Trong trận đấu cuối của giải vào chiều qua, U.23 Lào đã dẫn trước U.21 Hoàng Anh Gia Lai 1-0 tại Hàm Rồng. Nhưng sự cố đã xảy ra ở phút 60 khi trời mưa quá lớn kèm theo sét đánh mạnh.
Để bảo đảm an toàn cho cầu thủ, HLV A.Riedl đã chủ động đề nghị BTC dừng trận đấu. Theo ông Trần Văn Minh, Phó BTC giải thì trận đấu có thể sẽ được đá 30 phút còn lại vào hôm nay.
Nhận xét về giải U.21 Gia Lai, ông thầy người Áo nhìn nhận, đối thủ của Lào đều là các đội U.21 đang trong giai đoạn chuẩn bị cho giải U.21 Báo Thanh Niên và còn thiếu nhiều cầu thủ trẻ đang chơi ở tuyến trên nên chưa tập hợp lực lượng tốt nhất, nhờ đó Lào có chút ưu thế với đội hình dày dặn hơn. Tuy nhiên, U.23 Lào còn phải cải thiện rất nhiều ở khâu dứt điểm và sức mạnh tranh chấp để đáp ứng yêu cầu cao hơn tại SEA Games 25.
Trước đó, Bình Dương thắng ĐTLA 1-0 được 6 điểm, cùng điểm với SHB Đà Nẵng nhưng nhờ hơn đối đầu nên sẽ xếp trên.
Giải bóng đá U.21 Gia Lai mở rộng 2009: U.23 Lào và U.21 HAGL tranh chung kết
Giải bóng đá U.21 Gia Lai mở rộng tổ chức tại sân Hàm Rồng (Pleiku) đã kết thúc lượt đấu thứ tư với kết quả: SHB Đà Nẵng thắng ĐTLA 2-1 và U.23 Lào thắng U.21 Bình Dương 1-0.
Như vậy, hiện U.23 Lào với 7 điểm dẫn đầu, kế đến SHB Đà Nẵng 6 điểm thứ nhì, HAGL 4 điểm hạng ba, Bình Dương 3 điểm hạng tư và ĐTLA 2 điểm hạng năm. Do đội Đà Nẵng đã đá xong 4 trận nên lượt cuối chiều nay 18.8 giữa U.23 Lào và U.21 HAGL sẽ là trận chung kết. Lào chỉ cần hòa là vô địch, còn HAGL nếu thắng thì do thắng đối đầu sẽ đoạt chức vô địch. Trận còn lại chỉ là thủ tục giữa Bình Dương và ĐTLA.
Giải bóng đá “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo” lần 1 – 2009: Sân chơi đầy ý nghĩa
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Quốc khánh 2-9, các đơn vị Báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Cửa hàng thể thao King Sports, Diễn đàn Ô tô FC, Công ty Bao bì Bình Dương cùng tổ chức giải bóng đá “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo” lần 1-2009, khởi tranh vào sáng qua (16-8) tại sân Trung tâm TDTT CATPHCM. 6 đội chia thành 2 bảng, thi đấu vòng tròn, chọn 2 đội vào tranh bán kết, chung kết.
Ngoài việc tổ chức giải nhằm động viên tinh thần tập luyện thể thao trong các đơn vị, sân chơi này còn có nhiều ý nghĩa khi 6 đơn vị cùng chung tay đóng góp vì trẻ em nghèo, hưởng ứng kế hoạch hoạt động “Tháng hàng động vì trẻ em” do Liên đoàn Lao động TPHCM phát động. Tính đến ngày hôm qua, các đơn vị đã ủng hộ được 60 triệu đồng và sau khi kết thúc giải, tổng số tiền sẽ được chuyển đến mái ấm tình thương An Lạc (Long Thành, Đồng Nai).
Được biết, giải năm sau sẽ mở rộng hơn nhằm thu hút nhiều đơn vị cùng nhau chung sức vì trẻ em nghèo.
Giải bóng đá U.21 Gia Lai mở rộng 2009: U.21 Bình Dương thắng Đà Nẵng
Giải bóng đá U.21 Gia Lai mở rộng – nhằm chuẩn bị cho vòng loại giải U.21 Báo Thanh Niên khởi tranh cuối tháng 8 – đã khai diễn tại sân Pleiku chiều 10.8 với 5 đội tham dự gồm Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An và U.23 Lào.
Tiền đạo đội Đà Nẵng (phải) không vượt qua được hàng thủ Bình Dương
Điều bất ngờ là dù trời có mưa, mặt sân xấu hạn chế kỹ thuật của các đội nhưng khán giả đến xem rất đông chật kín khán đài A sân Pleiku.
Do các đội đều xem đây là đợt cọ xát bổ ích nên đều vào cuộc với quyết tâm cao để khẳng định mình. Trận đầu Bình Dương (BD) – đội chủ nhà U.21 sắp tới, đã thắng SHB Đà Nẵng (ĐN) – đương kim vô địch giải U.21 Báo Thanh Niên năm rồi – với tỷ số 2-1 (Ngọc Hùng, Văn Hùng ghi cho BD và Tuấn Vũ gỡ cho ĐN).
Trận sau Hoàng Anh Gia Lai dù ép sân và tạo cơ hội rất nhiều nhưng dứt điểm kém nên hòa ĐTLA 0-0. Do mặt sân xấu nên BTC quyết định từ lượt trận thứ 2 giải sẽ dời đến sân Hàm Rồng.
Hôm nay giải sẽ diễn ra 2 trận đấu giữa HAGL gặp ĐN và ĐTLA gặp U.23 Lào. Đội Lào do HLV Riedl dẫn dắt sẽ là chủ nhà của SEA Games 25.
Giải bóng đá Doanh nhân Sài Gòn – Cúp MPE 2009: Tưởng nhớ cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh
Nhằm tưởng nhớ đến cựu danh thủ một thời của bóng đá miền Nam Đỗ Thới Vinh, nằm trong chương trình tổ chức giải bóng đá phong trào doanh nhân Sài Gòn, BTC giải còn tổ chức thêm một giải bóng đá giao hữu nhằm quyên góp cho Quỹ cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh. Đây là quỹ được anh em cựu tuyển thủ TPHCM thành lập nhằm giúp đỡ gia đình danh thủ Đỗ Thới Vinh.
Tham dự có 4 đội chia thành 2 cặp đấu: CLB Phóng viên TPHCM gặp nữ TPHCM và Cựu tuyển thủ TPHCM gặp CLB Doanh nhân Sài Gòn. Hai đội thắng tranh ngôi vô địch với phần thưởng 2 triệu đồng và 2 đội thua tranh hạng ba với phần thưởng 1 triệu đồng.
Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG – Nơi ươm mầm những tài năng
Gọi là tài năng hẳn rất đúng, bởi muốn được chọn vào Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG (HV), các cầu thủ nhí phải vượt qua 500 – 1.000 “đối thủ” khác. Trong số 7.000 cầu thủ nhí dự tuyển vào HV năm 2007, chỉ có 16 em được chọn. Và mới đây, năm 2009, trong số 10.000 em dự tuyển, HV chỉ chọn được 10.
Quang Huy thể hiện kỹ năng đi bóng.
Ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn HAGL, cho biết: “Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn và chúng tôi muốn chăm lo, dạy dỗ các em nên người, thành đạt chứ không chỉ là dạy đá bóng”.
Chúng tôi vào phòng ngủ của các em để tham quan. Thoạt tiên chỉ nghe nói chi phí chăm lo cho các em gần 400 triệu đồng/em/năm, chúng tôi chưa tin lắm, nhưng đến khi chứng kiến điều kiện ăn, ngủ, học tập… nơi đây, chúng tôi mới thật sự tường tận.
Nguyễn Quang Huy là một ví dụ điển hình. Sinh năm 1995 trong một gia đình nghèo ở Bình Thuận, Huy được nhận vào HV lúc 12 tuổi và sau 1 năm, em đã phát triển chiều cao thêm 10cm, tăng 9kg. Để có thể chất như vậy, mỗi ngày em phải ăn 5 bữa/ngày với chế độ ăn các bữa chính gồm 6 món: 1 con tôm càng, 200g thịt bò, 200g rau xanh, món mặn là thịt gà hay heo và bắt buộc ăn thêm yaourt, chè, chuối. Ngoài các buổi sáng học văn hóa và buổi tối học ngoại ngữ, thời gian còn lại Huy đều dành cho bóng đá và hiện em có thể tâng bóng đến 3.000 cái bằng cả 2 chân.
Một cầu thủ nhí khác là Lương Xuân Trường, quê ở Tuyên Quang. Sau 2 năm vào HV, hiện Trường có thể làm… phiên dịch Anh văn cho một số đồng đội. Gia cảnh khó khăn nên khi Trường được tuyển chọn, bố mẹ em mừng rơi nước mắt. Hỏi vì sao 2 năm nay vẫn chưa được tập đá bóng bằng giày, anh Trần Văn Minh, thầy của Trường, bảo: “Tất cả các em phải làm quen với cảm giác chạm bóng bằng chân.
Ăn, ngủ, giải trí đều xoay quanh trái bóng. Xem tivi cũng là xem bóng đá, phòng ngủ hướng mặt ra sân bóng… Một điều nữa là HV chỉ đào tạo tiền vệ, tiền đạo chứ không đào tạo hậu vệ, thủ môn bởi chúng tôi quan niệm rằng tiền đạo có thể làm hậu vệ, làm thủ môn nhưng ngược lại thì không”.
Trong số 16 cầu thủ nhí được tuyển vào HV năm 2007, anh Trần Văn Minh cho biết chỉ có duy nhất 1 em người dân tộc J’Rai là K’sor Úc. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Úc từng mơ ước trở thành cầu thủ nổi tiếng như Ronaldo hay Maradona. Vượt qua nhiều bạn khác, Úc trở thành học viên của HV và hiện tại, em có thể vừa tâng bóng vừa thay đồ, lại còn có thể giữ – tâng bóng bằng 12 điểm chạm trên cơ thể.
Ngoài Úc ra, người xuất sắc nhất trong số 16 cầu thủ nhí là Nguyễn Công Phượng, quê ở Nghệ An. Khi HV tuyển người ở Nghệ An, do phải phụ cha làm ruộng nên Phượng không biết lịch tuyển. Thế rồi sau vụ mùa, 2 cha con em khăn gói vào tận Pleiku “ứng thí”. Hiện Phượng có thể vừa tâng bóng vừa chạy 105m chỉ mất 20,5 giây. Đây có thể là một “ngôi sao” của bóng đá Việt Nam sau vài năm nữa. Và một điều chắc chắn rằng “ngôi sao” ấy sẽ có trình độ cấp 3, có bằng C ngoại ngữ và không bao giờ mắc “bệnh” như các đàn anh của mình…
Dạo một vòng quanh phòng ngủ, phòng ăn lát toàn gỗ xoan đào, xung quanh 10 sân bóng ngoài trời lẫn trong nhà của HV, xem qua chế độ học tập, thực đơn ăn, lịch giải trí… chúng tôi tin rằng nơi đây sẽ là cái nôi lý tưởng để nuôi dưỡng và nâng cánh cho các tài năng của bóng đá Việt Nam vươn lên, bay xa…
Đằng sau chức vô địch của SHB Đà Nẵng: Làm bóng đá từ gốc
SHB Đà Nẵng không phải là một Chelsea theo kiểu Bình Dương hay một số đội bóng khác, với một dàn sao đưa về từ lắm nguồn. Đa số cầu thủ nội binh của họ là người địa phương, được đào tạo bài bản. Đó là một sắc thái riêng của đội tân vô địch năm nay. Chính điều đó, người Đà Nẵng càng tự hào như họ đã từng có cách đây 17 năm, thời của một thế hệ vàng mà đội QN-ĐN có được.
Tiếp bước thế hệ đàn anh
17 năm trước, đội Công nhân Quảng Nam-Đà Nẵng có những Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Lê Văn Sinh, Bùi Thông Tân, Trương Văn Lợi…mà bây giờ cựu HLV Vũ Văn Tư vẫn nói là “muốn thắng ai là thắng”! Kết quả giành được chức vô địch quốc gia năm 1992 thực ra đã được “ươm mầm” từ những năm 1980 khi Đà Nẵng sớm tạo được “thương hiệu” trong công tác đào tạo trẻ…Thế nhưng, chẳng ai nghĩ rằng bóng đá nơi đây lại bước vào giai đoạn thoái trào chóng vánh đến thế.
Những cầu thủ này đều xuất thân từ lò đào tạo trẻ của Đà Nẵng
Sau chức VĐQG năm 1992 và Cúp Quốc gia năm 1993, một vụ “nổi loạn” bất thành tại giải Vô địch quốc gia 1995 đã sớm đẩy bóng đá Đà Nẵng vào bế tắc, kéo theo sự chểnh mảng trong công tác đào tạo các tuyến dưới cho đến khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương vào năm 1997. Những hạt giống từ những năm 1998 về sau như Quang Cường, Nguyễn Đức Nam hay Phan Thanh Phúc, Quang Tuấn, Hữu Hùng, Đặng Trọng Tâm…từng “chinh chiến” ở các giải trẻ rồi hạng Nhất và V-League đã từng bước khẳng định được khả năng chuyên môn, đồng thời cho thấy đào tạo các tài năng bóng đá trẻ là ưu tiên hàng đầu của mỗi câu lạc bộ. Nhưng trong cơ chế “bóng đá quốc doanh”, đó còn là một nỗ lực vượt trội của những người lãnh đạo có “máu thể thao”!
Năm 2003, bóng đá trẻ Đà Nẵng được khẳng định giá trị của mình với ngôi vô địch bóng đá U-21 báo Thanh Niên dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Morton và HLV Phan Công Thìn. Những gương mặt như Phước Vĩnh,Quốc Anh, Thanh Phúc… lần đầu tiên được nhìn nhận như những tài năng trẻ. Đến năm 2008, dưới bàn tay của Phan Thanh Hùng, bóng đá Trẻ Đà Nẵng lại có thêm một danh hiệu vô địch tại giải U-21 báo Thanh Niên. Và những Nguyên Sa, Cao Cường, Thanh Hưng, Văn Học, Văn Mẹo, Hoàng Quãng…, lứa cầu thủ từng trưởng thành từ sân chơi quốc gia lứa tuổi U.13, U.15 và U.21 với công lao đầu tiên của những cựu cầu thủ như Lê Văn Minh, Công Thìn, Thanh Hùng, Kim Tuấn… đã đủ “lớn” để góp phần quan trọng đưa SHB Đà Nẵng trở thành “tân Vương” của V-League năm nay.
Giữ vững bản sắc địa phương
Theo Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá Trẻ Đà Nẵng Nguyễn Văn Mùi: “Chúng tôi mong muốn các em được đào tạo theo đúng quy trình, thời gian để bảo đảm khi chuyển lên tuyến trên, các em đủ trình độ, khả năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thi đấu đỉnh cao, thay cho lối đào tạo đốt giai đoạn vừa qua”. Và khi “ra lò” (qua các giải U.21 báo Thanh Niên hoặc tham gia giải hạng Nhất), các hạt giống ấy lại tiếp tục được những Trần Vũ, Phan Thanh Hùng mạnh dạn đưa vào đội hình chính để thử lửa.
Cho dù trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp và bị chi phối bởi một thị trường chuyển nhượng cầu thủ đang hình thành, nhưng các HLV này không chạy theo một đội hình nhiều sao kiểu Chelsea và tâm niệm cần phải giữ được bản sắc địa phương trên cơ sở sử dụng các cầu thủ trẻ đang trưởng thành. HLV Phan Thanh Hùng có lẽ là người thực hiện điều này khá kiên trì. Cả lúc ông Lê Thụy Hải về Đà Nẵng, nguồn lực do đào tạo tại chỗ khá phong phú vẫn được nhìn nhận như là một cái vốn quý ít nơi nào có được. Chính vì vậy những Thanh Phúc, Quang Tuấn, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Đức Cường và sau này là Văn Học, Văn Mẹo, Nguyên Sa đã có nhiều cơ hội cạnh tranh nhau hơn để được ra sân trong màu áo CLB Đà Nẵng rồi sau đó ALF SHB Đà Nẵng. HLV Lê Huỳnh Đức đã may mắn kế thừa một gia tài có sẵn đó để “gột nên hồ” theo cách của anh.
Theo đánh giá của cựu tuyển thủ Trần Minh Toàn: “Bóng đá Đà Nẵng liên tục có một lực lượng trẻ tại chỗ khá hùng hậu và đồng đều. Họ may mắn được các HLV đặt trọn niềm tin, tạo cơ hội để thử thách và dần trưởng thành. HLV Lê Huỳnh Đức với cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng lắng nghe sự góp ý từ nhiều phía là người đã “khai thác” những cầu thủ này ở mức cao nhất để tạo nên chiến thắng”. Với một thành phần còn khá trẻ (Quốc Anh, Thanh Phúc, Phước Vĩnh chỉ mới 24 tuổi và chưa một ai trong số Thanh Hưng, Văn Mẹo, Nguyên Sa, Văn Học, Hoàng Quảng, Cao Cường quá tuổi 22), người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng yên tâm rằng những “đứa con” của họ sẽ còn vươn tới những đỉnh cao mới để mang lại vinh quang cho quê nhà.
Vòng chung kết giải Bóng Đá Hội Khỏe Phù Đổng (HKPĐ) Học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) toàn quốc – Cúp MILO 2009 sẽ khởi tranh vào ngày 20-8 (cho…
SHB Đà Nẵng không phải là một Chelsea theo kiểu Bình Dương hay một số đội bóng khác, với một dàn sao đưa về từ lắm nguồn. Đa số cầu thủ nội binh của họ là người địa phương, được đào…
Từ ngày 10/4 đến 22/4/2017, Đội tuyển U11 H.Y.S sẽ tham dự Giải đấu Mini Mondial 2017 (lần thứ 19). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Cty HYS tổ chức cho Đội U11 tham dự Giải đấu này.
Sau 45 ngày tuyển sinh trên 21 tỉnh, thành, có tất cả 3.915 thí sinh đến thi tuyển vào Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG Khóa III năm 2013. Và sau 2 ngày thi thố tài năng, có 19 viên ngọc thô đã lọt vào vòng chung kết ngày 31/7.
Vòng chung kết “Giấc mơ sân cỏ 2013” ở Việt Nam đã kết thúc, và các chuyên gia cùng HLV Bora Milutinovic đã chọn được gương mặt xuất sắc nhất để tham dự vòng chung kết thế giới sẽ diễn ra vào tháng 1/2014 ở Qatar. Đó là Nguyễn Hồng Sơn cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo PVF
Nhà tài trợ
® Ghi rõ nguồn vff.org.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ từ website này.
Liên hệ với chúng tôi: Trưởng ban biên tập: Nguyễn Thu Hà. Phó ban biên tập: Hà Nhật Đoàn.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới, VFF không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.
Địa chỉ: Đường Lê Quang Đạo – Phường Phú Đô – Q. Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội. Điện thoại: +84.4.22425998 Fax: +84.4.38233119.