Một thời tung hoành sân cỏ: Ký ức Lưu Tấn Liêm

Bắt đầu rạng danh từ một quả phạt đền lên ngôi á quân, và kết thúc sự nghiệp cũng bằng một quả phạt đền sút hỏng nhưng lại được hưởng niềm vui vô địch. Đó chính là Lưu Tấn Liêm.

Bắt đầu rạng danh từ một quả phạt đền lên ngôi á quân, và kết thúc sự nghiệp cũng bằng một quả phạt đền sút hỏng nhưng lại được hưởng niềm vui vô địch. Đó chính là Lưu Tấn Liêm.

 

Lưu Tấn Liêm nhận cúp vô địch QG năm 1991 – Ảnh: nhân vật cung cấp

Cú sút nhớ đời

Con đường đưa Lưu Tấn Liêm đến với bóng đá đỉnh cao đi từng nấc. Đầu tiên anh nổi lên ở đội nhà máy Z751 trong giải hạng B TP.HCM với sở trường tiền vệ trái rất nhanh nhạy. Lối đá xông xáo và khôn ngoan của Liêm đã được đội Công nghiệp Thực phẩm rất thích và “bốc” về đá tiền vệ chung với Đinh Văn Tám (Tám hoa) và Lý Chí Vân. Sau khi tiền đạo cánh Nguyễn Xuân Thu nghỉ và Nguyễn Trung Hậu chuyển vào giữa, Liêm được đẩy lên đá cánh trái suốt 3 mùa 1979-1981, làm bóng rất hiệu quả cho Đinh Công Hoàng (Hoàng cá lóc) và có những quả sút “cú mập” bằng chân trái hiểm hóc mà báo chí thời đó gọi là “nặng như trái phá”. Thế nhưng, số phận lại run rủi anh về với Hải Quan vào cuối năm 1982 sau khi đội Thực phẩm xuống hạng. Trong môi trường mới, Liêm nhanh chóng khẳng định mình khi thay cho Khánh Hùng chuyển sang Sở Công nghiệp.

 

Chính giải đấu vô địch quốc gia năm 1983 là giải đầu tiên mà Liêm đã đóng góp rất lớn công sức cùng Hải Quan giành ngôi á quân sau khi ghi bàn đầu tiên từ chấm 11m trong trận chung kết. Liêm kể lại: “Lúc đó, không hiểu sao tôi rất run khi bước đến chấm phạt đền. Một phần vì là trận đấu lớn trong đời, phần khác sức ép trên sân Hàng Đẫy quá lớn. Tôi đã thực hiện rất nhiều quả 11m trước đây, vậy mà vẫn bị hồi hộp, tim đập thình thịch. Do căng thẳng quá, tôi cứ lấy tay dằn bóng nảy lên nảy xuống mấy lần mà không dám đặt bóng để đá. Trong khung thành là Trần Văn Khánh sừng sững, tôi càng e ngại hơn. Mãi đến khi trọng tài nhắc tôi mới để bóng xuống và sút. Cú sút không có lực đi nhẹ hều ngay giữa khung thành. May là thủ môn Khánh lại bắt bài ngã người sớm, bóng đi lặp bặp vào lưới. Mồ hồi tôi tuôn ướt cả khuôn mặt, vì lo nhưng cũng nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi áp lực”.

 

Sau kỷ niệm nhớ đời đó, Liêm thi đấu ngày càng chững chạc và cùng với Minh nhí, Nguyễn Văn Thành (Thành gù) và Hồ Thanh Dũng hợp thành 4 mũi giáp công đủ sức xuyên phá bất cứ hàng phòng ngự nào. Những trận đấu quốc tế thời đó đã đưa tên tuổi của Liêm lên đỉnh cao và anh cũng đã một lần có niềm vui khi đoạt giải vua phá lưới giải VĐQG vào năm 1987. Nhưng “cái số” khi sút 11m vẫn chưa buông tha anh. Trong trận chung kết giải VĐQG năm 1991 với Quảng Nam-Đà Nẵng (QNĐN) trên sân Thống Nhất, có một quả phạt đền, Liêm được HLV Nguyễn Kim Hằng giao nhiệm vụ sút. Liêm kể: “Không hiểu sao lúc đó tôi cũng lại mất tập trung và sút ra ngoài khiến cho Hải Quan phải rượt đuổi tỷ số trối chết với QNĐN. Đến nỗi khi 2 đội đá phạt đền luân lưu, tôi không dám đá nữa. May là đội đã thắng. Dù rủi ở chấm 11m, nhưng tôi đã đóng góp cho bàn gỡ hòa 2-2 của Hải Quan ở những phút cuối cùng hiệp phụ khi đi bóng qua Hoàng Kim Tuấn và Bùi Thông Tuân, chuyền cho Đinh Thanh Hải ghi bàn”.

 

Thăng trầm nghiệp bóng

Liêm kết thúc sự nghiệp “trong nước” khi Hải Quan vô địch, nhưng thật sự anh cũng đã hơn 1 lần xỏ giày ra sân một năm sau đó trong trận vòng 1 Asian Club Championship khi Hải Quan được chọn là đội đại diện VN thi đấu với CLB Arseto của Indonesia. Lúc đó Hải Quan thiếu người, HLV Hằng năn nỉ Liêm đã không còn tập luyện suốt gần 9 tháng vào thi đấu. Nể bạn, Liêm nhận lời, nhưng đúng là cái gì không tập thì không thể chơi tốt được… “Trận lượt đi tại Indonesia hòa 0-0 đến phút 85, sau một pha dẫn bóng tôi bị sụp chân do mặt sân xấu và chấn thương luôn. Đến trận lượt về, tôi không thể đá nhưng vẫn phải gắng gượng vào hiệp 2. Trận đó Hải Quan thua 2-3 và bị loại. Tôi cũng nghỉ luôn với vết thương của mình từ đó đến giờ”.

 

So với nhiều cầu thủ cùng thời khác, Liêm được tính hiền hòa và chân chất, khuôn mặt phốp pháp, giọng nói nhỏ nhẹ, còn dáng chạy trên sân cứ đổ về phía trước một cách hùng hục, động tác đi bóng cứ xắn tới như mũi tên xé gió nên đồng đội yêu mến gọi là “Liêm heo”. Chính tính cách nhẹ nhàng và làm gì cũng cân nhắc trước sau nên Liêm đã không rơi vào sự cố 11 cầu thủ phía Nam bỏ về hồi năm 1991. Liêm nhớ lại: “Lúc đó tập trung đội tuyển ở Nhổn lâu ngày buồn quá. Hơn nữa, ăn uống với chế độ không tốt bằng khi chơi cho CLB và quan trọng là những người có trách nhiệm lúc đó lại thiếu sâu sát với đội tuyển nên tinh thần một số anh em dao động, nản chí. Ngủ một đêm thức dậy, tôi thấy mất 11 đồng đội khi họ bỏ về. Ở góc độ cá nhân cầu thủ với nhau tôi thông cảm với các đồng nghiệp của mình. Nhưng đây là nhiệm vụ quốc gia nên tôi cũng tiếc cho họ vì dù khó cũng phải ráng ở lại”. Chính thái độ đó đã giữ chân Liêm cùng với Hà Vương Ngầu Nại, Hồng Phẩm ở tuyển và sau này có thêm 2 cầu thủ phía Nam được tăng cường là Lư Đình Tuấn và Đỗ Văn Minh vào danh sách đi SEA Games 16 tại Philippines.

 

Hồi tưởng về những năm tháng lăn cùng trái bóng, Liêm nói: “Năm 1987 là năm buồn nhất với lứa cầu thủ chúng tôi như Minh nhí, Phan Văn Tần, Trương Văn Dưỡng… vì sau thất bại ở giải VĐQG, Hải Quan được lệnh giải tán để tăng cường lực lượng cho CSG và Sở Công nghiệp. Khi đó, tôi, Lưu Tấn Phước và thủ môn Hồng Phẩm nằm trong diện chuyển đến CSG. Nhưng tôi đã xin không đi. Thế là nhờ ở lại, hơn một năm sau đá giải vô địch khu vực phía Nam năm 1988, Hải Quan vào chung kết gặp lại CSG. Rồi từ đó chúng tôi tự tin hồi sinh”.

  

Lưu Tấn Liêm sinh ngày 14.10.1959, vô địch QG năm 1991, á quân giải VĐQG năm 1983, hạng ba năm 1986, Vua phá lưới VĐQG năm 1987 với 15 bàn, từng dự SEA Games 16 năm 1991. Hiện ông đang làm viên chức Hải Quan tại Cảng Khánh Hội và đã lên chức ông ngoại khi có rể là cựu cầu thủ Công an TP.HCM Nguyễn Liêm Thanh.

Nguồn: Báo Thanh niên