Một thời tung hoành sân cỏ: “Người gỗ” Nguyễn Văn Thòn

Giải vô địch bóng đá VN từ trước đến nay có nhiều bàn thắng hy hữu. Một trong những pha làm bàn đi vào lịch sử đã xảy ra vào năm 1984. Đó là bàn thắng bằng lưng mà tác giả không ai khác chính là trung phong Nguyễn Văn Thòn.

Giải vô địch bóng đá VN từ trước đến nay có nhiều bàn thắng hy hữu. Một trong những pha làm bàn đi vào lịch sử đã xảy ra vào năm 1984. Đó là bàn thắng bằng lưng mà tác giả không ai khác chính là trung phong Nguyễn Văn Thòn.

 

Ông Thòn (hàng đứng, thứ 2 từ trái) trong màu áo đội lão tướng Văn phòng UBND TP.HCM – Ảnh: C.T.V

Xe tăng trước khung thành

Không hề che giấu khuyết điểm của mình, ông Thòn nói ngay: “Tôi không phải là một cầu thủ có kỹ thuật tốt, trái lại rất vụng về khi xử lý. Khi bóng đến chân tôi thường hay loay hoay tìm động tác sao cho gọn gàng nhất nhưng vẫn bị mang tiếng là “cứng”. Riết rồi đâm quen, tôi cũng chẳng thể trui rèn khả năng điều khiển quả bóng sắc sảo hơn vì trình độ mình cũng đến thế, có cố cũng không khác. Nhưng bù lại, tôi luôn cần thiết cho đội ở những pha tranh chấp, đua tốc độ, càn lướt, nói một cách nôm na là “ủi” thẳng vào hậu vệ đối phương mà không hề e ngại. Có lẽ nhờ vậy mà tôi hình thành cho mình một cách chơi buộc các hậu vệ kèm mình phải liên tục vất vả chứ không thể xem thường”.

 

Đúng là cách chơi của ông Thòn ngày đó có một không hai. Ông như… con trâu nước, xộc vào những khe hở của hàng thủ, lù lù lao vào cản những đường phát bóng của thủ môn và hậu vệ đối phương bằng những pha bật cao “lấy thịt đè người” khiến cho ai nấy gặp ông cũng đều muốn tránh đụng vì sợ mất bóng. Nhiều người gọi ông là “người gỗ” vì muốn nói đến những xoay trở còn cứng của ông, nhưng ai cũng thừa nhận đó là… gỗ tốt. Ngoài ra còn cái biệt danh “xe tăng trước khung thành” mới phản ánh đúng hiệu quả trong lối chơi của danh thủ này.

 

Chính nhờ những tài nghệ “xưa nay hiếm” như vậy mà Thòn thường thắng bàn

cho đội CSG trong giai đoạn 1980-1984. Ông kể lại: “Sau năm 1975, tôi chơi cho đội Thanh niên CSG và đã từng vô địch hạng B toàn thành. Nhờ tài làm bóng của đồng đội nên tôi cũng ghi được không ít bàn từ những pha lao ủi trước khung thành, nên chỉ hai năm sau đã được bổ sung lên đội A. Lúc đó CSG mạnh lắm, vô địch A1 thành phố nên lứa cầu thủ của chúng tôi như Huỳnh Đình Phi, Hồ Thủy, Trần Văn Bạch, Phạm Văn Giảng, Hà Quang Bình, Hồ Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh Tùng (Tùng Sự), Lạc Phước Hải… chơi rất hăng. Mỗi lần được vào thay anh Tư Lê hay Xinh là tôi luôn thấy phấn chấn tự hào và nhờ sức càn của mình, tôi cũng đã đóng góp được vài bàn thắng hoặc tạo cơ hội cho đồng đội ghi bàn”.

 

Dấu ấn lớn nhất của Thòn chính là lần Hồ Thủy, Phan Hữu Phát và anh đã “tung hứng” xé nát hàng thủ CLB Quân đội do Quản Trọng Hùng chỉ huy trong trận đại thắng 3-0 của CSG tại sân Long An mùa giải VĐQG 82-83. Thòn nhớ lại: “Lúc đó khán giả Sài Gòn kéo nhau xuống Long An nườm nượp, phần vì hứng thú với trận đối đầu giữa 2 đội, phần khác “tiếp lửa” cho chúng tôi nên CSG chơi hăng lắm. CLB Quân đội lúc đó rất mạnh, nhưng CSG không hề e ngại. Chúng tôi đã dàn xếp các pha ghi bàn rất nhanh khiến cho đội bạn bất ngờ”.

 

Còn riêng anh, kỷ niệm sâu sắc là cú ghi bàn bằng lưng trong trận CSG thắng Dệt Nam Định 4-2 ở giải VĐQG năm 1984. Thòn bật cười sảng khoái khi nhắc lại chi tiết đi vào lịch sử này: “Bấy giờ luật cho phép tiền đạo có quyền nhảy tranh chấp với thủ môn khi phát bóng nên tôi đang quay lưng đi về bỗng thấy thủ môn của Nam Định lật đật chạy ra phát bóng, tôi liền theo quán tính nhảy lên. Nào dè quả phát bóng đó quá thấp, bóng đi ngang trúng lưng tôi dội lại tung lưới. Tôi cũng bất ngờ trước bàn thắng “trời cho” này nên từ đó có thêm biệt hiệu Cái lưng vàng”.

 

Hổ phụ sinh hổ tử

Sự nghiệp cầu thủ của ông Thòn không dài. Sau mùa giải VĐQG năm 1984, CSG thua liểng xiểng vì xui rủi khi vòng 2 đá 5 trận bại hết 3 trận bằng đá phạt đền (lúc đó điều lệ quy định không hòa, nếu hòa đá 11m để xác định đội thắng) và 1 trận phải dùng đến bốc thăm (trận thua Xây dựng Hà Nội). Đến năm 1985, CSG là nạn nhân của những toan tính (với bàn đá phản của hậu vệ đội Quân khu Thủ đô trên sân Sông Bé khiến CSG chỉ thắng với tỷ số thấp nhất và bị CLBQĐ cùng Công an Hà Nội xếp trên do hơn hiệu số) nên không vào được bán kết khiến ông Thòn và nhiều cầu thủ Cảng.. mất hứng! May là trước khi chia tay, ông được hưởng niềm vui vào năm 1986 khi CSG lên ngôi vô địch rồi sau đó lặng lẽ rút lui ở tuổi 30 để đi làm thủy thủ.

 

Dù không còn “múa may quay cuồng” trên sân cỏ, ông vẫn mang hết tâm huyết của mình truyền thụ lại cho đứa con rất ham mê quả bóng là Nguyễn Hữu Thắng. Ông bồi hồi nhớ lại: “Điều tôi mừng là dù có thể hình cao lớn hơn tôi (Thắng cao 1m81, trong khi ông Thòn chỉ 1m74), nhưng Thắng lại có kỹ thuật rất khéo, động tác gài bóng rất kín và sớm tỏ ra “sáng nước” ở những đường chuyền. Nhờ vậy nên dù chơi cho Quân khu 7 là một đội bóng hạng nhì của TP.HCM nhưng Thắng từng được Thể Công tăng cường và sớm có chân trong đội U.23 dự SEA Games 21 tại Malaysia”.

 

Tài nghệ của Hữu Thắng mà nhiều người hay gọi anh là Thắng Thòn (để phân biệt với Hữu Thắng của SLNA nay là HLV của T&T) đã tỏa sáng rực rỡ tại SEA Games 22 khi anh đã thể hiện rất tốt vai trò thủ lĩnh trên sân cùng với Quốc Vượng kiểm soát hoàn toàn khu trung tuyến giúp cho Văn Quyền, Thanh Bình, Tài Em chơi nổi bật. Sau ngôi á quân lần đó, Thắng về Bình Dương (BD) với rất nhiều triển vọng. Nhưng một cú sốc chấn thương gối khá nặng làm cho Thắng không còn đóng góp được nhiều cho đội bóng đất Thủ, rồi cú chuyển nhượng đắt giá đến Ninh Bình với 3 tỉ đồng bị “hớ” khiến Thắng mất 1 mùa không giúp được gì cho đội bóng cố đô và rồi BD phải dang tay đón anh về lại.

 

Ông Thòn cho biết: “Tôi tôn trọng quyết định về lại BD của cháu. Chỉ mong rằng Thắng chơi được vài năm nữa rồi giã từ cũng được. Riêng mình, tôi đã xin về hưu sớm không làm thủy thủ nữa, chiều chiều rảnh rỗi đi dượt banh cho đỡ nhớ”. Mấy trận CLB TP.HCM đá trên sân Thống Nhất gần đây vẫn thấy ông Thòn đi xem đều. Ông nói: “Đến sân để tìm lại cảm giác hào hùng ngày xưa, chứ nói thật các em bây giờ chơi không ổn định, còn phập phù và thiếu hẳn chất lửa của bóng đá thành phố lúc trước nên càng xem càng lo nhiều hơn vui…”. 

 

Nguyễn Văn Thòn sinh ngày 22.12.1957, từng chơi cho các đội Ngôi Sao Gia Định, Thanh Niên CSG rồi CSG, nhiều lần vô địch A1 TP.HCM, vô địch quốc gia năm 1986, hạng ba năm 1985, hạng tư năm 1982-1983, cùng đội tuyển TP.HCM vô địch giải các đội tuyển vùng miền năm 1985.

Nguồn: Báo Thanh niên