Ngược dòng lịch sử giải Vô địch quốc gia Việt Nam

Qua năm tháng, qua mỗi mùa giải vô địch mang những tên gọi khác nhau như Giải hạng A1, Giải đội mạnh, Giải các đội hạng Nhất QG và nay là Giải VQQG chuyên nghiệp V-League…

Qua năm tháng, qua mỗi mùa giải vô địch mang những tên gọi khác nhau như Giải hạng A1, Giải đội mạnh, Giải các đội hạng Nhất QG và nay là Giải VQQG chuyên nghiệp V-League, khán giả hâm mộ đã được chứng kiến và thưởng thức những khoảnh khắc tuyệt vời, những cảm xúc vui buồn đan xen theo mỗi nhịp bóng lăn. Nhưng vượt lên trên tất cả, đó là sự chuyển mình và phát triển không ngừng của bóng đá Việt Nam, để hiện nay Giải VĐQG V-League được đánh giá là giải đấu hấp dẫn trong khu vực ĐNÁ.

HAGL đăng quang ngay lần đầu tiên tham dự V-League


Qua 20 lần tổ chức Giải, chúng ta đã có 11 nhà Vô địch, trong số đó, CLB Thể Công (tức CLB Quân Đội trước kia) đã trở thành đội bóng giàu thành tích nhất với 5 lần đoạt chức Vô địch vào các mùa giải 1981/1982, 1982/1983, 1987/1988, 1990 và lần gần đây nhất là mùa giải năm 1999. Hà Nội là địa phương có nhiều nhà Vô Địch nhất: 3 đội Thể Công, Công An Hà Nội và Tổng Cục Đường Sắt đã cùng nhau 7 lần mang lại vinh quang cho bóng đá Thủ đô. Kế đến là TP HCM với sự toả sáng của Cảng Sài Gòn ( vô địch năm 1986, 1997, 2002), của Công An TP HCM (vô địch năm 1995) và của Hải Quan (vô địch năm 1991).

Đồng Tháp là địa phương duy nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long đoạt chức VĐQG, mà lại đoạt đến hai lần. Cũng đạt được thành tích này là Sông Lam Nghệ An, đội bóng vốn nổi tiếng là nơi trưởng thành của rất nhiều cầu thủ tài năng, với hai chức Vô địch: một là vào mùa giải 1999/2000- mùa giải cuối cùng Giải vô địch còn mang danh nghĩa nghiệp dư, hai là vào mùa giải 2000/2001- mùa giải VĐQG chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá Việt Nam.


Trải qua thành công của mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên mang tên nhà tài trợ Strata, giải VĐQG V-League đã cho thấy những sự chuyển biến ngày một tích cực hơn. Sự đua tranh của các đội bóng hàng đầu Việt Nam cũng như sự hiện diện của  những ngoại binh có chất lượng chuyên môn cao tại sân chơi này đã mang đến những trận cầu sôi động, hấp dẫn và đầy tính cạnh tranh cho khán giả hâm mộ cả nước, đồng thời tạo ra những dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử bóng đá nước nhà. Một trong những dấu ấn đó là Hoàng Anh Gia Lai, một đội bóng với sự đầu tư mạnh mẽ và đúng đắn, đã đoạt chức vô địch ngay mùa giải đầu tiên thăng hạng chuyên nghiệp. Không những thế, đội bóng phố Núi còn tiếp tục khắng định là một quyền lực mới của bóng đá Việt Nam khi tiếp tục  đăng quang lần thứ 2 liên tiếp. Đây là một kỷ lục và người ta sẽ còn phải nhắc đến nhiều bởi đó có thể xem là hiện thân và hình ảnh đại diện cho sự chuyển mình, phát triển không ngừng của V-League trên bước đường chuyên nghiệp.

Mùa giải

Đội Vô Địch

Giải Vô Địch (hạng A1) lần I – 1980

Tổng cục Đường sắt

Giải Vô Địch lần II – 1981/1982

CLB Quân đội

Giải Vô Địch lần III – 1982/1983

CLB Quân đội

Giải Vô Địch lần IV – 1984

Công An Hà Nội

Giải Vô Địch lần V – 1985

Công nghiệp Hà Nam Ninh

Giải Vô Địch lần VI – 1986

Cảng Sài Gòn

Giải Vô Địch lần VII – 1987/1988

CLB Quân Đội

Giải Vô Địch lần VIII – 1989

Đồng Tháp

Giải Vô Địch lần IX – 1990

Thể Công

Giải Vô địch lần X -1981

Hải Quan

Giải Vô Địch lần XI – 1992/1993

Quảng Nam Đà Nẵng

Giải Vô Địch lần XII – 1995

Công An TP HCM

Giải Vô Địch lần XIII – 1996

Đồng Tháp

Giải Vô Địch lần XIV – 1997

Cảng Sài Gòn

Giải Vô Địch lần XV – 1998

Thể Công

Giải Vô Địch lần XVI – 1999/2000

Sông Lam Nghệ An

Giải VĐQG chuyên nghiệp 2000/2001 (Strata)

Sông Lam Nghệ An

Giải VĐQG chuyên nghiệp 2001/2002 (Strata)

Cảng Sài Gòn

Giải VĐQG chuyên nghiệp 2003 (Sting)

Hoàng Anh Gia Lai

Giải VĐQG chuyên nghiệp 2004 (Samsung)

Hoàng Anh Gia Lai

Giải VĐQG chuyên nghiệp 2005 (Number One)

Gạch Đồng Tâm Long An

Giải VĐQG Euro Window 2006 (Euro Window V.League)

Gạch Đồng Tâm Long An

Giải VĐQG chuyên nghiệp 2007 (Petro Vietnam Gas)

Becamex Bình Dương

Giải VĐQG Petro Vietnam Gas 2008 (Petro Vietnam Gas V.League)

Becamex Bình Dương

 

Nguồn: VFF