Ông giáo trẻ và nghiệp “quần đùi áo số”

Đặng Gia Mẫn, hay còn được gọi là Mẫn “lùn”, trước khi là cầu thủ, ông làm giảng viên Toán hai năm, rồi mới chính thức chơi bóng đá đỉnh cao. Ông cũng chính là bố 2 cầu thủ từng khoác áo

Đặng Gia Mẫn, hay còn được gọi là Mẫn “lùn”, trước khi là cầu thủ, ông làm giảng viên Toán hai năm, rồi mới chính thức chơi bóng đá đỉnh cao. Ông cũng chính là bố 2 cầu thủ từng khoác áo

 

Mẫn “lùn” hàng đứng, thứ 2 từ phải qua

(Công nghiệp Hà Nam Ninh)

Thể Công Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương.

Không ít người đến giờ này vẫn nghi ngờ về câu chuyện Mẫn “lùn” từng dạy Toán, rồi mới đi đá bóng, ở tuổi 25. Sự thật là vậy! Câu chuyện về cuộc đời cựu cầu thủ Công nhân Nghĩa Bình, Công nghiệp Hà Nam Ninh bắt đầu từ những năm miền Bắc chìm trong khói bom lửa đạn. Năm 1968, từ Nam Định, ông được cử đi thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc rồi vào Nghệ An học chuyên Toán ở trường Đại học Sư phạm Vinh (1968-1971).

 

Sau khi lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên đội Sông Lam Nghệ Tĩnh (chơi hạng A2) dù rất đam mê bóng đá, nhưng ông Mẫn khi đó xác định nghề giáo mới là công việc thích hợp nhất với mình, thay vì “lăn” cùng trái bóng. Đến khi về Thanh Hóa, Mẫn “lùn” một lần nữa lại lọt vào tầm ngắm của “thợ săn” Văn Sỹ Chi. Cựu cầu thủ Thể Công, bố của bộ ba Văn Sỹ Hùng – Sơn – Thủy, khi ấy đang dẫn dắt CA Thanh Hóa (chơi hạng A1), rủ rê ông giáo trẻ bỏ dạy học, chuyển sang đá bóng. Chẳng biết ông Chi tỉ tê thế nào khiến Mẫn “lùn” bùi tai, chấp nhận… đi đá bóng.

 

Ngày 15.12.1976, trùng ngày sinh nhật Đặng Phương Nam, ông giáo trẻ một lần nữa nhận quyết định lên đường nhận công tác mới: vào dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định). Miền Trung với những đụn cát và cái nắng oi ả không làm giảm niềm đam mê với trái bóng của Đặng Gia Mẫn. Chỉ có điều, ở đây, anh giáo gặp được những người bạn “hợp jeux”, như Phan Kim Lân, Dương Ngọc Hùng, trên sân bóng. Và lần này, Mẫn “lùn” bén duyên với nghiệp “quần đùi áo số”. Hai năm liên tiếp (1977-1978), Đặng Gia Mẫn song hành hai vai: giảng viên dạy Toán và tả biên đội Lâm nghiệp Nghĩa Bình.

 

Kể về quãng thời gian chơi bóng ở Bình Định khi ấy, ông Mẫn không khỏi thích thú nhớ lại: “Không phải đến những năm đầu 2000, khi Bình Định chơi bóng ở V-League thì mới mang danh “ngựa ô” đâu nhé. Mà từ những năm cuối thập niên 70, Nghĩa Bình đã là “hiện tượng” của làng bóng đá Việt Nam. Năm 1979, khi Lâm nghiệp giải thể, chuyển thành Công nhân Nghĩa Bình tham dự giải khu vực miền Trung, chọn đại diện vào đấu bảng ở VCK mùa giải 1980, bất ngờ là Quảng Nam – Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế lại không giành được suất, mà là Công nhân Nghĩa Bình và Phú Khánh. Đến lúc vào VCK, Nghĩa Bình hòa Tiền Giang (2 lượt 0-0), hòa Cảng Sài Gòn 2-2 và thắng lượt về 1-0. Thú vị nhất là trận thắng QK3, một đội bóng mạnh miền Bắc lúc đó, với tỷ số 2-1 ở vòng 5 của bảng A”.

 

Ông Mẫn cho rằng chính nhờ dạy môn toán nên trên sân bóng ông tính toán các đường bóng rất nhanh, xử lý khéo léo và chính xác như toán học. Cũng nhờ tư duy của một thầy giáo mà khi chơi bóng, ông không hề sợ sệt đối phương. Ngược lại, ông luôn phán đoán đón điểm rơi từ những đường chuyền của đồng đội rất hợp lý và tạt ngược trở lại như đặt bóng vào chân đồng đội để ghi bàn!

 

Tự hào với pha ghi bàn

Cũng chính vì cách chơi bóng khó chịu ấy, Công nhân Nghĩa Bình được đại diện cho bóng đá miền Trung, thi đấu giao hữu với ĐT Cuba, sang Việt Nam tham dự giải SKDA 1979. Theo ông Mẫn, buổi chiều thi đấu hôm đó, khán giả sân Quy Nhơn đến chật kín các khán đài, ngồi xuống cả đường piste rải than xỉ để xem bóng đá. Công nhân Nghĩa Bình, có 3 cầu thủ CAHN tăng cường, mặc dù rất cố gắng, nhưng vẫn thua thảm hại 1-5. Bàn thắng duy nhất của đội được thực hiện bởi Điệp “lùn” (CAHN), từ một pha dốc biên của Mẫn “lùn”. “Khi đó, bóng trôi xuôi theo đường biên dọc, tôi bứt tốc độ qua hậu vệ đối phương, tới ngang khu cấm địa, vừa chạy vừa thực hiện quả tạt chìm, bóng cắt chéo ngược về phía sau. Anh Điệp như “từ trên trời rơi xuống” lao tới sút căng. Thủ môn đội bạn bàng hoàng, sững sờ mất một lúc, rồi mới vào lưới nhặt bóng”, ông Mẫn nhớ lại.

 

Chơi ở Công nhân Nghĩa Bình 5 mùa giải, Mẫn “lùn” chính thức “hồi cư” về thi đấu cho Công nghiệp Hà Nam Ninh và góp công vào chức VĐQG (1985) đầu tiên và duy nhất của đội bóng. Đến bây giờ, khi nhớ lại thời hào hùng, Dũng “Toát” (Vua phá lưới năm 1985 – 15 bàn/16 trận) vẫn phải thừa nhận: “Nếu không có Mẫn “lùn” và Trọng Nghĩa chỉ chuyên phục vụ: tạt bóng bổng, chìm để Dũng dứt điểm, thì danh hiệu đó có thể cũng không đạt được”.

 

Chơi tả biên và trong đội hình có một trung phong hiệu quả nhưng… lười chạy như Nguyễn Văn Dũng, Mẫn “lùn” và đồng đội ít khi ghi bàn thắng. Nhưng Đặng Gia Mẫn vẫn hể hả và nheo mắt cười hóm hỉnh khi nhớ lại bàn thắng tâm đắc nhất trong sự nghiệp thi đấu của mình: “Trong trận CN Hà Nam Ninh hòa Tổng cục Đường Sắt 2-2 (1984) trên sân Thống Nhất. Lúc đó, tôi có bóng và vừa vượt qua được Phương “tròn” thì đối mặt với Chính “cối”. Chính “cối” khét tiếng “đánh” người thích nằm sân là nằm sân, muốn khiêng cáng có khiêng cáng. Hoảng quá! Đằng sau thì Phương “tròn” hùng hục đuổi theo. Trước mặt là Chính “cối” ào ào xông tới. Mình bị kẹp vào hai ông đó thì chỉ có nước rời sân theo phương song song với mặt sân. Cách khung thành 25m, quất đại quả chân trái, bóng hơi “ăn” mu lai má, đập trúng cột dọc lăn vào lưới. Hôm sau cố nhà báo Chánh Trinh bình luận: Thủ môn Trường Sinh có cao thêm nửa mét cũng không cản nổi”.

 

Tự hào với pha ghi bàn ấy, nhưng Đặng Gia Mẫn “kết” nhất vẫn là pha sút “cả Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương về với Thể Công và có được sự nghiệp, danh tiếng như ngày hôm nay”. Nhiều người hâm mộ bóng đá chỉ biết mang máng chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, mà đâu biết thực hư chuyện Mẫn “lùn” bị kiểm điểm ra chi bộ, chuyển từ tổ huấn luyện qua tổ bảo vệ sân vì “tội” để Đặng Phương Nam nhập ngũ, rồi về với Thể Công. Phương Nam giờ không còn thi đấu cho Thể Công. Thanh Phương đang làm công tác huấn luyện cầu thủ trẻ. Ông Đặng Gia Mẫn cũng thôi nghiệp “gõ đầu trẻ” sau 11 năm dạy học cấp II ở trường Lương Thế Vinh và lâu lâu xuất hiện trên truyền hình làm bình luận viên bóng đá!

 

Đặng Gia Mẫn, sinh ngày 18.8.1953, VĐQG cùng Công nghiệp Hà Nam Ninh năm 1985, chơi nổi bật ở biên trái trong giai đoạn 1982-1986, từng ghi nhiều bàn thắng đẹp mắt khi khoác áo Nghĩa Bình và CN Hà Nam Ninh. Mẫn là mẫu cầu thủ “văn võ toàn tài” khi vừa dạy học vừa chơi bóng đỉnh cao một cách ấn tượng.

Nguồn: Báo Thanh niên