Một thời tung hoành sân cỏ: Chính “cối” và những tiếc nuối

Nhắc tới tên Chính “cối”, nhiều cầu thủ Việt Nam không khỏi nể sợ vì lối chơi quyết liệt của trung vệ khét tiếng một thời trong màu áo Tổng cục Đường sắt. Lê Khắc Chính được vị nể vì những ngón “độc” cướp bóng, mà trọng tài không thể rút thẻ ra phạt.

Nhắc tới tên Chính “cối”, nhiều cầu thủ Việt Nam không khỏi nể sợ vì lối chơi quyết liệt của trung vệ khét tiếng một thời trong màu áo Tổng cục Đường sắt. Lê Khắc Chính được vị nể vì những ngón “độc” cướp bóng, mà trọng tài không thể rút thẻ ra phạt.

 

Lê Khắc Chính

CâuchuyệnSEA Games 1991

Chính “cối” khi còn là cầu thủ hay bây giờ là Giám đốc điều hành Lê Khắc Chính của CLB HN.ACB vẫn giữ nguyên vẻ bề ngoài: từ mái tóc để dài phủ gáy, bấm bằng trước trán, cái mũi vẹo đến nước da đen bóng của những năm tháng “lăn” theo trái bóng. Chỉ có cách nói chuyện cho thấy Lê Khắc Chính hôm nay đã “biết cân nhắc” nhiều.

 

Lê Khắc Chính nhớ lại: “Tôi vẫn bức xúc với thông tin khi đó chê đội tuyển VN tham dự SEA Games 1991 tại Philippines rằng cả đội chỉ đá được 60 phút rồi… đi bộ, vì không chịu đá. Tiềm lực bóng đá Việt Nam khi đó mạnh lắm, chẳng ngán ngại bất kỳ đội tuyển nào trong khu vực, chứ không như bây giờ. Nhưng đội tuyển khi đó có những chuyện “tế nhị nội bộ” nên mới không thể đi sâu vào giải. Như vụ 11 cầu thủ đồng loạt bỏ về. Tiếp đến là việc HLV Vũ Văn Tư lặng lẽ rời Nhổn về miền Trung; rồi quay lại, nhưng không giữ chức HLV trưởng ĐTQG nữa, mà chỉ làm phó cho HLV Nguyễn Sĩ Hiển. Đội tuyển lên đường thi đấu với nhiều gút mắc cũng như vấn đề kỷ luật không được giải quyết ổn thỏa, nên mục tiêu giành huy chương không thể hoàn thành”.

 

Hai năm sau, ở tuổi 37, Lê Khắc Chính vẫn là đội trưởng của ĐTVN chuẩn bị tham dự SEA Games 17 ở Singapore. Nhưng vào phút chót, anh không thể lên đường cùng đồng đội, vì phải vào bệnh viện lo cho vợ bệnh nặng đột ngột. Ngẫm lại quãng thời gian gắn bó với đội tuyển, Chính “cối” khẳng định bằng giọng tự hào, rằng “đội tuyển có vấn đề, trục trặc ở đâu, chứ ở hàng phòng ngự nơi anh chỉ huy, tất cả đều ổn, bởi tuân thủ kỷ luật”. Nói vậy chứ làm sao không tránh khỏi tiếc nuối, bóng đá Việt Nam khi ấy dù mới trở lại hòa nhập với bóng đá quốc tế, nhưng lứa cầu thủ đó đâu kém gì lớp Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Công Minh… sau này toàn giành huy chương bạc, hay những nhà vô địch Đông Nam Á mới đây của HLV Calisto.

 

 

Lê Khắc Chính sinh ngày 14.11.1956; cao 1m74, 73 kg, thi đấu cho Tổng cục Đường sắt từ năm 1973, được triệu tập vào Đội tuyển thanh niên Việt Nam năm 1974, vô địch A1 toàn quốc lần đầu tiên năm 1980, á quân Cúp quốc gia năm 1993, 20 năm khoác áo ĐTQG.

 

Không có nhiều người biết Chính “cối” ban đầu chơi ở vị trí trung phong. Từ khi còn là cậu bé ham đá bóng ở phố Trần Nhật Duật, những buổi chiều tập bóng sân Long Biên với thầy Luyến “hói”, cho đến lúc học cấp 3 trường Việt – Đức, với chiều cao 1m74, nặng 73 kg, Chính nghiễm nhiên được giao một suất mũi nhọn trên hàng công. Năm 1973, được sự giới thiệu của thầy, Chính được mời về tập luyện và thi đấu cho Tổng cục Đường sắt. Quái ác, khi về đội bóng hàng đầu này, HLV Trần Duy Long, sau vài buổi tập, gọi riêng Chính ra một chỗ và ướm hỏi: “Tôi đưa cậu về đá trung vệ, có ý kiến gì không?”. Ngơ ngác và không ít thắc mắc, nhưng ham được chơi bóng, Lê Khắc Chính lẳng lặng gật đầu. Đến bây giờ, Chính “cối” vẫn không giải thích được nguyên nhân nào khiến ông Long lại đưa anh về chơi trung vệ, mà chỉ tự viện ra một lý do “có lẽ, là vì mình cao to và chơi quyết liệt”.

 

Những kỷ niệm

Cái biệt danh Chính “cối” cũng phần nào giải thích lối chơi quyết liệt của anh. Những cú băng cắt, đeo bám và đặc biệt là quái chiêu “cắt kéo” của Chính “cối” đến giờ này vẫn được nhiều tiền đạo lừng danh một thời nhắc đến, rồi lắc đầu chán nản. Lê Khắc Chính cười, có phần ngượng nghịu khi nghe đề cập về lối chơi “thích cho nằm sân được nằm sân, thích để khiêng cáng có khiêng cáng” của mình.

 

“Thực ra, nói tôi chơi “dữ” theo kiểu bạo lực sân cỏ thì không đúng. Tôi chơi hậu vệ, nhưng xuất thân là trung phong nên vẫn tôn trọng cái đẹp trên sân, nhưng vì biết tiểu xảo của các tiền đạo nên mình “bắt bài” được họ. Ngày đó, các tiền đạo cũng nhiều tiểu xảo lắm chứ, nhất là các đội như Sông Cấm hay Điện Hải Phòng. Mình chơi “hiền” là họ qua mặt ngay. Tôi may mắn có thời gian cùng đội tuyển đi tập huấn tại Leipzig (Đức) vào năm 1976. Lúc đó, ông Thọ “lắc” là HLV, nhưng sang đến nơi, đích thân HLV ĐT CHDC Đức huấn luyện từng hạng mục. Chính quãng thời gian này đã giúp tôi học hỏi rất nhiều. Đến khi về nước, và tới sau chuyến du Nam của Tổng cục Đường sắt, tôi mới được mọi người biết tới”.

 

Chính “cối” không giấu tự hào khi nhắc tới các danh thủ Tam Lang, Hồ Thanh Cang, Cù Sinh, Cù Hè, Tư Lê, Võ Thành Sơn, Minh nhí, Lưu Tấn Liêm…, những người từng đối mặt với anh trên sân cỏ hồi đó, và nể nhau tới bây giờ vì tài nghệ. Cựu trung vệ khét tiếng của BĐVN và Tổng cục Đường sắt cũng thừa nhận anh có may mắn khi được chơi bóng trong một đội hình nhiều cầu thủ giỏi, cá tính ở Đường sắt thời đó, nên mới có được sự nghiệp như hôm nay. Trong con mắt của Chính “cối”, lứa Thanh Sáu, Nam, Vinh, Quân “khỉ”, Từ Như Quang, Phương “tròn”, Thành “thủ”, Sơn, Hải “lơ”, Hoàng Gia, Minh Điểm, Kỳ Thụy, Chung “xe ca”… thực sự đã đưa Tổng cục Đường sắt trở thành một đội bóng mạnh trong làng bóng đá Việt Nam thời giữa thập niên 70, đầu 80.

 

Có một điều khiến Chính “cối” ray rứt mãi là quả 11m thực hiện hỏng, trong trận đấu với Thể Công tại giải vô địch toàn quốc (1981). Trên sân Thống Nhất, Chính “cối” thực hiện thành công quả 11m đầu tiên vào lưới TM Trần Văn Khánh, đưa Đường sắt dẫn trước 1-0. Thể Công vượt lên dẫn lại 2-1. Khi Đường sắt lại được hưởng quả penalty ở phút 85. Chính đĩnh đạc bước lên đặt bóng vào chấm phạt đền, lùi lại 5 bước, lấy đà chạy, đổi góc sút và… bóng bay chệch cột dọc khung thành. Cả đêm đó, Chính “cối” mất ngủ.

 

Bây giờ, ngồi trên cương vị GĐĐH một CLB bóng đá, nhìn sang anh em đồng đội, Lê Khắc Chính có quyền tự hào chút ít về thành công… ngoài sân cỏ. Nhưng, giấu đằng sau nụ cười ngoại giao thường thấy ở các nhà quản lý, Chính “cối” vẫn trăn trở với nghiệp cầm quân, truyền đạt lại những ý tưởng, hướng dẫn các cầu thủ từng động tác, ứng phó với từng tình huống thực tế trên sân…

 

Năm 1994, Chính “cối” chính thức treo giày ở tuổi 39, trong sự thở phào nhẹ nhõm của không ít… tiền đạo. Ngày đó, anh những muốn dứt hẳn môi trường bóng đá, đi làm kinh tế để cải thiện đời sống gia đình. Nhưng số phận đẩy đưa, Chính vừa đi học Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), vừa kiêm nhiệm công tác huấn luyện cầu thủ trẻ của Đường sắt. Cuộc sống bóng đá của anh cứ bình lặng trôi, nếu như không có sự kiện đội Tổng  cục Đường sắt giải thể và mất phiên hiệu (2000). Ngân hàng ACB “nhảy” vào tiếp nhận. Chính “cối” tâm sự: “Tôi vẫn biết Hà Nội ACB đang có nhiều khó  khăn, nhưng là cầu thủ  thì mình phải có kỷ luật và sống có trước có sau thì mới làm gương cho anh em. Ngay con tôi là Lê Đức Tuấn, tôi cũng căn dặn phải có tình với nơi nuôi dưỡng mình trưởng thành thì sau này mới ngẩng mặt lên với đời”.

Nguồn: Theo Thanh Niên