Một thời tung hoành sân cỏ: Ninh “đen” – lừng danh trai đất Cảng

Bóng đá Hải Phòng không phải đến bây giờ mới nổi đình đám. Nhiều người hâm mộ đất Cảng đến bây giờ vẫn tự hào với 5 thương hiệu: Công an, Điện, Xi măng, Sông Cấm và Cảng Hải Phòng. Trong số những gương mặt đã đem lại sự vẻ vang cho bóng đá Hải Phòng, có tên Lê Quang Ninh.

Bóng đá Hải Phòng không phải đến bây giờ mới nổi đình đám. Nhiều người hâm mộ đất Cảng đến bây giờ vẫn tự hào với 5 thương hiệu: Công an, Điện, Xi măng, Sông Cấm và Cảng Hải Phòng. Trong số những gương mặt đã đem lại sự vẻ vang cho bóng đá Hải Phòng, có tên Lê Quang Ninh.

 

Ông Lê Quang Ninh – Ảnh: Khả Hòa

Từ câu chuyện thầy kể…

“Tôi có may mắn là được học cả thầy Nguyễn Lan và cụ Túc “gù”, nên chắt lọc được những “miếng” riêng cho mình trên sân cỏ”, Ninh “đen” nói bằng giọng đầy tự hào. “Cụ Lan là người có danh vọng ở đất Hải Phòng, bởi cùng lúc chơi “thần sầu” cả môn quyền Anh và bóng đá. Trong khi đó, cụ Túc “gù” cũng chơi trung phong, lại có những “ngón” riêng. 14 tuổi tôi vào trường năng khiếu, hành trang chơi bóng vỏn vẹn là những trận bóng đá chân đất, ngay trên mặt đường Mê Linh (quận Lê Chân), gần nhà mình ở. Tôi có điểm mạnh là khỏe, lì lợm và chơi quyết liệt, sẵn sàng ăn miếng trả miếng với đối thủ nếu bị chơi xấu, nhưng đá hoàn toàn bằng bản năng. Phải mất rất nhiều thời gian về sau, tôi mới hiểu được ý nghĩa của những buổi cụ Lan và thầy Nhân tỉ mỉ uốn nắn cho tôi từng động tác đỡ bóng bằng chân, hãm bóng bằng ngực, động tác bật nhảy tại chỗ, đánh đầu có đà…”.

 

Rời trường năng khiếu năm 1974, Ninh cùng các bạn tràn trề khí thế, cùng rủ nhau về Cảng Hải Phòng (CHP) chỉ vì mê câu chuyện thầy kể về trận cầu giữa tuyển Hải Phòng với đội bóng đá gồm toàn thủy thủ trên chiến hạm Dumont D’Urville – con tàu hải quân Pháp đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Nhà nước ta từ Pháp về Việt Nam. Trận đấu trên sân Phố Ga ngày đó kết thúc với tỷ số hòa 1-1, trở thành một phần lịch sử không thể quên của thành phố Cảng. Và cũng bởi vậy, dù có nhiều phiên hiệu bóng đá mạnh cùng thời đó, nhưng Ninh “đen” và các bạn chỉ cảm thấy “sướng” nhất nếu được đá cho Cảng.

 

Về CHP, Ninh được HLV Nguyễn Văn Tư và thầy Túc “gù” đặc biệt “săn sóc”, được đào tạo “ngón” bật nhảy rất cao trước khung thành để đánh đầu đưa bóng vào lưới. Với cách chơi đó, không mấy chốc Ninh đã giành được một suất chính thức trên hàng công.

 

… đến những trận cầu để đời

Năm 1983, Lê Quang Ninh được bầu chọn là một trong 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc, nhờ thành tích giúp CHP đứng thứ 3 giải A1 toàn quốc. CHP, với đội hình không được đánh giá cao, đã bất ngờ giành chiến thắng 2-1 trước Cảng Sài Gòn (CSG) trong trận đấu tranh ngôi 3-4.

 

“Trận đó, thực tế là tôi ghi được 4 bàn thắng, nhưng chỉ được công nhận có 2 bàn thôi. Hai bàn kia trọng tài Nguyễn Văn Mùi (Đà Nẵng) nhất quyết không cho “ăn” vì bắt tôi lỗi việt vị. Sau này, gặp lại anh Mùi, tôi vẫn cứ khiếu nại về hai bàn thắng đó. Hồi đó, hai đội đá trên sân Thống Nhất, khán giả tới sân đông nghẹt. Áp lực từ khán giả rất căng thẳng. Vào trận, CSG ép CHP suốt. Nhưng họ “khớp” tâm lý nên các cơ hội lần lượt trôi qua. Trong khi đó, chúng tôi thoải mái hơn, đặc biệt là sau khi tôi đánh đầu theo đúng chiêu của cụ Túc “gù” chỉ dạy để ghi bàn thắng, thế trận thuận lợi mở ra cho CHP. Và sau đó, tôi thực hiện pha ghi bàn thứ hai từ một cú sút ngay trên vạch 16m50”.

 

Năm 1976, Ninh “đen” lần đầu tiên được gọi lên đội tuyển quốc gia. 19 tuổi, chàng trai đất Cảng lên tuyển, đứng bên cạnh những Cao Cường (Thể Công), Hòa “B” (CAHN), Thành “chim” (Quân khu Việt Bắc) chỉ cảm thấy bỡ ngỡ, chứ không chút e sợ. Có lẽ, cũng vì khí chất ngang tàng của người Hải Phòng “quen thời tiết ở biển”, Lê Quang Ninh cứ lẳng lặng tập và thi đấu, không chút mặc cảm về tuổi nghề và danh tiếng trên sân cỏ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong sự nghiệp thi đấu ở ĐTQG là trận giao hữu thắng Olympic Ba Lan 2-1 trên sân Hòn Gai (Quảng Ninh).

 

“Khi đó, đội tuyển đang hòa với bạn 1-1. Sau bàn thắng của mình do anh Võ Bá Tòng ghi, tôi nhận được bóng từ giữa sân, thấy trước mặt có 2 cầu thủ Ba Lan lừng lững chắn trước mắt, xung quanh chẳng thấy ai ở gần để chuyền bóng. HLV Lê Thế Thọ đứng bên ngoài sân gào: Chuyền đi, chuyền đi. Khổ nỗi, có ai đâu! Thế là tôi lắc người, làm động tác giả định chuyền nhưng lại đột phá tiếp qua trung vệ của họ rồi sút căng vào góc chết. Đến lúc ra ngoài sân, ông Thọ vẫn còn chưa hết bực, nhưng tôi cười rồi nói: Cháu “lắc” giống chú thế còn gì nữa! Vậy là ông hết cáu”.

Ông Lê Quang Ninh (bìa trái) cùng với Ban huấn luyện đội Ngân hàng Đông Á – Thép Pomina – Ảnh: Khả Hòa

Lê Quang Ninh sinh ngày 31.10.1957, hạng ba giải A1 toàn quốc năm 1983 cùng Cảng Hải Phòng, thi đấu cho ĐTQG từ 1976-1983, được bầu chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 1983, từng làm HLV cho đội CA TP.HCM, NHĐA-Thép Pomina, trợ lý HLV Thành Nghĩa Quảng Ngãi, hiện là trợ lý HLV Hòa Phát.

Nguồn: Báo Thanh niên