Một thời tung hoành sân cỏ: Tuyệt kỹ của Võ Thành Sơn

Hồi những năm sau giải phóng, người xem thường đổ về sân Thống Nhất rất đông mỗi khi có sự xuất hiện của cặp bài trùng Võ Thành Sơn – Quang Đức Vĩnh chỉ để xem những pha ghi bàn siêu hạng của bộ đôi này.

Hồi những năm sau giải phóng, người xem thường đổ về sân Thống Nhất rất đông mỗi khi có sự xuất hiện của cặp bài trùng Võ Thành Sơn – Quang Đức Vĩnh chỉ để xem những pha ghi bàn siêu hạng của bộ đôi này.

 

Võ Thành Sơn trong màu áo cựu tuyển thủ TP.HCM  – Ảnh: Khả Hòa

Khổ luyện 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia bóng đá, cú “ngả bàn đèn” ghi bàn của Võ Thành Sơn đến nay vẫn là tuyệt kỹ mà chưa cầu thủ VN nào sánh được. Danh thủ này nhớ lại: “Hồi nhỏ, với sự chỉ dạy và động viên của cha (cựu cầu thủ Võ Tự Trung – PV), tôi hay tập cho mình những quả đá cắt chéo, tức nghiêng người rồi tung chân đá móc ngang ghi bàn. Dần dần tôi thấy động tác của mình có thể phát triển hơn nữa, nên đã cố luyện bằng cách tung người trên không theo phương thẳng đứng với mặt sân và dùng một chân vung lên sút qua đầu quả bóng để ghi bàn. Tập riết rồi quen, nhưng để có thể ghi bàn tôi phải tập thể lực, tốc độ và sự nhanh nhẹn mỗi ngày. Sáng chạy từ nhà ở đường Bàn Cờ ra Phú Lâm, chiều tập chạy bứt tốc đoạn ngắn, còn tối tập nhảy dây với chân đeo chì. Ngoài ra, trong trận đấu phải biết quan sát chọn điểm rơi của bóng và tốc độ ra chân phải thật lẹ, nếu không hậu vệ đối phương sẽ ập vào”.

Cho đến giờ, ông Sơn vẫn không thể nhớ nổi đã ghi bao nhiêu bàn bằng cú “ngả bàn đèn” nổi tiếng, đã đưa ông trở thành chân sút hay nhất miền Nam những năm 1974 – 1975 và sau ngày giải phóng.

 

Chính tài ghi bàn như máy của ông đã khiến nhiều hàng thủ rất ngán mỗi khi đối đầu với những pha tuôn xuống hay áp sát của trung phong Sơn. Những năm đầu thập niên 1980, trên hàng công Sở Công nghiệp (SCN), thế hệ trước chỉ còn mỗi ông chơi bên cạnh các cầu thủ trẻ. Nhưng nhờ sức khỏe tốt do sống lành mạnh, Sơn vẫn chơi rất hay. Giải vô địch quốc gia năm 1981 – 1982 dù CLB Quân đội (nay là Thể Công) với anh em Thế Anh – Cao Cường lên ngôi vô địch, nhưng danh hiệu vua phá lưới lại thuộc về Võ Thành Sơn với 15 bàn (hơn Cao Cường 2 bàn). Ông Sơn nhắc lại: “Khi đó tôi đã 34 tuổi, nhưng sức lực trong tôi không hiểu sao vẫn tràn trề, luôn chơi như không biết mệt. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là trận SCN thắng CLB Quân đội 2-0 tại sân Tây Ninh. Lúc đó khán giả ken đầy, tràn xuống sát sân cỏ hò reo ủng hộ làm tôi và cả đội hưng phấn lắm. Nhờ vậy, tôi đã ghi cả 2 bàn”.

 

Chia tay trong  vinh quang

Hiếm có cầu thủ VN nào rời sân cỏ mà được tôn vinh như Võ Thành Sơn. Do những đóng góp tích cực của ông, tháng 4.1982 Thành Đoàn TP.HCM đã đứng ra tổ chức trận đấu chia tay ông tại sân Tao Đàn. Nghe tin, người hâm mộ ùn ùn kéo đến sân. Hôm đó sân bóng như nổ tung bởi lượng khán giả ken đầy.

 

Có rất nhiều người không vào được sân đã nán lại đến tối mịt để chờ xin chữ ký và chụp ảnh chung với ông. Ông Sơn bồi hồi kể lại: “Tôi thật sự hạnh phúc với lễ chia tay đó. Đó là món quà rất có ý nghĩa mà không phải cầu thủ nào cũng có. Những cống hiến của mình được mọi người ghi nhận, tôi không cầm được nước mắt khi trao băng thủ quân lại cho Bùi Thái Châu và chiếc áo số 9 quen thuộc – mà tôi không bao giờ muốn xa – cho tiền đạo trẻ Lê Khánh Hiệp (em cầu thủ Lê Khánh Hùng – PV)”.

 

Chia tay trên đỉnh vinh quang với việc SCN đoạt hạng 3 (sau CLB Quân đội và Quân khu thủ đô) cùng chức vua phá lưới cho cá nhân, một thời gian sau ông Sơn cùng gia đình sang định cư ở Mỹ. Dù vậy, như ông nói: “Tôi vẫn luôn theo dõi hành trình của đội và tôi rất mừng vì chỉ 3 năm sau đó, SCN đã vào đến chung kết giải A1 toàn quốc và chỉ thua Công nghiệp Hà Nam Ninh”. Sau này khi SCN bị xóa sổ vào cuối thập niên 1980, ông Sơn trở về và động viên anh em một thời cùng nhau gầy dựng lại đội lão tướng SCN tham gia các giải của TP.HCM. Ông Sơn nói: “Nhờ vậy mà nhiều người vẫn nhớ đến từng cựu cầu thủ. Riêng tôi, thật vui khi cuối năm rồi ra Hải Phòng đá giải cựu danh thủ, vẫn được nhiều người nhắc tên với sự trân trọng…”.

 

Lo giỗ đầu cho  Phạm Văn Rạng

Trong nhiều năm gần đây, danh thủ Võ Thành Sơn thường đi về giữa VN và Mỹ. Ngoài chuyện làm ăn, sinh hoạt trong đội lão tướng TP.HCM, ông còn tham gia làm từ thiện. Ông kể lại: “Đầu năm 2001, xuất phát từ ý tưởng của anh Võ Bá Hùng mong muốn xây dựng một hội ái hữu giúp cho các cựu cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã thống nhất với nhau bắt tay vào thực hiện. Sau đó anh Hùng tách ra nên tôi và anh Tam Lang chia nhau mỗi người một phần việc. Anh Tam Lang theo dõi tình hình anh em bên này chuyển danh sách sang, còn tôi vận động mạnh thường quân bên kia và mỗi năm gom góp được khoảng 2.000 USD mang về. Dù số tiền đó không lớn, nhưng chúng tôi đã tổ chức thăm viếng giúp đỡ phần nào cho một số cựu cầu thủ bệnh tật, neo đơn như anh Trần Kim Sang (Sang hoàng đế), anh Phạm Văn Lắm (Lắm rỗ)…”.

 

Ông Sơn cho biết, mong ước của ông cũng như của nhiều cựu cầu thủ khác là tổ chức thật tốt giỗ đầu cho cố thủ môn “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng. “Chúng tôi dự định mời 8 đội bóng thi đấu vào tháng 12 tới để gây quỹ. Cái chết của Phạm Văn Rạng là nỗi đau cho thế hệ cầu thủ chúng tôi, những người sống hết mình cho bóng đá nhưng đến khi rời sân thì phải làm lại từ đầu để mưu sinh. Ông là một người đã trải qua trăm ngàn gian khó, đến cuối đời không đủ tiền để lo thuốc thang chữa bệnh…”.

 

Nói về bóng đá hiện nay, ông Sơn tâm tư: “Không thể phủ nhận các em bây giờ được đầu tư tốt hơn hồi xưa nhiều. Nhưng tại sao họ không bật lên được? Bởi đơn giản vì họ thiếu tình yêu mãnh liệt với quả bóng. Ra sân mà không có khát khao thể hiện, không cống hiến đến cùng thì không thể tiến bộ được. Ngoài ra cũng một phần do thiếu những người tâm huyết truyền thụ lại. Giá mà các cựu cầu thủ được tập hợp, được tạo cơ hội đóng góp cho công tác đào tạo thì bóng đá TP.HCM sẽ khác hơn”.

Võ Thành Sơn sinh ngày 20.4.1948, từng thi đấu cho các đội bóng Hành Quân Kế, Công Quản, Việt Nam Thương Tín, Quân Cụ, Bộ Tổng tham mưu (trước 1975); các đội Quận 5, Tổng cục Vật tư, XM Hà Tiên, Xây lắp Công nghiệp, Sở Công nghiệp (sau 1975). Sơn thường đá cặp rất ăn ý với Quang Đức Vĩnh.

Thành tích quốc tế: Á quân SEAP Games 1973, HCĐ SEAP Games 1971, HCĐ giải vô địch A1 toàn quốc 1981-1982, vua phá lưới với 15 bàn.

Nguồn: Theo Thanh niên