Một thời tung hoành sân cỏ: Từ câu chuyện 27 danh thủ

Gần trọn một tháng qua, Báo Thanh Niên đã lần lượt chuyển tải đến bạn đọc về cuộc đời, sự nghiệp và những thăng trầm của 27 danh thủ một thời lẫy lừng trên sân cỏ hai miền Nam – Bắc trước và cả sau năm 1975…

Gần trọn một tháng qua, Báo Thanh Niên đã lần lượt chuyển tải đến bạn đọc về cuộc đời, sự nghiệp và những thăng trầm của 27 danh thủ một thời lẫy lừng trên sân cỏ hai miền Nam – Bắc trước và cả sau năm 1975…

 

Những gương mặt một thời tung hoành sân cỏ để lại nhiều dấu ấn: Tam Lang (bìa phải), Tư Lê (thứ 2 từ trái sang), Thà (bìa trái) – Ảnh: C.T.V – Khả Hòa

Mỗi người một câu chuyện

Đây chỉ là những con người tương đối tiêu biểu và dĩ nhiên còn thiếu rất nhiều tên tuổi khác mà vì các lý do khác nhau chúng tôi chưa đề cập đến. Chẳng hạn các danh thủ đã quá cố như thủ môn huyền thoại Lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng, hay đôi chân vàng tung hoành khắp sân cỏ châu Á Đỗ Thới Vinh đều có sự nghiệp lẫy lừng nhưng về già đã chết trong bệnh tật và nghèo khó. Hay các danh thủ khác vẫn còn đó nhưng do bệnh tật, mắt đã mờ, giọng đã đặc không thể kể lại rành mạch các chi tiết trong đời đá bóng của mình như cựu trung vệ Phạm Văn Lắm và góc trái diệu kỳ Trương Văn Tư… Từ các quan chức như ông Lê Thế Thọ, Nguyễn Trọng Giáp, Trần Duy Long đến các HLV như Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Nguyễn Kim Hằng đều là những người có công lớn với bóng đá VN. Và còn nhiều cái tên lóe sáng qua từng giai đoạn khác, khó mà kể hết.

 

Trong sâu thẳm mỗi người, được kể lại cuộc đời mình, được bộc bạch tất cả các tâm tư, tình cảm cùng những nỗi niềm chất chứa không hẳn chỉ là sự vinh danh, là dấu ấn mà hơn hết chính là sự trăn trở với nghề nghiệp của mình, với con đường mà mình đã theo đuổi. Qua những câu chuyện tung hoành sân cỏ đó, các danh thủ mong muốn để lại cho thế hệ sau thấy được những quãng đường đã đi qua, những thăng trầm của bóng đá nước nhà, từ đó rút ra cho mình bài học để xây dựng bóng đá VN tốt hơn trong tương lai.

 

27 danh thủ là 27 câu chuyện buồn có vui có, đóng góp cũng nhiều và ưu tư cũng không ít. Khi nhắc lại bóng đá VN thời kỳ huy hoàng của thập niên 60, 70, danh thủ nào cũng đều ngập tràn cảm xúc. Như ông Tam Lang, Võ Bá Hùng hay Nguyễn Ngọc Thanh đều không ngần ngại so sánh bóng đá miền Nam thời đó mạnh hơn hẳn so với nhiều đội Đông Nam Á kể cả Thái Lan, luôn tạo ra được sự ngang ngửa với Myanmar, còn trên vũ đài châu Á không thua kém bao nhiêu so với nhiều đội hàng đầu châu Á. Dù thể hình thấp bé nhưng cầu thủ Việt bằng sự khôn khéo và quyết tâm rất cao vẫn đủ sức chơi với Nhật Bản, và nhiều trận làm cho Hàn Quốc, Israel, Ấn Độ vất vả. Còn các “tượng đài” miền Bắc như Thế Anh, Trần Văn Khánh, Từ Như Hiển đều kể lại những lần tập huấn tại CHDCND Triều Tiên, Liên Xô, Hungary, Trung Quốc, các đội bóng VN khi đó đã gây được thanh thế, cầu thủ VN bằng tố chất và ý chí rèn luyện, thái độ đúng mực của mình trong thi đấu cũng tạo nên sự trân trọng và đánh giá cao của đội bạn.

 

Ngay thời sau 1975, bóng đá VN cũng còn rất mạnh với nhiều thế hệ nối tiếp có

Hồ Thanh Cang (trái) Minh nhí – Ảnh: C.T.V – Khả Hòa

những cống hiến xuất sắc. Như Võ Thành Sơn, Hồ Thanh Cang, Tư Lê, Dương Văn Thà, Cù Hè đã lôi cuốn người xem đến sân bằng những màn trình diễn kỹ thuật vào loại “xưa nay hiếm”, hoặc những Cao Cường, Lê Khắc Chính, Lê Văn Đặng, Đặng Gia Mẫn với những tuyệt chiêu qua rèn luyện lâu ngày và miệt mài đã tạo nên sự cuồng nhiệt cho cầu trường mỗi khi xuất hiện. Rồi ngay sau họ là những “thần tượng” mới của bóng đá VN như Quản Trọng Hùng, Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Minh “nhí”, Lưu Tấn Liêm, Nguyễn Văn Thòn, Đặng Trần Chỉnh… liên tục tạo nên sự bùng nổ bởi tài năng và phong cách chơi máu lửa không lẫn vào đâu được. Chẳng hạn như nói đến Minh “nhí”, ai cũng nhớ những cú đi bóng lắt léo như chỗ không người của ông. Nói đến Thòn “người gỗ” là nhớ đến pha ghi bàn bằng lưng nổi tiếng, rồi nói đến Chính “cối” không ít người vẫn còn thán phục trung vệ của TC Đường sắt muốn cho nằm sân là nằm, muốn cho lên cáng là lên!

 

Nguồn: Báo Thanh niên