Một thời tung hoành sân cỏ: Nửa thế kỷ của Tam Lang

Hiếm có cầu thủ nào như Phạm Huỳnh Tam Lang khi nổi tiếng trên cả 2 cương vị cầu thủ lẫn HLV, tạo nên sự ngưỡng mộ suốt gần 50 năm theo nghiệp bóng.

Hiếm có cầu thủ nào như Phạm Huỳnh Tam Lang khi nổi tiếng trên cả 2 cương vị cầu thủ lẫn HLV, tạo nên sự ngưỡng mộ suốt gần 50 năm theo nghiệp bóng.

 

Tam Lang trong vòng vây người hâm mộ

Cú xoạc bóng để đời

Nói đến Tam Lang mà không nhắc đến cú xoạc bóng đã trở thành “độc chiêu” của ông là chưa biết hết về cựu danh thủ một thời lẫy lừng này.

 

Ông Tam Lang nhớ lại: “Trước 1975 chúng tôi hay được thi đấu với các đội mạnh Âu Mỹ ngay tại Sài Gòn. Hồi đầu thấy “Tây”, tôi cũng có sợ. Đá 5 phút đầu lo lắm, lúng túng, hồi hộp nhưng khi mồ hôi đổ ra rồi thì rõ ràng… ai cũng như ai. Riết rồi mình cũng quen, còn họ dần dần thấy mình khéo léo quá nên cũng… sợ mình luôn. Được thi đấu với các đội mạnh nước ngoài rất có lợi, anh em cầu thủ vừa đá vừa hứng thú học hỏi những cái hay của họ. Chẳng hạn như cú xoạc bóng có ai dạy tôi đâu. Sân tốt, tiền đạo đối phương đi bóng ào ào qua mặt mình mà không xoạc bóng thì làm sao ngăn họ tiến đến khung thành của mình? Thế là tôi tập xoạc, ban đầu chỉ trúng bóng, nếu không trúng thì rất dễ bị phạt đền. Sau đó cú xoạc trở thành động tác ngăn cản hữu hiệu đối phương từ xa. Quan trọng là cứ nhìn họ đá, chú ý các động tác của tiền đạo đối phương và đường chạy của quả bóng để kiên trì tập luyện riết rồi trở thành phản xạ luôn”.

 

Để thực hiện những cú xoạc như vậy còn đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có cả sự dũng cảm phóng chân bay là là mặt cỏ, đôi lúc phải dùng cả thân mình ngã song song với mặt đất để có những cú ra chân hợp lý lao vào sát gầm giày đang điều khiển bóng của đối phương.

 

Chính những cú xoạc bóng như vậy đã đưa tên tuổi Tam Lang rực sáng khiến nhiều tiển đạo khi đối mặt với ông đều kiêng dè. Năm 1960 ông đã đứng vào hàng ngũ đội tuyển miền Nam và đảm nhiệm vai trò trung vệ do cựu danh thủ Phạm Văn Hiếu để lại. Từ đó, Tam Lang trở thành chốt chặn hữu hiệu ở tuyến dưới và là chỗ dựa niềm tin cho tuyến trên, xứng đáng có mặt trong đội hình tuyển ngôi sao châu Á năm 1967.

 

Chính lối thi đấu khôn ngoan cùng với những động tác ra vào nhanh dứt khoát, nhất là những cú xoạc bóng đẹp mê hồn đã để lại dấu ấn rất lớn làm cho người hâm mộ thời đó trầm trồ ngưỡng mộ.

 

Ngay khi khoác áo CSG những năm 1975-1980, Tam Lang cũng đã từng mang đến những cảm xúc rất khó quên. Những cú xoạc bóng điệu nghệ lấy bóng trong chân các mũi nhọn như Cù Sinh, Võ Thành Sơn, Từ Như Hiển, Cao Cường đã làm bật lên tiếng hoan hô vang dậy khắp các khán đài. Nhiều cầu thủ trẻ tập tễnh chơi bóng lúc bấy giờ rất thích bắt chước cú xoạc của Tam Lang.

 

Ấn tượng nhất mà Tam Lang vẫn nhớ chính là những cú xoạc bóng tại Ten Aviv khi thắng Israel 2-0 ở vòng loại Thế vận hội Tokyo năm 1964.

 

Báo chí Sài Gòn lúc đó viết: “Ngoài thủ môn Phạm Văn Rạng quá hay, trung ứng Tam Lang cũng chơi cực kỳ nổi bật. Anh đã triệt mất trung phong Peled của Israel khiến anh này mất hút trên sân, sau đó phải đổi vị trí với tả biên Young. Nhưng cả Young cũng không thể nào qua được những cú xoạc bóng quá xuất thần của Tam Lang”.

 

Một kỷ niệm khó quên khác ở Kuala Lumpur trong giải Merdeka 1966. HLV trưởng Weigang trong bài trả lời phỏng vấn hồi đó mô tả: “Lúc đó Tam Lang được bầu làm đội trưởng đội tuyển miền Nam thay cho Nguyễn Ngọc Thanh và đã dẫn dắt cả đội chơi rất hay. Tôi thực sự thích thú và ngạc nhiên với những cú xoạc bóng điêu luyện của Tam Lang trong các trận thắng Đài Loan, Singapore, Myanmar và làm cho người nước chủ nhà Malaysia phải khâm phục, hay nhất chính là trận thắng cả Nhật Bản đến 3-0!”.

 

Ferguson của bóng đá VN

Hiếm có cầu thủ – HLV nào gắn bó lâu với bóng đá VN như Tam Lang. Giã từ đời cầu thủ ở tuổi 39 sau hơn 20 năm cống hiến, ông đi học khóa HLV tại CHDC Đức rồi về dẫn dắt đội CSG từ 1983.

 

Từ đó cho đến năm 2003, tức 20 năm chẵn, ông một mực trung thành với Cảng và dẫn dắt đội đến 4 chức vô địch quốc gia cùng với 2 chiếc Cúp quốc gia và nhiều danh hiệu rực rỡ khác. Chính bảng thành tích quá tuyệt vời này cộng với tính tình điềm đạm và luôn xây dựng hình ảnh CSG không chỉ là đội đá hay mà còn có phong cách đẹp, Tam Lang đã tạo nên sự kính trọng không chỉ trong giới mà còn được thừa nhận như một “tượng đài” của CSG và của bóng đá VN. Ông đã được AFC trao kỷ niệm chương vì sự cống hiến không mệt mỏi trong 50 năm qua. Thế nên không hề ngoa khi nhiều người đã xem Tam Lang như Sir Alex Ferguson của bóng đá VN.   

Từ 1997 đến 2001, HLV Tam Lang còn làm trợ lý cho các HLV trưởng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Collin Murphy, Alfred Riedl và Dido. Tam Lang nhận xét: “Mỗi HLV ngoại đều có cá tính riêng mà những trợ lý VN cần phải khéo léo để hợp tác, làm những gì có lợi cho bóng đá nước nhà. Ông Riedl là người chững chạc, chan hòa, có tư cách và làm việc tốt nhất. HLV Dido thì quá nóng nảy, chúng tôi phải nhiều lần “can thiệp”, nếu không ông ấy còn “đẩy” ra khỏi đội tuyển không biết bao nhiêu cầu thủ nữa. Bực tức là ông Dido bỏ dạy, nhưng giáo án đã giao nên các trợ lý cũng phải lo gánh hết”.

 

Bây giờ không còn làm trợ lý nữa nhưng điều ông Tam Lang vẫn trăn trở là: “Để các trợ lý sau chúng tôi có điều kiện phát huy khả năng tốt hơn, LĐBĐVN cần có quy chế làm việc rõ ràng và nên tôn trọng HLV trong nước. Tốt nhất khi triệu tập các HLV Việt Nam làm việc với ĐTQG cũng phải có hợp đồng đàng hoàng, không thể muốn triệu tập lúc nào cũng được. Ngoài ra, ĐTQG nên được thành lập thường trực khoảng 25 cầu thủ, có lương thường xuyên, khi cần kéo lên tập trung khoảng 1 tuần để sẵn sàng nghênh tiếp các đội nước ngoài. Vấn đề là cần xây dựng một lịch thi đấu chặt chẽ, hài hòa được quyền lợi với CLB, chứ đừng để xảy ra tình trạng đội tuyển tập trung mà cứ phải thiếu vắng vài chủ chốt không phải do chấn thương”.  

 

Rời CSG sau trận đấu chia tay đầy vinh dự, Tam Lang vẫn đầy tâm huyết với bóng đá TP.HCM khi ông tham gia công tác đào tạo trẻ ở Thành Long, từng dẫn dắt đội này dự vòng chung kết Giải U.21 Báo Thanh Niên năm 2004 tại Gia Lai.

 

Hiện nay ông đang cùng với Hồ Thanh Cang, Dương Văn Thà, Tư Lê Võ Thành Sơn phụ trách đội cựu tuyển thủ TP.HCM và tổ chức Hội ái hữu để chăm sóc, giúp đỡ cho những cựu cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn.

 

Tam Lang là một tấm gương sáng về sự phấn đấu, về ý chí và đạo đức trên sân cỏ và cả trong cuộc đời, rất đáng để thế hệ cầu thủ hiện nay noi theo.

 

Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14.2.1942 tại Gò Công (Tiền Giang), từng chơi cho các đội Ngôi sao Chợ Lớn, VN Thương Tín, AJS (trước 1975) và CSG; tham gia đội tuyển châu Á năm 1967; vô địch Merdeka 1966; 4 lần dẫn dắt CSG vô địch quốc gia năm 1986, 1993-1994, 1997 và 2002; 2 lần đoạt Cúp quốc gia năm 1992, 2000; 3 lần HC đồng năm 1985, 1991 và 1995.

Nguồn: Báo Thanh niên