Lúc còn chơi cho Công nghiệp Hà Nam Ninh, tôi nằn nì các anh Nguyễn Văn Xám, Nguyễn Hưng Thái có kỹ thuật tốt, thực hiện thêm các quả lật cánh, tạt bóng có điểm rơi để luyện… đánh đầu. Trong trận chung kết thắng 3-1 trước Sở Công nghiệp TP.HCM, trong một tình huống bóng bổng ở khu 16m50, tôi nhảy lên tranh chấp với thủ môn Trần Văn Hiệp. Lúc đó cũng có chút tiểu xảo nhưng trọng tài không nhìn thấy, nên “chõm” đúng tình huống đánh đầu vào góc, khiến anh Hiệp chới với mà không đẩy được bóng. Sau bàn đó, đội dễ chơi hơn hẳn, tôi và anh Nghĩa mỗi người ghi thêm một bàn đều bằng sút xa đem chiếc cúp vô địch quốc gia đầu tiên và cũng là duy nhất đến nay cho đội bóng thành Nam“.

 

Có tài trên sân, nhưng cũng nổi tiếng là nóng tính, ngang tàng, Dũng “già” được nể trọng và cũng bị “giám sát từ xa”. Thành công đến, nhưng chất ngang tàng bên ngoài cuộc đời theo anh vào đến trong sân cỏ. “Phốt” phản ứng trọng tài vào năm 1990 khiến cả anh (đội trưởng) và Dệt Nam Định bị cấm thi đấu 1 năm. Khi đó các cầu thủ Dệt Nam Định đuổi đánh trọng tài Nguyễn Thu ở trận lượt về với Sông Lam Nghệ Tĩnh (28-3) và toàn đội bị kỷ luật cấm thi đấu 1 năm. Năm 1991, Nguyễn Văn Dũng bất ngờ đầu quân Sông Lam Nghệ Tĩnh của HLV Nguyễn Thành Vinh và đeo băng đội trưởng, làm “đàn anh” nhóm Hữu Thắng, Văn Sỹ Hùng. Nhưng cũng trụ lại có 1 mùa, Dũng tiếp tục đầu quân cho Công an Thanh Hóa chơi 4 mùa, trước khi chính thức trở lại Nam Định.

 

Treo giày ở tuổi 37 vào năm 2000, Nguyễn Văn Dũng chuyển qua huấn luyện bóng đá trẻ. Lứa học trò U.17 của anh khi đó với những Mạnh Dũng, Danh Ngọc, Nhật Nam… bây giờ đang bắt đầu trưởng thành. Nhưng rồi vụ “phốt” bóp cổ trọng tài và tính ngang bướng khiến anh phải “chạy” sang đất Hải Phòng. Nói về quãng thời gian đó, Dũng “già” vẫn thể hiện niềm tự hào với những gì mình để lại đó, dẫu đội bóng không cất cánh như mong muốn của nhà đầu tư. Trở lại Nam Định, rồi dấn sâu vào Ninh Bình theo người em, Nguyễn Văn Dũng “bặp” trở lại niềm đam mê đào tạo cầu thủ trẻ. “Sướng nhất là được nhìn thấy thành quả huấn luyện của mình qua từng ngày. Hôm nay các em còn chưa biết đá đặt lòng, úp mu, đánh gót, gật đầu…, ngày hôm sau, đá hay hơn hôm trước. Sau nữa lại đá nhuyễn hơn. Nó như niềm vui mình được chứng kiến hạt giống mình gieo xuống, vươn chồi lên, xòe ra cánh lá đầu tiên, rồi thêm 1, 2, 3 chiếc lá khác. Thú lắm!”, Dũng “già” bất ngờ triết lý.

Nguồn: Theo Thanh Niên