Một thời tung hoành sân cỏ – Thăng trầm Đặng Trần Chỉnh

Sau thế hệ của Tam Lang, CSG vẫn giữ được phần nào nét hào hoa chính nhờ sự xuất hiện của một lớp cầu thủ mới được đào tạo chính quy. Đặng Trần Chỉnh chính là người kế thừa và duy trì phong cách đó trên cả 2 cương vị cầu thủ lẫn HLV sau này.

Sau thế hệ của Tam Lang, CSG vẫn giữ được phần nào nét hào hoa chính nhờ sự xuất hiện của một lớp cầu thủ mới được đào tạo chính quy. Đặng Trần Chỉnh chính là người kế thừa và duy trì phong cách đó trên cả 2 cương vị cầu thủ lẫn HLV sau này.

 

Đặng Trần Chỉnh – Ảnh: Khả Hòa

So với nhiều cầu thủ cùng thời, Đặng Trần Chỉnh được coi là người may mắn hơn cả vì anh được đào tạo từ trường năng khiếu, một cái nôi rèn luyện rất nghiêm khắc hồi đó và sau này sự nghiệp cũng rực rỡ hơn. May mắn đó còn song hành với Chỉnh khi chuyển sang làm công tác huấn luyện đã để lại nhiều dấu ấn trên sân.

 

Nhưng chặng đường đó theo Chỉnh cũng không bằng phẳng chút nào. Anh kể lại: “Tôi học năng khiếu khóa 1, được thầy Đỗ Minh Khá và Nguyễn Văn Hiệp hướng dẫn rất tận tường các động tác kỹ chiến thuật. Trong lớp sức khỏe tôi là kém nhất, nhiều lần tưởng đã bị loại, như có gần 1 năm phải nằm viện. Nhưng may là các thầy thấy tôi có tố chất phát triển nên ưu ái cho tồn tại. Nhờ có sự góp phần của tôi tại Hội khỏe Phù Đổng lần đầu tiên, đội Trường năng khiếu đoạt chức vô địch sau khi thắng Hà Nội trong trận chung kết, sau đó giành quyền thăng hạng A1 TP.HCM. Cuối năm 1983 lớp chúng tôi chỉ có 5 người được về CSG là Hà Vương Ngầu Nại, Phạm Văn Tám, Võ Hoàng Tân, Vũ Văn Lâm và tôi. Nhưng tôi cũng may hơn các đồng nghiệp là thường xuyên được vào sân, nhờ đó nhanh chóng có một vị trí chính thức, đá góc mặt làm bóng cho Phan Hữu Phát và Nguyễn Văn Thòn. Sau này, HLV Tam Lang thấy tôi chuyền bóng tốt, có những cú đi bóng tốc độ rồi bất ngờ dừng lại ngoặt nhanh đổi hướng đánh lừa đối phương nên đưa tôi về chơi hộ công. Trận đầu tiên được khoác áo CSG, tôi hãnh diện lắm và đã ghi bàn vào lưới thủ môn Dương Ngọc Hùng trong trận CSG thắng Công nhân Nghĩa Bình ở sân Thống Nhất. Nhưng dấu ấn mà tôi nhớ nhất chính là trận CSG chơi rất đẹp mắt thắng Công an Hà Nội (CAHN) 1-0 trên sân Lạch Tray trong giải VĐQG năm 1984. Khi đó tôi có một pha đi bóng qua 2 hậu vệ CAHN thoát xuống sát biên tạt cho anh Thòn đánh đầu tung lưới…”.

 

Sau thành công đó rồi đoạt giải vua phá lưới cùng chức vô địch giải A1 TP.HCM năm 1984 với 9 bàn sau 7 trận, Chỉnh được gọi vào đội VN 1 đá SKDA. Nhưng xui cho Chỉnh năm 1985 khi sự nghiệp đang thăng hoa thì anh bị gãy tay vắng mặt một thời gian dài. Nhưng một năm sau Chính trở lại ấn tượng khi cùng CSG vô địch quốc gia năm 1986 và vẫn đều đặn ra sân cho đến sau trận chung kết Cúp QG thắng CLB Quân đội bằng phạt đền trên sân Thống Nhất năm 1992 thì Chỉnh bị chấn thương gối.

 

Anh nhớ lại: “Khi đó tôi thấy sự nghiệp của mình coi như xong rồi. Cầu thủ nào đã vướng chấn thương gối thì phải may mắn lắm mới trở lại phong độ ban đầu. Hơn nữa trước đó tôi cũng có thời gian bị sốc khi vướng kỷ luật sau lần bỏ về trong sự kiện 11 cầu thủ năm 1991 nên không còn duy trì được sức mạnh như trước. Tôi quyết định xin đi học làm HLV. Nhưng đến lượt về mùa bóng 1993-1994, CSG lúc đó đang khó khăn, có lúc đối mặt với nguy cơ xuống hạng. Anh Tam Lang gọi tôi lại trợ giúp. Dù còn chấn thương nhưng tôi đã cố ra sân và bất ngờ là cuối cùng CSG vô địch. Sau giải đó, tôi chia tay luôn đời cầu thủ”.

 

Câu nói “gối đầu giường”

Kể về cuộc đời làm HLV ở CSG, Chỉnh nói: “Lúc đó tôi bầm dập như lên bờ xuống ruộng. Hỗ trợ anh Tam Lang từ năm 1997 khi anh lên tuyển cho đến 2001, tôi đã mang hết kiến thức của mình truyền đạt lại cho lớp trẻ và may mắn lúc đó CSG vẫn là tập thể ngoan và chiếc Cúp quốc gia năm 2000 cũng như chức vô địch năm 2002 là sự đền đáp xứng đáng nhất của các học trò dành cho tôi. Nhưng sau khi CSG xuống hạng năm 2003 rồi chuyển sang màu áo mới, đội bóng đã chịu nhiều giông bão. Lúc đó nhiều trụ cột lớn tuổi ra đi như anh Tam Lang, anh Thà, các em như Minh Phương, Lương Trung Tuấn cũng tìm bến đỗ mới. Tôi nhìn cổ động viên khóc như mưa trên sân mà lòng quặn đau. Nhưng không thể bỏ CSG vào lúc này nên tôi xốc tinh thần các em để làm lại. Lúc đó chúng tôi phải đối mặt với nhiều bất trắc do thay đổi cơ chế quản lý, phải xoay xở rất khó khăn. Lượt đi mùa giải hạng nhất 2004 với bộ 3 cầu thủ ngoại đến từ Đồng Tháp như Balenko, Diadenko, Gratenko, chúng tôi chơi không thật tốt có lúc bị Hòa Phát bỏ 7 điểm, Huế bỏ 9 điểm. Nhưng lượt về nhờ có Antonio của ĐTLA tăng cường, TMN-CSG chơi tốt hơn và về đích trước 2 vòng đấu để lên hạng trở lại”.

 

Nhưng từ năm 2005 đến 2007, mùa nào TMN-CSG cũng lại phải vật lộn với chuyện trụ hạng.

Chỉnh nhắc lại: “Thật sự lãnh đạo Thép cũng cố gắng rất lớn để duy trì đội bóng. Nhưng có những khó khăn như chậm lương thưởng và việc “vung tay quá trán” trong việc mua cầu thủ ngoại rồi lại “siết” chỗ khác như đối với nội binh nên dần dần có những chuyện tôi là HLV trưởng nhưng không kiểm soát được. Cứ trước mỗi trận tôi lại phải động viên nhưng không thể nói suông mãi nên tâm lý đội có phần không tốt, trận hay trận dở làm tôi cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc bị những áp lực vô hình. Thêm vào đó căn bệnh bao tử tái phát khiến tôi phải đi đến quyết định rút lui để nhường lại cho Tuấn nhím và anh em khác còn đủ sức khỏe và sáng suốt hơn”.

 

Chỉnh cũng có một câu nói trở nên “gối đầu giường” cho giới cầm quân trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên: “Ghế HLV có 4 chân, cầu thủ nắm hết 3” mà đến giờ rất nhiều người hay nhắc đi nhắc lại.

 

Chỉnh cười buồn: “Thật sự đời HLV ở VN rất căng thẳng. Mình nắm được đội bóng nhưng đâu có chắc nắm được hết tâm tư tình cảm của mỗi cầu thủ, nhất là càng trụ cột, càng ngôi sao lại càng khó kiểm soát. Nên nhiều khi HLV có tồn tại được hay không, tài năng mình chỉ là một phần. Phần còn lại là do cầu thủ quyết định”.

 

Hiện tại Chỉnh đang rất thanh thản trong công tác đào tạo trẻ ở Bình Dương trong vai trò giám đốc kỹ thuật. Chỉ mới gần 1 năm về với vùng đất mới này, Chỉnh đã đưa đội U.17 và U.19 giành HCĐ và mục tiêu sắp tới còn là U.21.

 

Nói về khả năng của CLB TP.HCM hiện nay, Chỉnh trầm tư: “Tôi có lòng tin vào Lư Đình Tuấn và các trợ lý Huỳnh Hồng Sơn, Nguyên Chương, Văn Phụng. Nhưng nói thật đội có đến 3 trận đá sân khách với các đối thủ trong nhóm chạy đua trụ hạng nên rất gay go. Ít nhất phải chờ 2 trận đá với T&T và QK4 mới biết được. Điều tôi lo hơn cả không phải vì đẳng cấp của các em mà chính là những chuyện tế nhị hơn từ phía lãnh đạo để tránh bị “chiếu bí” sau này”.

 

Đặng Trần Chỉnh sinh ngày 14.3.1963 tại Nha Trang, chơi cho các đội Thiếu niên kỵ mã, Nước đá Hiệp Phát, Năng khiếu TP.HCM, CSG, vô địch quốc gia 1986, 1993-1994, á quân 1985, vô địch Cúp QG 1992. Lúc làm HLV vô địch QG năm 1997, 2002, đoạt Cúp QG năm 2000.

Nguồn: Báo Thanh niên