Một thời tung hoành sân cỏ: Đoạn kết buồn của Trương Văn Dưỡng

Thuộc vào loại cầu thủ ít nói, tính tình hiền hòa, rất dễ nhận diện trên sân qua thể lực sung mãn và cường độ hoạt động không biết mệt cùng những cú đá má ngoài cực hiểm.

Thuộc vào loại cầu thủ ít nói, tính tình hiền hòa, rất dễ nhận diện trên sân qua thể lực sung mãn và cường độ hoạt động không biết mệt cùng những cú đá má ngoài cực hiểm.  

 

Trương Văn Dưỡng (phải) trên sân cỏ – Ảnh: Khả Hoà

3 lần lên tuyển, 3 lần trở về

Cũng như Đặng Trần Chỉnh, con đường đến với bóng đá đỉnh cao của Dưỡng bắt đầu từ trường năng khiếu. Cuối năm 1983, anh là một trong số ít gương mặt nổi bật được về tăng cường cho Hải Quan (HQ). Dưỡng kể lại: “Ngày đầu tiên gia nhập HQ tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được đứng vào hàng ngũ một đội mạnh nhất nhì thời đó, được chơi bên cạnh một rừng sao như Minh “nhí”, Tần, Hằng, Liêm “heo” làm sao không tiến bộ được.

 

Nhưng lo vì kỹ thuật mình cũng vào loại thường thôi không biết có trụ được trong hàng ngũ HQ lâu dài hay không. Nhưng thử thách đầu tiên đến quá nhanh. Tôi được tung ra sân ngay trận gặp Quân đội Liên Xô. Mấy phút đầu cũng run lắm vì thấy đội bạn cao to mà mình như “con kiến” nên hơi khớp. Nhưng dần dần tôi tự tin lên và càng đá càng tỏ ra mạnh dạn, tranh cướp rất quyết liệt khiến đội bạn cũng bất ngờ.

 

Trận này 2 đội hòa và tôi đã có buổi ra mắt không đến nỗi nào”. Sau trận đầu thành công đó, Dưỡng nhanh chóng thay chân Bình “lùn” để đá cùng với Hồ Thanh Dũng và Nguyễn Văn Chung. Rồi chỉ thời gian ngắn sau đó, với lối đá đa năng và sức cơ động mạnh mẽ, Dưỡng trở thành trụ cột không thể thiếu của HQ.

 

Thời đó Dưỡng có lối chơi gan lì, tốc độ đi bóng rất cao và tài giữ bóng thì không thể chê vào đâu được. Lúc đó anh gần như là cầu thủ VN duy nhất có những động tác xử lý liên hoàn đều bằng má ngoài từ chuyền bóng, nhận bóng, đi bóng và sút bóng. Những cú sút của Dưỡng luôn căng và mạnh đến nỗi bóng đi nhanh nhiều khi không quan sát kịp.

 

Dưỡng nhắc lại: “Trận mở đầu vòng 2 giải VĐQG năm 1985, HQ gặp CSG hòa 2-2 phải đá đến loạt luân lưu thứ 7 mới xác định CSG thắng. Lúc đó tôi sút 11m quá mạnh đến nỗi bóng đi rách lưới bay thẳng lên khán đài. Nhiều người tưởng không vào nhưng khi kiểm tra lại lưới thì thủng nguyên một lỗ”. Nhưng Dưỡng lại tự nhủ: “Tôi chưa bao giờ cho rằng mình đá 11m tốt. Trận đấu vòng 2 giải VĐQG năm 1986 trên sân Đồng Nai gặp CLB Quân đội, 2 đội hòa 1-1 sau thời gian đá chính. Nếu HQ thắng 11m là hạng nhì. Nhưng trận đó tôi sút hỏng một quả nên HQ thua 2-3”.

 

Trong 3 mùa SEA Games liên tiếp, Dưỡng đều có tên trong đội tuyển, nhưng đúng là “học tài thi phận”, cả 3 lần Dưỡng đều rớt, có phần lỗi do mình nhưng cũng có phần do khách quan đưa đẩy. Nói chung những sự kiện lớn, Dưỡng đều nhận phần thua thiệt dù trong tập luyện, HLV Nguyễn Kim Hằng nhận xét Dưỡng luôn là cầu thủ siêng năng, bao giờ cũng biết đặt lợi ích của toàn đội lên trên.

 

Ghé thăm nhà của Dưỡng ở khu tập thể Hải Quan, không thể không xót xa vì đó chỉ là căn phòng rộng chưa đến 10m2, cả hai vợ chồng đều không có việc làm trong khi các con đang tuổi lớn. Dưỡng nói: “Nhiều lúc tôi rất khát khao có được một căn hộ rộng hơn nhưng giờ biết làm gì đây để có đủ tiền mua nhà. Ao ước đó chắc sẽ không thành hiện thực. Tôi chỉ hy vọng con gái tôi, cháu Trương Thái Thảo Nguyên đang trong đội tuyển bóng rổ năng khiếu TP.HCM sẽ có được vị trí xứng đáng hơn tôi sau này…”.

 

Trương Văn Dưỡng sinh ngày 1.12.1963, bắt đầu tập từ đội Công an TP.HCM rồi vào trường năng khiếu, thi đấu cho Hải quan từ cuối 1983, vô địch QG năm 1991, hạng ba năm 1986, vô địch giải khu vực phía nam 1988, 2 lần đoạt Cúp QG năm 1996, 1997.

Nguồn: Báo Thanh niên