Một thời tung hoành sân cỏ: Dị nhân Võ Bá Hùng

Trong các tiền vệ nổi danh một thời của bóng đá miền Nam, cái tên Võ Bá Hùng có một vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ qua biệt tài mở bóng trăm quả như một.

Trong các tiền vệ nổi danh một thời của bóng đá miền Nam, cái tên Võ Bá Hùng có một vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ qua biệt tài mở bóng trăm quả như một.

 

Ông Hùng vẫn còn rất tâm huyết mỗi khi nói về bóng đá – Ảnh do nhân vật cung cấp

Đôi chân “chim”

So với nhiều cầu thủ trước 1975, Võ Bá Hùng có một đôi chân khác thường mà nhiều chuyên gia thời đó gọi là chân “chim”. Đơn giản vì 2 bàn chân của danh thủ này rất bé nên đôi giày ông mang phải vào loại nhỏ nhất (số 5), được thiết kế đặc biệt dành riêng cho ông. Chân nhỏ nhưng mu bàn chân dày thịt nên nếu mang đôi giày số 5 bình thường, ông không thể siết chặt dây và khó chạy được. Chẳng biết có phải nhờ đôi chân “chim” hay không mà Võ Bá Hùng nổi tiếng về sự tinh tế khi xử lý bóng. Nhờ cái cổ chân rất dẻo và động tác ra chân lắc bóng rất điệu nghệ, nên những đường chuyền khi thì chọc khe, lúc “xỏ lỗ”, khi ngắn lúc dài của danh thủ này làm cho hậu vệ đối phương bị “sửa lưng” hoặc giật mình không thể phán đoán.

 

Thời đó, đàn anh Đỗ Thới Vinh được coi là “ông vua” tuyến giữa trong sơ đồ chiến thuật WM (3-2-2-3) nhờ lối chơi đẹp và tinh quái. Sau đó Võ Bá Hùng nổi lên với những cú mở bóng hết sức khôn ngoan và hiệu quả, kỹ thuật nhưng lại rất biến hóa không chê vào đâu được, thì ông trở thành trung tâm chú ý của người hâm mộ. Từ đó đôi chân “chim” hình thành nên tên tuổi của “sóc nhỏ” Võ Bá Hùng.

 

Võ Bá Hùng kể lại: “Hồi đó tôi đến với bóng đá chậm hơn một số đồng nghiệp vì nhiều lý do, chủ yếu là chơi phong trào cho các trường học chán chê rồi mới đến với bóng đá đỉnh cao. Nhưng khi hòa nhập được rồi lập tức tôi được gọi ngay vào đội tuyển thiếu niên rồi thanh niên miền Nam. Thật ra đôi chân của tôi cũng không có gì lạ, nhưng mỗi khi xỏ giày vào tôi cảm thấy đó là chỗ mà tôi truyền hết cảm xúc vào để tạo nên những đường chuyền ưng ý nhất”. Có lẽ nhờ tài nghệ điêu luyện như làm xiếc với quả bóng và tính cách của một “ông chủ” ở giữa sân mà nhiều năm liền Võ Bá Hùng đã được chọn làm đội trưởng đội AJS và đội tuyển miền Nam. Thống kê thời đó cho thấy ngoại trừ năm 1966, do phong độ bị ảnh hưởng bởi chấn thương, Võ Bá Hùng không có mặt trong đội tuyển đoạt Cúp Merdeka, nhưng trước và sau đó không có thành tích tốt nào của đội tuyển miền Nam mà lại thiếu ông.

 

Cái duyên với Weigang

Dù không cùng HLV Weigang giành cúp tại Malaysia, nhưng cuộc đời đá bóng của Võ Bá Hùng cũng như sau này đều có duyên với ông thầy người Đức. Ông Hùng nhớ lại: “Những năm 1964, thầy Weigang khi đó đang dạy trường Kỹ thuật Cao Thắng. Tôi thì lại đá cho đội học sinh trường Văn Hiến, có dịp làm quen với thầy. Những lần trò chuyện tôi nhận thấy kiến thức bóng đá của thầy Weigang rất sâu sắc nên rất nể phục. Khi tôi lên tuyển thiếu niên, chính thầy Weigang dắt đi thi đấu ở Nhật Bản. Lúc đó dù chưa có thành tích nào, nhưng tôi và nhiều cầu thủ khác không hề ngán đội Nhật. Một phần vì khi đó được đá với các đội ngoài Đông Nam Á, chúng tôi rất hưng phấn muốn chứng tỏ, phần khác chính thầy Weigang đã “lên dây cót” cho chúng tôi, tiếp thêm sự tự tin và tinh thần mạnh mẽ”.

 

Ông Weigang chia tay với bóng đá VN vào năm 1968 và mãi đến năm 1994 mới trở lại. Ông Hùng kể: “Gần 30 năm chúng tôi không liên hệ với nhau nên thực sự tôi cũng không nghĩ mình sẽ góp phần đưa ông trở lại với bóng đá VN. Tình cờ tôi được biết ông tham gia giảng cho lớp HLV của FIFA tổ chức tại Hà Nội nên đã nhờ người bạn liên hệ, tập hợp các anh em cựu cầu thủ như Tam Lang, Mộng… tổ chức đón ông bay vào TP.HCM. Trong lần hàn huyên sau thời gian dài xa cách đó, tôi đã đưa ra lời thỉnh cầu ông giúp đỡ cho bóng đá VN. Sau đó tôi có gửi thư cho một lãnh đạo LĐBĐ VN kể lại câu chuyện với ông Weigang và có đưa ý đó khi phát biểu đóng góp xây dựng cho bóng đá VN với chú Sáu Dân. Điều tôi rất mừng là chỉ vài tháng sau khi trở lại VN, ông đã chính thức trở thành HLV trưởng đội tuyển. Từ đó VN mới có chiếc HC bạc đầu tiên tạiSEA Games sau 20 năm không tham dự”.

 

Tâm huyết với bóng đá TP.HCM

Võ Bá Hùng và HLV Weigang

Sau ngày đất nước thống nhất, Võ Bá Hùng tham gia đội Công Nhân Hóa Chất và bộ đôi Hùng – Chiến (Huỳnh Văn Chiến) trở thành cặp tiền vệ gieo rắc kinh hoàng cho mọi hàng thủ thời đó. Với phong độ và bản lĩnh thi đấu dày dạn của mình, hai ông làm bóng cực tốt cho các mũi nhọn Tiết Anh, Tư béo, Bửu ghi bàn. Sau khi đội Công Nhân Hóa Chất giải thể năm 1980, Võ Bá Hùng cũng lùi về phía sau tham gia các giải phong trào, huấn luyện cho đội Công ty Cấp nước. Đến cuối thập niên 1980, đội Lão tướng văn phòng UBND TP.HCM ra đời với Võ Ba Hùng làm HLV. Đội hình thời đó rất mạnh với Bùi Thái Huệ, Đỗ Cẩu, Cù Hè, Đinh Văn Tám (Tám hoa), Lê Kim Thanh (Bình lùn), Trần Ngọc Hải (Hải soa), Nguyễn Văn Thành và có cả ông Trần Văn Tạo sau này là Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM nhiệm kỳ 2003-2007 và nghệ sĩ Việt Anh. Đội lúc đó đá đâu thắng đó và duy trì tập luyện rất đều đặn.

 

Không dừng lại ở đội lão tướng, Võ Bá Hùng còn rất quan tâm, trăn trở với bóng đá TP.HCM. Ông Hùng kể lại: “Tôi được ông Võ Văn Kiệt giao tập hợp ý kiến anh em cựu danh thủ hiến kế, viết đề án xây dựng cho bóng đá thành phố. Sau nhiều lần chấp bút, chỉnh sửa, khi trình lên được chú Sáu hoan nghênh và chỉ đạo giao lại cho LĐBĐ TP.HCM xem xét thực hiện. Nhưng tôi chờ mãi không thấy động tĩnh gì từ các cấp có trách nhiệm, rồi sau đó mọi chuyện rơi vào quên lãng”. Sau “cú sốc” đó, ông Võ Bá Hùng có lúc đã nghĩ đến chuyện thuê sân làm trung tâm đào tạo trẻ của riêng mình, vì thấy TP.HCM lãng phí rất nhiều những danh thủ một thời, không sử dụng họ trong vai trò tìm kiếm, phát hiện, đào tạo tài năng trẻ. Nhưng ý định này cuối cùng cũng không thành vì không được tạo điều kiện tốt để đóng góp.

 

Võ Bá Hùng (đứng, bìa trái) dẫn dắt đội Lão tướng văn phòng UBND TP.HCM

Không làm được chuyện đào tạo trẻ, ông Võ Bá Hùng quay sang làm từ thiện. Nhờ em vợ là ca sĩ Thanh Mai vận động, thời gian đầu ông đã có được một số tiền kha khá để giúp các cựu cầu thủ. Sau đó công tác này chuyển cho Võ Thành Sơn và Tam Lang. Hai năm gần đây sức khỏe không còn tốt nên ông Hùng ít tham gia các trận đấu lão tướng và chỉ ngồi nhà chơi cây cảnh. Dù vậy mỗi khi nói về bóng đá, ông lại sục sôi như thể tâm huyết trong ông không bao giờ cạn…

 

Võ Bá Hùng sinh ngày 20.4.1948 tại Bình Dương, từng thi đấu cho các đội Viện Hối Đoái, Thương Khẩu, AJS (trước 1975), Công Nhân Hóa Chất (sau 1975), 4 lần tham dự SEAP Games từ 1967-1973, 2 lần HC bạc SEAP Games 1967, 1973, đồng vô địch giải Petra Sukan (Singapore) năm 1971 cùng với Ấn Độ. Hiện đang sinh sống cùng vợ con tại quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Nguồn: Báo Thanh niên