Một thời tung hoành sân cỏ: Nguyễn Ngọc Thanh, nhà vô địch SEAP Games đầu tiên

Cách nay vừa đúng 50 năm, bóng đá VN đã lên ngôi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (khi đó còn gọi là SEAP Games). Một trong những nhà vô địch lẫy lừng đó chính là Nguyễn Ngọc Thanh.

Cách nay vừa đúng 50 năm, bóng đá VN đã lên ngôi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (khi đó còn gọi là SEAP Games). Một trong những nhà vô địch lẫy lừng đó chính là Nguyễn Ngọc Thanh.

 

Câu chuyện năm 1959

Đội hình vô địch SEAP Games 1959

Dù đã hơn 70 tuổi nhưng khi hồi tưởng về quá khứ, ông Thanh vẫn nói vanh vách những kỷ niệm khó quên. Nhắc đến chiếc HCV đầu tiên của bóng đá VN và đến nay cũng là duy nhất tại SEAP Games, ông Thanh kể: “Lúc đó tôi mới được gọi vào đội tuyển miền Nam và được lệnh đi đường bộ sang Thái Lan để tham dự đại hội. Cả đội hành quân bằng xe, băng sang Campuchia rồi đến Bangkok mất 2 ngày. Chi phí khi đó không có nhiều nên toàn đội phải ăn ngủ ngoài đường rất khổ cực. Đến Thái ngày hôm trước thì ngay hôm sau đá trận đầu gặp đội chủ nhà. Lúc đó chúng tôi chẳng có thời gian làm quen sân bãi, thời tiết gì cả, cứ thế mà ráp vào đá. Hồi đó đá đội hình WM (3-2-2-3), tôi đá tiếp ứng (tiền vệ phòng ngự bây giờ) chung với Myo – tức anh Lê Văn Hồ, tiền vệ tấn công có Đỗ Quang Thách và Đỗ Thới Vinh, tiền đạo là Trần Văn Nhung (Pierre), Hà Tam và Nguyễn Văn Tư (Tư mũi tên vàng), còn bên dưới có Nguyễn Văn Cụt, Phạm Văn Hiếu, Lê Văn Tỷ và thủ môn Phạm Văn Rạng. Chúng tôi vào sân là đá tưng bừng quật Thái Lan đến 4-0. Hồi đó đâu có chuyện ngày đá ngày nghỉ như bây giờ, hôm sau chúng tôi đá tiếp với Miến Điện và thắng 3-0. Tin chiến thắng lan tỏa khắp nơi, cả đội hăng hái lắm vì biết chắc là vào chung kết rồi do lúc đó chỉ có 4 đội đá vòng tròn chọn 2 đội cao điểm nhất tranh nhất nhì. Trận cuối với Malaysia chỉ còn là thủ tục nên chúng tôi thua 1-2 để dưỡng sức. Khi đó Thái Lan lùi ngày đá chung kết lại 1 ngày thay vì đá liền hôm sau như điều lệ ban đầu nhằm mục đích giảm hưng phấn của cả đội VN. Song không hề gì, gặp lại người Thái, chúng tôi còn chơi quyết tâm hơn. Khi đó tôi lên xuống rất nhanh, bật tường rất mau lẹ với Vinh, Thách và tạo cơ hội cho tuyến trên ghi bàn thắng tiếp 3-1, mang chức vô địch đầu tiên về cho VN”.

 

Chính nhờ chiếc HCV đầu tiên đó mà tên tuổi của nhiều tuyển thủ miền Nam khi đó nổi như cồn. Cùng với Phạm Văn Rạng, Đỗ Thới Vinh, ông Thanh đã được gọi vào đội tuyển châu Á, sau này có thêm Nguyễn Văn Ngôn, Tam Lang tham gia các trận đấu “kinh điển” thời đó do Cầu vương Châu Á Lý Huệ Đường dẫn dắt. Một trong những trận chơi hay của ông Thanh là đấu với Sheffield (Anh) tại Kuala Lumpur.

 

Thắng Israel tại Tel Aviv

Ông Thanh với chiếc HCV SEAP Games đầu tiên

năm 1959

Ông Thanh nhắc lại 2 dấu mốc khác ngoài chiếc HCV SEAP Games mà ông vẫn nhớ khi còn làm cầu thủ chính là trận thắng CLB Djugarden, đương kim vô địch Thụy Điển năm 1959 tại sân Vườn Ông Thượng (nay là sân Tao Đàn). Khi đó bóng đá Thụy Điển đang là á quân thế giới (thua Brazil chung kết năm 1958) và đội Djugaerden có hơn 1/3 đội hình trong thành phần đội tuyển. “Bấy giờ, chúng tôi bước ra sân mà chẳng hề tự ti, mặc cảm, dù đối thủ to cao, nhưng cứ thế mà chúng tôi chơi theo cách của mình, đá nhỏ, bật nhanh, di chuyển rộng và có cơ hội là cứ nhắm khuôn thành sút. Chính cách chơi của đội tuyển làm cho đối thủ ngỡ ngàng nên mất đi sự chủ động. Trận này, VN thắng 3-1. Đó là dấu ấn không gì vui hơn”.

 

Nhưng theo ông Thanh, ấn tượng khó quên nhất là trận thắng Israel ngay tại thủ đô của họ ở vòng loại Thế vận hội Tokyo năm 1964. Bồi hồi nhắc lại, ông Thanh kể “Hồi đó Israel mạnh lắm. Trận lượt đi đá ở Sài Gòn mình thua họ 0-1 cầm chắc bị loại. Tâm lý cả đội đến Tel Aviv khi đó nghĩ khó mà giành được một trận hòa chứ nói chi là thắng. Trước giờ thi đấu anh em chỉ biết động viên nhau cứ chơi hết mình, phải đá để lấy lại danh dự, đá cho họ biết rằng muốn vượt qua được VN không phải dễ. Thế là vào sân cả đội siết chặt hàng ngũ chơi như thể chưa bao giờ được chơi. Từng người như thăng hoa, đá ào ào, vọp bẻ, chấn thương cũng ráng đứng dậy mà đá. Bản thân tôi cũng bị đá bắp đùi bầm tím nhưng khi đó không thấy đau mà chỉ biết phải cố. Lúc đó thủ môn Rạng chơi hay nhất, nhưng tuyến giữa với tôi và Vinh và thế công với Ngôn như “lên đồng” đá không biết sợ là gì. Sau khi bình tĩnh hóa giải áp lực dồn dập của họ, VN phản công và ghi 2 bàn, trong đó có bàn của Ngôn. Tan trận, chúng tôi ôm chầm lấy nhau hạnh phúc lắm, ăn mừng cả đêm, người lâng lâng không ngủ được”.

 

Sóng gió đời HLV

Nhờ sự giúp đỡ của HLV Weigang, ông Thanh được cử đi học lớp HLV của FIFA tổ chức tại Nhật năm 1969 do ông Kramer làm giảng viên và được cấp chứng chỉ của FIFA. Sau đó ông tham gia dẫn dắt đội tuyển Miền Nam rồi các đội Việt Nam Thương Tín. Sau 1975, huấn luyện đội Ngân hàng rồi phiêu bạt đến Đồng Tháp, đưa đội này lên hạng sau đó trở về TP.HCM giúp đội Dệt Phong Phú thi đấu rất hay ở giải A2 TP.HCM năm 1982. Ông Thanh nhắc lại: “Tôi trở thành HLV cũng do phục tài ông Weigang. Năm 1966 tại Merdeka Cup, tôi rất ấn tượng với tài cầm quân của ông. Lúc đó VN thắng như chẻ tre ở vòng ngoài khi đè bẹp Singapore 5-0, Nhật Bản 3-0, Malaysia 5-2, Đài Loan 6-1. Tinh thần cầu thủ lên cao lắm, ai cũng muốn đá trận cuối vòng bảng với Ấn Độ. Nhưng ông Weigang quyết định chỉ đưa dự bị ra đá, chấp nhận thua 0-1 để dưỡng sức và tránh chấn thương. Nhờ vậy trận chung kết chúng tôi đá rất mạnh mẽ, thắng Myanmar 1-0 đoạt Cúp. Sau này khi làm HLV tôi luôn muốn cống hiến rất nhiều nhưng số cầm quân của mình không may mắn. Hơn nữa lúc đó bóng đá những năm thập niên 80, đầu 90 phức tạp quá, nên HLV rất khó làm. Tôi phải tự bươn chải tìm nghề khác để sinh sống. Khi Weigang trở lại dẫn dắt tuyển VN vào năm 1995, ông có gặp tôi và nói ông thích tính cần cù, chịu khó, chịu phát hiện của tôi hồi thời còn làm cầu thủ, nên muốn tôi tham gia giúp ông trong việc tuyển lựa cầu thủ. Có thời gian tôi được LĐBĐ TP.HCM mời về để làm công việc này. Nhưng khi Weigang ra đi, tôi cũng chia tay luôn với nhiệm sở”.

 

Cuộc đời bóng đá của ông Nguyễn Ngọc Thanh thật hùng tráng. Cầm chiếc HCV SEAP Games năm 1959, ông cứ mân mê: “Tôi luôn mong mỏi bóng đá VN sớm lên ngôi ở SEA Games hệt như AFF Cup vừa rồi để tái hiện thành tích 50 năm trước. Phải nói là công của HLV Calisto không nhỏ chứ cầu thủ VN mình bây giờ nhiều lúc chơi bóng còn “cứng” lắm, thiếu sáng tạo, thiếu sự ngẫu hứng cần có của một cầu thủ. Các em phải biết trui rèn nhiều hơn thì mới mong tiến bộ được…”.


Nguyễn Ngọc Thanh sinh ngày 28.3.1938, 4 lần dự SEAP Games đoạt HCV năm 1959, HCB 1967, 2 HCĐ 1961 và 1965, 3 lần dự Asiad, hạng tư giải vô địch châu Á năm 1960, tham gia đội tuyển ngôi sao châu Á, HCV Merdeka năm 1966, HLV đầu tiên của VN được cấp bằng FIFA năm 1969. Ông hiện đang sống tại đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Nguồn: Báo Thanh niên