Một thời tung hoành sân cỏ: "Sát thủ" Cao Cường

Lịch sử đội Thể Công và bóng đá Việt Nam đã ghi nhận anh như một trung phong xuất sắc nhất các  thế hệ. Cái tên Cao Cường đã “làm mưa làm gió” cho đến tận bây giờ.

Lịch sử đội Thể Công và bóng đá Việt Nam đã ghi nhận anh như một trung phong xuất sắc nhất các  thế hệ. Cái tên Cao Cường đã “làm mưa làm gió” cho đến tận bây giờ.

 

HLV Cao Cường đang chỉ đạo các cầu thủ Thể Công – Ảnh: Bạch Dương

Bí quyết không bị “phang, chém”

Cao Cường nhớ lại hồi mới vào nghề, anh đã tự đưa ra cho mình phương châm muốn thành công phải có 3 yếu tố “yêu nghề, chịu khổ luyện và không ngừng tư duy”. Anh nói: “Ngoài đấu pháp chung của đội bóng, mình phải có đấu pháp riêng cho bản thân. Chẳng hạn như lúc đá với Công an Hà Nội, Đường sắt, Cảng Hải Phòng hoặc Bưu điện, mình phải biết chắc ai sẽ được cử ra kèm mình. Rồi mình phải nắm được lối chơi của hậu vệ đó, biết điểm mạnh, điểm yếu, kể cả những cú “phang” của họ theo kiểu nào để đối phó, vượt thoát – đó chính là tư duy. Vấn đề là mình phải bảo đảm được sức mạnh, nhanh khéo, bền lực, thì mình mới không “rét” hậu vệ. Chứ nói thật, ngày xưa đá bóng, luật đâu có bảo vệ cầu thủ như hiện nay, hậu vệ kèm “chết” theo kiểu “một bắt một”. Không có ngón riêng, làm sao mình thoát được người ta”.

 

Giọng Cao Cường vẫn bồi hồi: “Lúc trẻ, mình đá ngây thơ. Đá vị trí trung phong, càng bị hậu vệ “chém” ác, đau quá thì mình phải tính nước để tránh thoát. Nhảy cao đánh đầu, thường hậu vệ họ sẽ tì cùi chỏ, lên đầu gối sau lưng, vậy là, lúc nhảy cao, mình phải hơi co chân phía sau để tạo khoảng cách. Hay lúc mình cầm bóng thoát đi, hậu vệ thường phi thân, hoặc quét trụ, hoặc gạt “chân chống”, vậy là cũng phải “chế” cách thoát đòn. Lúc đó, làm gì được xem lại băng ghi hình, toàn là mường tượng trong đầu, vẽ xuống đất tư thế, rồi nghiên cứu cách tránh, nhiều lúc cứ như đang học “nghệ”. Rồi tập luyện cũng phải kiên trì, vì khổ lắm: gánh tạ bằng bánh xe goòng, chạy cự ly ngắn qua chướng ngại vật, chạy bền với bao cát buộc chân; không dụng cụ, chúng tôi còn phải xin xăm xe đạp hỏng, cắt ra, chập lại, làm đồ tập tay, chân, cơ bụng… Nhưng, cũng phải nói thật, hồi đó chúng tôi duy ý chí tới mức cực đoan, vào sân là đá chết thôi vì màu cờ sắc áo. Có như thế, lúc đá với Tây mới không sợ, không ngán anh nào, đá tất”.

 

Bóng đá là môn nghệ thuật thứ 8

Cựu danh thủ Cao Cường – Ảnh: B.D

Với sự nghiệp tiền đạo kéo dài đến năm 1990, trên sân cỏ anh trở thành nỗi khiếp sợ cho các đối thủ bao nhiêu, thì sau khi từ giã sự nghiệp cầu thủ, con đường huấn luyện và làm quản lý của anh lại không bằng phẳng. Lật giở qua bức ảnh Thể Công, đề thời gian chụp 2004, giọng Cao Cường nghèn nghẹn, không còn sôi nổi như trước: “Năm 2004, đội bóng xuống hạng, chế độ ăn giảm, lương tính theo quân hàm, tin đồn giải thể đội bóng cứ tràn lan, tinh thần anh em rệu rã. Trước đó, chúng tôi cũng biết mình chơi bóng mà phải “chấp” (ngoại binh) là không ổn, cũng chỉ biết nói chuyện với anh em, khuyên nhủ, động viên. Bước vào mùa giải mới, lúc đó tôi cầm quân trực tiếp, đá đến vòng 7, đứng đầu bảng. Khi ấy, Thể Công được giao cho Viettel quản lý, tôi được rút về làm Phó giám đốc điều hành CLB, đội giao lại cho Cường “ổi” (cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Cường – PV) phụ trách. Thành tích sau đó…”. 

 

Qua cơn xúc động, Cao Cường bộc bạch tiếp: “40 năm tôi chỉ có một nghề: đá bóng. Cả cuộc đời tôi gắn bó với Thể Công. Nói tôi là đỉnh cao, không phải vậy. Tôi quan niệm chơi bóng như là một môn nghệ thuật, môn nghệ thuật thứ 8. Mà đã là nghệ thuật thì không có đỉnh. Như tôi, gọi là tới ngưỡng phát triển của bản thân và được ghi nhận – như thế cũng đã hả lòng lắm rồi!”.

 

Thanh thản rời chiếc ghế Phó giám đốc điều hành Thể Công, nghỉ 1 năm trước khi cầm “sổ hưu”, Cao Cường nói anh thèm lắm được thấy lại cảnh bứt phá cùng trái bóng, niềm hân hoan của cầu thủ và người hâm mộ khi bóng vào lưới, cũng như chia sẻ với tiền đạo đang lăn lộn trên sân sau một pha phá bóng của hậu vệ. Anh bảo: “Hàng Đẫy ngày xưa là thiên đường của người hâm mộ bóng đá. Người ta sẵn sàng tháo ngay chiếc đồng hồ trên tay hoặc trao ngay chiếc xe đạp, chỉ để có tấm vé vào sân xem Thể Công thi đấu. Bây giờ, người Hà Nội và Thể Công cũng khác trước nhiều rồi. Từ đầu giải tới giờ, mình chỉ đến sân một lần, xem Thể Công thi đấu và ra về, thanh thản như một người dân bình thường”.

 

Dự định dang dở

Lần giở bức ảnh chụp cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, anh nói về lần cuối gặp ông Sáu Dân, chừng 2 tháng trước ngày ông đột ngột ra đi. Cuộc nói chuyện kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, chỉ xoay quanh dự án Quỹ đào tạo tài năng bóng đá trẻ mà anh ấp ủ. Cái dự án anh từng định xây dựng mô hình và áp dụng ở đội bóng cũ của mình hay triển khai ở phía Nam, nhưng đều bất thành. Cao Cường say sưa nói về lứa cầu thủ trẻ hiện tại của Thể Công như Ngọc Duy, Công Huy, Khánh Lâm…, những người được anh uốn nắn từ những bước chạy chỗ, động tác “khống” bóng, kỹ thuật sút mu, má… “Xây dựng được một lứa cầu thủ cực kỳ vất vả và khó khăn. Làm bóng đá trẻ, tuyển từ 1.000 người, lấy được 60 người, qua quy luật đào thải, còn lại 30 người, vậy mà, chỉ cần từ 30 cầu thủ trẻ ấy, lên đội hình chính được 5-6 người là thành công” – Cao Cường bình luận – “Lứa như anh Ba Đẻn lúc đầu có 40 người, thế mà lên đội hình chính cũng chỉ được 5 người”.

 

Không còn được dẫn dắt lớp trẻ, nhưng hoài bão của Cao Cường vẫn lớn: “Đào tạo trẻ như người già chơi cây cảnh, phải uốn, phải nắn, phải ràng, phải níu. Các em ban đầu cũng như cái cây non hoang dại. Nếu mình dập khuôn ngay tắp lự, có thể dẫn đến thui chột, không phát triển; nhưng nếu mình thả lỏng cho cây tự phát triển thì sẽ chẳng thành thế, thành dáng, mỗi ngày phải tỉa tót, nắn một chút, hơ lửa một chút. Quan trọng hơn, cầu thủ trẻ không phải chỉ biết có chuyên môn, mà phải được đào tạo văn hóa song song. Kỹ thuật, chiến thuật trên sân cỏ và lý thuyết cần phải được định hình trong đầu càng sớm càng tốt thì sau này mới có những cầu thủ giỏi”.

 

Nguyễn Cao Cường sinh năm 1954, dáng cao to, càn lướt khỏe, chơi đầu giỏi, từng vô địch quốc gia với CLB Quân đội năm 1981-1982, 1983, vua phá lưới các năm 1982, 1983 với 24 bàn và tham gia đội tuyển thi đấu nhiều giải quốc tế từ 1975 đến 1985. Kỷ niệm trong nước đáng nhớ của Cao Cường là lần đầu tiên cùng CLB Quân đội vào Nam thi đấu với Cảng Sài Gòn năm 1979. Lúc đó Cao Cường đã thắng được Tam Lang trong cuộc đối đầu giữa 2 danh thủ hai miền. Cao Cường cũng 2 lần được bình chọn là VĐV tiêu biểu VN (năm 1981 và 1983).

Nguồn: Báo Thanh niên