Một thời tung hoành sân cỏ: “Cái đầu vàng” Nguyễn Văn Mộng

Những năm thập niên 1990, lò đào tạo bóng đá trẻ đầu tiên của VN ra đời ở Đa Phước gắn liền với cái tên Nguyễn Văn Mộng. Bằng tâm huyết của mình, ông đã mang lại sự tươi mát cho việc trồng người hệt như lúc nổi tiếng với tài không chiến của mình.

Những năm thập niên 1990, lò đào tạo bóng đá trẻ đầu tiên của VN ra đời ở Đa Phước gắn liền với cái tên Nguyễn Văn Mộng. Bằng tâm huyết của mình, ông đã mang lại sự tươi mát cho việc trồng người hệt như lúc nổi tiếng với tài không chiến của mình.

 

Ông Mộng trong đội cựu tuyển thủ – Ảnh: Khả Hòa

Chơi đầu làm người Nhật kiêng nể

So với nhiều đồng nghiệp cùng thời, cầu thủ Nguyễn Văn Mộng có phần may mắn vì khi chân ướt ráo rời quê Cần Giuộc, Long An, chỉ sau thời gian ngắn chơi cho đội Thương Khẩu ông đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh những nhà tuyển trạch và sớm có chân trong đội tuyển miền Nam.

Ông Mộng nhớ lại: “Trận đầu tiên khoác áo đội tuyển vào năm 1965 đá với CLB Odense, vô địch Đan Mạch, tôi đá góc phải và đã ghi bàn gỡ hòa trong trận này. Khởi đầu đội bạn ép sân dữ lắm, sau khi ghi bàn rồi còn muốn gia tăng cách biệt để đè đội VN luôn. Bấy giờ sau những phút đầu lúng túng, dần dần chúng tôi tìm lại sự tự tin. Khoảng phút 26, tôi lao theo tranh chấp đón đường chuyền hỏng của hậu vệ Odense rồi hãm lại bằng ngực xong tâng bóng xuống đùi, khi đó khoảng cách với khung thành của Đan Mạch là hơn 40m. Không chần chừ tôi quyết định sút luôn. Sút xong, tôi nheo mắt lại hồi hộp rồi chỉ kịp thấy lưới của đội bạn rung lên, mọi người ào vào ôm chầm lấy chia vui. Cảm giác khi đó không gì sướng bằng”.

 

Từ tiền đạo nhưng nhờ nhảy tranh chấp giỏi, nhất là những pha băng cắt bằng đầu rất nhanh, rất quyết đoán của Mộng đã giúp HLV Weigang nhìn thấy ở ông một tầm bao quát cũng như cách chơi không chiến hiện đại. Thế là nhà cầm quân đội tuyển đã kéo Mộng về đá trung vệ bên cạnh Tam Lang. Chính sức bật mạnh mẽ cùng với khả năng tì đè khôn ngoan và phán đoán chọn điểm rơi hợp lý đã đưa tên tuổi của ông bay cao vào những năm 1966-1974. Ông Mộng kể: “Ban đầu khi chơi trung vệ, tôi cũng hơi lo vì mình vốn quen xông xáo, chạy nhiều luôn đánh lừa đối phương để có bóng, bây giờ phải quay sang kèm cặp, quay sang lẽo đẽo đi theo cầu thủ tấn công của đội bạn, có gì đó cũng ấm ức khó chịu. Nhưng dần dần tôi thấy vai trò này nếu biết chơi có tổ chức sẽ giúp mình phát huy được ảnh hưởng trên sân, nhất là khi tôi rèn luyện thuần thục cho mình một độ dừng trên không khi nhảy đánh đầu. Lúc đó mỗi lần bật lên tranh bóng với đối thủ to cao, dù chỉ cao 1m70 nhưng tôi luôn có được sự chủ động, giữ được một nhịp khựng lại trên cao để đón bóng trên tầm đầu rồi phá ra”.

 

Nguyễn Văn Mộng sinh ngày 10.10.1946, HCV Merdeka năm 1966, đồng vô địch giải Presta Sukan 1971, 4 lần dự SEAP Games, á quân năm 1967 và 1973, 2 lần dự Asiad 1966, 1970, dự vòng loại Olympic 1968, tham gia đội tuyển miền Nam từ 1965-1974, nổi tiếng trong vai trò trung vệ thường mặc áo số 4, hiện vẫn đang chơi cho đội cựu tuyển thủ và sống tại đường Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM).

Có lẽ chiến công ấn tượng nhất đến giờ này của ông Mộng chính là lần ông thắng được những cú nhảy đánh đầu với tiền đạo to cao người Nhật Bản Kawamoto – cao 1m92 – ở vòng loại Thế vận hội năm 1968 tại Tokyo, khiến cho các cầu thủ Nhật Bản kiêng dè và giới hâm mộ bóng đá Nhật Bản lúc đó phải thốt lên làm thế nào mà một cầu thủ nhỏ người lại có thể khóa được một tiền đạo cao to như thế. Ông Mộng bồi hồi: “Năm đó, VN rơi vào bảng rất “xương” vì Nhật Bản và Hàn Quốc rất mạnh, mình không có hy vọng gì và chỉ về thứ 4/6 đội trong bảng sau khi thắng Philippines 10-0, Đài Loan 3-0, hòa Li-băng 1-1 và thua 2 đội này. Nhưng chính Nhật Bản khi gặp đội tuyển miền Nam đã chơi vô cùng khó khăn. Lúc đó tôi được giao kèm Kawamoto. Trên sân khi đi ngang với anh ta tôi chỉ đứng đến vai vì thấp hơn 20 cm. Nhưng tôi không ngại. Bằng những gì học hỏi được ở thầy Weigang cũng như các bậc đàn anh, tôi lăn xả tranh chấp quyết liệt, phán đoán cắt hết các pha trên cao làm cho đối thủ bị bất ngờ. Chỉ tiếc rằng sau đó VN thua 0-1 ở những phút chót, nhưng với riêng mình tôi rất tự hào vì đã hoàn thành được nhiệm vụ không cho anh ta ghi bàn”.

 

Trăn trở với Đa Phước

Ông Mộng đúng là có cái đầu theo cả 2 nghĩa. Không những là trung vệ đánh đầu hay mà còn trực tiếp ghi đến 22 bàn bằng đầu trong sự nghiệp của mình. Chia tay với sân cỏ năm 1978, ông nung nấu hoài bão muốn truyền đạt lại kiến thức cùng những gì thu lượm được của mình cho lớp đàn em, nên rất chịu khó đi khắp nơi “gõ cửa” để mong có một nơi đào tạo đàng hoàng, nghiêm túc. Thế nhưng từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Củ Chi, dù ở đâu ông cũng được trọng dụng, song đụng vào cơ chế thế là ông “bó tay”. Năm 1991, ông Mộng đi định cư ở Mỹ, nhưng chỉ 9 tháng 3 ngày ông lại trở về VN vì cảm thấy vẫn nhớ bóng đá da diết, vẫn muốn làm một điều gì đó cho bóng đá VN.

 

Được sự giúp đỡ của người em, ông Mộng đã tìm mua mảnh đất ở Đa Phước (huyện Bình Chánh). Ban đầu vốn ít, ông chỉ làm sân bóng mini mỗi chiều tập hợp các cựu cầu thủ lại tập luyện vào năm 1993. Sau đó con tim ông thôi thúc phải mở trường dạy bóng đá. Thế là ngày 21.11.1997, trường đào tạo bóng đá tư nhân Đa Phước ra đời. Đó là một cú đột phá lý thú, là mô hình xã hội hóa đầu tiên của bóng đá trẻ mà giờ đây có rất nhiều đơn vị đang xắn tay vào làm.

 

Tiếng lành đồn xa, trường Đa Phước toàn là những tên tuổi gạo cội trong làng bóng miền Nam trước đây trực tiếp chỉ dạy như Hà Tam, Tư Lê, Thuận, Xinh nên dù đường đi hơi xa nhưng từ 30 em ban đầu chỉ trong thời gian ngắn đã lên đến 250 em. Ông Mộng còn “chịu chơi” ở chỗ giảm học phí đến mức tối đa, thậm chí không lấy tiền với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ông kể: “Lúc đó chúng tôi bỏ bạc tỉ vào nhưng nói thật chỉ lượm bạc cắc. May là mỗi tháng tôi được một HLV bên Đức là ông Helmer của CLB FC Cologne quý mến việc mở trường nên giúp đều đặn 500 USD, liên tục trong 4 năm. Ngoài ra một số bạn bè khác và gia đình hỗ trợ nên nhờ vậy cũng trang trải được phần nào”. Thế mạnh của Đa Phước khi đó là dạy chuyên kỹ thuật căn bản kết hợp với uốn nắn về đạo đức, lối sống lành mạnh để duy trì tốt thể lực nên rất nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em.

 

Thế nhưng vốn cạn, không có nguồn tái đầu tư nên tâm huyết của ông Mộng và bạn bè cũng không thể kéo dài. Sau 11 năm đứng vững trước phong ba bão táp, Đa Phước đã phải kết thúc việc trồng người vào năm 2008. Ông Mộng buồn bã: “Tôi đau lòng lắm khi đứa con mình sinh ra lại không thể sống khỏe, nhưng biết làm sao được khi sức người có hạn. Giờ đây tôi phải cho thuê sân để trang trải cho những chi phí bảo dưỡng và chờ đợi một ngày nào đó có cơ hội sẽ gầy dựng lại…”.

Nguồn: Theo Thanh Niên